“Thiền là gì?”: Khám phá thiền trong tư tưởng Krishnamurti

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngày nay, thiền càng ngày càng trở nên phổ biến với vô số trường phái, hệ thống và phương pháp tiếp cận khác nhau. Vậy thiền thực chất là gì? Tại sao người ta nên thiền? Và thiền sẽ đưa bạn đến đâu?

Cuốn sách “Thiền là gì?” với 72 câu trích từ các bài nói chuyện của triết gia Jiddu Krishnamurti, mở ra một cái nhìn sâu sắc về thiền theo cách tiếp cận riêng biệt của ông.

Cuốn sách không chỉ giải thích quan điểm của Krishnamurti về thiền mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của thiền trong việc giúp chúng ta đối mặt với những thách thức của cuộc sống hiện đại.

Khám phá thiền theo kiểu Krishnamurti

Thiền có những cách hiểu khác nhau trong các tôn giáo và triết học khác nhau. Trong Phật giáo, thiền là phần cốt lõi của tu tập, giúp người thực hành đạt được trạng thái tĩnh tâm và nhận thức đúng đắn về bản ngã và thế giới xung quanh.

“Thiền là gì?”: Khám phá thiền trong tư tưởng Krishnamurti - 1

Trong Đạo giáo, thiền được coi là phương pháp hòa quyện với tự nhiên và đạt được sự hài hòa với Đạo. Còn trong Hindu giáo, thiền thường gắn liền với các kỹ thuật yoga, nhằm đạt đến trạng thái tự hiểu biết và giải thoát tinh thần.

Tuy nhiên, Krishnamurti, người không thuộc về bất kỳ tôn giáo hay trường phái triết học nào, định nghĩa thiền là khả năng nhìn nhận thế giới bên ngoài đúng như bản chất của nó, chứ không phải theo cách bạn mong muốn. Theo ông, thiền là sự thấu hiểu trọn vẹn đời sống, từ đó dẫn đến hành động đúng đắn.

Krishnamurti chỉ ra rằng thiền không phải là sự trốn tránh hay là một thực hành huyền bí. Thay vào đó, thiền là sự hiện diện đầy đủ trong những hoạt động hàng ngày.

Ông giải thích: “Thiền là sự chú tâm trọn vẹn vào bất cứ điều gì bạn đang làm trong suốt cả ngày. Khi bạn thắt cà-vạt, hãy chú trọng vào điều đó. Khi bạn trò chuyện, hãy chú tâm hoàn toàn. Khi chú tâm, không còn cái ‘tôi’ làm trung tâm, và từ đó không còn sự hình thành bản ngã, đau khổ và phân chia.”

“Thiền là gì?”: Khám phá thiền trong tư tưởng Krishnamurti - 2

Krishnamurti

Krishnamurti cho rằng việc tự hiểu mình là khởi đầu của thiền. Ông chỉ trích việc tụng niệm các từ ngữ trong kinh sách, cho rằng đó chỉ là hình thức bên ngoài, không mang lại sự hiểu biết thật sự. Theo ông, khi não bộ bị kích thích bởi việc lặp đi lặp lại các từ ngữ, nó có thể trở nên yên tĩnh, nhưng điều đó không giải quyết được những khao khát và xung đột bên trong.

Ông viết trong cuốn sách: “Thiền là phẩm chất của tâm trí vốn hoàn toàn chú tâm và tĩnh lặng. Chỉ khi đó, bạn mới có thể nhìn thấy một bông hoa một cách trọn vẹn, thấy được vẻ đẹp, màu sắc và hình dáng của nó. Khi đó, khoảng cách giữa bạn và bông hoa mới được xóa bỏ.”

Krishnamurti nhấn mạnh rằng vẻ đẹp thực sự của thiền nằm ở sự tĩnh lặng, một trạng thái mà trong đó vạn vật được hiện hữu một cách tự nhiên và không bị can thiệp.

Đừng theo bất cứ ai

Krishnamurti nhấn mạnh rằng trong thiền, không có chỗ cho sự tuân theo bất kỳ ai hoặc bất kỳ hệ thống nào. Ông cho rằng việc theo đuổi các phương pháp thiền định, từ việc chú ý đến hình ảnh hay tụng niệm, chỉ làm giảm sút sự tự do và năng lượng của tâm trí. Ông khuyến cáo: “Đừng theo bất cứ ai, kể cả tôi. Đừng theo bất kỳ hệ thống nào vì nó sẽ làm cho tâm của bạn trì độn và tàn phá năng lượng vốn có của bạn.”

“Thiền là gì?”: Khám phá thiền trong tư tưởng Krishnamurti - 3

Khác với những phương pháp thiền phổ biến, Krishnamurti không đề xuất các kỹ thuật cụ thể. Ông khẳng định rằng thiền không thể được tạo ra, trải nghiệm, hoặc học hỏi từ người khác. Cuốn sách “Thiền là gì?” không phải là một hướng dẫn thiền định mà là một cách dẫn dắt độc giả để tự khám phá và hiểu biết về thiền theo cách của riêng mình.

“Thiền là gì?”: Khám phá thiền trong tư tưởng Krishnamurti - 4

Krishnamurti nhấn mạnh rằng để hiểu thiền, bạn phải là ánh sáng của chính mình, không thể phụ thuộc vào người khác, dù là một đạo sư hay bất kỳ truyền thống nào. “Thiền là gì?” thách thức các quan niệm truyền thống và mở ra cơ hội cho độc giả tự tìm kiếm con đường thiền định của riêng mình.

Với sự sâu sắc và độc đáo trong tư tưởng, cuốn sách không chỉ phản ánh quan điểm tươi mới của Krishnamurti mà còn giúp độc giả soi rọi và mở rộng tư duy của mình. Những quan điểm của ông, dù đã được truyền đạt từ lâu, vẫn luôn tươi mới và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều nhân vật lớn như George Bernard Shaw, David Bohm, Alan Watts, Henry Miller, Bruce Lee, Eckhart Tolle, Jackson Pollock và Aldous Huxley.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT