Không chỉ là vật làm nền, Trúc chỉ là môn nghệ thuật giúp giấy được “đổi đời”, trở thành một tác phẩm đẹp ấn tượng thu hút mọi ánh nhìn.
Giấy không còn là vật làm nền, môn nghệ thuật Trúc chỉ giúp giấy được “đổi đời”, trở thành một tác phẩm đẹp ấn tượng thu hút mọi ánh nhìn.
Nền mỹ thuật hiện đại của Việt Nam có loại hình nghệ thuật độc đáo, đòi hỏi sự tỉ mỉ để tạo ra tác phẩm ấn tượng, song ít người biết đến. Bộ môn này được gọi là “Trúc chỉ”, được sáng tạo với ý niệm cốt lõi “Mang lại cho “giấy” có thêm khả năng thoát khỏi thân phận làm “nền” để trở thành một tác phẩm độc lập”.
Một góc xưởng Trúc chỉ tại Huế.
Loại hình nghệ thuật này được nhà văn, dịch giả Bửu Ý đặt tên với hình ảnh tre, trúc là biểu tượng văn hóa và tinh thần Việt. Trúc chỉ chính là tên gọi một loại hình giấy - nghệ - thuật mới của người Việt (chứ không phải chỉ là giấy tre/bamboo paper). Trúc chỉ khai thác hầu hết các nguyên liệu xơ sợi sẵn có từ rơm, tre, mía, chuối, bèo, bắp, dứa, dâu, lá, cỏ,…
Ngâm nước để làm mềm vật liệu thô.
Quy trình chế tác Trúc chỉ gồm hai công đoạn chính. Một là quy trình làm giấy truyền thống. Nguyên liệu thô được ngâm, nấu với vôi, nghiền, giã thành bột giấy, rồi được “seo” thành tấm giấy trên khung “seo”.
Sắp xếp các chi tiết vật liệu.
Thuật ngữ “đồ họa Trúc chỉ” (trucchigraphy) được hình thành từ sự vận dụng các yếu tố: quy trình chế tác giấy thủ công truyền thống, kỹ thuật tạo áp lực nước (khá phổ biến ở một số nước), và các nguyên lý của nghệ thuật đồ họa
Xịt nước trực tiếp, tác động vào viền nhựa tạo hình và vật liệu để hình thành hoa văn.
Tiếp theo là quy trình phun xịt nước trực tiếp. Ngay trên tấm giấy ướt, họa sĩ sẽ sử dụng một vòi phun tạo áp lực nước để thay đổi cấu trúc xơ sợi, tạo nên độ dày mỏng khác nhau, với những hình ảnh đã được cắt trổ theo phác thảo. Thao tác này được tiến hành nhiều lần, theo nguyên lý của kỹ thuật chế bản in khắc kim loại (etching) và in xuyên (seriegraphy), tạo nên nhiều lớp sắc độ, sắc nhị tinh tế.
Bên cạnh đó, họa sĩ còn có thể sử dụng vòi phun áp lực nước như một cây “bút vẽ” đặc biệt để vờn vẽ trực tiếp trên mặt tấm giấy ướt, tạo nên hiệu ứng đặc biệt.
Việc vận dụng kỹ thuật tạo áp lực nước theo nguyên lý của nghệ thuật đồ họa, với ý niệm tạo tác một tác phẩm nghệ thuật giấy - tự - thân, chính là điểm cốt lõi làm nên sự khác biệt và biểu hiện độc đáo của Trúc chỉ.
Một tác phẩm Trúc chỉ hoàn thiện.
Đặc tính của Trúc chỉ là sự phong phú, linh hoạt về biểu hiện của nhiều loại xơ sợi; của hệ thống sắc độ, sắc nhị… tinh tế theo thứ lớp dày mỏng mà trucchigraphy mang lại. Đặc biệt là khi tương tác với ánh sáng. Hiệu ứng bề mặt là khi có ánh sáng thuận, những chỗ dày sẽ cho sắc độ sáng, mỏng cho sắc độ tối.
Với hiệu ứng xuyên sáng sẽ cho hiệu ứng ngược lại: những chỗ dày sẽ tối, những chỗ mỏng sẽ sáng. Sự linh hoạt này chính là điểm thu hút, gợi cảm hứng cho người xem, người sáng tạo, đồng thời cũng chính là khả năng đáp ứng và tham dự vào cuộc chơi nghệ thuật thị giác một cách chính thức, đàng hoàng.
Phơi thành phẩm Trúc chỉ dưới ánh nắng tự nhiên.
Trúc chỉ hoàn toàn có thể là một tác phẩm nghệ thuật tự thân mang đậm ngôn ngữ đồ họa; mặt khác, Trúc chỉ cũng sẵn sàng “đối thoại” với những tín hiệu tạo hình được đặt tiếp lên trên nó. Bên cạnh đó, Trúc chỉ cũng hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đa dạng và đăc biệt của nghệ thuật ứng dụng ở các loại hình như thiết kế sản phẩm, nội ngoại thất, trang phục, thời trang, trang sức… Đặc biệt là kết hợp với các làng nghề thủ công truyền thống để cho ra đời những nghệ phẩm độc đáo.
Chuẩn bị khung trước khi làm một chiếc nón lá Trúc chỉ.
Phủ sản phẩm hoạ tiết Trúc chỉ ra ngoài khung nón.
Nghệ nhân sử dụng một chiếc đèn chiếu ngược từ dưới lên để kiểm tra các mối gắn vành nón Trúc chỉ.
Sử dụng bút chì để vẽ đường cắt ghép Trúc chỉ vào vành nón.
Nghệ nhân dùng chỉ khâu đường ghép Trúc chỉ vào khung.
Một sản phẩm nón Trúc chỉ hoàn thiện.
Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam là thành quả của quá trình nghiên cứu độc lập của họa sĩ Phan Hải Bằng từ năm 2000; học bổng Châu Á học (ASF) 2007-2008; đề tài “Nghiên cứu chế tác giấy từ các nguyên liệu địa phương, ứng dụng vào giảng dạy, học tập và sáng tạo nghệ thuật”; thực nghiệm cùng các cộng sự từ 2011.