Du lịch nông thôn: Cánh cửa mới mở ra cơ hội phát triển bền vững

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, du lịch nông thôn là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Chính phủ đang tập trung đầu tư và hỗ trợ để phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Ngày 10/12, tại tỉnh Quảng Nam, Hội nghị Quốc tế về Du lịch Nông thôn do Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UN Tourism) tổ chức đã diễn ra với sự tham dự của các lãnh đạo cấp cao, chuyên gia trong và ngoài nước. Hội nghị làm nổi bật vai trò của du lịch nông thôn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, bảo tồn văn hóa, và nâng cao đời sống cộng đồng địa phương.

Du lịch nông thôn: Cánh cửa mới mở ra cơ hội phát triển bền vững - 1

Phát biểu tại sự kiện, Phó Tổng Thư ký UN Tourism, bà Zoritsa Urosevic, khẳng định rằng du lịch nông thôn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững toàn cầu. Theo bà, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc bảo tồn di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên thông qua các mô hình du lịch nông thôn, tiêu biểu là làng Trà Quế (Quảng Nam) – một trong những “Làng Du lịch Tốt nhất” được UN Tourism vinh danh năm 2024. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự thành công trong việc kết hợp phát triển du lịch với bảo vệ môi trường và văn hóa.

Việt Nam: Phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn văn hóa

Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực du lịch nông thôn. Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, du lịch nông thôn được xác định là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước, với định hướng bảo tồn giá trị văn hóa, khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách có trách nhiệm và nâng cao đời sống kinh tế tại các vùng nông thôn.

Du lịch nông thôn: Cánh cửa mới mở ra cơ hội phát triển bền vững - 2

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo

Việt Nam hiện có hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, nơi tiềm năng phát triển du lịch là rất lớn. Nhiều địa phương đã tận dụng lợi thế để phát triển các điểm đến đặc sắc như làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực và du lịch sinh thái. Những sản phẩm này không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chiến lược phát triển du lịch nông thôn cần đảm bảo cân bằng giữa việc bảo tồn hệ sinh thái, di sản văn hóa và phát triển kinh tế. Đồng thời, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế và áp dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và quảng bá hiệu quả hơn.”

Thách thức và hướng đi mới

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, mặc dù du lịch nông thôn đã đạt được nhiều thành công, nhưng vẫn còn những thách thức như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, sản phẩm chưa đủ khác biệt và đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của du khách.

Du lịch nông thôn: Cánh cửa mới mở ra cơ hội phát triển bền vững - 3

Để giải quyết những vấn đề này, Việt Nam đang tập trung đổi mới và phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn theo hướng đặc sắc và tiêu biểu hơn cho từng vùng miền. Ứng dụng công nghệ số cũng được đẩy mạnh nhằm kết nối các điểm đến và quảng bá hình ảnh đất nước. Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực bài bản, giúp người dân địa phương trở thành những “đại sứ” du lịch, mang lại trải nghiệm chân thực và đáng nhớ cho du khách.

Chương trình phát triển du lịch nông thôn tại TP.HCM

TP.HCM đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2025. Các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, và Cần Giờ đang hướng tới xây dựng ít nhất một sản phẩm hoặc điểm đến du lịch nông nghiệp, sinh thái nổi bật. Thành phố đặt mục tiêu có 50% sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, kết hợp hài hòa giữa nông nghiệp, văn hóa, và du lịch.

Đặc biệt, TP.HCM đang thử nghiệm hai mô hình du lịch nông thôn theo hướng xanh và bền vững. Song song đó, thành phố đặt mục tiêu đào tạo 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn về kỹ năng quản lý và 80% lao động địa phương về nghiệp vụ du lịch, với ưu tiên cho lao động nữ. Để phục vụ khách quốc tế, mỗi điểm đến sẽ có ít nhất một nhân viên thành thạo ngoại ngữ.

Trong bối cảnh các huyện ngoại thành như Củ Chi và Bình Chánh đang chuyển mình trở thành đô thị trực thuộc TP.HCM vào năm 2030, việc kết hợp giữa không gian nông nghiệp và du lịch sinh thái đang mở ra nhiều cơ hội mới. Đây không chỉ là nơi để du khách tìm kiếm sự yên bình, mà còn là nơi lưu giữ và trải nghiệm “hồn quê” trong lòng một đô thị hiện đại.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thạch An

CLIP HOT