Thấy gì khi vụ Trấn Thành 'chen hàng, bao rạp' sáng tỏ trắng - đen
Chuyên gia cho rằng Trấn Thành không sai nhưng chưa khéo léo trong cách từ chối khán giả ở cương vị người nổi tiếng. Ngoài ra, mặt trái của mạng xã hội cũng là vấn đề đáng bàn.
Trong 2 ngày qua, những bài viết liên quan đến việc Trấn Thành bị tố chen hàng, đòi bao rạp phủ sóng mạng xã hội kéo theo lượt tương tác lớn và vô vàn ý kiến trái chiều. Vụ việc bắt nguồn từ bài tố của tài khoản N.V. đăng ngày 2/3 và tạm lắng xuống khi Trấn Thành lên tiếng giải thích tối 3/3.
Chỉ một bài đăng đã dẫn dắt cả mạng xã hội.
Bài học cho Trấn Thành và khâu xử lý của rạp phim
Cụ thể, tối 2/3, tài khoản N.V. có bài đăng tố cáo Trấn Thành bất lịch sự chen hàng khi anh này đang cùng bạn gái đợi mua vé tại một rạp chiếu ở TP.HCM đêm 1/3. Trong bài đăng, N.V. cho biết khi anh đang xếp hàng chờ mua vé, Trấn Thành cùng em gái Uyển Ân và nhóm bạn xuất hiện.
Trấn Thành thậm chí chen lên và yêu cầu mua tất cả số vé còn lại để bao rạp. N.V. đề nghị Trấn Thành nhượng lại 2 vé nhưng nhận được câu trả lời từ nam MC: “Anh cần sự riêng tư em ơi”. Bài viết sau đó được chia sẻ trên hàng loạt fanpage. Lúc này, số đông khán giả chỉ trích nam MC. Từ khóa “riêng tư” cũng thành trend phủ sóng mạng xã hội.
Sáng 3/3, trao đổi với Zing, chị Nguyễn Thị Thanh Hạ - quản lý rạp CGV Vincom Đồng Khởi - khẳng định Trấn Thành đã đặt vé từ trước. Đêm 1/3, anh chỉ đến nhận vé nên không có chuyện MC đòi mua tất cả vé để bao rạp như N.V. tố cáo. Chị Thanh Hà nói thêm thời điểm đó, nhân viên rạp phim đã giới thiệu suất chiếu lúc 23h20 (chỉ sau 10 phút) cho anh N.V.
Trưa cùng ngày, quản lý Trấn Thành đưa ra câu trả lời tương tự khi Zing liên hệ.
Sau hơn một ngày chiếm sóng mạng xã hội, tối 3/3, Trấn Thành mới chính thức lên tiếng. Trong bài viết, Trấn Thành đưa ra bằng chứng đặt trước phòng xem phim. MC cũng khẳng định không chen hàng như N.V. tố cáo. Ngoài ra, Trấn Thành cho biết anh không nói câu: “Còn bao nhiêu vé, anh mua hết”.
“Trong lúc tôi trả tiền, có một người khách (có thể là bạn N.V.) khều tôi bảo: ‘Anh ơi. Anh mua hết vé rồi hả? Anh nhường em 2 vé đi’. Tôi bảo: ‘Xin lỗi, không được em, anh đã đặt riêng và mua hết vé phòng này rồi’. Bạn vẫn khư khư: ‘Anh nhường em 2 vé thôi. 2 vé thôi mà’. Lúc đó tôi mới nói câu: ‘Không được đâu em ơi. Anh cần sự riêng tư. Bạn tỏ ra rất khó chịu với tôi”, Trấn Thành kể.
MC tiếp tục: “Trong khi đó, tôi cũng không thật sự thấy thoải mái khi bất ngờ có một người không quen biết, chưa hỏi mình xem phim gì, suất mấy giờ mà yêu cầu nhường 2 vé bằng được. Trong khi đó, tôi đã đặt trước và chỉ chờ để thanh toán”.
Sau chia sẻ của Trấn Thành, tài khoản N.V. cho biết dừng lên tiếng về vụ việc. Đến lúc này, ồn ào mới tạm lắng xuống.
Tuy nhiên, nhiều khán giả cho rằng trong sự vụ, Trấn Thành không sai nhưng chưa đủ khéo léo, đặc biệt ở tầm cỡ một nghệ sĩ lâu năm và thành công. Không ít ý kiến cho rằng câu nói “Anh cần sự riêng tư em ơi” cũng cho thấy thái độ khó chịu từ nam MC. Và điều đó có thể gây thất vọng với những khán giả vốn yêu mến hình ảnh thường thấy của Trấn Thành trên các chương trình. Trong bài viết, tài khoản N.V. khẳng định anh đi xem phim mới của Trấn Thành tới 3 lần.
Trao đổi về việc Trấn Thành được nhận xét chưa khéo léo khi trả lời khách hàng N.V., Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc Gia nhận định khán giả là người ngoài cuộc, nghe đôi bên nói qua nói lại sẽ không nắm được thông tin chính xác.
Trấn Thành vướng tranh cãi sau khi đi xem phim cùng bạn bè thân thiết.
Trấn Thành vướng tranh cãi sau khi đi xem phim cùng bạn bè thân thiết.
“Nếu có chuyện đó thật thì đây cũng là bài học về ứng xử. Tôi đã xem nhiều chương trình Trấn Thành dẫn. Tôi thấy anh ấy có sự khéo léo của người làm MC nhưng tính cách khá bộc trực, thẳng thắn. Trong tình huống đó, Trấn Thành có thể nghĩ cách trả lời của mình là đủ rồi. Nhưng từ góc độ của người hâm mộ, điều đó có thể là chưa đủ tế nhị, khéo léo. Đây cũng là vấn đề người nổi tiếng phải chịu sự khắt khe hơn người khác”, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy nhận định với Zing.
Chị nói thêm: “Người nổi tiếng làm gì cũng bị soi xét, do đó hãy cố gắng giữ sự bình an để bình tĩnh, lịch sự, giao tiếp hòa đồng vui vẻ trong mọi tình huống, dù tôi biết việc này không dễ dàng. Đây là cái giá phải trả của sự nổi tiếng. Nhưng tôi nghĩ mọi người nổi tiếng hãy coi đây là chuyện bình thường. Quan trọng, sai thì sửa và rút ra bài học từ chuyện vừa xảy ra”.
CGV cũng là một phần lý do khiến vụ việc bị đẩy đi quá xa. Sự việc xảy ra tại rạp CGV Vincom Đồng Khởi nhưng nhà rạp được cho là xử lý sự việc chậm chạp. Gần một ngày kể từ khi N.V. có bài viết tố cáo và khi báo chí phản ánh, CGV mới cho biết đang kiểm tra sự việc.
Ngoài ra, sau khi xác minh vụ việc, thay vì gửi thông cáo tới truyền thông hoặc đưa ra phản hồi chính thức, CGV lại để một cá nhân (cụ thể là chị Nguyễn Thị Thanh Hạ) lên tiếng trên mạng xã hội. Tài khoản Nguyễn Thị Thanh Hạ thậm chí không đưa ra bằng chứng, hình ảnh và khóa cả phần bình luận.
Báo chí sau đó phải liên lạc với ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung của CGV để xác nhận tài khoản của Thanh Hạ là thật. Nhiều ý kiến cho rằng nếu CGV không lên tiếng xác nhận, rất khó có cơ sở khẳng định Thanh Hạ có thực sự là quản lý của CGV Đồng Khởi hay không. Cách phản ứng, xử lý ồn ào này được đánh giá là thiếu kinh nghiệm, khiến vụ việc thêm bùng nổ.
Mặt trái của những lời tố cáo một chiều trên mạng xã hội
Sự việc của Trấn Thành những ngày qua bắt nguồn từ bài viết của một tài khoản mạng. Bài đăng được viết từ góc nhìn cá nhân và tính xác thực chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, nó lan truyền với tốc độ chóng mặt. Đáng nói, rất nhiều khán giả đã hoàn toàn tin vào bài viết đó.
Cộng thêm việc hàng trăm fanpage có lượt theo dõi lên đến triệu người cũng chia sẻ bài viết khiến tin tức liên quan đến Trấn Thành trở thành chủ đề nóng nhất trên mạng xã hội trong 2 ngày qua.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho biết vụ việc bùng lên trên mạng xã hội đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Lý do đầu tiên, bài viết về người nổi tiếng bao giờ cũng được quan tâm. Do đó, những bên liên quan nếu không xử lý truyền thông tốt sẽ gây nên những sóng gió.
“Sự thật là trong vụ việc lần này, phía Trấn Thành cũng lên tiếng hơi muộn. Sau bài viết đầu tiên, anh ấy không lên tiếng giải thích rõ ràng ngay, nên thành ra dư luận 'ném đá' Trấn Thành. Trong khi đó, thông tin trên mạng xã hội lan truyền theo từng giây. Chậm vài giây đã đủ gây xôn xao chứ không nói đến cả ngày. Đó chính là sức mạnh của truyền thông mạng và cũng là bài học của bất cứ ai nổi tiếng”, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho biết.
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, khách hàng phàn nàn về Trấn Thành có thể họ không hề ác ý mà chỉ hiểu nhầm. Nhưng việc họ đăng bài sẽ khiến công chúng quan tâm, đổ xô vào. Số đông có xu hướng nghe và tin những bài viết đầu tiên.
Điều đó cho thấy mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Nó thường thổi bùng tin tức tiêu cực nhanh hơn tích cực. Một bài viết rất bình thường cũng có thể gây sóng gió cho người nổi tiếng.
Tất nhiên, không ít bài viết đăng trên mạng xã hội là một chiều, kể theo góc nhìn có lợi cho người đăng tải. Thực tế, trong vụ Trấn Thành, người tố sau đó còn bị chính nhân chứng phản bác. Để thấy, khi chọn tin những thông tin trên mạng xã hội vẫn cần cái nhìn khách quan, tỉnh táo.