Đầu năm 2022, chị Liên Phạm bắt đầu hành trình đạp xe xuyên Việt, khám phá vẻ đẹp non nước quê hương. Phượt xuyên Việt với chị không chỉ để tiếp nối ước mơ còn dang dở mà còn là minh chứng rõ nhất: phái nữ không là phái yếu.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Quảng Ngãi đầy nắng gió, từ nhỏ Phạm Thị Kim Liên, hay còn gọi là Liên Phạm đã có ước mơ đi khắp nơi. Năm 2018, chị thực hiện được hành trình phượt xuyên châu lục bằng xe máy, rong ruổi qua nhiều quốc gia. Ngày 5/1/2022, vợ chồng chị bắt đầu một hành trình mới đạp xe xuyên Việt. Chia sẻ với Tạp chí Du lịch TP.HCM, chị đã có những bật mí về hành trình thú vị này.

- Động lực nào để chị quyết định thực hiện hành trình xuyên Việt?

Có nhiều nguyên nhân để tôi quyết định đạp xe xuyên Việt. Trước hết, vì cả hai vợ chồng đều theo Công giáo, nên chúng tôi mong muốn đạp xe theo cung đường sao Bắc Đẩu để hành hương tới thăm 7 linh địa gồm: Đức Mẹ Thác Mơ (Bình Phước), Đức Mẹ Tà Pao (Bình Thuận), Đức Mẹ Trinh Phong (đèo Ngoạn Mục), Đức Mẹ Giang Sơn (Đắk Lắk), Đức Mẹ Phượng Hoàng (Gia Lai), Đức Mẹ Trà Kiệu (Quảng Nam) và Đức Mẹ La Vang (Quảng Trị).

Tôi là người thích đi đây đi đó từ nhỏ. Đi khắp nơi không chỉ là khao khát của riêng tôi, mà ba mẹ cũng vậy. Nhưng nhà tôi ngày ấy rất nghèo, ước mơ đi đây đi đó của ba mẹ là điều không tưởng. Sau này khi có cơ hội, tôi đã thực hiện được hành trình phượt xuyên châu lục bằng xe máy. Trong suốt hành trình, tôi ghi lại những trải nghiệm của mình qua hình ảnh, quay video, hy vọng một phần nào đó đưa thế giới về với ba mẹ. Nhưng khi mới đi được Châu Á, Trung Đông, Châu Âu và Nam Mỹ, tôi bị tai nạn ở Argentina. Thời điểm đó cũng là lúc tôi biết tin mẹ của chồng tôi bây giờ bị ung thư giai đoạn cuối. Tôi đã tạm thời ngưng hành trình xuyên châu lục và trở về Việt Nam.

Nhưng đam mê chinh phục những châu lục còn lại vẫn cháy âm ỉ trong tôi. Đi khắp thế gian không chỉ là ước mơ của tôi mà còn là khát khao cháy bỏng của chồng. Hành trình đạp xe xuyên Việt 2022 là bước đệm để tôi và chồng đạp xe ở Đông Nam Á, Châu Á và thế giới. Đạp xe xuyên Việt sẽ là mảnh ghép để hành trình phượt xuyên châu lục của tôi được thêm trọn vẹn. 

Đa số người ta vẫn cho rằng, cơ hội đi khắp đó đây chỉ dành cho người thành công, giàu có hoặc siêu giỏi về ngôn ngữ, kỹ năng… Nhưng thực tế không phải vậy. Hành trình của tôi đã và sẽ là câu chuyện có thật về việc bất kỳ ai, nếu thật sự khao khát và dám dấn thân vẫn thực hiện được ước mơ, đam mê của chính mình. Tôi chính là nhân chứng sống cho phái yếu, người nghèo, phụ nữ… có động lực để họ vươn lên thực hiện được ước mơ trong cuộc đời.

- Điểm đến đầu tiên mà vợ chồng chị chinh phục trong hành trình xuyên Việt?

Điểm đầu tiên mà vợ chồng tôi chinh phục trong hành trình đạp xe xuyên Việt là Đức Mẹ Thác Mơ (Bình Phước), linh địa đầu tiên trong cung Stella Maris (sao Bắc Đẩu). Khi tôi chia sẻ về hành trình này, bạn bè đều nói: “Sao Liên làm nổi, Liên bé tí tẹo tèo teo mà đạp xe mấy trăm cây số chở theo đống hành lý nặng khủng khiếp. Đường đi lên Bình Phước thì đèo dốc cao vút nữa. Làm sao Liên đạp xe nổi”.

