Nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, một bộ ảnh đặc biệt về TP.HCM đã được Sở Du lịch Thành phố phối hợp cùng nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân thực hiện. Tạp chí Du lịch TP.HCM đã có dịp trò chuyện với anh để cùng nhìn lại hành trình thực hiện dự án này.
Khi nhắc đến TP.HCM, điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí là sự năng động và tốc độ phát triển không ngừng nghỉ của một trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước. Song, nếu dành chút thời gian lắng lại, cảm nhận sâu hơn nhịp đập của thành phố này, bạn sẽ nhận ra, từng công trình kiến trúc kiêu hãnh vươn cao hay những góc nhỏ bình dị đâu đó giữa lòng phố thị không chỉ đơn thuần tái hiện cảnh sắc, mà còn là sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, những trải nghiệm đa dạng đã hun đúc nên một tâm hồn đô thị phóng khoáng, cởi mở và đầy sức sống.
Nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một bộ ảnh đặc biệt về TP.HCM đã được Sở Du lịch Thành phố phối hợp cùng nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân thực hiện. Thông qua bộ ảnh này, người xem có cơ hội hòa mình vào hành trình khám phá 50 biểu tượng du lịch tiêu biểu tại thành phố mang tên Bác, đậm đà bản sắc, phản chiếu rõ nét tinh thần của một thành phố không ngừng phát triển nhưng vẫn giữ gìn những giá trị truyền thống nhân văn.
Một vài góc nhìn ấn tượng về TP.HCM qua ống kính của nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân.
Vào một ngày thành phố chan hòa nắng, và triệu trái tim cùng chung nhịp đập hướng tới dấu mốc 50 năm thống nhất toàn vẹn, Tạp chí Du lịch TP.HCM đã có dịp gặp gỡ nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân để cùng nhìn lại hành trình thực hiện dự án này qua những chia sẻ đầy thú vị của anh.
Xin chào anh Nhân và cũng xin được chúc mừng thành công mới của anh với bộ ảnh đặc biệt về TP.HCM hướng đến kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cảm xúc của anh hiện tại như thế nào?
Khi bộ ảnh hoàn thành, trong tôi là cả một miền cảm xúc lẫn lộn. Vui và tự hào biết bao khi mình đã kịp ghi lại những khoảnh khắc thật sống động của thành phố trên chặng đường 50 năm ý nghĩa.
Tuy đã gọi TP.HCM là nhà suốt 25 năm, vậy mà thú thật, chính nhờ dự án này tôi mới ngỡ ngàng nhận ra còn quá nhiều điều mình chưa biết, quá nhiều nơi mình chưa từng một lần đặt chân đến. Nó như một cơ hội quý giá để tôi khám phá lại, để hiểu và yêu thêm thành phố mình đang sống. Trên hết, có lẽ là niềm xúc động len lỏi khi được gặp gỡ và lắng nghe những tâm tình, những câu chuyện của bao con người đã và đang góp phần tạo nên hồn cốt rất riêng cho nơi này.
Tháp Bitexco bên những đóa kèn hồng trong nắng sớm của thành phố. Tòa tháp là một biểu tượng kiến trúc hiện đại nổi bật tại trung tâm TP.HCM. Với thiết kế độc đáo lấy cảm hứng từ hình ảnh búp sen hé nở, tòa nhà gây ấn tượng mạnh mẽ với sân đáp trực thăng nhô ra ở tầng 52. Không chỉ là một cao ốc văn phòng, Bitexco còn có đài quan sát Saigon Skydeck ở tầng 49, nơi du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố từ trên cao.
Cơ duyên nào đã đưa anh đến với quyết định thực hiện bộ ảnh này?
Có một điều thú vị là trước khi nhận lời mời thực hiện dự án "50 biểu tượng du lịch TP.HCM", tôi vốn đang ấp ủ một bộ ảnh rất riêng, mang một góc nhìn mới về thành phố mình yêu. Có lẽ chính cái duyên ấy đã đưa dự án ý nghĩa này đến với tôi.
