Khi trẻ mê “thần tượng”
Không ít trẻ đam mê, làm theo những gì “thần tượng” thể hiện, bất chấp đúng sai. Chính điều này đã khiến cho không ít phụ huynh lo lắng và cố gắng tìm đủ cách kéo con về với thực tại. Trong khi đó, lời khuyên từ một số chuyên gia tâm lý chính là “biến nguy thành cơ”, tận dụng cơ hội sẵn có để giúp trẻ tiến bộ hơn.
Mẹ cùng học và chơi với con trẻ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Ngứa mắt với “thần tượng” của trẻ
“Mẹ ơi, mẹ có số chị Thơ Nguyễn không, con thích chị lắm. Trong giấc mơ con cũng thấy chị. Nếu được trò chuyện ngoài đời với chị Thơ Nguyễn thì tuyệt biết bao”, cô con gái 7 tuổi của chị Nguyễn Kiều My, ngụ đường Dương Thị Mười (quận 12, TPHCM) tâm sự. Nghe xong lời thỏ thẻ này của con, chị My mặt mũi xám xịt, thất vọng toàn tập.
Theo chị Nguyễn Kiều My, ngoài lúc học online, thời gian rảnh bé đều xem kênh của chị Thơ Nguyễn, Hà Sam, anh Tony... “Thực ra, các kênh này chỉ mang tính giải trí đơn thuần, đôi lúc khá nhảm nhí. Giọng nói nũng nịu, lanh lảnh của Thơ Nguyễn, Hà Sam khiến người lớn thấy mệt mỏi. Mình chặn kênh, khóa mạng, nhưng bé vẫn vô bằng máy của ba. Hôm nào mẹ không mở cục phát Wifi thì bạn nhỏ lén qua hàng xóm xem ké. Bực lắm”, chị Nguyễn Kiều My nói.
Anh Lê Xuân Lâm, ngụ đường Lý Thái Tổ (quận 10, TPHCM) cũng lo lắng, vì hơn 1 năm nay, cậu con trai lớp 8 bắt đầu ngang bướng, ít nói, lén xăm mình, thích nhuộm tóc xanh - vàng. Đứa nhỏ ban đầu khá ngoan ngoãn, nhưng từ khi nghỉ dịch Covid-19, cháu ở nhà nhiều hơn, nên cũng lì lợm hơn. Anh Lê Xuân Lâm tâm sự: “Cách nay 2 tuần, nó lén mình nhuộm mái tóc vàng hoe, xăm hình trên bả vai vì mê một nhóm nhạc Hàn Quốc. Mình bắt nó đi xóa mới biết hình xăm chỉ là mực vẽ giả. Còn mái tóc vàng thì nhất định không chịu nhuộm đen; đồng thời hứa khi nào đến trường học chính thức mới thực hiện. Đúng là cái tuổi dở ông dở thằng, mệt quá”.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, 70 tuổi, ngụ đường Bà Hạt, quận 10 kể với người bạn đồng niên rằng, đứa cháu nội của mình mới 8 tuổi nhưng rất hỗn hào. Hễ bà nói câu nào là cháu bắt bẻ câu đó, có khi lì mặt không chịu nghe lời. Thỉnh thoảng còn góp ý bà phải thế này, thế kia. Suốt ngày “luyện” game, ước mơ làm YouTuber để có thể giàu có như… “mấy vị” hay livestream khoe kim cương trên YouTube.
Dạy con mọi lúc, mọi nơi
Một số chuyên gia tâm lý nhìn nhận, trẻ nhỏ vốn vô tư, trong sáng và cũng dễ thay đổi. Cô Nguyễn Ý Như (giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ em tại quận Gò Vấp) chia sẻ, nhiều bạn nhỏ ở nhà rất bướng, nhưng khi đến lớp lại khá vui vẻ, thân thiện với bạn bè. Khi tìm hiểu kỹ nguyên nhân, cô Ý Như được biết, nhiều phụ huynh quá bận rộn nên giao khoán việc dạy con cho ông bà nội ngoại đã lớn tuổi. “Tình yêu thương và sự quan tâm, thấu hiểu của phụ huynh là rất quan trọng. Yêu thương, đồng cảm hơn với con chính là chìa khóa giúp trẻ chăm ngoan”, cô Nguyễn Ý Như đưa ra lời khuyên.
Trong khi đó, chị Nguyễn Kiều My đã chủ động sắp xếp lại công việc, cùng lên Internet xem phim với con. Nhiều tháng trời kiên nhẫn, chị chỉ cho bé nên và không nên học gì từ “thần tượng”, bé đã biết sàng lọc dần theo hướng tiến bộ hơn. “Vẫn xem Thơ Nguyễn, nhưng tần suất xem đã giảm khoảng 30%-40%. Bé bỏ luôn kênh Hà Sam vì nhảm nhí, nói ngọng nhiều. Thỉnh thoảng bé xem anh Tony, nhưng cũng chỉ 60-90 phút mỗi ngày”, chị Kiều My cho biết. Còn bà Nguyễn Thị Lan Anh cũng… soi mình trước gương để điều chỉnh nụ cười, giãn cơ mặt, vì có lần bé nói mặt nội như... phù thủy. Chị Phương Ngọc Thy, con gái bà Lan Anh thừa nhận: “Từ ngày mẹ tôi cười nhiều, ít gắt gỏng thì cháu gái của tôi cũng ngoan ngoãn hơn. Vợ chồng anh trai tôi đi làm xa, nên cháu ở với bà, thiếu tình thương ba mẹ đâm ra bé hơi bướng, chứ thực sự đó là cô bé hiểu chuyện, dù mới chỉ 8 tuổi”.
Hiện nay, công nghệ thông tin chính là cầu nối giữa ba mẹ, ông bà với con cháu, nhưng nếu không kiểm soát tốt, trẻ dễ bị cuốn theo các thói hư trên mạng. Việc mê mẩn “thần tượng”, sẵn sàng “sống chết” để được xem phim, các chương trình ca nhạc có thần tượng biểu diễn; mua quần áo mặc sao cho giống với “thần tượng” đã không quá xa lạ. Nhưng vấn đề là làm sao để kéo trẻ về lại cuộc sống thường nhật, lại phụ thuộc rất nhiều vào chính các bậc phụ huynh.
Anh Lê Xuân Lâm cười vui rằng, mình cũng vừa thử đi nhuộm “quả đầu” gần giống cậu con trai và phát hiện rằng trẻ ra cả... chục tuổi. “Mình đã quá áp đặt con, buộc con phải sống theo suy nghĩ của mình, nên mình chủ động thay đổi, dựa theo tư vấn của các chuyên gia tâm lý. Thằng nhỏ ban đầu phản đối dữ lắm, vì tại sao ba nhuộm tóc. Mình nói, nhuộm cho giống con. Giờ đây, hai cha con đã có thể tâm sự với nhau nhiều hơn, như những người đàn ông trưởng thành”, anh Lê Xuân Lâm chia sẻ.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hàng loạt các chương trình nghệ thuật tại TP.HCM đang có nguy cơ phải hoãn vô thời...