Hà Nội - Sài Gòn Express: Cuộc du ngoạn "độc nhất vô nhị" của mẹ con Tuti
Hơn 38 giờ tàu lửa từ thủ đô Hà Nội đến TP.HCM… Một chuyến đi, vốn chỉ là giải pháp tình thế ban đầu, trở thành cuộc du ngoạn độc nhất vô nhị của hai mẹ con tôi.
Hà Nội, 5h20 thứ Bảy 16/10
Sân ga Hàng Cỏ lác đác xe hơi, xe máy thả người đi tàu xuống rồi vội vã rời đi. Những vũng nước mưa ngập giày như muốn níu mấy chiếc vali lại. Toa của chúng tôi ở gần cuối đoàn tàu, một phụ nữ trong đồng phục xanh ghi của Đường sắt Việt Nam đon đả: “Đưa em vé, phòng chị ngay đầu tiên”. Cô con gái 9 tuổi của tôi, tay kéo chiếc vali nhỏ, chân lò dò bước, mắt chăm chú nhìn khung cảnh xung quanh.
Hà Nội lùi về xa
Trời chưa sáng rõ, các toa tàu mới lác đác vài khách đang xếp đồ. Sau hơn ba tháng “đông cứng” vì dịch Covid-19, việc di chuyển giữa các tỉnh thành vẫn còn dè dặt. Hàng không mở lại vài chuyến bay với những điều kiện khắt khe, lựa chọn khả thi nhất của mẹ con tôi lúc này là tàu lửa Bắc-Nam. Tiếng loa nhắc mọi người tuân thủ 5K, liệt kê những quy tắc trên cả hành trình hòa vào tiếng bánh xe lăn trên đường ray. Đèn đường tắt dần, vài người bên kia những đoạn đường vượt chắn ba-ri-e thờ ơ nhìn những toa tàu nối nhau tăng tốc độ. Ô cửa kính tàu nhòe hơi nước.
Hà Nội lùi về sau…
Nam Định, sáng thứ Bảy 16/10
“Đây là một trong những ngày đẹp nhất đời con”, Tuti hớn hở.
Từ hôm biết sẽ cùng mẹ đi tàu về nhà, cô gái nhỏ không ngừng lặp lại câu hỏi: “Bao giờ mình đi, mẹ?”. Thỉnh thoảng, bạn cũng buồn một chút “con sẽ rất nhớ ông bà” nhưng lại liến thoắng ngay “con vui vì sắp được gặp bố và anh chị”. Hơn ba tháng quanh quẩn trong nhà, chuyến đi xa đầu tiên dài 38 giờ này từng khiến tôi e ngại. Không gian kín, đông người, dịch chưa hết… Nhưng khi đã yên vị trên tàu, tôi thấy an lòng hơn khi con tò mò xem xét mọi đồ vật trong cabin, nghe bạn ấy tả những gì diễn ra trước mắt, bên ngoài văng vẳng tiếng trò chuyện của hành khách hay nhân viên phục vụ.
“Mẹ có thể xin thêm một cà phê sữa đá không ạ?” Tuti thì thầm. Nửa giờ trước, sau khi ăn xong hết bát cháo thịt mà chú nhân viên quảng cáo “ngon nhất tàu”, bạn được nếm thử một ngụm chất lỏng màu nâu nâu. Lần đầu tiên trong đời (và có lẽ hơi sớm), Tuti uống cà phê hòa với sữa đặc kèm vài viên đá. “Nó ngon quá”
Tuti vẽ cà phê sữa đá
Ninh Bình, Bỉm Sơn, Thanh Hóa, Quán Hành, Hương Phố, Tân Ấp, Đồng Hới, Đông Hà…
Máy lạnh có lẽ được đặt dưới 20 độ, ai không trùm chăn nằm trên giường thì cũng co ro đi lại ở hành lang cho đỡ cuồng cẳng. Đều đặn, 15 phút trước mỗi trạm dừng, loa lại phát một giọng nói Nam bộ dịu dàng thông báo tên ga, nhắc mọi người kiểm tra hành lý và dặn những ai tiếp tục hành trình đừng xuống tàu kẻo bị lỡ. Khách lên, xuống không nhiều, có những ga tàu chỉ dừng chưa đầy 2 phút. Rồi, khi tàu chuyển bánh, các cabin dần yên tĩnh… hoặc gần như vậy.
Hàng xóm của chúng tôi có một chị trung niên và ba thanh niên. Vách ngăn không cách âm, họ rôm rả bình luận chuyện trò, nhóm ba chàng trai sẽ đi tới Sài Gòn và chị trung niên sẽ dừng đâu đó ở miền Trung thăm con cháu. Điện thoại của chị liên tục đổ chuông. “Đi đến Thanh Hóa rồi”, “Thằng cún đâu, nói chuyện với bà nào”, “Em mang ít đồ lắm, chỉ có cái túi này, thôi để vào đó mua quà sau”…
Những ga xép tôi không kịp nhìn tên giống nhau vô cùng. Vài căn nhà tróc vôi sát đường tàu trước khi tới trạm dừng chân, vài vọng gác rêu xanh và mốc đen, những người gác ba-ri-e cười tươi với hành khách vẫy tay sau kính. Vài tháng dịch bệnh hoành hành, chắc họ chỉ quen thấy những chuyến tàu hàng.
Huế, tối thứ Bảy 16/10
“Ngày mai mấy giờ tàu tới Sài Gòn em?” “8 giờ tối ạ”, cô phụ trách toa tàu đã phải trả lời câu này hàng chục lần từ chiều vẫn kiên nhẫn nhắc lại. “Ôi, tưởng tàu nhanh hóa ra cũng chậm nhỉ”, “Alo, họ bảo là 8 giờ tối mai mới đến nơi nhé”…
38 giờ, máy lạnh, toa ghế mềm, toa giường nằm 6 chỗ, toa giường nằm 4 chỗ, xe đẩy đồ ăn nóng hổi phục vụ tận cửa cabin… So với chuyến tàu kéo dài gần một tuần tôi đã đi cũng trên chặng đường này vào năm 1992 thì SE7 quả “có vị thiên đường”, theo lời bạn Tuti. Gần 30 năm trước, tôi được theo mẹ đi tàu từ Bắc vào Nam thăm họ hàng. Tôi không thể quên cái quạt máy kêu phành phạch không thổi chút gió mát nào, cabin đông người hơn số vé bán ra, những lúc chờ nhường đường cho tàu ngược ra Bắc dưới nắng thiêu đốt, những trạm dừng lâu hơn 1 giờ và đoàn người xếp hàng chờ được tắm trong sân ga, những món ăn ngon của từng miền mà cả cabin cùng chia sẻ, những tâm sự rì rầm đêm muộn của những người biết chắc sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa.
4 em mèo đáng yêu trong tưởng tượng của Tuti
Chúng tôi vượt đèo Hải Vân trong đêm. Từ buồng phụ trách toa có tiếng láo nháo tranh ăn của 4 chú mèo con được gửi gắm vào Nam. Cả ngày Tuti chỉ mong được “xem các em mèo” mà chưa thỏa nguyện. Giờ thì bạn đã ngủ say trong tiếng mưa rào đập vào thân tàu, bỏ cả bữa tối.
Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Đức Phổ, Diêu Trì, Tuy Hòa, Nha Trang…,
Chủ Nhật ngày 17/10
Lúa non, chuối, sắn, trâu và cò, vịt và chó, biển, nho, thanh long, công trường và xe ben khủng long, rừng và núi đá lạnh lẽo…
Mọi háo hức của ngày đầu du ngoạn biến mất, khách đi đi lại lại nhiều hơn ở hành lang, như thể làm thế thì tàu sẽ sớm về ga cuối cùng. Đám mèo con cũng kêu nhiều hơn, chắc nóng lòng về nhà mới.
