Múa trống Chhay-dăm của đồng bào Khmer ở Tây Ninh: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia độc đáo
Múa trống Chhay-dăm là điệu múa dân gian độc đáo, gắn bó mật thiết với đồng bào Khmer ở Tây Ninh từ xưa đến nay. Đây là điệu múa không thể thiếu trong các ngày lễ tết như Chol Chnam Thmay, Dolta, Ok Om Bok đồng thời cũng có thể biểu diễn mọi nơi từ sân khấu, sân chùa hay sân nhà với những động tác linh hoạt, uyển chuyển, thể hiện sự mạnh mẽ, phấn khởi và quyết tâm.
Trống Chhay-dăm: Linh hồn của điệu múa
Với múa trống Chhay-dăm, chiếc trống là đạo cụ chính trong tiết mục mà không thể nào thiếu được. Trống Chhay-dăm làm bằng cây gỗ mít, đường kính mặt trống tối thiểu khoảng 30cm, mặt trống làm bằng da trâu già (nếu da trâu non, mặt trống khó căng cứng, âm thanh thoát ra không hay), thân trống dài khoảng 50-70cm, làm bằng gỗ, phần chân trống thường gắn với lớp kim loại có hình thù như loa, để âm thanh phát xa và lớn hơn.
Thông thường trước ngày biểu diễn, trống được lau chùi và kiểm tra cẩn thận như kiểm tra dây đeo, phơi trống để mặt da trống không ẩm... Diễn viên chuẩn bị trang phục, trang phục múa trống là áo ngắn tay, nhiều màu sắc, kết nhiều hạt cườm hoặc kim tuyến mặc cùng chiếc xà banh lấp lánh ánh bạc hoặc vàng để tạo sự chú ý của mọi người.
Các thanh thiếu niên người Khmer ở xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành (Tây Ninh) trong một buổi tập luyện múa trống Chhay-dăm.
Đội hình múa trống có thể một người, hai người, ba người,… hoặc có khi hơn chục người. Càng nhiều người thì việc biên đạo động tác cũng sẽ phức tạp và công phu hơn mới tạo được bài múa trống đẹp mắt. Các động tác múa trống Chhay-dăm giống như múa võ và sẽ phối hợp với nhau cùng múa: múa đơn, múa đôi múa ba hay múa tư. Khi đó, ngoài giữ tiếng trống luôn đều đặn, nhịp nhàng cùng tập thể, người múa còn dùng cùi chỏ, đầu gối, gót chân để đánh vào trống của mình và của bạn đồng diễn. Các động tác phải mạnh mẽ, dứt khoát. Trong lúc nhào lộn, phần chân trống làm bằng kim loại chạm vào sàn diễn tạo âm thanh lốp cốp đặc trưng riêng.
Trong ngày biểu diễn, các diễn viên múa trống thường trang điểm đẹp, mặc trang phục gồm chiếc áo ngắn tay và xà-banh (tiếng Khmer còn gọi là Sampot). Xà-banh là trang phục truyền thống của người Khmer, thường là một miếng vải dài khoảng 3 mét và rộng 1 mét, được quấn xung quanh thắt lưng, kéo dài ra và kết lại bằng một nút thắt, nút thắt sau đó được kéo lên giữa hai chân rồi được cố định bởi một thắt lưng bằng kim loại. Xà-banh gần giống với một chiếc quần hơn là váy. Chính điều đó đã khiến cho Sampot có được những đặc điểm riêng biệt.
Với trang phục xà-banh thì cả nam và nữ người Khmer đều dùng được. Riêng phụ nữ thường kết hợp xà-banh với Chang Pong - một mảnh vải màu sắc bất kỳ dùng để quấn, che phần ngực và để hở phần bụng trên. Quấn xà banh trong múa trống Chhay-dăm là một nghệ thuật. Xà-banh là một xắp vải có may thành tùng rộng, trước khi quấn, xà-banh được thắt thành cái nơ, mục đích tạo cho xà-banh chắc không bị bung khi múa, các phần vải còn lại được quấn xếp đều từ đoạn dưới lên, quấn ngược ra phía sau và cuối cùng là được cột bằng thắt lưng với màu sắc khá bắt mắt.
