Phát triển du lịch nông thôn: Động lực mới cho kinh tế - xã hội TP.HCM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú và văn hóa làng quê đậm đà, TP.HCM đang tích cực phát triển du lịch nông nghiệp, biến những cánh đồng, vườn cây, làng nghề truyền thống thành những điểm đến hấp dẫn.

Du lịch nông thôn, một hình thức du lịch gắn liền với thiên nhiên, văn hóa và sản xuất nông nghiệp, đang ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.

Tại Việt Nam, với lợi thế tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng và truyền thống nông nghiệp lâu đời, du lịch nông nghiệp được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo tồn môi trường và nâng cao đời sống người dân.

Phát triển du lịch nông thôn: Động lực mới cho kinh tế - xã hội TP.HCM - 1

Khu du lịch trang trại Tam Nông giữa lòng thành phố,

Chia sẻ về tiềm năng này, bà Hoàng Thị Mai, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: “TP.HCM dù đô thị hóa mạnh nhưng vẫn giữ được nhiều giá trị truyền thống, tài nguyên thiên nhiên và những làng nghề đặc trưng. Đây là lợi thế lớn để phát triển du lịch nông nghiệp, kết hợp bảo tồn văn hóa và nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.”

Hướng đi mới: Kết hợp nông nghiệp và du lịch

Theo bà Mai, thời gian gần đây, TP.HCM đã xác định việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp là một trong những định hướng quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, thành phố đang triển khai chương trình phát triển du lịch tại 56 xã thuộc năm huyện ngoại thành. Sở Du lịch đã được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với Sở Nông nghiệp triển khai chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm). Các sản phẩm OCOP không chỉ được đẩy mạnh về chất lượng mà còn gắn kết với hoạt động du lịch sinh thái và trải nghiệm nông nghiệp.

Phát triển du lịch nông thôn: Động lực mới cho kinh tế - xã hội TP.HCM - 2

Trải nghiệm sản phẩm OCOP TP.HCM

Bà Mai giải thích thêm: “Thành phố đã và đang tạo điều kiện để người dân phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đây không chỉ là hướng đi mới trong sản xuất mà còn là cơ hội để du khách trải nghiệm, hiểu hơn về nông nghiệp hiện đại.”

Tiềm năng lớn từ làng nghề và tài nguyên sẵn có

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều làng nghề truyền thống, mở ra cơ hội lớn cho du lịch nông nghiệp kết hợp bảo tồn văn hóa. Tại huyện Củ Chi, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông với tuổi đời hàng trăm năm luôn thu hút du khách tham quan, tìm hiểu quy trình làm bánh thủ công.

Ở huyện Cần Giờ, làng nghề làm muối truyền thống mang đến một góc nhìn đặc biệt về đời sống người dân ven biển. Hay tại huyện Bình Chánh, làng nghề mai vàng xã Bình Lợi đã trở thành điểm đến hấp dẫn vào dịp Tết Nguyên Đán.

Phát triển du lịch nông thôn: Động lực mới cho kinh tế - xã hội TP.HCM - 3

“Những làng nghề này là kho báu văn hóa mà chúng ta cần bảo tồn và phát huy. Du lịch nông nghiệp không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn góp phần giữ gìn các di sản văn hóa quý báu cho thế hệ sau,” bà Mai nhấn mạnh.

Chính sách hỗ trợ: Bệ đỡ cho người dân

Để hiện thực hóa các tiềm năng này, thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch.

Chính sách đào tạo: Người dân được tham gia các khóa học nghề nông nghiệp liên quan đến du lịch, với mức hỗ trợ lên đến 2 triệu đồng/khóa theo Quyết định số 46.

Hỗ trợ tín dụng ưu đãi: Thành phố triển khai chương trình vay vốn lãi suất thấp từ các tổ chức tín dụng, đặc biệt cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao và hữu cơ. Mức lãi suất hỗ trợ có thể lên đến 100%, kéo dài trong 7 năm.

Phát triển du lịch nông thôn: Động lực mới cho kinh tế - xã hội TP.HCM - 4

Quỹ ưu đãi đặc biệt: Các hộ nông dân, hợp tác xã được tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ xã hội như Hội Nông dân hoặc Hội Phụ nữ để phát triển các sản phẩm gắn liền với du lịch.

Thách thức và kỳ vọng

Dù tiềm năng lớn, việc kết hợp nông nghiệp và du lịch vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Theo bà Mai, nhận thức của người dân về mô hình này vẫn chưa cao. “Khi người dân hiểu rằng du lịch nông nghiệp có thể mang lại thu nhập bền vững, họ sẽ chủ động tham gia và đưa ra nhiều sáng kiến hơn trong quá trình phát triển,” bà Mai chia sẻ.

Với sự hỗ trợ từ chính sách, cùng sự tham gia tích cực của người dân, Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng du lịch nông thôn sẽ trở thành điểm sáng không chỉ trong bảo tồn giá trị văn hóa mà còn là động lực thúc đẩy kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển bền vững.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT