Đêm chung kết cuộc thi "Design contest áo Bà ba" vừa diễn ra vào tối 6/4 tại Parc Mall, Quận 8, TP.HCM. Đây là lần đầu tiên có một sân chơi thiết kế chuyên nghiệp dành riêng cho chiếc áo gắn liền với người phụ nữ Nam Bộ
Cuộc thi quy tụ sinh viên đam mê thiết kế đến từ các trường đại học: Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Nguyễn Tất Thành và Đại học Hutech.
Các thí sinh xuất sắc đã giới thiệu bộ sưu tập tâm huyết, thể hiện nhiều góc nhìn sáng tạo về chiếc áo bà ba. Từ nét thanh lịch cổ điển đến hơi thở đương đại, mỗi thiết kế là một câu chuyện văn hóa được kể bằng ngôn ngữ thời trang.
Với chủ đề "Vẻ Đẹp Việt Nam", ban tổ chức kỳ vọng cuộc thi sẽ lan tỏa tình yêu với trang phục truyền thống, đặc biệt là áo bà ba - biểu tượng gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ.
NTK Mi Trang - người sáng lập dự án, đồng thời là Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, chia sẻ áo bà ba, vốn được cải biên từ áo dài ngũ thân để phù hợp với đời sống lao động của người dân Nam Bộ. Trong từng chi tiết may, người ta có thể thấy triết lý sống của ông bà xưa, từ chiếc yếm tâm như lời nhắc về sự tương trợ lẫn nhau, đến tà áo mềm mại tượng trưng cho sự hài hòa và nữ tính của người phụ nữ Việt.
Áo bà ba chứa đựng những bài học sâu sắc từ bậc cha ông. 5 nút áo thể hiện cho nhân - lễ - nghĩa - chí - tín và ngũ hành. Nếp áo tượng trưng cho nếp nhà. Khi cài nút, người mặc phải từ tốn, khoan thai vừa bấm vừa kéo thì áo mới thẳng cũng như trong gia đình, luôn phải bền bỉ vun đắp thì nếp nhà mới yên ấm, vững chãi.
Mục tiêu của dự án “Tôi yêu áo Bà ba” là đưa áo bà ba đến gần hơn với đời sống hiện đại, không chỉ gìn giữ giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, doanh nhân và phụ nữ. "Tôi rất tự hào khi chứng kiến thế hệ trẻ đã thực sự thấu hiểu và sáng tạo trên nền tảng văn hóa truyền thống. Mỗi bộ trang phục là một sự kết nối quá khứ và hiện tại, thể hiện tình yêu sâu đậm với quê hương", NTK Mi Trang chia sẻ.
Design Contest Áo bà ba" thu hút hơn 200 bài dự thi, với sự đồng hành của nhiều chuyên gia trong giới thiết kế và văn hóa. Thành phần ban giám khảo gồm NTK Quỳnh Paris, NTK Hoài Sang, đạo diễn Điệp Văn, chuyên gia văn hóa Huỳnh Minh Hiệp, đại diện tài trợ chị Lê Tuyền cùng NTK Mi Trang.
Theo ông Huỳnh Minh Hiệp, Phó chánh Văn phòng Trung tâm UNESCO Nghiên Cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam – thành viên Ban giám khảo, việc tổ chức các cuộc thi tôn vinh áo bà ba không chỉ gìn giữ di sản văn hóa mà còn quảng bá du lịch, tạo sức mạnh phát triển văn hóa - xã hội và kinh tế. Chiếc áo mộc mạc này là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, mang đậm bản sắc văn hóa Nam Bộ.
Kết quả chung cuộc, giải Quán quân thuộc về Phạm Lê Huỳnh với bộ sưu tập "Duyên đồng áng" - gợi nhớ nhịp sống bình dị của miền quê. Á quân là Huỳnh Long Tuấn Anh với "Bà ba lên phố" - cho thấy sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Giải đặc biệt từ nhà tài trợ được trao cho "Hồn Việt điệu trích" của Tạ Thị Mỹ Linh.
Cuộc thi còn vinh danh 5 giải khuyến khích, lần lượt thuộc về các thí sinh: Đặng Thị Thùy Dương (với "Đan duyên"), Trịnh Quốc Hùng (với "Ngọc trời"), Nguyễn Thành Đạt (với "Việt Nam tôi đó"), Mai Quốc Quân (với "À ơi"), Trần Anh Khoa (với "Giữa dòng mưu sinh). Giải Sáng tạo - giải thưởng "vì yêu mà phát sinh", được trao cho "Nhà" của Nguyễn Quốc Đạt. Trường Đại học Hutech được xướng tên là đơn vị có nhiều thí sinh đoạt giải nhất.