Cận cảnh nơi làm ra những chú lân lộng lẫy trên đất cố đô
Ở Cố đô Huế, nhiều gia đình còn giữ gìn nghề làm đầu lân truyền thống phục vụ dịp Tết Trung thu. Lân Huế nổi tiếng khắp vùng bởi sự tỉ mỉ, độ tinh xảo và có nhiều chi tiết sáng tạo, đẹp mắt.
Còn khoảng hai tuần nữa, một cái Tết Trung thu nữa lại về. Không khí rộn ràng bởi những chú lân, cái trống... dần được "hâm nóng" hơn ở các cơ sở sản xuất đầu lân xứ Huế.
Hiện nay, giữa cuộc sống tấp nập, ở thành phố Huế vẫn còn hơn chục gia đình giữ gìn được nghề làm đầu lân truyền thống. Những ngày đầu tháng 8 Âm lịch này, các cơ sở làm đầu lân hối hả hoàn thành các sản phẩm để đưa ra thị trường, phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh, góp phần mang đến cái Tết Trung thu vui tươi.
Ghi nhận tại các cơ sở làm đầu lân ở Huế, cảnh người mua cũng như người bán nhộn nhịp, sôi động. Những hình ảnh ấy như mang lại luồng sinh khí mới cho các cơ sở làm đầu lân sau khoảng thời gian vắng khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vào những năm trước.
Con lân đầy sắc màu.
Ở cơ sở Bảo Anh Đường nằm trên con đường Lê Duẩn, các nhân viên vừa làm việc, vừa phục vụ khách hàng đến mua. Vào mùa này, cơ sở Bảo Anh Đường đưa ra thị trường khoảng 500 đầu lân loại lớn và hàng nghìn đầu lân các loại khác.
Theo ông Trương Như Rem - chủ cơ sở Bảo Anh Đường, năm nay, lượng khách đến tìm mua đầu lân đông dần từ tháng 6 Âm lịch. Hiện tại, khi Tết Trung thu cận kề, đa số các cơ sở dần ngưng sản xuất để tập trung vào việc phân phối hàng ra thị trường.
Theo tìm hiểu, sau Tết Nguyên đán, người dân ở các cơ sở làm đầu lân lại bày ra các nguyên, vật liệu để tạo nên chú lân rực rỡ màu sắc, bắt mắt.
Điều quan trọng làm nên thương hiệu của lân Huế và thể hiện rõ sự khác biệt giữa đầu lân xứ Huế với đầu lân ở những vùng khác đó là họa tiết trang trí ở đôi mắt.
Người vẽ chú ý đến cách phối màu, tạo đường nét nhằm làm nổi bật thần thái của đầu lân. Đây cũng là khâu khó nhất khi làm lân, bởi phải vẽ sao cho mắt lân có hồn và chiều sâu, do lân có mạnh mẽ, hung dữ hay hiền lành đều thể hiện qua đôi mắt. Người thợ vẽ đôi mắt đặc biệt của đầu lân xứ Huế bằng cả tâm hồn lẫn cảm xúc.
Lâu nay, lân Huế nổi tiếng bởi sự tỉ mỉ, độ tinh xảo và có nhiều chi tiết sáng tạo, đẹp mắt.
Chứng kiến những con lân lộng lẫy dần thành hình, người xem cũng biết phải cầu kỳ lắm mới làm ra được chú lân này. Những người làm đầu lân cho biết, để cho ra con lân hoàn chỉnh, cần trải qua nhiều công đoạn như tạc khuôn, xẻ đầu lân ra khỏi khuôn, phun lót sơn…
Khi Tết Trung thu đang đến gần, trong các cơ sở làm đầu lân đâu đâu cũng thấy những con lân với nhiều màu sắc, kiểu dáng và kích cỡ.
Đầu lân Huế được nhiều nơi ưa chuộng bởi đa dạng về mẫu mã, chất lượng cao, cầu kỳ.
Ngoài làm đầu lân, các cơ sở này còn cung cấp các mặt hàng đạo cụ đi kèm như trống, thanh la, bộ đồ ông địa...
Những người làm đầu lân cần mẫn tạo ra chú lân xuất đi khắp mọi miền đất nước, mang đến niềm vui cho trẻ em trong dịp Tết Trung thu.
Không chỉ ở các cơ sở làm đầu lân, các điểm buôn bán sản phẩm phục vụ Tết Trung thu trên đường Lê Duẩn cũng tấp nập người dân đến mua hàng, như báo hiệu một mùa trung thu sắp về.
Vào dịp Tết Trung thu sắp tới, ở Huế sẽ có nhiều hoạt động thú vị được chính quyền địa phương tổ chức. Ngày hội lân Huế diễn ra từ ngày 3/9 đến ngày 4/9 tại Quảng trường Ngọ Môn, quảng diễn Lân sư rồng và rước đèn trung thu trên các tuyến đường ở Huế khai mạc vào chiều ngày 6/9.
Trên các tuyến đường ở thành phố Huế, các đoàn Lân sư rồng và các học sinh rước đèn trung thu sẽ quảng diễn, mang...