Miền núi Quảng Bình: Kho báu của tự nhiên và văn hóa bản địa
Ẩn mình phía sườn đông của dãy Trường Sơn hùng vĩ, miền núi Quảng Bình như một bức tranh kỳ ảo được dệt nên bởi thiên nhiên trác tuyệt và văn hóa bản địa giàu bản sắc.
Với địa hình đa dạng và phức tạp, nơi đây là ngôi nhà của các ngọn núi cao sừng sững như Phu Co Pi, Ba Rền (U Bò, Phong Nha - Kẻ Bàng) cùng những hệ thống karst chứa đựng hàng trăm hang động độc đáo, kỳ vĩ. Dưới lòng đất, những con sông ngầm như dòng chảy bất tận của thời gian hòa cùng hệ sinh thái rừng nhiệt đới phong phú, nơi hàng ngàn loài động, thực vật quý hiếm sinh sôi.
Miền núi Quảng Bình không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp tự nhiên mà còn bởi những giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS). Nơi đây là mái nhà chung của hai dân tộc thiểu số chính là dân tộc như Bru - Vân Kiều và dân tộc Chứt, có nhiều ‘‘dấu ấn văn hoá nguyên thủy’’ (Nguyễn Phước Bảo Đàn) phong tục, tập quán truyền thống vẫn được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Cảnh quan thác Bụt tại bản Bụt xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình nơi gắn liền với tích Lễ hội đập trống của tộc người Macoong (dân tộc Bru – Vân Kiều). Nguồn: Quốc Hùng
Các phong tục tập quán gắn kết với cảnh quan núi rừng tự nhiên vừa nguyên sơ, vừa lãng mạn, cuốn hút du khách bằng hơi thở cổ tích của núi rừng và con người sống trong không gian ấy là linh hồn của vùng đất huyền thoại, họ mang nét đẹp hồn hậu, mộc mạc, gần gũi nhưng cũng có nét rất riêng, huyền bí. Người DTTS ở Quảng Bình mang nét đẹp hồn hậu, chậm rãi, sâu lắng rất riêng và có phần huyền bí làm nên bản sắc độc đáo, khác biệt của nơi đây.
Du lịch trải nghiệm: Câu chuyện từ thiên nhiên và văn hóa
Nhận diện được tiềm năng lớn của khu vực, nhóm nghiên cứu đã xác định 24 thôn/bản với tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, từ đó đề xuất một số sản phẩm du lịch trải nghiệm thiên nhiên kết hợp văn hóa bản địa, mỗi sản phẩm như một cánh cửa mở ra thế giới huyền bí của núi rừng và con người nơi đây:
1. “Thiên nhiên, văn hóa đồng bào Khùa - Mày bên dãy Giăng Màn”: Hành trình khám phá thiên nhiên hùng vĩ và bản sắc văn hóa độc đáo của tộc người Khùa - Mày trên dãy núi Giăng Màn đưa bạn đến với các bản làng như La Trọng, Lé, Krét, Tà Leng. Tại đây, du khách sẽ tham gia lễ buộc chỉ cổ tay cầu bình an, trekking qua những khu rừng nguyên sinh với cây cổ thụ nghìn năm, thưởng thức các món đặc sản như cơm pồi, cá mát nướng, canh trứng kiến nấu lá bún.
Không chỉ vậy, chợ phiên Y Leng đầy sắc màu và nghề đan lát thủ công tinh xảo sẽ mang lại trải nghiệm văn hóa đậm đà. Đặc biệt, đập thủy điện La Trọng – hồ treo giữa núi non trùng điệp - cùng "Ngôi làng tiên cảnh" bản Dộ - Tà Vờng, nơi mây ôm núi, sẽ là điểm nhấn khó quên trong hành trình của bạn.
2. “Hành trình đường thuộc địa và văn hóa tộc người Mã Liềng”: Khám phá "Đường thuộc địa - Không trung thiết lộ" tại xã Lâm Hóa và Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, bạn sẽ lạc bước vào lịch sử với các dấu tích độc đáo như Hầm Thanh Lạng, cầu Ca Tang, và những trụ cáp treo từ thời Pháp thuộc.
Tại bản Kè, du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa độc đáo của người Mã Liềng, tham gia lễ cúng thần rừng, thưởng thức các món ăn đặc sản như canh măng lá thuốc, cháo môn và đan lát các sản phẩm thủ công tinh xảo. Không thể bỏ qua hành trình trekking qua rừng nguyên sinh đến hang Hung Trù 1 với thạch nhũ kỳ ảo và dòng sông ngầm trong vắt. Đây là chuyến du lịch kết hợp giữa thiên nhiên hùng vĩ, lịch sử huyền thoại và văn hóa đặc sắc của người Mã Liềng.
3. “Khám phá thiên nhiên kỳ vĩ và tộc người Arem”: Bản Arem, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, nằm giữa lòng di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, mang đến cho du khách hành trình khám phá rừng nguyên sinh kỳ vĩ, quần thể Bách Xanh Đá 500 năm tuổi và các hang động huyền bí như hang Rục Cà Ròng, Acu, Klinh.
Đây từng là nơi sinh sống của người Arem, tộc người từng trú ngụ trong hang đá. Du khách sẽ được lắng nghe các làn điệu dân ca, tham gia bắn nỏ, đan lát, và thưởng thức ẩm thực đậm đà như cá khe nướng, măng rừng chấm cheo. Trải nghiệm cắm trại trong hang động, trekking qua suối Arem và tham gia các nghi lễ truyền thống tạo nên một hành trình đậm chất thiên nhiên và văn hóa không thể bỏ lỡ.
Lễ hội đập trống Lễ hội đập trống của tộc người Macoong (dân tộc Bru – Vân Kiều) vào dịp rằm tháng giêng âm lịch (Nguồn: Vĩnh Quý)
4. “Hành trình con đường tuổi 20 và văn hóa người Ma-Coong”: Hành trình khám phá con đường tuổi 20 đưa du khách đến xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa độc đáo của tộc người Ma-Coong. Dọc tuyến đường 20 Quyết Thắng, du khách ghé thăm các di tích lịch sử như cầu Trạ Ang, Hang Tám TNXP, và đền tưởng niệm liệt sĩ Cà Roòng-ATP, sống lại những ký ức hào hùng.
Tại bản Cà Roòng, du khách có cơ hội tìm hiểu lễ hội đập trống đặc trưng của tộc người Macoong vào dịp rằm tháng Giêng âm lịch, trải nghiệm nghề đan lát tinh xảo và hòa mình vào không gian thiên nhiên kỳ vĩ của thác Bụt. Không thể bỏ lỡ, các món ăn dân dã như Láp cá khe, măng rừng chấm cheo, và rượu cần núi rừng sẽ mang đến dư vị khó quên trong hành trình khám phá văn hóa người Ma-Coong.
5. “Thượng nguồn Long Đại và văn hóa Vân Kiều”: Hành trình khám phá thượng nguồn sông Long Đại đưa du khách về với các bản Cây Sú, Dốc Mây, và suối Chà Cùng tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Điểm nhấn đầu tiên là cầu treo Cây Sú – “chiếc võng khổng lồ” giữa đại ngàn, nơi lý tưởng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp sông núi. Tiếp nối, du khách sẽ được chèo xuồng Tadpole trên dòng sông Long Đại thơ mộng, khám phá những thác ghềnh kỳ vĩ, ngắm hệ sinh thái phong phú.
Ngoài ra, bản Cây Sú chào đón du khách với các trải nghiệm độc đáo: thưởng thức bánh A chôi truyền thống, tham gia làm nông, giao lưu văn hóa qua âm nhạc, lễ hội và ẩm thực dân tộc như cá khe nướng, cơm lam. Hành trình còn hấp dẫn với các hoạt động khám phá hệ thống hang động như Chà Rào, Chà Cùng và Sơn Nữ – nơi những khối thạch nhũ và dòng sông ngầm tạo nên vẻ đẹp huyền bí đầy quyến rũ.
6. “Văn hóa Bru - Vân Kiều tại bản Bạch Đàn”: Khám phá bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, du khách sẽ được hòa mình vào không gian rừng nhiệt đới nguyên sinh trên núi đất thấp, nơi suối Bạch Đàn hùng vĩ và khe Chàn Hướng Lập thơ mộng vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp của miền biên giới.
Hành trình dẫn bạn đến cột mốc biên giới 572, tìm hiểu cuộc sống mộc mạc của tộc người Vân Kiều qua những trải nghiệm sản xuất vùng cao, thưởng thức đặc sản núi rừng như đoác, măng, cải cay, sắn mì chế biến độc đáo. Khi màn đêm buông, cùng bà con đốt lửa trại, nhảy điệu tà oải và hát giao duyên, du khách sẽ cảm nhận trọn vẹn sự nồng hậu và giàu bản sắc của người Vân Kiều.
Ẩm thực trong lễ nghi Lễ hội đập trống của tộc người Macoong. Nguồn: Vĩnh Quý
7. Mô hình bản du lịch cộng đồng bản Rào Con tại Thị trấn Phong Nha: là điểm nhấn đặc biệt, nơi kết nối các yếu tố thiên nhiên, văn hóa và cộng đồng. Tận dụng những lợi thế về cơ sở hạ tầng của trung tâm du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng, Rào Con là sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên hoang sơ và văn hóa bản địa đặc sắc của đồng bào Bru - Vân Kiều, mang lại trải nghiệm trọn vẹn và chân thực cho du khách. Du khách sẽ được tham gia vào các hoạt động sản xuất truyền thống, thưởng thức ẩm thực bản địa, và tìm hiểu các nghi thức văn hóa tâm linh đặc sắc.
Cảnh quan hùng vĩ ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Hải An
Nơi đây hấp dẫn du khách bởi sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa đặc sắc của người Bru - Vân Kiều và cảnh quan hùng vĩ. Từ trekking rừng nguyên sinh, tắm suối mát lành đến trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống như đan lát, làm đồ mây tre, mỗi khoảnh khắc ở Rào Con đều mang đến cảm giác gần gũi, chân thực.
Du khách có thể lưu trú tại những homestay được thiết kế theo phong cách nhà sàn truyền thống, thưởng thức ẩm thực địa phương và tham gia các nghi lễ, hoạt động văn hóa đặc sắc ở nhà văn hoá cộng đồng các dân tộc thiểu số Quảng Bình. Đây là điểm đến lý tưởng để khám phá thiên nhiên và văn hóa bản địa trong không gian yên bình, nguyên sơ.
Phát triển du lịch bền vững: Từ tiềm năng đến thực tiễn
Mặc dù sở hữu tiềm năng to lớn, du lịch miền núi Quảng Bình vẫn đang đối mặt với những thách thức như hạ tầng hạn chế, thủ tục hành chính phức tạp và nhận thức chưa cao trong cộng đồng. Nghiên cứu cũng đã đề xuất các giải pháp hướng đến phát triển du lịch bền vững:
Quy hoạch hợp lý và cải thiện hạ tầng: Đầu tư nâng cấp giao thông, dịch vụ lưu trú nhưng vẫn bảo tồn cảnh quan tự nhiên và văn hóa bản địa.
Thúc đẩy vai trò cộng đồng: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, có chính sách phù hợp và cởi mở cho khu vực biên giới, cấp quyền sử dụng đất và tổ chức đào tạo, khuyến khích người dân tham gia tích cực vào các hoạt động du lịch.
Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá: Sử dụng, phát huy nền tảng kỹ thuật số để quảng bá du lịch Quảng Bình tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Doanh nghiệp đồng hành với cộng đồng: Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp du lịch, khuyến khích phát triển các mô hình du lịch xanh, vừa bảo tồn giá trị bản địa vừa đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Ảnh: Hải An
Phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm tại Quảng Bình không chỉ là khai thác tiềm năng mà còn ‘‘gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp với bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống các nét văn hoá độc đáo của các tộc người, hình thành các điểm du lịch văn hoá tộc người’’, là hành trình bảo tồn các giá trị thiên nhiên và văn hóa. Những sản phẩm này giúp du khách không chỉ cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên mà còn hiểu sâu sắc hơn về đời sống, tâm hồn và bản sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây.
Giữa không gian rừng núi, mỗi bước chân du khách là một cuộc hành trình hòa mình vào sự gắn kết giữa con người và đất trời. Với tiềm năng lớn và chiến lược phát triển hợp lý, Quảng Bình hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai khao khát trải nghiệm du lịch bền vững, kết hợp khám phá thiên nhiên và văn hóa. Đây không chỉ là cơ hội để bảo tồn giá trị bản địa, mà còn là chìa khóa cho sự phát triển xanh và bền vững của vùng đất này.
Nhóm nghiên cứu:
* Phạm Hồng Thái, Hoàng Hải Vân, Võ Văn Trí, Mai Thị Thuỳ, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Ngọc Giàu - BQL Vườn QG Phong Nha - Kẻ Bàng
** Cao Thị Thanh Thuỷ- Trường ĐH Quảng Bình