Rình mãi mà không được diện kiến các em mèo, Tuti đành mang sách ra học và ngồi ghi nhật ký. Cô bé ở cách đó vài cabin ngó đầu vào “tớ chơi cùng nhé”. “Tớ” mới 7 tuổi nhưng đi làm quen và kể chuyện đời mình cho cả toa. Tuti hơn hẳn 2 tuổi mà bắt mẹ phải “dẫn đường” để sang tặng “tớ” hai gói bim bim.
Ninh Thuận, Chủ Nhật 17/10
Đang bị ru ngủ vì âm thanh đều đều của tàu và cảnh vật đơn điệu sau khung cửa kính, tôi choàng tỉnh và ngạt thở vì chúng - mấy cái cây lạc giữa đồng lúa non xanh như nhung. Nhìn từ cabin tàu, thân cây chỉ dài bằng bàn tay con gái tôi.
Tôi cuống cuồng tìm điện thoại để chụp hình, định nói gì đó với Tuti nhưng không thốt nổi lời nào. May là tàu đi không nhanh, tôi lóng ngóng bấm vội, màn hình điện thoại tự dưng trơ trơ không cảm ứng. Chưa kịp ngán ngẩm vì chỉ kịp chụp một tấm ảnh, tôi lại tê liệt vì khung cảnh mới, từ từ trôi bên kia kính tàu: ngôi nhà bé xíu dưới tán một cái cây đẹp như trong cổ tích, chơ vơ giữa thung lũng lúa được che chắn bởi dãy núi.
- Con nhìn kìa...
- Đẹp quá! Đây là đâu? Liệu có lúc nào mình quay lại đây không mẹ?
Mẹ không biết Tuti ạ. Nếu có dịp thì mình cũng khó tìm thấy lại bức tranh hoàn hảo thế này. Chúng tôi nuối tiếc nhìn ngôi-nhà-dưới-tán-cây cho đến khi khuất hẳn. Cuối thung lũng, mưa nặng hạt hơn.
Bình Thuận, chiều 17/10
“Con sợ”, Tuti thốt lên. Tôi cũng ngợp. Một rừng tua-bin điện gió lù lù tiến về phía chúng tôi. Những cột cao sát đường tàu giống như những con quái vật tàng hình khổng lồ với những cánh tay bọ ngựa trong bộ phim “Miss Peregrine’s Home for Peculiar Children”. Cảnh vật và cảm xúc nó gây ra thật tương phản với thung lũng lúa với ngôi-nhà-dưới-tán-lá mà chúng tôi vừa chiêm ngưỡng chưa đầy nửa giờ trước.
Sài Gòn, 19h50 ngày 17/10
Càng gần tới đích, tàu càng chộn rộn. Dù cô phụ trách toa đã trấn an “còn 30 phút nữa cơ” nhưng khách đã bỏ cabin kéo đồ đứng chật hành lang. Người thì cởi áo lạnh, người mặc thêm đồ bảo vệ, người đeo kính chắn giọt bắn, người lồng thêm hai khẩu trang. Loa phát một bài hát quen quen, rồi giọng dịu dàng của cô phát thanh viên lại nhắc hành khách kiểm đồ và thu dọn rác trước khi xuống tàu…
20h15
Tàu dừng, chỉ chốc lát, toa trống rỗng. Đoàn khách vài chục người vội vã vượt mấy đường ray ra cửa. Bên kia lố nhố người thân đứng chờ.
Tuti nhảy lên ôm chặt lấy bố và chị. “Mẹ đưa con kéo vali cho”, cậu anh quàng tay ôm vai tôi.
Về đến nhà rồi!
Chuyến tàu Thống Nhất Bắc - Nam như một chuyến hành hương chứa đựng bao điều thú vị mà mỗi người nên trải nghiệm...