'Món trời cho' ngày Tết ăn thấy bâng khuâng ở Tây Bắc

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tây Bắc, vùng đất nổi tiếng với nhiều món ăn ngon, lạ của nhiều dân tộc, nhưng nếu du khách chưa thưởng thức món của thiên nhiên ban tặng mang tên rêu mọc từ đá dưới suối thì là một thiệt thòi.

Theo kinh nghiệm của bà con Tây Bắc, từ bao đời nay, các món từ rêu đá suối ngoài hương vị hấp dẫn đặc biệt thì còn được xem như vị thuốc cho người dân, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng. Người dân dùng để trị mụn nhọt, sốt rét, phòng hàn. Rêu chủ yếu là chất xơ, có tác dụng giảm mỡ trong máu, thích hợp cho những người muốn giảm cân.

'Món trời cho' ngày Tết ăn thấy bâng khuâng ở Tây Bắc - 1

Rêu thu hoạch được bà con bày bán dọc đường.

Món của khát vọng tuổi trẻ, tình yêu, sự thủy chung

Khắp các tỉnh Tây bắc sông suối đều có rêu, những vùng nước sâu, rêu bám chặt lấy những viên sỏi đá, như mái tóc thanh xuân của thiếu nữ quấn chặt lấy những mỏm đá lởm chởm, ai nấy đều cảm thấy bâng khuâng.

Cũng phải thôi, chuyện tình Tây bắc kể rằng, đây là mái tóc của một thiếu nữ cùng người yêu trẫm mình xuống dòng suối Thia để bảo vệ tình yêu trong sáng của mình khi bị ép duyên. Cũng bởi vậy rêu suối Thia thơm ngon, ngọt và đẹp nhất Tây Bắc.

Rêu suối mọc tự nhiên nhưng rêu mọc ở chỗ nước sạch, chảy xiết thì mới có thể ăn. Đi hái rêu là một nét đẹp văn hóa của bà con nơi đây. Người dân chọn ngày đẹp trời, lúa thóc đầy bồ, cả bản nghỉ nương rẫy rủ nhau tới các bãi rêu như đi trảy hội.

'Món trời cho' ngày Tết ăn thấy bâng khuâng ở Tây Bắc - 2

Ngoài hương vị đặc trưng rêu còn là món ăn truyền thống của người dân tộc thái Tây Bắc.

Từ câu chuyện mang tính bi thương trong tình yêu, người Thái đã lấy rêu làm món ăn chính trong lễ cưới hỏi dân tộc thể hiện khát vọng tuổi trẻ, tình yêu, sự thủy chung, may mắn và hạnh phúc. Việc chế biến rêu được xem là thước đo tình yêu tình thương của phụ nữ Thái dành cho người yêu, người chồng người cha...

Ngoài rêu tươi ăn ngay, người Thái còn tích trữ rêu khô phơi gác bếp ăn dần. Những buổi khách quý đến nhà chơi mới đem ra thiết đãi. Khi gia đình đông đủ, nhà hại vợ chồng con cái cùng thưởng thức món rêu hương vị tao nhã, như đang thưởng thức món ăn của tiên thần.

Có các loại rêu chính: Rêu tau là loại rêu mảng ở các ao hồ hoặc khe suối không bám chặt vào đá, khi lượm chỉ cần dùng thanh tre, gạt rêu vào giỏ. Rêu cay là loại rêu mọc rời rạc xanh đậm ở Nậm Mã, Nậm Khoai, Nậm Thi, Nậm He… của sông Mã ở Sơn La.  Rêu cui là loại rêu mọc trên đá hình sợi mầu xanh sẫm ở các dòng sông Nậm Mu, Nậm Ma, Nậm Bum, Nậm Mức, Nậm Po, Nậm Rốn…

Phụ lưu của sông Đà ở Điện Biên. Rêu mọc được 3-4 ngày thì phải ra vớt ngay. Khi ấy rêu mọc tốt nhất và non. Nếu thu hoạch chậm thì rêu sẽ chuyển sang màu trắng và không dùng làm thức ăn được nữa. Rêu ngon là rêu mọc dài thướt tha, sờ vào thấy mát rượi êm ái, chỉ cần lấy tay hoặc vợt nhẹ nhàng lựa theo dòng nước gạt từ ngọn tới rễ.

'Món trời cho' ngày Tết ăn thấy bâng khuâng ở Tây Bắc - 3

Rêu trộn thịt băm làm chả.

Món nào cũng ấn tượng

Rêu được chế biến thành nhiều món. Đầu tiên là nộm rêu (tau nửng chụp) cũng là món ăn đơn giản. Rêu sạch đem cắt nhỏ bỏ vào chỗ hấp chín, trộn muối, đường, gừng, rau thơm, hạt sen, nếu thích cay cho ớt hoặc hạt tiêu rừng - mak khen để làm món rêu giòn, ngọt, thơm. Canh rêu tươi (kinh tau) là món ăn công phu và sang trọng nhất. Rêu được nấu với nước canh xương lợn hầm hoặc luộc gà, với thịt nạc băm nêm gia vị và ăn nóng.

'Món trời cho' ngày Tết ăn thấy bâng khuâng ở Tây Bắc - 4

Thiếu nữ đi hái rêu.

Theo giới sành ăn, ngon nhất, đặc trưng nhất có lẽ vẫn là rêu nướng (hay còn gọi là rêu pho). Rêu được nêm nếm với các loại rau thơm và gia vị rồi gói vào lá chuối hoặc lá dong rồi kẹp tre, nướng trên bếp than hồng. Cũng có thể cho rêu vào ống nứa mà nướng như cơm lam. Hoặc bọc lá kẹp que nướng cá, khi chín lại rán trên chảo.

Khi nướng, không được để rêu quá gần ngọn lửa, tránh để rêu cháy, chảy gia vị ra ngoài hay dính tro bếp. Thỉnh thoảng phải xoay chiều gói rêu để các mặt đều được tiếp xúc đủ lửa, giúp rêu bên trong chín đều. Khi phần vỏ hơi cháy xém là rêu chín, dậy mùi thơm phức. Rêu nướng được dùng để ăn ngay khi nóng hoặc ăn kèm với cá suối nướng, thịt lợn, thịt gà...

Những gói rêu nóng hổi, khách vừa mở ra đã nức mùi thơm từ các loại nguyên liệu hòa trộn với nhau. Món rêu nướng ngon nhất khi nhâm nhi với một chén rượu cần trong khung cảnh quây quần đầm ấm.

'Món trời cho' ngày Tết ăn thấy bâng khuâng ở Tây Bắc - 5

Cách làm rêu suối nướng.

Lên du lịch Tây Bắc, thưởng thức món rêu đá - món quà của núi rừng, bạn mới thấy được cái thú ẩm thực của người vùng cao, để rồi chỉ một lần ăn mà nhớ mãi hương vị đặc biệt ấy.

'Món trời cho' ngày Tết ăn thấy bâng khuâng ở Tây Bắc - 6

Lửa hồng ấm áp bếp xưa
Lửa hồng ấm áp bếp xưa

Những ngày cuối đông, khi ánh nắng cuối mùa trải xuống bên hiên, vài tia nắng mềm chẳng làm rát bàn tay của mẹ. Gian bếp...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Hoàng

CLIP HOT