NHỮNG TAI BIẾN VÀ BIẾN CHỨNG CÓ THỂ GẶP TRONG GIẢI PHẪU THẨM MỸ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo


NHỮNG TAI BIẾN VÀ BIẾN CHỨNG  CÓ THỂ GẶP TRONG GIẢI PHẪU THẨM MỸ - 1Bác sĩ Cao Ngọc Bích

Phó Chủ tich Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP Hồ Chí Minh

Trưởng Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện An Sinh

Giám đốc Phòng khám Phẫu thuật thẩm mỹ Nhất Phương

Là một chuyên ngành của y học, liên quan trực tiếp đến đời sống tinh thần và thể cht của con người, Giải phẫu Thẩm mỹ cũng như những ngành khác đều có những ưu điểm và những nhược điểm của nó cần lưu ý trong thực tế ứng dụng lâm sàng. Dù y học không ngừng phát triển, trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại hơn, cộng với tri thức khoa học và tinh thần trách nhiệm cao nhất của người thấy thuốc cũng chỉ có thể hạn chế ở mức thấp nhất các tai biến và các biến chứng, chứ không thể tránh được hoàn toàn tuyệt đối. Việc cung cấp thông tin để mọi người dân bình thường đều hiểu được vấn đề này chính là giúp cho mọi người chủ động khi muốn nhờ cậy đến Giải phẫu Thẩm mỹ và cũng đủ hiểu biết để không hoảng hốt, bối rối khi không may có sự cố bất thường xảy ra, từ đó tạo được sự hiểu biết thông cảm và hợp tác lẫn nhau giữa bệnh nhân và thấy thuốc

Giải phẫu Thẩm mỹ có thể giúp cho bạn có được một dáng vẻ, một gương mặt trẻ trung bằng các kỹ thuật Giải phẫu Thẩm mỹ. Đối với người Bác sĩ Giải phẫu Thẩm mỹ, những cuộc giải phẫu như vậy không khó khăn lắm về mặt chuyên môn và thường diễn ra êm ả với kết quả rõ ràng. Nhưng cũng như mọi thủ thuật ngoại khoa y học khác, người thầy thuốc luôn luôn phải thận trọng hết sức để đề phòng mọi tai biến hay biến chứng có thể có để biện pháp ngăn ngừa và có thể xử lý chính xác kịp thời khi nó xảy ra.

Trong phạm vi tài liệu này chúng tôi chỉ nói đến các tai biến và biến chứng trong Giải phẫu Thẩm mỹ. Các tai biến và biến chứng gồm có:

I. NHỮNG TAI BIẾN TRƯỚC CUỘC GIẢI PHẪU

  • Phản ứng dị ứng với thuốc trong khi chuẩn bị phẫu thuật như thuốc kháng sinh, thuốc tê.

  • Những rối loạn tim mạch, tâm thần kinh do quá lo âu, sợ hãi.

II. NHỮNG TAI BIẾN TRONG KHI GIẢI PHẪU

Ngày nay, các kỹ thuật giải phẫu tiên tiến với trang thiết bị hiện đại đã giúp cho cuộc giải phẫu ngày càng an toàn và hiệu quả hơn rất nhiều. Tuy nhiên cũng có thể có các tai biến như:

  • Bị bỏng da khi sử dụng dao mổ điện do sơ suất của nhân viên kỹ thuật, nhất là bị bỏng nơi đặt tấm plaque

  • Chảy máu không đông: do rối loạn các yếu tố đông máu ở bệnh nhân (có thể do bẩm sinh hay do bệnh lý)

  • Chảy máu do tổn thương mạch máu: Khi có tổn thương bất thường mạch máu gây chảy máu thì tùy mức độ để xử lý, nhẹ thì đốt cầm máu, nặng hơn thì thắt buộc máu và nếu là mạch máu quan trọng thì nếu cần sẽ nối lại mạch máu để đảm bảo tuần hoàn bình thường. Nói chung trong những trường hợp này các Bác sĩ Giải phẫu đều có thể giải quyết hiệu quả ngay lập tức, dĩ nhiên cũng cần phải luôn bình tĩnh và kinh nghiệm.

  • Tổn thương các cơ quan tổ chức lân cận như mạch máu, thần kinh.

Nếu làm tổn thương thần kinh thì tùy mức độ để xử lý. Nếu là những nhánh thần kinh nhỏ, bị tổn thương chèn ép hay bầm dập thì có thể tự phục hồi sau 1 thời gian (6 tháng đến 1 năm). Nếu có nhánh thần kinh lớn quan trọng bị đứt rời muốn phục hồi phải được nối lại (có thể nổi sớm hay muộn tùy từng trường hợp nhưng nhưng nguyên tắc là càng sớm càng tốt). Trong thực tế, tai biến này rất hiếm gặp vì an toàn, có thể tránh được nếu bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ có kiến thức đầy đủ về giải phẩu cơ thể (nhất là vi giải phẩu), nắm vững kỹ thuật giải phẫu, thao tác thận trọng, chính xác, đồng thời trong khi làm việc luôn biết làm những “test” thử nghiệm để kiểm tra nhằm phát hiện ngay những tổn thương thàn kinh có thể có.

NHỮNG TAI BIẾN VÀ BIẾN CHỨNG  CÓ THỂ GẶP TRONG GIẢI PHẪU THẨM MỸ - 2

III. Tai biến trong quá trình thực hiện gây mê, gây tê:

  • Phản ứng của thuốc tê: (choáng phản vệ, shock phản vệ).

Đây là phản ứng quá mức của cơ thể với thuốc tê sau khi đưa vào cơ thể.

Phản ứng có thể xảy ra tức thời hoặc chậm hơn, với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng và nếu rất nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. (Tất nhiên chỉ có 1 tỷ lệ nhỏ có phản ứng dị ứng với thuốc tê).

Phải luôn thận trọng khi sử dụng thuốc tê (luôn luôn phải hỏi tiền sử để biết bệnh nhân đã có sử dụng thuốc gây mê trước đó hay chưa và phải thử phản ứng trước khi dùng). Tuy nhiên đây cũng là 2 yếu tố tham khảo chứ không có giá trị tuyệt đối. Vì vậy, khi sử dụng thuốc tê luôn luôn phải sẵn sàng các phương tiện cần thiết để khi có phản ứng xảy ra, bệnh nhân được xử lí kịp thời, chính xác và hiệu quả, nếu cần thiết phải vừa cấp cứu, vừa vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có đủ điều kiện hơn để cấp cứu bệnh nhân

  • Ngộ độc gây tê: Do dùng quá liều. Có thể là do đưa vào cơ thể khối lượng thuốc tê quá nhiều hoặc đưa vào trong thời gian quá dài, quá sức chịu đựng, khiến cơ thể bị ngộ độc.

  • Tai biến gây mê:

Có thể có những tai biến ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng:

+ Chấn thương răng: có thể làm gãy răng và có thể rớt răng vào đường thở nếu có răng giả.

+ Đặt ống nội khí quản (intubation) nằm vào thực quản.

+ Thức ăn, thức uống từ dạ dày trào vào đường thở.

+ Tuột ống nội khí quản ra khỏi khí quản trong quá trình gây mê.

+ Không đủ độ mê để phẫu thuật.

+ Hồi tỉnh chậm hoặc có sự bất thường.

Những tai biến này thực tế rất hiếm gặp, có thể loại trừ được với những chuyên viên gây mê - hồi sức thành thạo, có kinh nghiệm, và tuân thủ tốt các qui định chuyên môn nghiệp vụ cũng như việc khám tiền mê chu đáo thận trọng.

IV. BIẾN CHỨNG SAU GIẢU PHẪU:

1/ Chảy máu: Có thể do các rối loạn về máu của bệnh nhân, có thể do lúc giải phẫu cầm máu không kỹ càng, có thể do những chấn động sau giải phẫu…

Xử lý: Nếu nhẹ chỉ cần băng ép kỹ, vết thương sẽ tự cầm máu. Nếu chảy nhiều phải mở vết thương để can thiệp cầm máu nếu thấy cần thiết

2/ Sưng nề: Có nhiều mức độ tùy theo từng loại giải phẫu và cũng tùy theo cơ thể người. Nhưng nói chung hiện tượng sưng nề sau giải phẫu bao giờ cũng có, không có gì đáng lo ngại, sẽ hết dần sau 3 ngày đến 7 ngày

3/ Vết bầm tím: Nếu kỹ thuật giải phẫu tốt, nhẹ nhàng chính xác, nhanh chóng thì sau giải phẫu bệnh nhân có thể không có vết bầm tím da tại chỗ, hoặc có nhưng không đáng kể. Những vết này nếu có cũng không có gì nguy hiểm, nó sẽ tự mất dần sau một vài tuần, có cá biệt có trường hợp kéo dài cả tháng tùy cơ thể và tùy mức độ bầm tím

4/ Nhiễm trùng: Tại vết mổ hoặc toàn thân (nếu nặng). Nguyên nhân có thể do không đảm bảo tốt công tác vô trùng khi giải phẫu (vệ sinh cơ sở, phòng giải phẫu, dụng cụ, vệ sinh phẫu thuật viên và bệnh nhân), có thể do công tác săn sóc sau giải phẫu không tốt (như vệ sinh nơi bệnh nhân nằm, vệ sinh của bệnh nhân trong sinh hoạt hằng ngày, công tác thay băng điều trị…). Biến chứng này có thể phòng ngừa nếu săn sóc tốt, và cần theo dõi sát sao để nếu có thì được phát hiện xử lý sớm. Mặc dù biến chứng này thường ít nguy hiểm nếu được điều trị kịp thời nhưng nó có thể làm vết mổ lâu lành, kéo dài việc điều trị và nhất là nó có thể để lại sẹo xấu sau này. Nếu để nhiễm trùng nặng mà xử lý không tốt có thể trở thành nhiễm trùng toàn thân, đe dọa an toàn sinh mạng bệnh nhân.

5/ Sẹo phì đại, sẹo lồi: Đây là những biến chứng có thể gặp, làm giảm kết quả thẩm mỹ của cuộc giải phẫu. Nguyên nhân của sẹo phì đại và sẹo lồi hết sức phức tạp, nhưng thường là do:

  • Đặc điểm cơ thể bệnh nhân (với những người có cơ địa sẹo lồi, sẹo xấu).

  • Đặc điểm vùng cơ thể: có những vùng trên cơ thể dễ gây sẹo lồi như ngực, đùi, vai lưng… mặc dù không phải ai cũng bị và khi nào cũng bị.

  • Tùy theo mức độ nặng nhẹ của vết thương và tác nhân gây tổn thương, sẹo lồi, sẹo xấu (sẹo dãn rộng, sẹo thâm) luôn luôn là nỗi ám ảnh của các bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ và là gánh nặng tâm lý của bệnh nhân. Vì vậy cần hết sức thận trọng khi điều trị các sẹo lồi và chú ý thận trọng khi chỉ định giải phẫu cũng như kỹ thuật khi giải phẫu để tránh hoặc hạn chế tối đa nguy cơ sẹo lồi, sẹo xấu sau này.

6/ Rối loạn cảm giác vùng giải phẫu: Cuộc giải phẫu có thể gây rối loạn cảm giác tạm thời vùng giải phẫu, hoặc là giảm hoặc tăng hoặc có cảm giác lạ trên da. Sự rối loạn này sẽ biến mất dần và cảm giác trở lại bình thường sau thời gian từ 1 đến 3 tháng, cá biệt có trường hợp kéo dài 6 tháng đến 1 năm

Còn những ai tai biến và biến chứng khác thuộc về đặc điểm riêng của từng loại Giải phẫu Thẩm mỹ sẽ được trình bày trong các phần riêng về từng loại giải phẫu.

C.N.B

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT