Quá trình đô thị hóa của Sài Gòn – Chợ Lớn từ sơ khởi đến thời kỳ Pháp thuộc

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhằm tái hiện về quá trình khai hoang mở đất về phương Nam và xây dựng vùng Sài Gòn – Chợ Lớn từ chúa Nguyễn đến thời Pháp thuộc, nhóm tác giả đến từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia II - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã thực hiện cuốn sách “Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ”.

Cuốn sách được viết theo dòng lịch sử dựa trên việc khai thác tài liệu lưu trữ hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II - Nơi lưu trữ toàn bộ tài liệu thời Nam Kỳ thuộc địa.

Điều đặc biệt của cuốn sách là viết chi tiết về các thành cổ ở Sài Gòn và giới thiệu khá đầy đủ các sắc lệnh, chỉ dụ, nghị định, bản đồ của vùng đất Sài Gòn theo dòng lịch sử từ trước khi Pháp xâm lược cho tới năm 1945. Các văn bản trích dẫn đã được dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Nhiều con đường xưa đã được chú thích tương ứng với tên đường hiện nay để bạn đọc tiện theo dõi

Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ được bố cục thành 2 phần: Phần 1. Vùng Sài Gòn - Gia Định: Từ sơ khởi đến năm 1859 (gồm 2 chương: Chương I. Những tiền đề hình thành vùng đất mới. Chương II. Sài Gòn - Gia Định trước thời Pháp thuộc) cho biết trước thế kỷ thứ XVI, Sài Gòn - Gia Định còn là vùng hoang vu, cư dân thưa thớt. Cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, cùng với công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt, từng lớp lưu dân đến khai hoang vỡ đất trên dải đất biên viễn xa xôi, hoang dã, lập nên những xóm làng đầu tiên.

Năm 1698, Minh vương Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, lập phủ Gia Định, đặt dinh Phiên Trấn và dinh Trấn Biên, chính thức xác lập đơn vị hành chính của Đàng Trong tại vùng đất phương Nam. Trong quá trình khai hoang mở đất, thiết lập tổ chức hành chính đầu tiên, nhà Nguyễn cũng cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu xã hội như thành trì, đồn lũy phòng thủ quanh vùng Sài Gòn - Gia Định, mở đường sá lưu thông với các vùng.Quá trình đô thị hóa của Sài Gòn – Chợ Lớn từ sơ khởi đến thời kỳ Pháp thuộc - 1

Phần 2: Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn thời Pháp thuộc (1859 - 1945) (gồm 2 chương: Chương III: Tổ chức hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn. Chương IV: Quy hoạch đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn) cho biết từ khi Pháp chiếm Sài Gòn - Chợ Lớn cho đến sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, bộ mặt thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn đã có nhiều biến đổi. Sài Gòn - Chợ Lớn liên tục được thay đổi theo thời gian nhờ chính sách hành chính và thực hiện các quy hoạch xây dựng theo kiểu một thành phố phương Tây. Từ khi có thống đốc dân sự đầu tiên năm 1879, Charles Le Myre de Vilers, với kế hoạch đô thị hóa Sài Gòn, việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Sài Gòn đã được đẩy mạnh. Nhà cửa, khách sạn, dinh thự, hãng buôn... mọc lên dần dần. Kế hoạch đô thị ở trung tâm thành phố hình thành. Viler lập ra Ủy ban nghiên cứu về giao thông đường biển, đường bộ. Theo đà đó, Sài Gòn - Chợ Lớn đã có một bộ mặt mới hoàn toàn so với trước đây.

Đến cuối thế kỷ XIX, dân cư Sài Gòn - Chợ Lớn không còn thuần nhất như trước nữa. Sài Gòn trở thành nơi quần cư của đủ mọi sắc tộc Âu, Á sống không khác các thành phố cùng thời lúc đó như Singapore hay Hồng Kông. Chính quyền thành phố Sài Gòn mở cửa đón nhận đủ mọi tầng lớp dân cư và mọi trào lưu văn hóa phương Tây tràn vào.

Dưới tác động của công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919 - 1929), bộ máy và bộ mặt Sài Gòn - Chợ Lớn có nhiều biến chuyển. Thiết chế bộ máy Sài Gòn và Chợ Lớn ngày càng được hoàn thiện. Các công trình xây dựng được tiến hành trong đợt khai thác thuộc địa lần thứ nhất đến nay tiếp tục hoàn thành và các công trình nhỏ, cải tạo đường sá cũng được tiến hành. Trong khoảng những năm nửa đầu thế kỷ XX, dưới chính sách xâm chiếm và khai thác thuộc địa, Nam Kỳ nói chung và Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng từng bước trở thành thuộc địa quan trọng bậc nhất của Pháp. Trong quá trình ấy, thành phố Sài Gòn từ thị tứ phong kiến dần chuyển mình, mang dáng dấp một thành phố phương Tây - Tiểu Paris ở phương Đông với những di sản kiến trúc độc đáo.

Đó là những con đường được kiến thiết vuông góc với hàng cây cổ thụ rợp bóng, những công trình kiến trúc đặc sắc, hệ thống giao thông đô thị và liên tỉnh... mà nay vẫn trường tồn như là chứng tích của lịch sử hình thành, phát triển của đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn thời thuộc Pháp. Đây là những tiền đề tốt để đến giữa thế kỷ XX, Sài Gòn - Chợ Lớn trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại có tầm ảnh hưởng ở vùng Viễn Đông.

Ngày nay, thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn đã trở thành một phần đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh, một đô thị lớn đầy năng động và phát triển nhanh với các tòa cao ốc chọc trời bên dòng sông Sài Gòn hiền hòa. Nhưng ẩn sâu bên trong lòng đô thị này còn chứa đựng nhiều dấu vết lịch sử về một vùng đất quan trọng hàng đầu ở Nam Bộ, và các di sản kiến trúc cùng hạ tầng kỹ thuật thời Pháp thuộc được lưu giữ đến ngày nay chính là những dấu ấn rõ nét nhất ở đây, minh chứng cho một giai đoạn phát triển đô thị mạnh mẽ nhưng đầy khoa học và cả tham vọng của người Pháp về một Tiểu Paris ở Viễn Đông.

Có thể nói “Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ” là một công trình nghiên cứu vô cùng quý giá về lịch sử và đô thị hóa của Sài Gòn – Chợ Lớn từ sơ khởi đến thời kỳ Pháp thuộc. Với nội dung phong phú và cặn kẽ, cuốn sách còn là nguồn tư liệu tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu, sinh viên, học giả, nhà quản lý và những ai quan tâm đến lịch sử và phát triển đô thị của TP.HCM.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Minh Châu

CLIP HOT