Seaspiracy - Sự thật về nghề cá bền vững - Máu của cá và của đại dương
Thật khó để khuấy lòng biển trở nên đục ngầu khi nó vốn đã như vậy vì ô nhiễm. Bởi lẽ đó, không ai ngờ Seaspiracy (tựa Việt: Sự thật về nghề cá bền vững) lại gây ra sự tranh luận dữ dội.
Bộ phim tài liệu tràn ngập những cảnh máu me - máu của cá và của đại dương.
Seaspiracy nhận định những tấm lưới khổng lồ là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường biển và suy thoái tài nguyên nghiêm trọng. Ảnh: IMDb.
Bộ phim tài liệu do chàng trai 27 tuổi Ali Tabrizi làm đạo diễn đã ghi lại quá trình tái nhận thức của anh. Dù trải trên phạm vi rất rộng, bộ phim tập trung vào các loài cá heo, cá mập, cá voi - những sinh vật đứng đầu chuỗi thức ăn dưới đại dương và tác động đến sự cân bằng của hệ sinh thái.
Đằng sau cái gọi là "nghề cá bền vững"
Đạo diễn đã thực hiện nhiều chuyến đi táo bạo đến ngư trường đánh bắt cá ngừ ở Nhật, khám phá chế độ nô lệ trên những tàu đánh bắt cá ở Thái Lan và cận cảnh cuộc truy bắt tội phạm khai thác hải sản trái phép ở châu Phi. Xuyên suốt bộ phim là những cuộc phỏng vấn đột kích tại nơi che giấu bí mật đằng sau cái gọi là "nghề cá bền vững".
Seaspiracy đưa ra các số liệu chứng minh hầu hết rác thải trên biển từ các hoạt động đánh bắt cá, và thực tế những chiếc lưới chính là thủ phạm hủy hoại các sinh vật dưới biển một cách tàn bạo nhất.
Cảnh phim Seaspiracy (tựa Việt: Sự thật về nghề cá bền vững).
Khởi đầu cho chuỗi nghi vấn của Tabrizi là cụm từ "sản lượng không mong muốn" (bycach) - thuật ngữ được sử dụng để mô tả hàng chục ngàn con cá heo, cá voi, cá mập, rùa biển và các loài sinh vật biển khác vô tình bị cuốn vào chiếc lưới khổng lồ của các tàu cá.
Ước tính lượng sinh vật biển không nằm trong mục tiêu này chiếm đến 40% sản lượng đánh bắt hằng năm trên toàn cầu. Sau đó, chúng bị bỏ lại trên sàn tàu cho đến chết và bị vứt xác xuống đại dương.
Để ngăn tình trạng trên, một số tổ chức đã lập ra các chương trình "nghề cá bền vững", chỉ cấp chứng nhận sản phẩm an toàn với cá heo, cá voi... cho những công ty không để việc đánh bắt bừa bãi diễn ra trên tàu của mình.
Thế nhưng, khi nhà làm phim tìm đến đơn vị đảm trách việc gắn nhãn an toàn, anh và người xem rơi vào tình huống ngỡ ngàng khi phát hiện họ không đủ năng lực để kiểm soát hành vi của các tàu đánh cá.
Kể cả ở những khu bảo tồn biển, hoạt động khai thác cá vẫn diễn ra quyết liệt. Bộ phim đã đặt ra giả thuyết âm mưu về sự tồn tại của một "liên minh ma quỷ" giữa ngành công nghiệp đánh bắt cá, các chính phủ và những tổ chức phi chính phủ.
Gây tranh cãi
Tabrizi tự đặt mình trong tình thế nguy hiểm, bị cảnh sát địa phương theo dõi, bị dọa giết vì chĩa máy quay đến những góc khuất trong chính sách kinh tế của các nước và chuyện làm ăn của các chủ tàu.
Các tổ chức phi chính phủ cũng liên tiếp từ chối phỏng vấn để làm rõ những tuyên bố của họ. Sau khi phát hành, Seaspiracy đã nhận phản ứng kịch liệt từ những tổ chức này với lập luận các cuộc phỏng vấn của Tabrizi không đầy đủ và các số liệu cũng đã lỗi thời.
Tuy vậy, họ lại không đưa ra được những bằng chứng cho thấy "nghề cá bền vững" thực sự mang lại hiệu quả cho con người lẫn tự nhiên.
Trái với sự gay gắt của các tổ chức, hashtag #Seaspiracy đã bùng nổ trên mạng xã hội. Bộ phim ngay lập tức tìm thấy được sự ủng hộ trên khắp thế giới.
"Chúng ta đang có cuộc chiến với đại dương và nếu thắng, chúng ta sẽ mất tất cả. Nhân loại chẳng thể tồn tại trên hành tinh với biển chết" - một bạn trẻ Việt Nam bình luận trong chuỗi hashtag.
Trong một cảnh quay kéo dài 2 phút ở đảo Faroe (thuộc Đan Mạch), Seaspiracy thình lình quăng khán giả vào một trong những thước phim máu me nhất lịch sử điện ảnh. Một cuộc thảm sát cả trăm con cá voi diễn ra ngay trên bãi biển đã để lại những vệt máu loang choán lên màu xanh của đại dương. Những con cá voi đang mang thai nằm giữa bể máu với đôi mắt sủi bọt.
Chứng kiến buổi đồ sát, đạo diễn Tabrizi đã đưa ra một thông điệp gây tranh cãi: Muốn đại dương ngừng bị hủy hoại, đừng ăn cá!
Những lời ấy nghe không lọt tai, tương tự khi nhà làm phim tài liệu trứ danh Michael Moore kết luận rằng chỉ có giảm dân số (ngưng đẻ) thì con người mới thôi hủy hoại đến tự nhiên. Trước lúc đó, đừng mơ đến giải pháp thay thế như năng lượng xanh hay nghề cá bền vững.
Có thể thấy tầm ảnh hưởng rất lớn của quái kiệt Michael Moore đến Tabrizi. Họ đại diện cho một thế hệ làm phim tài liệu điều tra kiểu mới: dấn thân, lì lợm đeo bám, xới tung những ngóc ngách tưởng như yên bình nhất và không ngại đưa ra quan điểm cực đoan.
Việt Nam đất nước và con người hiền hòa trong những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Olivier Apicella đến từ nước Pháp.