Múa trống Chhay-dăm, động tác chính là dùng tay, chân, đầu, chõ, múa trong âm điệu của trống. Tiết tấu chủ yếu là cắc tùm tum, tum tum tụp; cắc tùm tum gõ vào nơi tiếp giáp của thành và mặt trống, tum tum tụp gõ vào thẳng mặt trống. Tiết tấu có lúc nhanh, lúc chậm, lúc nhẹ nhàng giao duyên, lúc thể hiện sức mạnh, lúc vui đùa. Khi tiếng trống nỗi lên bất cứ ai nghe lần đầu hoặc nhiều lần cũng rộn ràng, nôn nao với một sự phấn chấn khó tả.
Bài múa trống thời lượng tối thiểu 7 phút, bố cục gồm phần chào mở, mời gọi, biểu diễn kỷ xảo, thể hiện sức mạnh và kết thúc là phần chào tạm biệt khá ấn tượng.
Múa trống Chhay-dăm của dân tộc Khmer ở tỉnh Tây Ninh khác với múa trống Chhay-dăm của dân tộc Khmer ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Điểm khác cơ bản diễn viên múa trống Chhay-dăm ở tỉnh Tây Ninh, gương mặt không phải hoá trang, không cần nhạc đệm, động tác theo bộ võ như xuống tấn, nhào, lộn, đánh trống, song đấu, từng động tác dứt khoát mạnh mẽ. Chính vì những động tác mạnh mẽ, dứt khoát cho nên thường tham gia đội trống là diễn viên nam, bởi họ quan niệm “trống là vật thiêng, phải dùng sức mạnh thể hiện, vì vậy đàn ông mới sử dụng được”.
Giá trị gắn kết cộng đồng
Cũng như các hình thức trình diễn dân gian khác, múa trống Chhay-dăm được hình thành trong quá trình lao động, lưu truyền trong dân gian mà các tác phẩm không có tác giả (khuyết danh), bài bản cho nhạc khí (dân nhạc) thì không có bản phổ ký âm. Tuy nhiên cộng đồng, nhóm người sử dụng trống Chhay-dăm cam kết thực hiện việc lưu giữ, thường xuyên sáng tạo, truyền dạy cho con cháu.
Ngày nay tại các nhà văn hoá dân tộc, trong các lễ hội của dân tộc Khmer, Hội yến Diên trì cung của Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, tại các thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở, trong các liên hoan, hội thi, hội diễn các đội trống Chhay-dăm thường tham gia biểu diễn và đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp cho người xem.
Biểu diễn Múa trống Chhay-dăm của đồng bào Khmer ở Tây Ninh tại Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật dân gian Việt Nam năm 2023 diễn ra tại TP.HCM vào tháng 4/2023.
Múa trống Chhay-dăm là hình thức múa tập thể, không hạn chế số lượng (có đội vài chục người). Cái hay ở đây là các thành viên trong cùng một đội không giấu nghề, luôn truyền dạy và cùng nhau cố gắng biểu hiện thật hay, qua các điệu múa trống thể hiện sự đoàn kết, khi tiếng trống vang lên hầu như xua tan bao nỗi buồn phiền, mệt mỏi, tất cả chào đón những điều vui vẻ, tốt lành.
Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật múa trống Chhay-dăm không thể đứng ngoài sinh hoạt của cộng đồng dân cư, hoặc đứng ngoài không gian văn hóa của nó. Ðể có thể duy trì sức sống cho nghệ thuật múa trống Chhay-dăm, cần phải được bảo tồn, được người dân thực hành ngay trong chính đời sống của họ.
Bảo tồn di sản là một quá trình liên tục, do đó, cần thường xuyên chia sẻ các kỹ năng, phát triển các chương trình hành động, khuyến khích sự trao đổi giữa các cộng đồng nắm giữ di sản… để từng cộng đồng phát huy hơn nữa vai trò của mình. Ngoài ra, cần có những hỗ trợ về mặt tài chính đối với đội ngũ nghệ nhân truyền dạy, phát huy giá trị các di sản.
Để làm tốt việc phát huy giá trị nghệ thuật múa trống Chhay-dăm trong các tác phẩm múa chuyên nghiệp, đòi hỏi một chính sách đồng bộ và sự quan tâm thỏa đáng về hỗ trợ tài chính, hình thức tổ chức, quảng bá, giới thiệu qua các phương tiện thông tin truyền thông… Từ đó, góp phần giữ gìn và phát triển nghệ thuật múa trống Chhay-dăm, vừa bảo vệ giá trị văn hóa, vừa góp phần phát triển kinh tế cho người dân.
Với những giá trị độc đáo của mình, từ năm 2014, múa trống Chhay-dăm (xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.