Khám phá một Việt Nam tuyệt đẹp trong tuyển tập du ký 80 năm trước

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tinh hoa du ký trên Tri tân tạp chí (1941-1945) cung cấp kiến thức liên quan đến các di tích lịch sử lớn trong nước (từ vùng Tây Bắc, hồ Ba Bể, Sa Pa, Indrapura Đồng Dương, Óc Eo, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, trải rộng khắp Hà Nội - Huế - Nam Trung Bộ - Sài Gòn - Tây Nguyên...) và nước ngoài (Campuchia, Lào, Pháp, Thái Lan, Trung Quốc). Bên cạnh đó tập sách còn có ý nghĩa khám phá địa chí, phong tục và dân tộc học, ghi nhận sự trải nghiệm các chứng tích, địa chỉ lịch sử - văn hoá một thời, giúp người đọc sống trong tâm thức “khảo cổ” và thực tại đời sống tinh thần dân tộc giai đoạn 1941 - 1945…

Du ký là một hình thức bút ký văn học thường ghi lại bằng văn xuôi, thuật lại những chuyến đi, ghi lại những cảm xúc, tình cảm và suy ngẫm của tác giả khi đến những vùng đất khác nhau.

Giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX được xem là thời kì rực rỡ của du kí Việt Nam. Đội ngũ sáng tác du kí giai đoạn này không phải là những nhà ngoại giao, nhà hành đạo có những cuộc hành trình lớn đi ra nước ngoài hay xuyên Việt mà là những nhà báo, nhà văn, du học sinh có những cuộc hành trình với mục đích đi khác nhau, cho ra đời nhiều tác phẩm du kí với nhiều phong cách khác nhau.

Những tác phẩm này được đăng trên nhiều tạp chí nổi tiếng, trong đó phải kể đến Tri Tân Tạp chí - một tờ nghiêng về khảo cứu văn hóa giống như các tờ Đông Dương Tạp chí (1913-1919), Nam Phong Tạp chí (1917-1934).

Tri Tân Tạp chí xuất bản hàng tuần vào ngày thứ ba. Số 1 ra ngày 3/6/1941, số cuối ra ngày 22/11/1945, tổng cộng 212 số báo. Năm 1946, Tri Tân Tạp chí còn ra 2 số mới nữa vào ngày 6/6/1046 và 16/7/1946. Chủ bút: Nguyễn Tường Phượng. Quản lý: Dương Tự Quán, sau là Nguyễn Tường Phượng”.

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, qua chưa đầy năm năm tồn tại, tạp chí này đã quy tụ được gần 300 tác giả với khoảng 1.500 mục bài.

Tuy thời gian tồn tại không dài nhưng Tri Tân tạp chí đã định hình sắc nét một một bộ phận văn học mang tên “Du ký” với nhiều đặc điểm nổi bật và giàu giá trị nội dung.

Nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn về những tác phẩm du ký này, Tri thức trẻ Books và NXB Thanh niên liên kết phát hành cuốn Tinh hoa du ký trên Tri tân tạp chí (1941-1945), Cuốn sách do PGS, TS. Nguyễn Hữu Sơn và TS. Trần Bá Dung sưu tầm và tuyển chọn.

Khám phá một Việt Nam tuyệt đẹp trong tuyển tập du ký 80 năm trước - 1

Tinh hoa du ký trên Tri tân tạp chí (1941-1945), gồm 44 bài viết, trong đó có 25 bài thuộc dòng chủ lưu của văn học du ký.

Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu thuộc dòng này như: "Một ngày ở xứ Chàm" của Tam Lang; Sau tám năm trở lại thăm Lào Cai, Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể của Nhật Nham Trịnh Như Tấu; Ban Mê Thuột của Biệt Lam Trần Huy Bá; Indrapura - Đồng Dương, Thiên Yana của Mãn Khánh Dương Kỵ; Bốn năm trên đảo Các Bà của Vân Đài…

Bên cạnh các tác phẩm tiêu biểu thuộc dòng chủ lưu của văn học du ký nói trên, còn có 18 bài viết theo phong cách ký, phóng sự, ký sự, ghi chép, khảo cứu, hồi ức xa gần liên quan đến thể tài du ký của nhiều tác giả khắp trong Nam ngoài Bắc.

Những bài viết này cho biết thêm đặc điểm giao thoa, hỗn dung thể loại trong văn du ký.

Chẳng hạn, ghi chép Hà Nội ngày nay không như Hà Nội dưới mắt nhà học giả Trương Vĩnh Ký, Hà Nội xưa và... nay của Tiên Đàm (Nguyễn Tường Phượng), Miếu thờ Mai Công Hương và một chữ lầm của cụ Phan Thanh Giản của Lê Thọ Xuân in đậm phong cách khảo cứu.

Tục hát trống quân giữa giai Xuân Cầu, gái Khúc Lộng của Anh Ngẫu, Hát dưới trăng thu của Hoa Bằng (Hoàng Thúc Trâm) thiên về phác thảo phong tục, lễ hội văn nghệ dân gian.

Một ngày Tết của học sanh ta ở Lyon, Nhơn Tết năm nào… tôi đi đám cưới ở Thụy Sĩ, Năm ấy, ở Pháp… của Lê Văn Ngôn là những hồi ức, kỷ niệm về tháng ngày ở đất Pháp…

Nhìn chung, Tinh hoa du ký trên Tri tân tạp chí (1941-1945) cung cấp kiến thức liên quan đến các di tích lịch sử lớn trong nước (từ vùng Tây Bắc, hồ Ba Bể, Sa Pa, Indrapura Đồng Dương, Óc Eo, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, trải rộng khắp Hà Nội - Huế - Nam Trung Bộ - Sài Gòn - Tây Nguyên...) và nước ngoài (Campuchia, Lào, Pháp, Thái Lan, Trung Quốc).

Bên cạnh đó tập sách còn có ý nghĩa khám phá địa chí, phong tục và dân tộc học, ghi nhận sự trải nghiệm các chứng tích, địa chỉ lịch sử - văn hoá một thời, giúp người đọc sống trong tâm thức “khảo cổ” và thực tại đời sống tinh thần dân tộc giai đoạn 1941 - 1945…

Mặc dù được viết từ 80 năm trước, nhưng các tác phẩm tập hợp trong cuốn sách vẫn là những bài học nghiệp vụ hữu ích cho những người viết, người làm công tác khảo cứu, văn hóa, du lịch… hôm nay.

Những tác phẩm này góp phần khẳng định vị thế thể tài du ký văn học - báo chí và giá trị văn hóa - văn học - báo chí của Tri Tân Tạp chí như một sự tiếp nối và phát triển của Nam Phong Tạp chí (1917-1934) và Phong Hóa, Ngày Nay (1932-1939).

Ngoài ra, những tác phẩm này còn cung cấp tư liệu hữu ích cho người yêu văn hóa, văn học, báo chí, các ngành du lịch, địa phương học, nhân học và liên ngành khoa học xã hội…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Minh Châu

CLIP HOT