TP.HCM đẩy mạnh đầu tư phát triển làng nghề gắn liền với du lịch nông thôn
Việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống không chỉ giúp gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn là một hướng đi mới để phát triển du lịch, thu hút du khách đến khám phá và trải nghiệm.
Du lịch làng nghề: Cơ hội vàng để phát triển
Với hơn 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống, Việt Nam sở hữu một kho tàng văn hóa vật chất và phi vật chất vô cùng quý báu. Du lịch làng nghề, với khả năng kết hợp giữa tham quan, trải nghiệm và mua sắm, đang ngày càng trở thành một xu hướng thu hút du khách.
Những năm gần đây, du lịch làng nghề đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, tiềm năng của loại hình du lịch này vẫn chưa được khai thác hết. Nhiều làng nghề còn tồn tại những hạn chế như cơ sở hạ tầng yếu kém, ô nhiễm môi trường và thiếu sự đầu tư bài bản.
Để phát triển du lịch làng nghề một cách bền vững, ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng cần tập trung vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề.
Du lịch làng nghề không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương mà còn là công cụ hữu hiệu để bảo tồn văn hóa truyền thống. Những lợi ích này được coi là “lợi ích kép” vì không chỉ tạo ra việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân mà còn góp phần gìn giữ giá trị văn hóa bản địa. Việc khai thác các làng nghề hiệu quả hứa hẹn mang lại giá trị lớn, không chỉ về kinh tế mà còn trong việc xây dựng hình ảnh văn hóa đất nước.
Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, TP.HCM đang tích cực triển khai các hoạt động bảo tồn và phát triển làng nghề, kết hợp với du lịch nông thôn mới.
Trong khi đó, TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề môi trường và nghiên cứu thị hiếu của du khách để phát triển du lịch làng nghề hiệu quả.
TP.HCM phát triển làng nghề gắn với du lịch: Hướng đi mới cho kinh tế nông thôn
Theo đó, năm làng nghề truyền thống gắn với du lịch trên địa bàn thành phố sẽ được ưu tiên phát triển trong thời gian tới, bao gồm làng đan đát Thái Mỹ, làng bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi), làng se nhang Lê Minh Xuân, làng trồng mai vàng Bình Lợi (huyện Bình Chánh) và làng muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).
Vừa qua, UBND TP.HCM đã ký quyết định công nhận công nhận nghề truyền thống sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM), công nhận làng nghề truyền thống sản xuất muối tại xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ), công nhận làng nghề trồng mai vàng tại xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Đồng thời cam kết hỗ trợ phát triển, cấp bằng chứng nhận để các làng nghề được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
TP.HCM xác định chiến lược đầu tư cho làng nghề không chỉ giúp phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân mà còn tạo thêm sức hút cho ngành du lịch.
Bà Thái Hương Lan, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông, chia sẻ: “Việc kết hợp sản xuất với du lịch đã giúp tôi cải thiện đáng kể kinh tế gia đình và góp phần quảng bá hình ảnh làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông đến bạn bè quốc tế. Mỗi dịp lễ, Tết, cơ sở sản xuất của tôi trở thành điểm đến quen thuộc của du khách khi đến Củ Chi.”
Theo quyết định mới nhất, thành phố sẽ đẩy mạnh khôi phục, tôn tạo các di tích văn hóa và cảnh quan làng nghề, đồng thời tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian nhằm tạo ra môi trường du lịch đậm bản sắc dân tộc. Các làng nghề sẽ trở thành điểm nhấn du lịch của thành phố, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế địa phương.
Theo bà Hoàng Thị Mai, Chi cục trưởng Chi Cục Phát triển Nông thôn TP.HCM, vào tháng 6 năm 2022, TP.HCM đã ban hành Quyết định 1784 về bảo tồn và phát triển làng nghề. Việc bảo tồn không chỉ giúp giữ gìn các giá trị văn hóa mà còn nhằm nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làng nghề, đặc biệt là hướng tới các sản phẩm thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Tháng 9 năm 2023, TP.HCM cũng đã ra Nghị quyết 09, mang lại cơ hội vay vốn ưu đãi cho các hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ kinh tế cho các làng nghề như làng mai vàng Bình Lợi, giúp người dân mở rộng sản xuất và tiếp cận thị trường.
Chính sách hỗ trợ toàn diện cho làng nghề
Để thực hiện hiệu quả chiến lược này, TP.HCM đã và đang ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các làng nghề. Các hộ dân và doanh nghiệp tại làng nghề có thể vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ xã viên hợp tác xã với lãi suất thấp, hưởng chính sách khuyến công theo Quyết định số 17 của thành phố và hưởng chính sách khuyến nông theo Nghị quyết 19.
Bà Mai cho biết, Thành phố còn đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị cho làng nghề, từ quy trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, với mục tiêu gắn kết sản xuất với phát triển du lịch, tăng tính bền vững và nâng cao sức cạnh tranh.
Thành phố cũng chú trọng xây dựng mạng lưới quảng bá làng nghề, hỗ trợ người dân phát triển sản phẩm mới, đảm bảo các sản phẩm làng nghề luôn phù hợp với thị trường.
Các làng nghề truyền thống như đan đát Thái Mỹ, bánh tráng Phú Hòa Đông, muối Lý Nhơn, và mai vàng Bình Lợi sẽ được bảo tồn văn hóa nghề và khuyến khích phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách, giúp họ trải nghiệm quá trình sản xuất thủ công độc đáo và đậm chất Việt Nam.
Hướng tới tương lai phát triển bền vững cho làng nghề
TP.HCM kỳ vọng phát triển làng nghề kết hợp du lịch sẽ đóng vai trò quan trọng trong Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Các làng nghề truyền thống được đầu tư sẽ không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng cơ hội du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn và duy trì giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau.
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ thành phố và Chính phủ, các làng nghề ở TP.HCM đang có những bước chuyển mình đáng kể, hứa hẹn mang lại sức sống mới cho nông thôn, tạo thêm sức hút cho du lịch TP.HCM và gìn giữ bản sắc làng nghề Việt Nam trong thời đại mới.