Ngay từ đầu, tôi đã biết đây không chỉ là một bộ ảnh có quy mô lớn, mà còn là một dấu ấn quan trọng, một niềm vinh dự lớn lao trong sự nghiệp của mình. Bởi lẽ, nó ra đời đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày non sông liền một dải và còn góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của thành phố. Vì thế, tôi đã dồn vào đó không chỉ là trách nhiệm, mà là tất cả tâm huyết, là tình cảm sâu đậm của một người đã trót yêu và gắn bó với mảnh đất này suốt 25 năm qua.
Với tôi, bộ ảnh này chính là một chương ý nghĩa, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự nghiệp cầm máy. Nó vượt lên trên một dự án thông thường, trở thành niềm tự hào cho chính tôi khi những tác phẩm mình làm ra góp phần làm phong phú kho tàng hình ảnh của TP.HCM đúng vào thời khắc lịch sử 50 năm. Qua từng khung hình, tôi không chỉ muốn ghi lại thực tại, mà còn muốn gửi gắm góc nhìn riêng, cảm nhận riêng về một thành phố năng động, đa dạng và luôn hướng về phía trước.
Đồng thời, những đòi hỏi khắt khe của dự án ở các thể loại nhiếp ảnh du lịch/tài liệu và kể chuyện bằng hình ảnh chính là thử thách quý giá, như "lửa thử vàng" thúc đẩy tôi vượt qua giới hạn của bản thân và mài giũa tay nghề một cách hiệu quả.
Du khách ngắm nhìn những bức ảnh tư liệu mô tả hậu quả tàn khốc trong Chiến tranh Việt Nam tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Bảo tàng là nơi lưu giữ và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về các cuộc chiến tranh xâm lược của thế lực ngoại bang, nhằm mục đích tố cáo tội ác và nhấn mạnh sự tàn khốc của chiến tranh. Bảo tàng là một địa điểm tham quan quan trọng, giúp du khách trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về lịch sử đau thương và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Bên trong Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, du khách như được quay ngược thời gian, trở về với một Sài Gòn đầy hoài niệm bên những hiện vật và nét kiến trúc Đông Dương cổ điển. Các phòng trưng bày đa dạng, từ khảo cổ, địa lý, văn hóa đến lịch sử đấu tranh cách mạng, giúp khách tham quan có cái nhìn toàn diện về quá trình biến đổi của thành phố qua các thời kỳ. Đây là một điểm đến văn hóa quan trọng cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về vùng đất và con người nơi đây qua các hiện vật và tư liệu lịch sử phong phú.
Anh vừa nhắc đến "những đòi hỏi khắt khe" của dự án đã phần nào giúp anh đạt được một bước tiến mới trong sự nghiệp nhiếp ảnh. Vậy cụ thể là như thế nào?
Tôi bắt đầu nhận dự án này vào đầu tháng 2/2025, và phải đến tận cuối tháng 3/2025 thì tôi mới hoàn thành chỉn chu bộ ảnh.
Để thổi hồn vào bộ ảnh này, tôi biết mình không thể chỉ đứng từ xa bấm máy. Đó là cả một hành trình đắm mình vào TP.HCM, lật giở từng trang lịch sử, lắng nghe nhịp đập và câu chuyện riêng của từng góc phố, từng công trình kiến trúc. Tôi muốn cảm nhận thật sâu “linh hồn” của mỗi biểu tượng trước khi đưa nó vào khung hình.
Thử thách thật sự đến khi Sở Du lịch TP.HCM đưa ra một yêu cầu khá "éo le", đó là không được lặp lại những góc máy quen thuộc đã bị khai thác quá nhiều. Họ còn cẩn thận gửi hẳn cho tôi một đường link truy cập vào dữ liệu hình ảnh về thành phố mà họ đã có trước đó để tôi lưu ý, tránh chụp trùng góc.
Giữa một "rừng" hình ảnh về thành phố này, đặc biệt là chúng lại đến từ những người anh em yêu nhiếp ảnh cũng đang sống và làm việc tại thành phố như tôi, việc tìm ra một lối đi riêng, một góc nhìn vừa lạ vừa quen, vừa đậm chất TP.HCM thật sự là một bài toán khó.
Hội trường Thống Nhất, còn được biết đến với tên gọi là Dinh Độc Lập, là một di tích lịch sử và kiến trúc quan trọng tại trung tâm TP.HCM. Nơi đây đã chứng kiến sự kiện lịch sử trọng đại ngày 30/4/1975, đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh Việt Nam và thống nhất đất nước.
Tòa nhà Ủy ban nhân dân TP.HCM là một công trình kiến trúc cổ kính và lộng lẫy, tọa lạc tại vị trí đắc địa ngay trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Được xây dựng từ thời Pháp thuộc với phong cách kiến trúc Baroque tinh xảo, tòa nhà này nổi bật với các chi tiết điêu khắc tinh tế và vẻ ngoài trang nghiêm, trở thành một biểu tượng kiến trúc của thành phố. Hiện nay, du khách đã có thể tham quan một phần bên trong tòa nhà Ủy ban thông qua chương trình city tour được nhiều công ty lữ hành cung cấp, hoặc liên hệ đăng ký tại Trung tâm Xúc tiến du lịch TP.HCM.
Bưu điện Trung tâm TP.HCM là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu, mang đậm dấu ấn Pháp, nằm ngay cạnh Nhà thờ Đức Bà. Tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư Villedieu và phụ tá Foulhoux, nổi bật với mái vòm lớn, hệ thống cửa sổ hình vòm, sàn gạch cổ điển và hai bản đồ lịch sử lớn vẽ trên tường ngay lối vào chính. Không chỉ là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn bởi vẻ đẹp kiến trúc và giá trị lịch sử, Bưu điện Trung tâm vẫn đang hoạt động đúng chức năng, phục vụ nhu cầu gửi thư, bưu phẩm của người dân và du khách.
Chính vì thế, trong cuộc "săn lùng" góc máy ấy, tôi luôn bị giằng co giữa hai luồng ý tưởng. Có lúc tôi say sưa với những góc thật rộng, cố ôm trọn lấy sự vươn mình của những tòa nhà chọc trời, những đại lộ rực rỡ ánh đèn. Nhưng rồi, chân lại đưa lối tôi len lỏi vào những khu chợ sớm, những con hẻm nhỏ sâu hun hút nơi hồn xưa phố cũ dường như vẫn còn lắng đọng.
Mỗi bức ảnh là một sự chắt chiu ánh sáng, một sắp đặt bố cục có chủ ý, và đôi khi là cả sự kiên nhẫn chờ đợi một khoảnh khắc vụt qua, thổi hồn sống động vào cảnh vật. Tất cả chỉ để tôi có thể kể một câu chuyện thật trọn vẹn về một thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ từng ngày nhưng vẫn luôn biết cách giữ gìn và nâng niu bản sắc độc đáo, cái tình rất riêng của mình.
Anh đã sử dụng những kỹ thuật và thiết bị nhiếp ảnh nào để tạo nên những bức ảnh ấn tượng này?
Đằng sau mỗi bức ảnh là cả một quá trình lựa chọn kỹ thuật và thiết bị phù hợp với ý đồ. Có những khung cảnh đòi hỏi kỹ thuật HDR để níu giữ từng chi tiết từ vùng tối đến vùng sáng. Lại có lúc, tôi cần đến phơi sáng dài để "vẽ" nên những vệt đèn đêm lung linh hay làm mềm mượt dòng chảy của sông Sài Gòn. Những bức panorama rộng lớn được ghép lại để ôm trọn cái hùng vĩ của đô thị, còn time blending lại như một "phép thuật" nhỏ giúp cô đọng cả ngày lẫn đêm vào một khung hình.
Tôi cũng khai thác triệt để những "người bạn đồng hành" là thiết bị của mình. Từ chiếc ống kính 14mm mở ra không gian bao la, đến ống 400mm giúp tôi bắt lấy những khoảnh khắc ở thật xa, hay chiếc flycam cho tôi "đôi mắt" nhìn thành phố từ trên cao – tất cả đều là công cụ để tôi kể câu chuyện của mình.
Ánh sáng tự nhiên vào những thời điểm khác nhau trong ngày được tôi tận dụng tối đa, từ sáng sớm đến chiều tối, kể cả ban đêm để thể hiện được nhiều sắc thái của thành phố. Rạng sáng mang lại cảm giác trong lành và yên bình, trong khi ánh hoàng hôn giúp lột tả được vẻ đẹp lãng mạn của TP.HCM, và khi màn đêm buông xuống cũng là lúc thành phố trở nên lộng lẫy nhất.
Mỗi thời điểm, thành phố lại mang một sắc thái, một tâm hồn riêng. Và để tôn lên vẻ đẹp ấy, tôi chọn giữ lại những gam màu chân thật, điểm thêm chút ấm áp. Tôi muốn người xem cảm nhận được nguồn năng lượng dồi dào, sức sống căng tràn, sự nồng hậu nhưng vẫn thật gần gũi, thân thương của TP.HCM.
Cầu dây văng Ba Son kết nối trực tiếp quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc thành phố Thủ Đức. Với thiết kế kiến trúc mang tính biểu tượng và hệ thống chiếu sáng mỹ thuật vào ban đêm, cây cầu nhanh chóng trở thành một điểm nhấn cảnh quan mới cho khu vực trung tâm thành phố. Bức ảnh được chụp trong khoảnh khắc hoàng hôn buông xuống.
Trong khoảnh khắc ánh tà dương cuối ngày rực rỡ nơi phía chân trời, công trình Landmark 81 nhìn từ phía bên kia sông Sài Gòn toát lên vẻ đẹp hiện đại và kiêu hãnh. Đây là tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, tọa lạc nổi bật trong khu đô thị Vinhomes Central Park. Bên trong Landmark 81 là một tổ hợp đa chức năng hiện đại bao gồm căn hộ cao cấp, khách sạn Vinpearl Luxury, trung tâm thương mại Vincom Center, nhà hàng, quán bar và đài quan sát SkyView ở các tầng cao nhất, mang đến tầm nhìn toàn cảnh thành phố đầy ngoạn mục.
Anh chia sẻ trên mạng xã hội rằng chụp bánh mì không dễ, vì cần làm nổi bật sự hấp dẫn và ngon miệng của món ăn này. Vậy trong lúc tác nghiệp, anh đã chú trọng đến các yếu tố nào để người xem cảm nhận được hương vị thơm ngon của bánh mì?
Thú thật, ban đầu tôi nghĩ bánh mì sẽ là món dễ chụp nhất vì đây là món ăn bình dân và phổ biến, trong thành phố đâu đâu cũng có bánh mì hiện diện. Tuy nhiên, khi triển khai, một thách thức không ngờ đã xuất hiện.
Nhiều chủ tiệm bánh mì tỏ vẻ không thoải mái, phần vì họ lo những vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm có thể bị diễn giải sai lệch, phần vì e dè hình ảnh tiệm của mình có thể bị sử dụng với mục đích không hay trên mạng xã hội.
Sau khi nỗ lực thuyết phục ở một vài địa điểm nhưng chưa thành công, tôi đã thử nghiệm một hướng đi khác là chụp bánh mì theo phong cách food art. Dù vậy, tôi nhanh chóng nhận ra rằng cách tiếp cận này tuy có thể tạo ra hình ảnh đẹp mắt nhưng lại vô tình làm mất đi hồn cốt giản dị, tính chân thực và sự gần gũi vốn có của món ăn, khiến ổ bánh mì trở nên xa cách.
Với quyết tâm phải ghi lại được hình ảnh bánh mì một cách chân thực nhất, tôi kiên trì tìm kiếm và may mắn thay, cuối cùng cũng đã gặp được một tiệm bánh mì không chỉ có không gian phù hợp mà chủ tiệm còn tin tưởng, tạo điều kiện cho tôi thực hiện ý tưởng của mình ngay tại chỗ.
Khi đã có cơ hội quý giá đó, tôi tập trung khai thác những góc máy có thể lột tả trọn vẹn nhất sức hấp dẫn của món ăn. Tôi ưu tiên những góc chụp cận cảnh để làm nổi bật kết cấu giòn rụm của lớp vỏ bánh mới ra lò, đồng thời phô bày sự đầy đặn, phong phú và hấp dẫn của phần nhân đa dạng bên trong. Việc đưa cả hình ảnh các loại nguyên liệu tươi ngon, gia vị đầy màu sắc được bày biện sẵn vào khung hình cũng là cách để tôi tăng thêm sự mời gọi, gợi lên cảm giác tươi ngon và hấp dẫn cho bánh mì.
