Nhạc sĩ Phú Quang đã xa rời những mùa đông Hà Nội
“Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố đã mãi mãi ra đi”, “trần gian xin trả lại”, “tạm biệt Em ơi Hà Nội phố”... Trong một sáng Sài Gòn trở lạnh, tôi đọc được những dòng viết từ một loạt các trang báo. Nhạc sĩ Phú Quang qua đời vào một sáng mùa đông với 40 năm cống hiến cho âm nhạc, gần 600 sáng tác gồm các ca khúc, nhạc giao hưởng…
“Họa có Bùi Xuân Phái, nhạc có Phú Quang” - Đó là cách người ta nói về âm nhạc và hội họa Hà Nội. Có nhiều nhạc sĩ tài ba viết về Hà Nội nhưng trong trái tim của những người yêu âm nhạc nói đến nhạc sĩ của Hà Nội là nói đến Phú Quang và ngược lại. Trong một lần trả lời báo chí, nhạc sĩ từng nói: "Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác".
Bài hát đầu tiên tôi nghe của Phú Quang cũng là một khúc ca viết về Hà Nội:
Em ơi Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm…
Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
Mùa đông năm ấy tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân…
(Em ơi Hà Nội phố, nhạc Phú Quang, thơ Phan Vũ)
Bài hát thâu tóm những gì đặc trưng tinh túy nhất của phố phường Hà Nội: hoa sữa, cây bàng mùa đông, tiếng chuông chiều nhà thờ… Một bài hát quá không nói quá khi được xưng tụng là ca khúc “biểu tượng” của Hà Nội qua bao thế hệ.
Nhạc sỹ Phú Quang
Tôi từng đến Hà Nội một ngày mùa đông mưa phùn gió bấc se sắt lòng, lang thang trên những dãy phố, tưởng tượng đến cảnh Phú Quang - “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường” âu cũng là lẽ thường tình. Người nghệ sĩ ấy sinh ra ở Phú Thọ, dành 20 năm trời bôn ba ở Sài Gòn nhưng quê gốc của ông ở Hà Nội và tình yêu dành cho những phố phường, những con người nơi đây luôn day dứt nồng nàn.
Sau này, tôi biết thêm về hoàn cảnh sáng tác bài hát này của Phú Quang cũng khá đặc biệt. Phan Vũ viết bài thơ Em ơi Hà Nội phố năm 1972, trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún những ngày mưa bom bão đạn. Nhưng mãi đến năm 1986, khi gặp Phú Quang tại một sân khấu ở Quận 3 - TPHCM, bài hát Em ơi Hà Nội phố mới ra đời, tức 14 năm sau. Phú Quang đã chọn 21 câu thơ trong số 443 câu thơ của Phan Vũ để phổ nhạc và tạo ra một bài hát sống mãi với thời gian. Một bài thơ đầy tình cảm, một bài hát xúc động đong đầy nỗi nhớ của những kẻ trót yêu Hà Nội.
Lệ Thu là ca sĩ đầu tiên hát Em ơi Hà Nội phố của Phú Quang. Sau này có Thanh Lam, Hồng Nhung, Ngọc Tân, Bằng Kiều, Tùng Dương… mỗi người đều thổi vào bài hát một dấu ấn riêng qua chất giọng và cảm xúc của mình. Và rất khó để bình chọn ai là người hát ca khúc này hay nhất.
Còn rất nhiều bài hát của Phú Quang viết về Hà Nội: Im lặng đêm Hà Nội, Hà Nội ngày trở về, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Nỗi nhớ mùa đông…
Phú Quang ra đi vào một sáng “gió mùa đông bắc se lòng”
Khi nghe tin ông mất, bài hát đầu tiên mà tôi mở ra nghe là Nỗi nhớ mùa đông. Phú Quang là người đàn ông sinh ra vào mùa hè, giấy khai sinh lại là mùa thu, để rồi ông ra đi mãi mãi vào một sáng “gió mùa đông bắc se lòng”:
"Dường như ai đi ngang cửa
Gió mùa đông bắc se lòng
Chút lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi..."
Không có gì khó hiểu khi Nỗi nhớ mùa đông, cũng giống hầu hết các bài hát viết về Hà Nội của Phú Quang đều được ông sáng tác trong quãng thời gian sống ở Sài Gòn. Hà Nội của những “dòng sông đôi bờ cát trắng”, “mái ngói xô nghiêng”, “cây cầu gãy”, Hà Nội của “chiều mưa sa giăng kín phố dài”, Hà Nội của “những khi lòng xác xơ tôi vội vã trở về, lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen”... Một Hà Nội không kẹt xe ồn ào khói bụi, một Hà Nội ghi dấu những tình yêu đậm sâu nhất của chàng lãng tử.
Nếu phải chọn một điều khiến tôi yêu nhạc Phú Quang thì có lẽ đó chính là những khi nghe chính ông kể về tình cảm, hoàn cảnh sáng tác, ra đời đặc biệt của các ca khúc. Phú Quang trên sân khấu, trên truyền hình luôn gắn với một hình ảnh vừa thâm trầm, lãng tử, vừa hóm hỉnh dí dỏm nhưng cũng rất đỗi giản dị, chân phương và đa sầu đa cảm: hình ảnh Phú Quang ngồi đánh đàn hát bên dòng sông Thạch Hãn, ông chia sẻ về Mẹ trong chương trình Giai điệu tự hào…
Có lẽ không chỉ riêng tôi và nhiều người sẽ nhớ mãi hình ảnh người nhạc sĩ già trên sân khấu Ký ức vui vẻ chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác bài Chiều đông Maxcơva. Đó cũng là lần đầu tôi nghe bài hát ấy:
“Từng bông tuyết nhẹ rơi
Một chiều đông giá trắng trong lòng tôi
Niềm cô đơn lẻ loi
Khi chiều trùm lên bóng em nhỏ nhoi
Về đâu hỡi người ơi
Để hàng bạch dương xót xa chờ mong
Cánh chim chiều đông
Lặng lẽ âm thầm”
Nếu chỉ bất chợt nghe bài hát này ở đâu đó, chắc tôi cũng nghĩ “em” trong bài hát của ông là một cô gái, một nàng thơ nào đó. Và bài hát này là bài hát về tình yêu đôi lứa, hoặc ít ra là một cuộc tình đơn phương. Nhưng Phú Quang đã khiến tôi và tất cả khán giả ngạc nhiên khi tâm sự một câu chuyện hoàn toàn khác. Đó là một buổi chiều mùa đông lạnh lẽo, ông đi thăm chợ Vòm - một chợ trời của người Việt Nam ở Matxcova, Nga. Sau khi chọn mua một món hàng từ một thanh niên người Việt Nam đang đứng bán hàng dưới thời tiết lạnh -40 độ C của nước Nga. Khi trả tiền, cậu thanh niên đã trả lời:
"Em không lấy tiền của anh, vì biết anh mới ở Việt Nam sang, em rất nhớ Việt Nam”.
Hai hôm sau, Phú Quang quay lại khu chợ với một đĩa hát giá trị và một số tiền, muốn tặng lại cậu thanh niên đứng bán hàng ở chợ Vòm. Nhưng người ta đã nói với ông: “Anh ạ, cậu ấy chết rồi, chết vì không chịu được lạnh”. Và dễ hiểu vì sao sau này, Chiều đông Maxcova là bài hát thường được yêu cầu khi Phú Quang đi hát ở hải ngoại. Một bài hát được viết từ tình cảm thật, từ sự xúc động của ông với những người Việt Nam xa quê hương phải lam lũ kiếm sống. Đến lúc ấy thì tôi mới biết “em” trong bài hát mà ông muốn “giã từ” là ai.
“Xin em xin em xin em
Thêm một lần nữa
Dù vẫn biết mai là giã từ
Mai đây khi trong xa xôi
Xin người hãy nhớ
Dẫu tình yêu là những cơn mơ”
Tôi thích cả nhạc Phú Quang và Trịnh Công Sơn. Vì vậy xin mượn lời Trịnh để thay lời tạ từ với Phú Quang “Cuối cùng thì lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại đời người. Cuối cùng tình yêu cũng không giữ được người mình yêu”. Nhạc sĩ Phú Quang đã ra đi, nhưng những sáng tác của ông thì vẫn mãi còn đó trong lòng người yêu nhạc, trong thăm thẳm không gian văn hóa Hà Nội mỗi độ thu sang, mỗi khi gió mùa đông bắc về.
Hơn 38 giờ tàu lửa từ thủ đô Hà Nội đến TP.HCM… Một chuyến đi, vốn chỉ là giải pháp tình thế ban đầu, trở thành...