DU LỊCH VÒNG QUANH QUẬN…1!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhân việc UBND Thành phố Hồ Chí Minh hình thành tuyến xe buýt vòng quanh quận 1, chúng tôi cũng muốn hướng dẫn độc giả đi “Du lịch vòng quanh Quận 1”. Tất nhiên, Quận 1 của TPHCM là nơi có rất nhiều Di tích Văn hoá, Kiến trúc, Lịch sử rất đáng tham quan. Song để đi những nơi ấy, đã có Hướng dẫn viên của các Công ty Du lịch lữ hành. Chúng tôi chỉ hướng dẫn các bạn tham quan những địa chỉ rất đáng tham quan, nhưng rất nhiều Hướng dẫn viên chưa hoặc không biết và chính các cơ quan có trách nhiệm Bảo tàng, Bảo tồn cũng không biết, hoặc không nhớ!

DU LỊCH VÒNG QUANH QUẬN…1! - 1

Năm 1882, cách nay đúng 131 năm, chữ Quốc ngữ - chữ Việt ngày nay - đã bị người Pháp “bắt buộc phải sử dụng”. Nghị định ngày 30-1-1882 do Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers, chỉ có 2 điều, thì điều 1 ghi rõ “kể từ ngày hôm nay, việc chỉ dùng những mẫu tự Pháp trở thành bắt buộc trên toàn cõi Nam Kỳ thuộc Pháp trong những giấy tờ chính thức viết bằng tiếng An Nam”. Các bạn có biết, Nghị định này được thảo ra ở nơi nào không? Xin thưa nó được thảo ra ở toà nhà, nơi được nhân dân Sài Gòn xưa gọi là Dinh Thượng thơ. Đó là toà nhà nằm trên đường Nguyễn Du, góc đường Đồng Khởi. Toà nhà này đã bị phá bỏ để xây dựng cao ốc.

Trước đó, trường học chữ Việt đầu tiên của nước ta, đã được thành lập từ năm 1860-1861, ngay sau khi quân Pháp hạ thành Phiên An không lâu. Đó là trường d’Adran. Trường do các thầy dòng đạo Công giáo thành lập và dạy “trẻ con An Nam học quốc ngữ viết theo mẫu tự La tinh”. Đây cũng là trường học đầu tiên được quân Pháp tài trợ để đào tạo “Thông ngôn” cho quân Pháp. Một thời gian sau, để đào tạo “chánh qui” hơn các thông ngôn và thầy giáo dạy Việt văn và Pháp văn, người Pháp đã thành lập trong khuôn viên trường này một trường học nữa gọi là “Trường Sư phạm” (École Normal). Ngôi trường ấy, nay hãy còn và đó chính là hai Trường Trung học Võ Trường Toản và Trưng Vương nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm 1881, do không còn được tài trợ, không đủ sức nuôi dạy học sinh (xưa học sinh học nội trú và trường lo ăn ở) nên trường được bán lại cho Nhà nước Pháp với giá 5.000 quan Pháp, và dời học sinh về Trường Tabert (nay là Trường Trần Đại Nghĩa), xây dựng năm 1874.

Cũng ở Quận 1, tờ báo viết chữ Quốc ngữ, chữ Việt, đầu tiên của nước ta là tờ Gia Định báo cũng ra đời và in tại “Nhà in Nhà nước”. Nhà in ấy đã bị đập bỏ từ lâu, xưa nằm ở góc đường Nguyễn Du - Hai Bà Trưng, xéo góc với Trường Trần Đại Nghĩa.

DU LỊCH VÒNG QUANH QUẬN…1! - 2
Chợ Bến Thành xưa nằm trên bờ Kinh Charner, nay là đường Nguyễn Huệ

Sau chữ nghĩa, chúng ta ra chợ. Sài Gòn có rất nhiều chợ so với cả nước. Nhưng bạn có biết ngôi chợ đầu tiên được xây dựng sau khi người Pháp chiếm Nam Kỳ không? Đó là chợ Cầu Ông Lãnh. Nguyên chợ này nằm ven rạch Bến Nghé có tên là Chợ Sỏi. Năm 1864, người Pháp đã quyết định xây ngôi chợ này tại địa điểm hiện nay. Gần 10 năm sau, Chợ Bến Thành (cũ, dân quen gọi là Chợ Sài Gòn) nằm trên bờ Kinh (sau con kinh này bị lấp và trở thành còn đường Kinh Lấp, nay là đường Nguyễn Huệ), mới được xây bằng sườn sắt, lợp ngói sau một vụ hoả hoạn. Và sang đầu thế kỷ 20, Chợ Bến Thành mới được xây dựng bằng tiền của Chú Hoả (Hui Bon Hoa, Hứa Bổn Hoà), một trong bốn đại gia ở Nam Kỳ đầu thế kỷ 20, tại chỗ hiện nay là một vũng sình lầy gọi là “ao Bồ rệt” (Borresser). Còn chợ cũ bị phá bỏ nhưng vẫn còn buôn bán đến ngày nay.

 Người Sài Gòn có “thói quen” hay uống nước đá. Rất nhiều thức uống có “nước đá” được sử dụng hàng ngày từ trà đá cho đến chè đá! Các bạn có biết “nước đá” là hàng ngoại nhập không? Người Việt bắt đầu biết “xài” nước đá từ những thập niên cuối thế kỷ 19, vì trước đó, nước ta không có món nước đá. Gia Định báo xuất bản năm 1881, cho biết, nhà máy nước đá đầu tiên của nước ta được xây dựng khoảng thập niên 1870 ở Quận 1. Nhà máy ấy nằm ở đầu đường Hai Bà Trưng, nơi sau này dùng làm đề pô của Hãng BGI. Khu nhà ấy nằm giữa hai con đường Hai Bà Trưng và Thái Văn Lung và đang bị “bỏ hoang”.

Về điện cũng vậy. Các bạn có biết nhà máy điện đầu tiên của Sài Gòn nằm đâu không? Xin thưa liền, nhà máy ấy nằm sau lưng Nhà hát Thành phố hiện nay, và nay là trụ sở của Công ty Điện lực. Nhà máy được xây dựng năm 1896 và “hoàn thành nhiệm vụ” sau khi người ta xây dựng xong Nhà máy Điện Chợ Quán vào năm 1910.

Về Bưu điện và Điện tín? Lúc đầu, đây là hai cơ quan khác nhau hoàn toàn. Điện tín có ngay sau khi người Pháp chiếm Gia Định và ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Trụ sở của cơ quan này nằm trong khu vực bốn con đường Lý Tự Trọng-Nguyễn Du-Đồng Khởi và Pasteur nhưng mặt tiền quay ra đường Nguyễn Du. Còn Bưu điện xưa trực thuộc Sở Ngân khố và Sở (hay Nha) Ngân khố nằm ở chính trụ sở của Sở VHTTDL TPHCM hiện nay. Cơ quan Bưu điện là cơ quan trực thuộc nên cũng nằm trong khuôn viên toà nhà này nhưng quay mặt ra đường Nguyễn Du. Đến năm 1878 thì hai cơ quan này mới hợp thành một và dời về chỗ hiện nay sau khi toà nhà Bưu điện xây cất xong năm 1891.

DU LỊCH VÒNG QUANH QUẬN…1! - 3
Cuối đường Đồng Khởi cuối thế kỷ 19 nhìn từ Nhà thờ Đức Bà. Bên trái là Nha Ngân khố (nay là Sở VH-TT và DL), còn bên phải là Nha Nội vụ mà dân chúng quen gọi là Dinh Thượng thơ

Ngôi “nhà lầu kiểu Tây phương” xây dựng đầu tiên của cả Nam Kỳ (hay của cả nước ta?) là căn nhà của Wang Tai (Vương Thái), một tư bản người Hoa, từ Hồng Kông sang, và là chủ của nhiều ngôi nhà, hãng sản xuất gạch ngói, đồ gốm…Năm 2004, người viết bài này đã leo lên la phông của Nhà thờ Đức Bà và thấy những miếng ngói lợp nhà thờ còn in chữ Wang-Tai. Căn nhà ấy hiện là trụ sở của Cục Hải quan Thành phố nằm trên đường Tôn Đức Thắng. Cũng trên con đường này, ông Nguyễn Trường Tộ, đã “vẽ” và “trực tiếp xây dựng” Tu viện Saint Paul nằm ở ba con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm-Nguyễn Hữu Cảnh và Tôn Đức Thắng.

DU LỊCH VÒNG QUANH QUẬN…1! - 4
Toà nhà Wang Tai, nay là trụ sở Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh

Đi trên các con đường tráng dầu hắc hiện nay là chuyện đương nhiên. Song các bạn có biết con đường đầu tiên tráng dầu hắc ở Sài Gòn là đường nào không? Xin thưa, đó là đường Đồng Khởi (Catinat xưa), con đường sang trọng nhứt Sài Gòn xưa và cả nay. Khoảng đầu thập niên 1940, đường Đồng Khởi mới được tráng nhựa và dân chúng Sài Gòn kêu đó là “đường cao su”. Sau Đồng Khởi, những năm sau đó các con đường khác mới được tráng nhựa. Còn đường Mạc Đỉnh Chi, được “quy hoạch” từ trước năm 1867 và cũng là đường được trồng cây sao đầu tiên ở Sài Gòn. Vì vậy, dù có tên riêng nhưng người Sài Gòn vẫn gọi là đường “Hàng Sao”.

Lịch sử Sài Gòn cũng ghi nhận một số “chợ xưa” có từ thế kỷ 19 nay không còn nữa. Chợ Da Còm nằm ở khu vực Thư viện Khoa học Tổng hợp-Toà án Thành phố và Công viên Lý Tự Trọng. Chợ hàng Đinh nằm tại khu vực Công viên Chi Lăng…

Những di tích, những điều đáng tìm hiểu về Sài Gòn xưa nằm trong khu vực Quận 1 có thể viết thành một vài cuốn sách. Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi xin “nói sơ qua” để các bạn biết. Để kết bài viết nầy, các bạn có biết những phù điêu trên mặt Chợ Bến Thành do ai làm và làm từ bao giờ không? Xin thưa, tác giả là Ông Lê Văn Mậu, Giảng viên Trường Mỹ nghệ Biên Hoà, đã sáng tác ra 12 bức phù điêu bằng đất nung gắn trên bốn mặt chợ và gắn vào năm 1952. Chợ ở thành phố thường không gắn phù điêu hoặc hình ảnh gì. Riêng Chợ Sài Gòn thì có. Vì vậy, nên có câu hát (hay ca dao?) “Chợ Sài Gòn cẩn đá, Chợ Rạch Giá cẩn xi mon. Anh với em tình nghĩa vuông tròn, anh về ngoài Bắc biết có còn vô thăm”.

DU LỊCH VÒNG QUANH QUẬN…1! - 5

TRẦN NHẬT VY

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT