Sài Gòn bao nhớ trong sách Đàm Hà Phú

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Những ngày này, đọc lại những dòng viết của Đàm Hà Phú chợt cảm thấy yêu quý Sài Gòn và có thêm lòng tin hơn bao giờ hết, bởi “Sài Gòn chưa từng phụ ai. Bạn cứ tin tôi”.

Trong một lần lang thang trên cõi mạng, tôi biết đến tác giả Đàm Hà Phú và có theo dõi anh. Sau này có một lần anh tổ chức một cuộc thi nho nhỏ, phần thưởng là sách, tôi liền tham gia và có duyên đoạt giải. Giải thưởng rất thú vị: 2 quyển sách của chính Đàm Hà Phú viết về Sài Gòn có chữ ký của anh.

Sài Gòn bao nhớ trong sách Đàm Hà Phú - 1

2 quyển sách của Đàm Hà Phú viết về Sài Gòn.

Sài Gòn bao nhớ

Ngay từ những trang viết mở đầu, Đàm Hà Phú đã mang đến cho độc giả định nghĩa thú vị về chữ “bao” trong tựa đề quyển sách Sài Gòn bao nhớ của mình: Trái cây bao ăn, bao ngọt, đồ ăn bao rẻ, quần áo bao đẹp, quán xá bao thiếu, hàng hóa bao đổi bao trả… “Bao” nghĩa là cam kết miệng với người ta rằng họ phải hài lòng với cái mà họ nhận được, nó là cam kết nghiêm túc và hào hiệp, rất riêng của người miền Nam.

Tôi sống ở Sài Gòn hai chục năm, tôi dám nói, Sài Gòn bao nhớ. Ai từng sống ở Sài Gòn, dù ghét dù yêu, dù đã ra đi tìm miền đất hứa hay quay về cố xứ sinh nhai, đều nhớ Sài Gòn…

Sài Gòn bao nhớ trong sách Đàm Hà Phú - 2

Sài Gòn bao nhớ - tản văn thú vị về Sài Gòn.

Với giọng văn gần gũi, dân giã, pha chút hài hước và giàu trải nghiệm, Sài Gòn bao nhớ của Đàm Hà Phú tựa như những dòng tự sự vụn vặt chắp nối của một kẻ nặng tình với Sài Gòn. Những câu chuyện này đời thường và quen thuộc đến mức, có thể chính bạn, chính tôi cũng đã từng trải qua rồi, chỉ là qua giọng kể của Đàm Hà Phú chúng ta mới ngạc nhiên thốt lên: Ủa, giống y chang chuyện của mình.

Đó là những mẩu chuyện về những anh Tư xe ôm, chị Bảy Sài Gòn, anh Hai chạy ba gác…mỗi nhân vật là một số phận, một lát cắt đời thường. Thế nhưng điểm chung giữa các nhân vật trong Chuyện nhỏ Sài Gòn của Đàm Hà Phú là sự hào sảng, bao dung, nghĩa hiệp và chân tình – cũng chính là tổng hòa những đặc điểm của người Sài Gòn.

Là một tín đồ ẩm thực, Đàm Hà Phú cũng khơi gợi sự gần gũi và nét đẹp mê đắm của những món ngon Sài Gòn: đó là câu chuyện quanh đĩa cơm tấm sà bì chưởng, chuyện ở tiệm phở, xe hủ tíu đầu hẻm, quán café cóc lề đường…

Tôi đoán nhiều người cũng từng có cảm giác Sài Gòn chẳng có gì gắn bó ngoài một căn phòng để đi về ngủ một giấc dài, ngoài những con đường chật chội, cuộc sống hối hả bon chen đầy rẫy cạm bẫy. Đàm Hà Phú không cố gắng tô hồng hay cố ý bôi đen Sài Gòn trong hình dung mỗi người. Nhưng dưới góc nhìn nhiều trải nghiệm của anh, mỗi người có dịp tự vấn chính bản thân một cách công bằng và thành thực: Nếu một ngày rời xa Sài Gòn, chúng ta sẽ nhớ về điều gì?