Thật sự là như vậy, dưới cái nắng như thiêu đốt từ Bình Dương tới Bình Phước, đạp xe có lúc mệt quá, tôi đi không nổi nữa, leo dốc thở từng hơi hồng hộc. Những lúc tôi quá mệt, đạp xe uể oải, chồng luôn giúp đỡ và động viên: “Em ơi! Cố gắng lên sắp lên tới đỉnh dốc rồi”.

Chính nhờ có chồng đồng hành và thi thoảng còn nhận được lời cổ vũ của người đi đường, những cơn mệt mỏi lúc đạp xe dường như tan biến, tôi thấy mình vui vẻ và hạnh phúc. Khi đặt chân tới điểm hành hương Đức Mẹ ở Bình Phước, tôi như vỡ oà cảm xúc, không ngờ là tôi đã làm được một điều rất khó thậm chí là không tưởng đối với bản thân tôi.

- Đi du lịch bụi có nhiều phương tiện để lựa chọn, vì sao chị đi bằng xe đạp, phương tiện khá vất vả?

Hành trình tôi hướng đến là khám phá những nơi mới mẻ, cung đường tôi đi qua là vùng quê hẻo lánh, đỉnh núi, băng rừng… Hơn nữa tôi thích trải nghiệm hành trình từ từ không vội vã. Tôi thích cuộc sống tự do, tự tại, thong dong. Tôi có thể nghỉ ngơi, tham quan, dừng chân cắm trại bất cứ nơi nào mình muốn mà không bị phụ thuộc hay làm phiền người khác.

Hành trình phượt xuyên châu lục năm 2018, tôi chọn xe máy vì nó phù hợp với mục tiêu thời gian, địa hình và thời tiết ở các nước tôi đi qua như: sa mạc Balochistan ở Pakistan, Iran, đỉnh Andes ở ngay biên giới Chi Lê và Argentina…

Tuy nhiên, theo trải nghiệm của tôi sau hành trình phượt xuyên châu lục, xe máy qua các nước bạn thì tốn nhiều chi phí cho việc chuẩn bị thủ tục, hồ sơ rất nhiều và phức tạp như: CPD, Bảo hiểm xe máy quốc tế, bằng lái xe quốc tế… và thủ tục khi xuất nhập cảnh ở biên giới các nước khó khăn. 

Ngoài ra, đạp xe là bảo vệ môi trường, giúp cho tôi rèn luyện sức khỏe tốt hơn. Và tôi thích thử thách bản thân để chinh phục những khó khăn, mới lạ. Do đó, xe đạp sẽ là lựa chọn ưu tiên trong hành tình đạp xe xuyên Việt hay đạp xe thế giới.

- Chị mất bao lâu để chuẩn bị kế hoạch cho hành trình xuyên Việt?

Vợ chồng tôi có ý tưởng đạp xe vòng quanh thế giới từ tháng 3/2021. Chuyến đạp xe 100km đầu tiên là về quê chồng ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Sau đó là đạp xe khoảng 400km băng qua mấy tỉnh miền Tây hồi tháng 4/2021. Hành trình Sao Bắc Đẩu bắt đầu trước khi chúng tôi lên đường khoảng 3 tháng.

Gia đình cũng hiểu tính vợ chồng, như tôi đã chia sẻ, ba má rất thích đi đây đó nên khi tôi nói về hành trình đạp xe Xuyên Việt, ba má và các anh chị em, bạn bè đều ủng hộ. Chỉ là ai cũng lo lắng cho sức khỏe của tôi, sợ tôi không thể thực hiện thành công vì hành trình quá phiêu lưu, mạo hiểm. Đặc biệt là lúc tình hình dịch bệnh chưa ổn định, mọi thứ còn khó khăn và phức tạp.

- Là phụ nữ tất nhiên sẽ gặp nhiều bất tiện hơn khi đi phượt, chị đã làm cách nào để khắc phục?

Tôi vừa là phụ nữ, lại là một người đã có chồng, việc tôi nên làm là sinh con, chăm chồng, làm việc kiếm tiền để xây nhà, nội trợ,… Việc đi như vậy khá mới lạ với mọi người. Nhiều người không hiểu sẽ nghĩ tôi đang làm một việc cực kỳ điên rồ, lội ngược dòng. Nhưng mỗi người thích một cuộc sống riêng, tôi tôn trọng và hạnh phúc với sự chọn lựa của riêng mình.

Sức khỏe tôi không tốt nên việc đạp xe đường dài, chở nhiều hành lý cồng kềnh, leo đèo dốc là thử thách rất lớn và tôi không có kinh nghiệm sửa xe. Nếu không có sự đồng hành của chồng và sự động viên của các bạn nhỏ, những người đi đường, tôi khó có thể chinh phục được những cung đường đã băng qua.

Với phụ nữ, làm đẹp gần như là ưu tiên hàng đầu, ai cũng ngại nắng mưa… Làn da sẽ cháy đen, đồi mồi, nám nắng, không còn đẹp nữa khi thực hiện hành trình như tôi. Tôi vẫn bôi kem chống nắng trong suốt hành trình. Nhưng với tôi và chồng thì việc này không quá quan trọng. Chồng tôi từng nói: “Đen mới chất”.

Việc qua đêm bên ngoài, khi thì cắm trại giữa rừng cao su bất tận, khi thì bên đồi thông lộng gió… sẽ không dễ dàng với phụ nữ. Nhưng tôi có chồng đồng hành nên mọi thứ đều tốt đẹp.

Thật sự sau hành trình phượt xuyên châu lục và đạp xe xuyên Việt, tôi thấy là phụ nữ thật tuyệt vời. Với những đứa trẻ ven đường tôi đã gặp là những ánh mắt ngưỡng mộ, thán phục. Với thanh niên, đàn ông, người già đều dành cho tôi ánh mắt trìu mến, thương thương, muốn che chở và bảo vệ. Với những người phụ nữ trạc tuổi tôi thì lại là ánh mắt hạnh phúc, khát khao được một lần như “cô ấy”. Có người đã ôm chầm lấy tôi vì họ cảm thấy tôi đang thay họ thực hiện ước mơ mà đời này họ sẽ không thể.

- Chị đã đi phượt xuyên Việt tính đến thời điểm hiện tại được bao nhiêu tỉnh thành? Chị có thể chia sẻ trải nghiệm, dấu ấn đọng lại trong chuyến đi gần đây nhất?

12 tỉnh thành gồm: TP.HCM – Đồng Nai – Bình Dương – Bình Phước – Bình Thuận – Lâm Đồng – Đắk Lắk – Quảng Ngãi -  một số tỉnh miền Tây ( Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre).

Có lúc chúng tôi đạp xe trên những con đường nhỏ chạy xuyên qua cánh rừng cao su đang mùa thay lá ở Bình Dương, Bình Phước. Đạp xe mệt lắm mà được ngồi hay nằm ngủ trưa trên võng, đung đưa dưới bóng cây cao su mát rượi thì mệt cũng tan biến hết. Thỉnh thoảng có cơn gió nhẹ đi qua làm cho những chiếc lá cao su nhiều màu rụng xuống khiến cho lòng mình xao xuyến.

Cảm giác bình yên tới lạ khi được đạp xe trên cánh đồng mạ non xanh ở Đồng Khi Tánh Linh, Bình Thuận. Gió mang theo mùi lúa non, có hơi nước lành lạnh từ những đồng quê thổi vào người. Tất cả hương thơm của đồng xanh khiến tôi thấy nhớ quê, nhớ ba mẹ, nhớ về tuổi thơ gắn liền với đồng lúa và cỏ xanh.

Đạp xe nên cảnh vật trôi qua một cách chậm rãi, cảm xúc đến với tôi và ở lại rất rõ nét và sâu đậm. Thật sự không thể diễn tả được cảm giác cuộc sống bình yên khi tôi và chồng đạp xe lướt đi trong những buổi hoàng hôn nắng vàng ở đường quốc lộ 14 hay sau khi đổ dốc 5 cây ở Bình Phước hướng về Tà Pao. Ngồi với người mình thương chiêm ngưỡng những khoảnh khắc cuối cùng của ngày trôi qua từng chút, từng chút một. Để chiêm ngưỡng bầu trời vàng rực khi mặt trời dần dần lặn xuống sau ngọn núi đó là hạnh phúc.

Yêu lắm những lần hai vợ chồng uống với nhau ly cà phê hay ăn cùng nhau bữa sáng dưới bóng cây cô đơn bên bờ hồ Đami, Bình Thuận. Mặt hồ phẳng lặng, trong veo màu xanh ngọc, xung quanh hồ là dãy những ngọn núi cao sừng sững. Cắm trại ở đảo con cò giữa hồ thì đẹp tuyệt vời.

Từ Đami chúng tôi đạp xe theo hướng quốc lộ 55 đi Bảo Lộc. Con đường chạy len lỏi trong rừng thông xanh ngắt. Giữa rừng núi, lúc tôi đạp xe, nghe tiếng giống như đang có mưa lớn rất gần. Sau đó hỏi ra thì mới biết đó là tiếng gió đập vào lá của rừng thông. Âm thanh thật lạ của núi rừng vùng cao mà lần đầu tôi mới biết. Thời điểm đó mùa xuân nên trên đường trăm hoa đua nở khoe sắc rất đẹp.

Đã có rất nhiều những buổi sáng, hai vợ chồng bên cạnh nhau trên đỉnh núi, để ngắm bình mình lên trong cái lạnh sớm mai của Bảo Lộc hay Đà Lạt. Suốt hành trình chúng tôi đã cắm trại rất nhiều nơi. Từ phố Đà Lạt chúng tôi đạp xe tới Đưng K’nớ băng qua không biết bao nhiêu con dốc, đèo 8%, 9%, 10% luôn.

Trước đây, tôi hay nghe người ta nói cao nguyên đầy nắng gió. Nhưng tôi không hiểu. Tới khi đạp xe từ Đạ Sal tới Đắk Lắk thì mới thật sự trải nghiệm được cái nắng và gió ở vùng đất thú vị này.

- Trước khi bắt đầu một chuyến đi mới, điều gì khiến chị lo lắng hay trăn trở?

Trước đó chúng tôi chưa có kinh nghiệm đạp xe, tôi không chắc có thể leo đèo dốc nhiều như cung đường đã chọn. Suốt nhiều tháng TP.HCM giãn cách, hai vợ chồng thật sự khó khăn để thực hiện trọn vẹn hành trình.

Khi ở trong nhà nhiều ngày vì dịch bệnh, sức khỏe cũng là vấn đề lo ngại khi hai vợ chồng ít có cơ hội tập thể dục, đạp xe, chuẩn bị thể lực trước khi bắt đầu hành trình. Sự thay đổi nhanh chóng về thời tiết ở những nơi chúng tôi sẽ đi qua, đó là thử thách.

Tôi chưa có nhiều trải nghiệm cắm trại hoang dã ở Việt Nam. Cùng với nhiều chia sẻ của các bạn bè khi đạp xe cắm trại ở Việt Nam kèm theo các rủi ro mất xe… Đó cũng là một lo lắng lớn khi tôi chuẩn bị hành trình. 

- Những điều chị học hỏi được từ chuyến đi xuyên Việt? Chị muốn nhắn nhủ điều gì tới các bạn trẻ có niềm đam mê du lịch bụi?

Tôi đã vô cùng bất ngờ về sự hiếu khách, rộng lượng và tốt bụng của người dân trong suốt hành trình, đặc biệt là những người đồng bào thiểu số. Đoạn đường từ Đà Lạt đến Đưng K’Nớ và từ Đưng K’Nớ đến Đạ Sal, rất nhiều anh chị em đồng bào từ trẻ em đến người lớn đã động viên, giúp đỡ chúng tôi.

Khi đạp xe cung Trường Sơn Đông đoạn băng rừng từ Đưng K’Nớ đến Đạ Sal, đường đất, đá bị hư hại, nước sói mòn lâu năm nên rất khó đạp xe, hầu hết tôi dẫn bộ. Nhờ các anh chị em đồng bào đã đẩy xe đạp của tôi mỗi khi đi qua suối hoặc những chỗ đường lầy lội và dốc đứng.

Trong rừng điện thoại không có sóng nên internet 3G không có rất dễ lạc đường. Nhờ có những người bản địa đã hướng dẫn những con đường tránh đổ dốc cao gây tai nạn. Lòng tốt của người dân nơi đây là bài học quý giá tôi học được từ hành trình này.

Việt Nam rất đẹp và rất nhiều người có lòng tốt ngoài kia. Những ai đang khát khao, ấp ủ hành trình của cuộc đời, nên mạnh dạn thực hiện để ước mơ thành hiện thực. Không phải ngày mai mới thực hiện mà ngay bây giờ nên bắt tay hành động vì thời gian trôi qua rất nhanh, không chờ đợi ai cả. 

- Sắp tới, chị có kế hoạch đi "phượt" tới những vùng đất mới nào không?

Theo kế hoạch trước đó, năm 2022 vợ chồng tôi sẽ đạp xe ở các nước Đông Nam Á, Châu Á. Nhưng tôi đang có em bé, nên kế hoạch thay đổi. Năm 2022 chúng tôi sẽ ở Việt Nam. Dự kiến năm 2023 chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình đạp xe ở châu Âu và thế giới.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Ba, ngày 08/03/2022 11:59 AM (GMT+7)

Lê Thoa