Những vườn rau xanh ở các khu vực ngoại thành không chỉ là nguồn cung thực phẩm quý giá, mà còn là chất liệu để Thành phố xây dựng và phát triển những mô hình du lịch nông thôn độc đáo.
Trong vai trò là trung tâm kinh tế lớn, là đầu tàu và động lực phát triển, có sức lan tỏa đối với khu vực phía Nam, TP.HCM không chỉ thuận lợi phát triển các loại hình du lịch như du lịch MICE, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch đường sông, du lịch mua sắm hay du lịch sức khỏe, mà còn có tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên tại các quận, huyện ngoại thành.
Đơn cử như tại huyện Hóc Môn, với những khoảnh vườn rau nhút, ao sen, ao súng rộng lớn sẽ là nguồn chất liệu lý tưởng để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp đặc sắc.
Vườn rau nhút xanh mát
Rau nhút là một loại rau thủy sinh, dễ trồng và sinh trưởng nhanh nên cho năng suất cao, thu hoạch liên tục. Đây cũng là loại rau được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ rộng khắp cả nước với mức giá tương đối ổn định.
Rau nhút có tính hàn, vị ngọt, thường dùng để nấu canh. Hoa nhỏ màu vàng; thân rau nhút xốp, rỗng, có phao trắng giúp nổi trên mặt nước. Đặc biệt, lá rau nhút khá giống với cây trinh nữ, vô cùng nhạy cảm khi tiếp xúc.
Muốn gắn bó lâu với nghề trồng rau nhút, người nông dân ngoài lòng yêu nghề còn phải chịu khó, vì họ không chỉ ngâm mình trong nước thường xuyên mà còn phải thức khuya, dậy sớm, ăn cơm ngay ngoài ruộng để chăm sóc, hớt bèo tấm, hái rau cho kịp lứa…
Cận cảnh thu hoạch rau nhút của một nông dân ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Công việc hái rau vất vả, luôn phải trầm mình dưới nước liên tục, khiến tay, chân phồng rộp, cộng thêm trên người mặc quần chống thấm nước nên rất nóng bức, khó chịu.
Vào những dịp lễ Tết, nhu cầu rau nhút ở các nhà hàng, quán lẩu tăng cao nên từ mờ sáng những người trồng rau nhút đã đổ ra đồng và ngâm mình xuống ao để thu hoạch cho kịp giao cho thương lái hay kịp buổi chợ sáng
Từ lúc đặt cấy cây giống đến khi thu hoạch, hầu như ngày nào người trồng rau đều phải ngâm mình trong ao. Lúc giăng dây bắc giàn chia luống, khi rau bò lan phải dùng tay “bắt” vào cho gọn hàng. Việc chăm sóc, bón phân xanh cho rau cũng phải thực hiện thường xuyên.
Người dân thường thả bèo tấm cùng rau nhút vì loại bèo này hỗ trợ cây rau phát triển, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại. Vì vậy, vài ngày lại phải lội xuống hớt bèo tấm cho rau có mặt nước thông thoáng để phát triển, cũng như không để chúng hút hết chất dinh dưỡng trong nước của rau.
Công việc hái rau vất vả nên đa phần đàn ông gánh vác, còn chị em phụ nữ đảm nhiệm việc sơ chế, phân loại rau.
So với nghề trồng lúa thì nghề trồng rau nhút cực nhọc, vất vả hơn, nhưng lại cho thu nhập cao hơn.
Rau nhút là loại rau ngon, rất hợp với các món lẩu và nấu canh chua, vì thế không chỉ người dân mua ăn hàng ngày nhiều, mà các quán hàng cũng đặt mua thường xuyên với số lượng khá lớn, có khi lên tới cả vài trăm bó mỗi ngày. Với giá dao động từ 15.000-20.000 đồng/1 kg nên thu nhập từ việc trồng rau nhút khá ổn định.
Những năm gần đây, loại hình du lịch nông thôn dần trở thành một sản phẩm yêu thích của du khách năm châu. Một không gian sống dân dã kiểu đồng quê, vô cùng gần gũi và thoáng đạt, với các khu vườn tươi xanh và bầu không khí trong lành, yên ả có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách mọi lứa tuổi khác nhau. Chính vì vậy, khi đưa những vườn rau nhút xanh mướt vào khai thác du lịch sẽ như "một mũi tên trúng hai đích", mang đến lợi ích thiết thực cho cả người nông dân và du khách tham quan.
Không gian xanh mát, trong lành và yên bình tại vùng quê đang trở thành nét "quyến rũ" lôi cuốn bước chân du khách tìm đến.
Về phía nông dân, đây là cơ hội để họ gia tăng thu nhập từ việc bán rau sạch, cung cấp dịch vụ du lịch trải nghiệm và quảng bá thương hiệu nông sản địa phương. Với du khách, đặc biệt là những người yêu thích khám phá thiên nhiên và văn hóa bản địa, sẽ có dịp trải nghiệm cuộc sống nông thôn thú vị, tìm hiểu về cách trồng và thu hoạch rau, thưởng thức ẩm thực dân dã và hòa mình vào không gian xanh mát, thanh bình.
Với cách làm này, không chỉ góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân mà còn giúp xây dựng cầu nối văn hóa, giới thiệu hình ảnh con người, hình ảnh TP.HCM – đô thị sông nước giàu bản sắc đến bạn bè thế giới.
Trải nghiệm du lịch nông nghiệp sẽ mang đến cái nhìn cận cảnh về bản sắc địa phương cho du khách.
Trong tương lai, việc phát triển du lịch nông nghiệp tại TP.HCM cũng cần được đầu tư nghiên cứu sâu rộng, nhất là đồng bộ trong việc quy hoạch cho du lịch Thành phố nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng, cụ thể trong chính sách và định hướng phù hợp để phát triển có trọng tâm, trọng điểm.
Không gian xanh mát của du lịch nông nghiệp TP.HCM cần được chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa trong tương lai.
Bên cạnh đó, đầu tư về cơ sở vật chất và mô hình phục vụ tham quan dành cho du khách, bao gồm các khu vực trải nghiệm trồng rau, thu hoạch. Đội ngũ nông dân trong vai trò những hướng dẫn viên tại điểm cũng cần được nâng cao năng lực ngoại ngữ, khả năng thuyết minh và hướng dẫn du khách để bảo đảm đáp ứng được những nhu cầu tìm hiểu về du lịch nông nghiệp của khách tham quan, đặc biệt là đối tượng khách nghiên cứu, tìm hiểu mô hình phát triển.