Nói như chính tác giả thì “Bạn không thể chọn gia đình, không thể chọn quê hương, không thể chọn những gì xảy ra trong cuộc đời mình, nhưng bạn có thể lựa chọn để nhớ về tất cả những điều đó, với nhiều tình yêu hơn. Bạn có thể nhớ về Sài Gòn như về một chốn xô bồ, đầy kẹt xe bụi bặm, cướp giật xì ke và lừa lọc… hoặc bạn cũng có thể nhớ về Sài Gòn như mảnh đất đã cưu mang hơn mười triệu con người, mảnh đất của tình nghĩa, phóng khoáng và hào hiệp. Bạn được quyền chọn ký ức mà, hãy chọn ký ức đẹp”.

Chuyện nhỏ Sài Gòn

Đàm Hà Phú tác giả của Chuyện nhỏ Sài Gòn cũng giống như đa số người sống ở Sài Gòn: không phải gốc gác ở nơi đây nhưng lại yêu Sài Gòn sau nhiều năm gắn bó: Tôi sinh ra ở Hà Tĩnh, lớn lên ở Nha Trang và định cư ở Sài Gòn từ năm mười tám tuổi đến giờ.

Từng mẩu chuyện nhỏ của Đàm Hà Phú dẫn dắt người đọc đi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Có khi bật cười trước cách ví von, so sánh của tác giả khi nói về bánh mì Sài Gòn: Nếu tôi mà thành lập một tôn giáo cho mình thì đạo của tôi sẽ tên là “đạo Bánh Mì”, vì bây giờ tôi đã là một tín đồ của món ăn này. Hay cái lối suy đoán tếu táo của Đàm Hà Phú về tên những “con đường nằm nghe nắng mưa” ở Sài Gòn: Sài Gòn vừa có đường Nguyễn Huệ vừa có đường Quang Trung. Đường Quang Trung tuy là hoàng đế nhưng lại nằm ở Gò Vấp, dài thuột đến nỗi sau này qua địa phận Mười Hai phải đổi tên thành Tô Ký. Còn đường Nguyễn Huệ tuy thân là nông dân nhưng chắc nhờ quen biết nên được bố trí nằm ở quận Nhất, một con đường ngắn nhưng sầm uất nhất nhì thành phố. 

Có khi xúc động bất ngờ trước những mẩu chuyện trong hẻm kể về một ông khách lớn tuổi đi xe ôm, vì một bữa cơm tử tế của anh xe ôm mà sau này viết di chúc để lại cho anh này mười cây vàng, một anh xe ôm khác “khá hông nổi” vì cái tính hào sảng, thương người.

Sài Gòn bao nhớ trong sách Đàm Hà Phú - 3

Chuyện nhỏ Sài Gòn – quyển sách đầy cảm xúc viết về Sài Gòn.

Những ngày này, người ta nói Sài Gòn như đang bị “trọng thương”, những con phố sầm uất giờ vắng lặng, những chiếc xe máy chất đầy đồ đạc nối nhau rời bỏ Sài Gòn nhìn mà rơi nước mắt. Nhưng cho dù như thế, mỗi người đều ấp ủ hi vọng vào ngày Sài Gòn khỏe lại. Mỗi người một việc nhỏ, có những bác sĩ xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, có những bạn tình nguyện viên phụ chăm sóc những F0, có những cô chủ nhà trọ miễn phí tiền nhà…

Bản thân tác giả Đàm Hà Phú, người sáng lập 2 group nổi tiếng trên facebook là Sài Gòn Ùm và Sài Gòn chợ Lạc Xoong cũng trực tiếp đứng ra vận động ủng hộ và tặng nhiều phẩn quà đến người khó khăn trong đợt dịch này.

Sài Gòn bao nhớ trong sách Đàm Hà Phú - 4

Tác giả Đàm Hà Phú tặng quà cho người dân khu phong tỏa. Ảnh: FBNV.

Những ngày này, đọc lại những dòng viết của Đàm Hà Phú chợt cảm thấy yêu quý Sài Gòn và có thêm lòng tin hơn bao giờ hết, bởi “Sài Gòn chưa từng phụ ai. Bạn cứ tin tôi”.

Với Đàm Hà Phú, “Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nghĩ về Sài Gòn mà lại chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Người ta thương Sài Gòn bằng một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt đến ngạt thở, nhưng như kiểu một thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương”.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huyền Trần

CLIP HOT