Riêng phần ánh sáng, tôi chú trọng dùng ánh sáng có tông màu dịu và ấm để tôn lên màu sắc vàng ươm hấp dẫn của bánh, đồng thời tạo hiệu ứng thị giác dễ chịu, gợi cảm giác ngon miệng. Cuối cùng, là sắp xếp lại bố cục một cách tinh tế để bảo đảm sự hài hòa, chỉn chu cho bức ảnh.
Bánh mì là một món ăn đường phố đặc trưng, nổi tiếng tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, thể hiện sự giao thoa ẩm thực Việt-Pháp độc đáo. Ổ bánh mì giòn rụm thường được kẹp đầy ắp các loại nhân đa dạng như pate béo ngậy, thịt nguội, chả lụa, xíu mại, cùng rau ngâm chua và nước xốt đậm đà. Sự hòa quyện tuyệt vời giữa các hương vị mặn, ngọt, chua, cay và sự phong phú về kết cấu từ mềm, dai đến giòn tan đã khiến bánh mì trở thành món ăn hấp dẫn, tiện lợi và được yêu thích mọi lúc mọi nơi.
Đâu là trải nghiệm đáng nhớ nhất khi anh thực hiện bộ ảnh này?
Khi nói về TP.HCM, tôi tin phần đông chúng ta đều sẽ nghĩ đến những trải nghiệm liên quan đến tính thương mại hay giải trí trong những dịch vụ sang trọng. Nhưng qua dự án này, tôi đã có dịp được tiếp cận một khía cạnh khác tại TP.HCM, đó là những khoảng trời riêng đầy thư thái và bình yên đến lạ thường.
Theo chân dự án, tôi đã có cơ hội đến với Thiềng Liềng, đây cũng là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với nơi này, dù trước đó có đọc qua thông tin trên báo đài và mạng xã hội.
Bước chân lên Thiềng Liềng như thể tôi vừa bước qua một cánh cửa thần kỳ, bỏ lại sau lưng tất cả sự ồn ào, ngột ngạt của đô thị. Không còn bóng dáng những khối bê tông cao tầng, trước mắt tôi giờ đây là một thế giới hoàn toàn khác: những cánh đồng muối trắng tinh, lấp lánh dưới nắng, trải dài đến tận chân trời; xung quanh là màu xanh ngút ngàn của cây lá và sông nước bao bọc.
Cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều vất vả, chủ yếu gắn liền với nghề làm muối cực nhọc. Thế nhưng, điều khiến tôi ấm lòng và ấn tượng mãi chính là sự hồn hậu, nụ cười tươi rói và lòng nhiệt thành họ dành cho những vị khách lạ như tôi.
Được hít thở bầu không khí trong veo, không một chút khói bụi, được đắm mình trong sự tĩnh lặng tuyệt đối, chỉ có tiếng gió và tiếng chim trời, tôi cảm giác như mọi gánh nặng, mệt mỏi từ chuỗi ngày dài rong ruổi chụp ảnh trước đó bỗng nhiên tan biến. Chỉ một ngày ở Thiềng Liềng thôi mà như một liều thuốc chữa lành diệu kỳ, tâm hồn tôi được gột rửa, trở nên nhẹ bẫng và tìm lại được sự cân bằng.
Ấp đảo Thiềng Liềng, thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, là điểm đến du lịch cộng đồng đầu tiên của TP.HCM. Ấp đảo tinh khôi trong vẻ đẹp dân dã, mộc mạc của thôn quê ẩn chứa nhiều trải nghiệm khám phá thiên nhiên độc đáo. Cư dân trên đảo chủ yếu là những diêm dân cần cù, và họ cũng là những hướng dẫn viên bản địa dễ mến giúp du khách hiểu hơn về nghề muối.
Vào mùa khô, diêm dân nơi đây cần mẫn dẫn nước biển vào các ruộng muối đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, rồi trông chờ vào nắng và gió để nước bốc hơi, kết tinh thành những hạt muối trắng ngần. Nghề làm muối không chỉ là nguồn sinh kế chính của nhiều hộ gia đình tại Thiềng Liềng mà còn là một nét văn hóa độc đáo, góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch sinh thái cộng đồng tại đây.
Anh có nhận xét gì về sự phát triển chung của TP.HCM, cũng như sự phát triển của các điểm đến du lịch tại thành phố trong những năm gần đây?
Sống và làm việc tại thành phố, mỗi ngày trôi qua tôi lại chứng kiến guồng quay vận động không ngừng nghỉ của nơi này. Không chỉ ở những công trình hạ tầng ngày càng hiện đại như tuyến Metro hay những khu đô thị mới, điều khiến tôi suy ngẫm và trân trọng hơn cả, chính là cách thành phố này luôn nâng niu, gìn giữ và làm sống dậy những giá trị văn hóa, lịch sử cốt lõi giữa nhịp sống hối hả.
Ngay cả khi đứng dưới bóng những tòa cao ốc hào nhoáng, bạn vẫn có thể bất chợt bắt gặp hồn xưa đọng lại trong một khu chợ sớm rộn ràng, trên mái ngói rêu phong của một ngôi chùa cổ kính, hay trong không khí náo nhiệt của một lễ hội đã thành di sản. Đó là một sự hài hòa khác lạ tại TP.HCM, nơi giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa tốc độ phát triển và chiều sâu trầm tích.
Đó cũng chính là lý do khiến tôi khao khát được khám phá và kể lại câu chuyện về một TP.HCM đa tầng, đa diện trong bộ ảnh này. Một ấp đảo Thiềng Liềng tách biệt mà yên bình đến lạ giữa bốn bề sông nước Cần Giờ; một làng nhang Lê Minh Xuân vẫn giữ được nếp nghề thủ công bao đời giữa lòng thành phố công nghiệp; hay vẻ đẹp huyền ảo của miếu nổi Phù Châu giữa ngã ba sông Vàm Thuật... chính là những mảnh ghép đã giúp tôi (và hy vọng là cả người xem) nhìn thấy rõ hơn tâm hồn của thành phố này.
Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông tại huyện Củ Chi là một địa danh nổi tiếng với truyền thống làm bánh tráng thủ công lâu đời. Hình ảnh những vỉ bánh tráng trắng ngà được phơi đều tăm tắp dưới nắng trên những liếp tre đã trở nên quen thuộc, thể hiện sự cần mẫn của người dân nơi đây trong việc tạo ra những chiếc bánh mỏng, dai dùng để cuốn gỏi cuốn, nướng hoặc chế biến nhiều món ăn khác.
Làng nhang Lê Minh Xuân nằm ở huyện Bình Chánh, là một làng nghề truyền thống có tuổi đời gần một thế kỷ, chuyên sản xuất các loại nhang phục vụ đời sống tâm linh. Nơi đây trở nên đặc biệt rực rỡ và nhộn nhịp vào những tháng giáp Tết Nguyên đán, với hình ảnh quen thuộc là hàng ngàn bó chân nhang đỏ thẫm được phơi khô dưới nắng, tỏa hương thơm đặc trưng khắp không gian. Nghề làm nhang không chỉ tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân địa phương mà còn góp phần gìn giữ một nét văn hóa truyền thống lâu đời, cung cấp sản phẩm không thể thiếu trong các nghi lễ thờ cúng của người Việt.
Tôi tin, nhiếp ảnh không chỉ là việc ghi lại một khoảnh khắc đẹp mà còn là cầu nối mạnh mẽ giữa hiện tại và quá khứ, là ngôn ngữ giàu cảm xúc để kể lại những câu chuyện về lịch sử, về văn hóa mà đôi khi con chữ khó lòng diễn tả trọn vẹn.
Vì vậy, tôi gửi gắm vào bộ ảnh này một niềm hy vọng lớn lao, mong rằng nó không chỉ là những bức ảnh đẹp, mà còn có thể chạm đến trái tim của mỗi người xem, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu tha thiết dành cho thành phố nơi mình đang sống, hoặc đã từng gắn bó. Đặc biệt, tôi mong các bạn trẻ sẽ xem đây như một lời mời gọi. Hãy dành thời gian để tự mình khám phá, để lắng nghe và cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp đa dạng của TP.HCM bằng chính đôi mắt và trái tim mình.
Chân thành cảm ơn anh!