Rong ruổi Sài Gòn mỗi ngày trên những con đường chằng chịt dọc ngang
Hàng quán mở cửa. Khói bốc lên từ một bếp lò, ấm áp, thân thiện. Mùi thịt nướng từ một quán cơm tấm thơm điếc mũi. Xôi, bánh mì, phở, bún, cháo, bánh cuốn, hủ tíu, mì xào… bắt đầu ngày mới với giọng mời thật ngọt
Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ của nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền là cuốn tạp văn mang dáng dấp của cuốn du ký. Tuy nhiên, khác với cuốn du ký khác, thường chú ý đến việc mô tả những gì ấn tượng, đập vào mắt, cuốn tạp văn này nói về những tình cảm sâu sắc của tác giả đối với Sài Gòn - mảnh đất mà bà coi như quê hương thứ hai của mình.
Tập sách gồm 5 phần: Sài Gòn; Trà Vinh; Hà Giang; Đông Nam Á và Ruổi rong nỗi nhớ. Riêng phần viết về mảnh đất Sài Gòn chiếm dung lượng nhiều nhất. Từ sách, ta có thể thấy từng bước chân đi, thấy nếp sống, nghĩ suy, tâm hồn và hơn hết là thái độ sống của tác giả qua mỗi bài viết nhỏ.
15 bài viết là những câu chuyện, những địa danh gặp hàng ngày được tác giả kể lại trong quá trình làm quen, gắn bó với quê hương thứ hai của mình. Có thể nói, việc Sài Gòn trở thành miền đất của những người dân ngụ cư là điều hết sức tự nhiên, và mỗi người, với lý do riêng của mình, đã đến thành phố này như một cái duyên, trong đó tác giả không ngoại lệ.
“Tôi quyết định chọn Sài Gòn làm nơi định cư cho gia đình, mảnh đất nhiều yêu thương và rộng lòng với tôi cũng như với nhiều người. Và Nha Trang, xin giữ lại làm một chốn đi về. Tôi yêu cả hai nơi này. Yêu nhiều lắm, không nói hết được. Mà một phần nhỏ của cái sự yêu này nằm trong Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ”, tác giả Đào Thị Thanh Tuyền chia sẻ.
Và cũng bắt đầu từ đây, với suy nghĩ rằng nếu mình không viết về TP.HCM - Sài Gòn thì sẽ là điều vô cùng đáng tiếc, Đào Thị Thanh Tuyền đã đề ra mục tiêu tìm hiểu, viết về TP.HCM và bắt đầu hành trình rong ruổi trên các cung đường chằng chịt dọc ngang thành phố.
Với chiếc máy ảnh và phương tiện chính là xe bus, bà đã ‘sục sạo’ cả thành phố và đi tới những nơi mà ngay cả những người sống nhiều năm ở thành phố này chưa chắc đã biết.
Và từ hành trình rong ruổi này (trong khoảng thời gian từ năm 2015 – 2018) Đào Thị Thanh Tuyền đã hình thành nên Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ.
Với Đào Thị Thanh Tuyền Sài Gòn trở thành miền đất của những người dân ngụ cư là điều hết sức tự nhiên, và mỗi người, với lý do riêng của mình, đã đến thành phố này như một cái duyên, trong đó tác giả không ngoại lệ.
Từng biết đến Sài Gòn từ năm 1973, khi cùng ba lần đầu đến mảnh đất này, sau đó là 7 năm sống và học tập tại đây, nay trở lại, Đào Thị Thanh Tuyền đã hòa nhập vào dòng chảy của nó, để viết nên những câu chuyện đời thường, dung dị.
Tác giả cũng khám phá vẻ đẹp thanh bình, hiền hòa của thành phố phía sau những ngôi nhà chọc trời, phía sau những ồn ã, xô bồ, mà chỉ khi đi bộ, đạp xe đạp hoặc ngồi lên một tuyến xe buýt nào đó là có thể gặp, có thể nghe, có thể tận hưởng hết được...
Bình luận về Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ, tiến sĩ Văn học Hà Thanh Vân nói: “Đọc cuốn sách này, chúng ta biết thêm về những cảnh đẹp, biết thêm về những món ăn, biết thêm về những nơi chốn và cái quan trọng nhất chúng ta biết được đất nước Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn có rất nhiều nơi rất đẹp mà chúng ta có thể rong ruổi."
Đào Thị Thanh Tuyền sinh ra ở Diên Khánh, Khánh Hòa. Năm 1977, bà học ở Đại học Mỹ thuật, TP.HCM. Sau 4 năm học tại đây, bà có thêm 3 năm làm việc tại TP.HCM trước khi chuyển về công tác tại Sở Khoa học - Công nghệ Khánh Hòa cho đến khi nghỉ hưu năm 2014. Năm 2015, để sống gần các con, bà quyết định chọn TP.HCM làm nơi định cư cho gia đình. Tác phẩm đã xuất bản: Đêm cuối năm (Tập truyện ngắn, 2002). Khánh Hòa – chuyện đất, chuyện người (Tập bút ký, 2003). Những con dốc đến trường (Truyện dài, 2006). Chuyến xe chở cả mùa xuân (Tập truyện ngắn, 2007). Mảnh vỡ cuộc sống (Tập truyện ngắn, 2008). Nơi không có đêm (Tập truyện ngắn, 2010). Ngày hôm nay là một món quà (Truyện dài, 2012). Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu Boléro (Tạp bút, 2012). Nha Trang điểm hẹn (2013). Đã có những chiều rất bình yên (Tập truyện ngắn, 2013). Trà đá, cơm trưa văn phòng và nhạc Pháp (Tập truyện ngắn, 2016). Thế hệ gối ôm (Tạp bút, 2017). Sách do Chibooks xuất bản: Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ (Tạp bút, 2019, Chibooks, giải C Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa, 2020) Nha Trang mùa đẹp nhất (Tạp bút, 2021, Chibooks) |