Vượt ngàn cây số, du khách bất ngờ trước vẻ đẹp của Cà Mau
Rất nhiều du khách đến Cà Mau đã rất thích thú khi được ngắm cảnh yên bình và xanh mát tại các khu rừng, được trải nghiệm trên ca nô vượt sóng nước và trực tiếp bắt nghêu, ba khía.
Trong 2 ngày 2-3/10, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã tổ chức đoàn chức đoàn Famtrip khảo sát tuyến du lịch TP Cà Mau - Ngọc Hiển - Trần Văn Thời. Có gần 40 người gồm đại diện các đơn vị kinh doanh lữ hành và phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.
Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Đoàn Famtrip khảo sát tuyến du lịch TP Cà Mau - Ngọc Hiển - Trần Văn Thời lần này nằm trong chương trình khảo sát, giới thiệu điểm đến của du lịch Cà Mau đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hoạt động này cũng nằm trong chương trình xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư trong nước của tỉnh Cà Mau được triển khai từ năm 2023.
Du khách được trải nghiệm bắt cá và ba khía trong rừng đước Cà Mau. Ảnh: Duy Khang - Lan Phương.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Du lịch TP.HCM, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết mục đích của đoàn Famtrip là quảng bá các điểm du lịch trọng tâm có nhiều tiềm năng phát triển du lịch của Cà Mau đến những thị trường trọng điểm thông qua các phương tiện truyền thông, các đơn vị kinh doanh lữ hành. Qua đó, tỉnh ghi nhận ý kiến của cơ quan truyền thông, công ty lữ hành trong quá trình tham gia khảo sát về sản phẩm du lịch địa phương góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, kích cầu thu hút du khách du lịch, những biện pháp giải quyết các vấn đề khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Từ sự chuẩn bị rất chu đáo của đơn vị hữu quan, đoàn Famtrip lần này đã có sự tham gia, phối hợp cơ quan thông tấn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch địa phương và ngoài tỉnh. Sở đã tập trung lựa chọn một số đơn vị lữ hành ngoài tỉnh có thế mạnh khai thác thị trường khách đến Cà Mau; một số đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh... để thuận lợi và đạt hiệu quả tốt nhất cho cuộc khảo sát. Từ đó, sở đã xây dựng lịch trình cụ thể đến các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; tạo điều kiện để các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trao đổi, ký kết hợp tác với các điểm du lịch, hộ du lịch cộng đồng.
Trên cơ sở nắm bắt được từ thực tế, ngày đầu tiên đoàn Famtrip đã đến khảo sát điểm khu du lịch Đất Mũi. Tại đây có mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh, biểu tượng pano con tàu Mũi Cà Mau, Đền thờ Lạc Long Quân - Tượng Mẹ, Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, mốc tọa độ Quốc gia GPS 000 và biểu tượng con Cua Cà Mau thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.
Du khách trải nghiệm xuyên rừng, đi ca nô trên sông nước Cà Mau. Ảnh: Duy Khang - Văn Dương.
Đoàn Famtrip cũng tham gia hoạt động trải nghiệm tại một số hộ du lịch cộng đồng Đất Mũi, khảo sát tuyến du lịch xuyên rừng, khảo sát các hoạt động tại nhà hàng - khách sạn Ozon (xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn), tham quan điểm du lịch trải nghiệm khai thác nghêu thương phẩm của Hợp tác xã Nghêu Đất Mũi (ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển). Trong buổi tối ở Đất Mũi, du khách trong đoàn đã tham quan, trải nghiệm bắt ba khía về đêm tại điểm du lịch sinh thái cộng đồng Hoàng Hôn ở ấp Mũi.
Sáng 3/10, đoàn Famtrip đã tham quan khu Di tích lịch sử - văn hóa Căn cứ Tỉnh ủy Cà Mau tại Xẻo Đước, điểm du lịch cộng đồng 6 Sal thuộc ấp Tân Lợi, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời. Đây là đầm Thị Tường nổi tiếng ở Cà Mau được ngành du lịch đưa vào danh sách điểm đến không thể thiếu đối với du khách khi đến với tỉnh vùng cực Nam của Tổ quốc.
Du khách đã được “níu chân”
Đến với Đất Mũi của tỉnh Cà Mau, nhiều du khách cho rằng ngoài ý nghĩa thiêng liêng của việc ghé thăm biểu tượng của vùng đất cực Nam của Tổ quốc, mọi người còn có cơ hội được trải nghiệm khám phá khu rừng nước ngập mặn thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Đây là một trong những khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới với hệ sinh thái đa dạng, độc đáo.
Du khách Phạm Thị Quyền cho biết lần đầu tiên chị đặt chân đến mũi Cà Mau. Khi trải nghiệm xuyên rừng bằng ca nô, chị rất thích khi được ngắm nhìn cánh rừng đước bạt ngàn cùng không khí trong lành, xanh mát.
Du khách đến nơi có biểu tượng Cua Cà Mau và trải nghiệm càu nghêu ở Đất Mũi. Ảnh: Văn Dương - Lan Phương.
“Qua chuyến đi này tôi thấy không khí ở đây rất yên bình. Nơi đây không chỉ có cây mắm, đước mà còn có nhiều loại đặc sản. Khoảng 3 năm trước tôi đến đây nhưng không thấy phát triển như bây giờ. Tôi rất tự hào về đất nước Việt Nam có được mũi Cà Mau tuyệt đẹp như thế này”, chị Quyền chia sẻ.
Đối với du khách Hoàng Văn Dương (ngụ Nam Định), sau khi vượt hơn 2.000 km vào đến mũi Cà Mau, du khách này đã cảm thấy ấn tượng về sự mới mẻ, đặc sắc của Cà Mau và khác xa với những gì ông tưởng tượng.
“Tôi lần đầu đến với Cà Mau. Đọc qua sách tôi chỉ tưởng tượng tôi, khi trực tiếp đến nơi mới thấy Cà Mau rất là đẹp. Được trải nghiệm ở vùng đất này tôi rất thích và sẽ quay trở lại”, ông Dương nói.
Trước khi kết thúc chuyến khảo sát, đại diện một doanh nghiệp lữ hành du lịch đánh giá rằng các địa điểm đoàn vừa đến có tiềm năng, giá trị về lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, ẩm thực phong phú và có sự khác biệt như tham quan bằng ca nô xuyên rừng, mò nghêu thương phẩm trên bãi bồi; soi bắt ba khía trải nghiệm về đêm tại điểm du lịch sinh thái cộng đồng Hoàng Hôn. Những điểm đoàn đã đến có thể kết nối tạo thành các tour du lịch trải nghiệm cho du khách, các nhóm gia đình và phù hợp với xu thế du lịch ngắn ngày của nhiều đối tượng khách du lịch.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn nữa trong cách làm và phát triển các điểm du lịch cộng đồng thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư hạ tầng, đường giao thông, công tác vệ sinh môi trường và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đẩy mạnh liên kết cộng đồng trong phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.