KHÁT VỌNG VỀ MỘT ĐÀ NẴNG CA

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

KHÁT VỌNG VỀ MỘT ĐÀ NẴNG CA - 1

Đà Nẵng là một thành phố lớn giữa miền Trung, Thời chống Mỹ đã có bài hát “Đà Nẵng rực lửa chiến công” của Thái Cơ; “Gửi Đà Nẵng thân yêu giữa những ngày bão tố” của Cầm Phong (Thơ Lưu Trùng Dương) rất nổi tiếng. Thời hậu chiến lại có “Đà Nẵng ơi chúng con đã về” của Phan Huỳnh Điểu; “Sông Hàn vang tiếng hát” của Huy Du (Thơ Dương Hương Ly) đã vang vang những năm tháng đầu giải phóng và sau đó cho đến nay, dễ cũng đã có tới trên dưới trăm bài. Nhưng lãnh đạo và người dân Đà Nẵng vẫn khát khao có một “Đà Nẵng ca” mang tầm cỡ như “Thành phố hoa phượng đỏ” (Nhạc Lương Vĩnh, thơ Hải Như) của Hải Phòng, “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi) của Hà Nội, “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” (Xuân Hồng), “Huế thương” (An Thuyên)… Bởi vậy, đầu tháng 9.2011, với ý nghĩa chào mừng “Ngày Âm nhạc Việt Nam 2011”, chào mừng kỷ niệm 15 năm TP.Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, Hội Âm nhạc Đà Nẵng đã mở Trại Sáng tác Âm nhạc Đà Nẵng. Đã có 90 ca khúc của Hội viên và nhiều nhạc sĩ khắp nơi gửi về hưởng ứng Trại. Xem ra, khát vọng về một “Đà Nẵng ca” ngày cáng chín hơn và sôi sục hơn trong làng nhạc Đà Nẵng nói riêng và nhạc sĩ sáng tác nói chung. Và điều đó được nhân ra ngay trong bản thảo tác phẩm.

Lão tướng Thanh Anh từng rất nổi tiếng với “Cô du kích Đà Nẵng” thời chống Mỹ, giờ với phong độ ấy thêm chất ngẫm nghĩ của tuổi già, đã đưa âm hưởng dân ca xứ Quảng vào “Về thăm thành phố quê hương” (Thơ Vạn Lộc) rất tinh tế và ngọt ngào. Và nhiều tự sự trong bài “Dòng sông tôi yêu” (thơ Bạch Mai Huyên). Tác giả Trần Bình với nhịp điệu trẻ trung trong “Đà Nẵng yêu thương”. Nhịp điệu trẻ trung, chất ngất trong “Biển phố tình yêu” của tác giả Lương Sĩ Linh, trong “Đã Nẵng bên em” và “Nhớ anh” (thơ Vạn Lộc) của Thái Phú. Ông bạn già “Tám xòa” của tôi tác giả Nguyễn Văn Tám lúc nào cũng hồn nhiên như thủa thanh xuân, đưa ra bộ tứ bình “Đà Nẵng, nơi tôi về”, “Dòng sông tuổi thơ”, “Thành phố bên sông Hàn”, “Chiều cửa biển” đầy trữ tình và lãng mạn. Tác giả Trịnh Tuấn Khanh lại tự sự sâu lắng, da diết trong “Ký ức vùng ven”. Tác giả Trần Ái Nghĩa vẫn mạnh mẽ, sôi động trong “Hải Châu viên ngọc biển” và dịu dàng Boléro trong “Lời yêu trên đỉnh Bà Nà”. “Bến đợi” của tác giả Nguyễn Thanh Tố phổ thơ Trần Nhật Tân tuy không có chữ Đà Nẵng nào trong ca từ, nhưng vẫn gợi ra những bến bờ Đà Nẵng và ca khúc “Thành phố biển xanh và cát trắng” cũng chỉ có từ Đà Nẵng ở câu kết cuối cùng. Tác giả Phương Tài với giọng ca trầm ấm hình như viết “Khúc hát tâm tình” và “Liên Chiểu quê tôi” là để dành cho chính mình suy tư và ngẫm ngợi. Tác giả Trần Phước Khiêm cũng đầy tâm trạng trong “Hoa nở bên dòng sông”, “Như chưa hề có cuộc chia ly” (thơ Việt An). Tác giả Minh Đức tinh tế trong thơ Thuận Hữu để viết ra “Thành phố và em” với điệu thức chủ La thứ luôn luôn muốn cựa quậy sang Đô trưởng. Tác giả Nguyễn Bá Sĩ thổ lộ chân thành, nhẹ nhàng trong nhịp 3/8 ở “Hãy hát về thành phố tôi”. Tác giả Phan Thanh Trường có vẻ là một “fan” cứng của nhạc Trịnh trong “Bên tượng đài người mẹ”. Tác giả Phạm Quang Trung đưa ta trở về với ký ức hào hùng ngày giải phóng qua “Chào mừng Đã Nẵng ngày quê hương giải phóng” (Thơ Trường Sơn). Và sắc màu của Đà Nẵng trong các cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế qua bài “Lung linh sông Hàn”. Tác giả Mai Danh cũng tỏ ra rất vui mừng trước ngày hội pháo hoa Đà Nẵng qua “Mang tình yêu Đà Nẵng đến muôn người”. Nữ tác giả Nguyễn Thị Thanh Hiền có vẻ vẫn chưa muốn rời bỏ cấu trúc ca khúc Pháp từ xửa xưa trong “Sông Hàn khúc hát mùa Xuân”. Cũng là sự thổ lộ đáng trân trọng bằng hơi thở BoLéro “Đà Nẵng sông Hàn bến mơ” như một tâm sự dài không cần cao trào. Tác giả Trịnh Mạnh Hùng mong muốn vươn tới một tác phẩm hoành tráng về sông Hàn qua “Sử thi sông Hàn” (thơ Nguyễn Nhã Tiên) và tỏ ra đa dạng trong bộ ba “Một thời để nhớ” (thơ Phùng Ngọc), “Trường Sa sóng hát”, “Lời nguyền” (thơ Thuận Tình). Tác giả Hướng Dương tư duy rất thanh thoát và rất giản dị trong “Dịu dàng con phố xanh”, “Chợt nhớ” (thơ Lê Huy Hạnh), “Lửa cho con” (thơ Văn Luân), “Đà Nẵng trong tôi” (Thơ Võ Đức Hưng), “Về nghe mẹ hát” (thơ Văn Luân). Cũng lạ khi tác giả Trương Xuân Hùng định nghĩa lại Đã Nẵng qua “Thu về trên sông Hàn”, “Nối nhịp cầu mơ”. Tác giả Trương Duy Huyến vẫn chung thủy với những giai điệu thiếu nhi qua “Vũ khúc dưới trăng”, “Non nước vào thu” (lời Lê Thành). Tác giả Phạm Quang Thức chợt có bước lùi quãng bảy rất lạ trong “Bài ca Đà Nẵng” (thơ Thùy Nga, Phạm Quang Thức). Tác giả Nguyễn Đức vẫn đầy hồ hởi, mới mẻ trong “Thành phố bên bờ biển xanh”. Tác giả Nguyễn Duy Khoái đầy tự tin trong “Thành phố niềm tin”. Tác giả Phạm Văn Sơn với điệu thức Mi trưởng, khái quát một không gian thoáng đãng của Đà Nẵng qua bài “Thành phố tháng Giêng”. Tác giả Đỗ Xuân Đồng cán bộ Ngân hàng Công thương mê văn nghệ, cũng gửi lòng mình vào giai điệu qua “Chiều về trên sông Hàn”, “Đêm hoa đăng, Đà Nẵng gọi ta về”. Tác giả Kim Hùng cũng xúc động và “Ngũ tử” tác phẩm “Đà Nẵng quê anh” nhịp Slow – Rock, điệu thức Si trưởng (5 dấu # ở hóa biểu) và dễ thương với “Mùa pháo hoa kỷ niệm” chép tay bản thảo rất ngộ. Tác giả Cao Tâm mộc mạc trong “Thương lắm Đà Nẵng yên bình” (thơ Lê Thanh Minh). Cũng mộc mạc không kém, tác giả Trương Công Ảnh ở Công ty Điện lạnh Khu Công nghiệp Hòa Khánh với “Đà Nẵng xưa và nay”, “Trường Định khúc ru hời”, “Biển hát mãi lời ru của mẹ”. Tác giả Trần Ngọc Sanh rất cô đọng nhưng lại rất mênh mang trong “Mỹ Khê chiều biển ở cùng tôi” (thơ Nguyễn Nhã Tiên). Tác giả Trúc Nam lại vui với niềm vui “Hoa điện” (thơ Lê Thanh Minh). Đinh Gia Hòa có lẽ là người đầu tiên đề cập đến cầu Rồng qua “Đã Nẵng đẹp như mơ”. Nguyễn Văn Hiếu cũng tìm cách gắn bó với dòng sông yêu thương qua “Lời ru sông Hàn” (thơ Bùi Tự Lực). Tác giả Trung Chính với nhịp điệu vui tươi lạc quan qua “Đà Nẵng vào Xuân” (Thơ Trần Phước Ninh). Cặp bài trùng Đình Thậm và Ngân Vịnh lần này lại thẩm thấu Đà Nẵng bằng nỗi nhớ qua “Nhớ Đà Nẵng” với tiết nhịp Bossanova uyển chuyển. Với Trương Quang Thành, thực ra, “Hát cùng dòng sông” của anh chỉ là một ca khúc hai đoạn đơn, nhưng tác giả đã rất “linh động” khoác cho nó chiếc áo hợp xướng cũng bởi lòng nhiệt tình với thành phố của mình khác với Trương Quang Thành, bậc thày Phan Ngọc lại gọi “Tình yêu Hoàng Sa” của mình là một trường ca với 3 phần “Tình yêu Hoàng Sa”, “Ra khơi”, “Cát vàng”. Các phần đều chung điệu thức La thứ, đều viết ở thể 2 đoạn đơn, nhưng sử dụng bè, các thủ phát hát đuổi, hát nổi các giọng nam nữ. Có thể gọi “Tình yêu Hoàng Sa” là một liên ca khúc mang hình thức hợp xướng được chăng? Tác giả Trần Hồng Tuy ở Đà Nẵng nhưng quê ở Quảng Ngãi, nhận Non Nước làm quê hương qua “Ngũ Hành Sơn quê tôi” và một nửa tác phẩm “Trăng hoa biển” là thơ của Thanh Thảo, nhà thơ Quảng Ngãi. Tác giả Xuân Minh lâu nay đã được biết đến với những giải thưởng hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong lần dự thi này, Xuân Minh muốn mang tới một cảm nhận mới về Đà Nẵng qua “Nhịp sống thành phố” (lời Đức Phong). Nhịp sống này được nhấn bằng những biến phách thường xuyên, hình như để gửi gắm một sức sống chưa biết dừng lại của Đà Nẵng. Sự tươi vui của Đà Nẵng mới qua những tươi vui khác lạ. Nữ tác giả Minh Đường cũng gửi gắm niềm vui và nỗi niềm riêng qua “Bốn mùa Đà Nẵng”. Tác giả Thái Nghĩa mặc dù rất bận bịu với công tác phong trào và các hoạt động âm nhạc khác của Hội Âm nhạc và của Đài PT-TH Đà Nẵng, vẫn phối hợp với nhà thơ Lê Thị Thu Sinh để có bài hát bất chợt “Cảm tác Ngũ Hành Sơn” một địa danh nổi tiếng với thắng cảnh và chiến tích, đã và đang được thành phố Đà Nẵng quy hoạch thành Khu Du lịch tâm linh. Và nếu như Nhà thơ Bùi Công Minh nổi tiếng với bài thơ “Hành khúc ngày và đêm” (Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc), “Trên những tuyến đường quan họ” (Đoàn Nhương phổ nhạc), “Sông Hàn tuổi mười tám” (Minh Khang phổ nhạc), thì nay, chẳng những anh vẫn làm thơ mà còn dành thời gian viết nhạc. Trong đó, anh gửi hưởng ứng Trại như gửi gắm chút niềm riêng khiêm tốn cho Thành phố đáng yêu qua ca khúc “Một chút tâm tình”.

KHÁT VỌNG VỀ MỘT ĐÀ NẴNG CA - 2

Sông Hàn hoàng hôn. Ảnh: Văn Nở

Trại Sáng tác Đà Nẵng còn nhận thêm được những tác phẩm của các tác giả ngoại tỉnh nhiệt tình gửi về góp lửa. Tác giả Lê Anh của Huế thật lạ trong thiết tấu ở “Bài thơ trên cao” (thơ Nguyễn Ngọc Hạnh). Tác giả Trương Pháp (Huế) với khúc thức ngắn gọn qua “Thành phố có năm ngọn núi” (thơ Nguyễn Xuân Tư). Tác giả Hoàng Tú Mỹ ngoại bát tuần ở Hội An lại rất trẻ khi đưa ra “Đà Nẵng khúc hoan ca” bằng thiết điệu cha cha cha (lời Lê Văn Tâm). Cũng thế, tác giả Phan Văn Minh ở Thăng Bình, Quảng Nam, lại qua “Thành phố những cánh diều”. Tác giả Hoàng Bích tuy đã về công tác với Quảng Nam nhưng vẫn thủy chung tình nghĩa giữa Quảng Nam và Đà Nẵng với bài “Quảng Nam Đà Nẵng một khúc ca” và nghĩ về một Đà Nẵng là nghĩ đến sự tươi tắn, năng động, thân thiện qua bài “Đà Nẵng Thành phố triệu nụ cười”. Tác giả Duy Thanh ở Quảng Ngãi cũng góp niềm vui qua bài “Bà Nà nhớ” và “Đà Nẵng thành phố biển quê hương”. Tô Hải (Nha Trang) cũng góp lửa qua “Tình ca gửi sông Hàn” (thơ Nguyễn Nhã Tiên), “Thành phố ước mơ xanh”, “Đã Nẵng một tình ca”. Tác giả Bùi Nguyên Lâm (Thành phố Hồ Chí) Minh cũng nhiệt tình góp lửa qua “Lung linh sắc hoa”, “Thành phố muôn sắc hoa”, “Biển xanh yêu thương”. Cũng từ Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Vũ Hoàng đã biết khai thác nét dân ca miền Trung qua bài “Tự tình Đà Nẵng” (thơ Võ Kim Ngân); nét nhạc trẻ trung và trong sáng của Quỳnh Hợp qua “Mênh mông Bà Nà” (thơ Nguyễn Ngọc Hạnh); và những chùm 3 sinh động của Phạm Anh Cường qua “Thành phố hạnh phúc” cùng nét nhạc dàn trải, hồi tưởng trong “Chuyến phà dĩ vãng”. Đặc biệt, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tuy vào sống ở TPHCM đã lâu, nhưng vẫn từng giờ cập nhật thông tin về quê hương Đà Nẵng và cũng nhiệt thành gửi hưởng ứng Trại qua tác phẩm “Hát về thành phố quê hương”, rất giàu ký ức, giàu nhớ mong. Tác giả Vũ Viết Đắt ở văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh cũng qua thơ Nguyễn Đức Hiền mà gửi mà gửi gắm vào “Gửi thành phố Sông Hàn”. Tác phẩm viết ở điệu thức Đô trưởng xuống quá trầm (nốt Mi ngoài dòng kẻ). Có thể tăng lên điệu thức Mi giáng trưởng thì sẽ hợp cho gọng hát hơn. Hà Nội cũng có 3 tác giả góp lửa là nữ tác giả Nguyễn Hằng Giang qua “Đà Nẵng quê hương tôi” Vũ Thiết với “Nồng say Đà Nẵng”, “Đà Nẵng của tôi” và Đỗ Hồng Quân với bài “Thành phố tôi Đà Nẵng” và tất cả đều rất say sưa kỹ lưỡng.

KHÁT VỌNG VỀ MỘT ĐÀ NẴNG CA - 3

Biển hè. Ảnh: Ông Văn Sinh

Đọc bằng mắt tất cả 90 tác phẩm để nói được gì về sự thành công của Trại thì quả là điều không dễ. Nhưng nếu chân thành thì lại không khó chút nào. Bằng nhiệt huyết với Đà Nẵng, bằng khát vọng về một “Đà Nẵng ca”, các tác giả đã chop thấy sự nỗ lực Lao động nghệ thuật của mình qua từng tác phẩm. Ở đâu cũng thấy cảm xúc dễ thương. Nhưng có lẽ, một Trại Sáng tác thôi vẫn chưa vẫn là chưa đủ trên con đường đi tìm “Đà Nẵng ca”. Có thể vẫn phải dùng chiến lực ba mũi giáp công: đặt hàng, lập trại, khai thác tự nhiên. Nhưng “lòng thành cảm kích trời đất”. Biết đâu vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Đà Nẵng, lại có một “Đà Nẵng ca” xuất hiện nghiêng ngửa chẳng kém gì “Hà Nội ca”, “Hải Phòng ca”, “Sài Gòn ca” … Hãy vừa sáng tạo, vừa hy vọng.

KHÁT VỌNG VỀ MỘT ĐÀ NẴNG CA - 4

Lung linh sông Hàn. Ảnh: Ông Văn Sinh

KHÁT VỌNG VỀ MỘT ĐÀ NẴNG CA - 5


KHÁT VỌNG VỀ MỘT ĐÀ NẴNG CA - 6KHÁT VỌNG VỀ MỘT ĐÀ NẴNG CA - 7

KHÁT VỌNG VỀ MỘT ĐÀ NẴNG CA - 8KHÁT VỌNG VỀ MỘT ĐÀ NẴNG CA - 9

N.T.K

(Nguồn: Tác phẩm mới – Trại Sáng tác Âm nhạc Đà Nẵng 2011)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT