Tiểu Quyên kể chuyện Trường Sa cho các em thiếu nhi
Câu chuyện đầy tự hào về vẻ đẹp biển đảo Việt Nam, về sức sống mãnh liệt của quân và dân nơi đầu sóng, ngọn gió với những giá trị giáo dục đầy ý nghĩa: tôn vinh chủ quyền dân tộc, cùng các bạn nhỏ thêm yêu Việt Nam mình.
Tiểu Quyên kể chuyện Trường Sa cho các em thiếu nhi tại buổi giới thiệu sách.
Ngày 26/2/2023, tại sân khấu Đường Sách TP.HCM, bộ sách song ngữ Anh - Việt: Trường Sa! Biển ấy là của mình do nhà văn nhà văn Bùi Tiểu Quyên viết lời với phần minh họa của họa sĩ Thanh Phan đã chính thức ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi.
Bộ sách nằm trong chuỗi ấn phẩm với chủ đề “Em yêu Việt Nam mình”, dòng sách tôn vinh con người và những giá trị của thiên nhiên đất nước, giới thiệu hàng loạt thắng cảnh và di tích lịch sử trải dài ở khắp các tỉnh thành đến với bạn đọc nhỏ tuổi.
Tác giả Bùi Tiểu Quyên - cây bút có duyên với đề tài biển đảo. Năm 2022, cuốn sách Cà Nóng chu du Trường Sa của chị đã đoạt giải C tại Giải thưởng Sách Quốc gia.
Chia sẻ tại buổi giao lưu sách, Nhà văn Bùi Tiểu Quyên cho biết, khi viết Cà Nóng chu du Trường Sa, tôi từng nghĩ rằng giá mà có thể thực hiện song song một bộ sách tranh cho các bạn nhỏ tuổi hơn. Bởi vì đến thời điểm này, có rất ít những bộ sách tranh về biển đảo dành cho các bé dưới 10 tuổi.
Với mong mình có thể mang đến cho các bé một câu chuyện dễ thương, sinh động mà cũng có ý nghĩa, giàu cảm xúc về nơi đầu sóng. Và điều này cần có sự tham gia của họa sĩ cũng như đơn vị xuất bản có cùng tâm huyết như mình.
“Tôi nghĩ, những trải nghiệm ở nơi đầu sóng cũng như tình yêu dành cho biển đảo của Tổ Quốc mình đã được gửi gắm qua các tác phẩm này. Mong rằng có thể góp phần nhỏ bé nào đó trong việc xây đắp, nuôi dưỡng tình cảm thiêng liêng ấy trong tâm hồn của trẻ thơ”, Tiểu Quyên mộc mạc nói.
Chương trình giao lưu giới thiệu bộ sách Trường Sa! Biển ấy là của mình với sự kết hợp của nhà văn Bùi Tiểu Quyên và họa sĩ Thanh Phan.
Theo họa sĩ Thanh Phan, từ lâu cô đã muốn vẽ một bộ sách về chủ đề biển đảo. Khi nhận được lời mời hợp tác minh họa cho bộ sách Trường Sa! Biển ấy là của mình, nữ họa sĩ thấy rất vui và hào hứng.
Bên cạnh đó cô cũng thấy có đôi chút áp lực khi nhận bản thảo. Để có thể hiểu và truyền đạt lại câu chuyện qua tranh, nữ họa sĩ cũng đã tìm hiểu xem phóng sự và các bài viết của nhà văn Bùi Tiểu Quyên để có thể lột tả được chân thực nhất những gì tác giả muốn gửi gắm.
Hai tập của bộ sách Trường Sa! Biển ấy là của mình do Bùi Tiểu Quyên viết lời, Thanh Phan vẽ minh họa.
Bộ sách gồm hai tập Phong ba nơi đầu sóng và Biển ấy là của mình được đông đảo bạn đọc và phụ huynh quan tâm, chọn mua.
Không gian triển lãm tranh vẽ Trường Sa trong bộ truyện cũng thu hút bạn đọc và du khách tham quan.
Theo đó, câu chuyện mở đầu ở tập 1 với nhan đề: “Phong Ba nơi đầu sóng”, độc giả nhí sẽ được làm quen với chú cún đáng yêu tên Phong Ba - đây cũng là tên của một loài cây đặc hữu trên đảo Trường Sa.
Vốn là một chú chó nhỏ nghịch ngợm, thích phiêu lưu, Phong Ba đã đi khám nhiều nơi trên đảo. Trong chuyến hành trình thú vị của mình, Phong Ba khám phá được rất nhiều điều bổ ích về hòn đảo Trường Sa quê hương.
Tiếp đến tập 2: “Biển ấy là của mình”, nhân vật Phong Ba đã trở thành một bác chó già chín chắn. Độc giả tuổi hoa sẽ cùng “bác” Phong Ba tìm hiểu kỹ hơn về việc tại sao cần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ở tập này, tác giả đã đưa đến cho bạn đọc nhỏ nhiều kiến thức thú vị liên quan đến Trường Sa nói riêng và biển đảo nói chung như: dựa vào đâu để phân biệt đảo nổi, đảo chìm; các ngọn hải đăng hoạt động thế nào...
Cuốn sách này còn cung cấp nhiều thông tin thú vị về lịch sử của quần đảo Trường Sa.
Anh Bùi Trung Dũng, nhà ở Q.Tân Bình cho hay, cuối tuần tôi thường cho các bé ra ngoài này vui chơi và mua sách. Tình cờ được dự chương trình giao lưu ra mắt sách về Trường Sa, tôi thật sự xúc động về ý nghĩa truyền tải của các bạn trẻ.
“Thông qua câu chuyện kể và hình ảnh sinh động, bộ sách sẽ bồi đắp thêm cho các bạn nhỏ, các con tình yêu với biển đảo và thiên nhiên đất nước”, anh Dũng tâm đắc nói.