Vi vu Bát Tràng: Thử làm gốm thủ công và khám phá làng cổ 500 tuổi
Những ngày cuối hè, làng gốm Bát Tràng càng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Du khách đến đây không chỉ được đắm mình trong không gian cổ kính với chợ gốm sầm uất, những con ngõ sâu hun hút mà còn có cơ hội tự tay làm gốm, trở thành những nghệ nhân thực thụ.
Đối với người dân Thủ đô, làng gốm Bát Tràng, ngôi làng cổ khoảng 500 tuổi nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 10km về phía Ðông Nam, bên tả ngạn sông Hồng khá nổi tiếng.
Làng Bát Tràng nổi tiếng với nghề gốm sứ.
Theo sử sách ghi lại, làng nghề truyền thống này được hình thành vào thế kỷ XIV - XV, thời nhà Lý. Sự ra đời của làng Bát Tràng Hà Nội là do 5 dòng họ nổi tiếng bao gồm họ Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm ở làng gốm Bồ Bát, tỉnh Ninh Bình đã đưa các nghệ nhân làm gốm về kinh thành Thăng Long, từ đó lập nên làng gốm Bát Tràng rồi nhanh chóng trở thành một trung tâm gốm nổi tiếng.
Các bộ sưu tập gốm sứ Bát Tràng đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật và kỹ thuật chế tạo đồ gốm sứ ở Việt Nam.
Trước đây, gốm Bát Tràng chủ yếu là đồ thờ. Về sau gốm Bát Tràng mở rộng thêm bát, đĩa, bình, lọ, ấm chén... Những năm gần đây, Bát Tràng không chỉ là trung tâm gốm nổi tiếng mà còn trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đến Bát Tràng, du khách không chỉ tham quan chợ gốm, trải nghiệm làm gốm cùng các nghệ nhân mà còn được khám phá nhiều công trình kiến trúc cổ còn lưu giữ đến tận bây giờ.
Không chỉ được ngắm nhìn nghệ nhân làm gốm, du khách còn có cơ hội trực tiếp làm thợ gốm.
Ngay từ khi bước chân vào cổng làng, du khách như lạc bước vào một không gian khác, đâu đâu cũng thấy đồ gốm và vô số những lò gốm. Trong làng, hầu như nhà nào cũng có lò gốm. Trước đây, đến Bát Tràng, khách chỉ tham quan, đứng nhìn nghệ nhân làm gốm. Nhưng mấy năm nay, nhờ tư duy làm du lịch kiểu mới, nhiều gia đình ở Bát Tràng mở dịch vụ cho khách thử làm thợ gốm. Dịch vụ làm thợ gốm rất được du khách hưởng ứng.
Du khách thích thú thử nghiệm làm thợ gốm.
Với dụng cụ là một nắm đất dẻo và một chiếc bàn xoay, khách du lịch có cơ hội hóa thân thành thợ gốm. Quan trọng là phải để đất vào vị trí trung tâm của bàn. Một tay quay bàn, một tay "vuốt gốm" để tạo hình sản phẩm. Những người khéo tay có thể “nặn” được hình thù các con vật đẹp mắt, còn hầu hết khách ưu chuộng nặn ly, chén, bát, lọ cắm hoa...
Du khách nhí rất ưa thích hoạt động nặn gốm.
Sau khi thành hình, sản phẩm sẽ được mang đi nung trong vòng 20-30. Trong lúc chờ đợi nung, du khách tranh thủ thăm thú Bát Tràng, nơi không chỉ có gốm mà còn đẹp mê mẩn bởi không gian cổ kính, rêu phong.
Bát Tràng không chỉ nổi tiếng về đồ gốm mà còn thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp cổ kính.
Đó là ngôi đình cổ, mái cong vút nằm quay mặt ra sông Hồng. Đoạn sông trước đình làng được gọi là sông Bát. Đứng ở sân đình, không gian khá yên tĩnh. Đây là nơi du khách có dễ dàng có được những góc chụp ảnh sống ảo siêu xinh. Đó là những con ngõ sâu hut hút với những bức tường cao hơn 4m, rêu phong cổ kính. Đường làng Bát Tràng, hầu hết chỉ rộng đủ hai, ba người đi lọt nên rất dễ đi lạc.
Những ngõ sâu nhỏ hun hút trở thành điểm check in lý tưởng của khách du lịch.
Trải qua bao thăng trầm, đến nay làng gốm vẫn còn những ngôi nhà cổ trên tường có nhiều “ô” (ô là trên tường nhà có những chỗ xây thụt vào thành những khoảng trống để chứa những khuôn của nghề làm gốm sứ). Hiện, làng Bát Tràng hiện còn hơn 20 căn nhà cổ có tuổi thọ hơn 100 năm.
Những bức tường rêu phủ xanh, giàn phơi gốm dọc đường làng, sân đình hay cổng làng rêu phong chính là những điểm chụp ảnh hoàn hảo cho khách du lịch.
Sau khi đi mỏi gối ngắm nhìn vàng son in dấu, du khách có đừng bỏ qua chợ gốm. Chợ có diện tích khoảng 6000m2 với hàng trăm cửa hàng khác nhau. Lối đi giữa các gian hàng san sát nhau tạo thành một mê cung đầy màu sắc.
Chợ gốm như một mê cung với các gian hàng san sát nhau.
Các sản phẩm được trưng bày theo từng lối riêng bày bán các sản phẩm từ cao cấp đến những đồ gồm xinh xinh có giá tầm 10.000 đồng để khách du lịch mua về làm quà.