Tự hào “đảo Ngọc” nơi phên dậu Đông Bắc Tổ quốc
Cát Bà cùng với Bạch Long Vĩ là hai huyện đảo tiền tiêu của thành phố Hải Phòng.
"Mắt thần" trên đảo Long Châu.
Bởi không chỉ có vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ vĩ đến ngỡ ngàng, Cát Bà- còn gọi là “đảo Ngọc” còn đó những dấu xưa là cửa ngõ chiến lược quan trọng của vùng Đông Bắc Tổ quốc…
Rưng rưng những chứng tích hào hùng
Trên đảo chính rộng 144 km2 của quần đảo Cát Bà giữa trùng khơi là những di tích lịch sử liên quan đến công cuộc bảo vệ đất nước, đó là thành nhà Mạc và pháo đài Thần công. Chưa kể, trên đường vào đảo là Hang Quân Y, những năm chống Mỹ vốn là một trạm xá dã chiến. Và nữa, đảo Long Châu với cây đèn biển cổ nhất Việt Nam, như trái tim trên biển từ hàng trăm năm trước…
Từ trung tâm thị trấn Cát Bà, chừng 10 phút xe chạy với cung đường quanh co, bên này là núi non cây cỏ, bên kia là vịnh Cát Bà, bến Bèo xanh ngắt. Và rồi Pháo đài Thần công trên cao điểm 177, chúng tôi ngỡ như đến với nơi giao hòa của trời và đất, núi và biển.
Giữa khung cảnh hùng vĩ và thơ mộng cùng cảnh vật nguyên bản của thiên nhiên là các đường hầm, hào, khẩu pháo đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nơi đây đã diễn ra nhiều trận đấu pháo nảy lửa đầu tiên của quân ta với tàu chiến Pháp, góp phần làm nên những chiến công oanh liệt của quân dân huyện đảo Cát Bà. Pháo đài Thần công được xây dựng từ năm 1942 tại vị trí chiến lược có vai trò trọng yếu tại cửa ngõ biển Đông.
Ngọn hải đăng cổ xưa sáng đèn suốt 127 năm qua trên đảo đá Long Châu - Cát Bà.
Ngoài những đoạn hào đắp lên bằng những khối đá to dày và thô ráp, các đoạn đường hầm đồ sộ với mái vòm đi sâu vào lòng núi có không gian lớn, đủ cho cả đoàn người đi xuyên qua. Ðường hầm dẫn thẳng đến khu quản lý và boong-ke xây bằng những khối bê-tông vững chắc.
Đây là điều đặc biệt dành tặng du khách, bởi nhiều người biết do Cát Bà nằm ở cuối dãy vòng cung chiến lược mà hòn đảo này được coi như một pháo đài khổng lồ ngày đêm canh giữ con đường biển đi vào vùng Đông Bắc nước ta. Nhưng ít người biết, ở cao điểm 177 này là một vị trí hiểm yếu với trọng trách canh giữ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.
Có một điều đáng quý là khi quyết định biến nơi này thành khu du lịch, các nhà đầu tư biết tôn trọng lịch sử. Thư giãn, nhâm nhi ly cà phê trên đỉnh núi, những cảm xúc trái ngược dâng lên trong mỗi người. Khi mà nơi đây lắp sẵn một ống nhòm cỡ lớn để bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh Cát Bà từ trên cao. Và nữa là vịnh Lan Hạ từ trên cao cho màu nước biển xanh như ngọc hòa với sắc màu của thảm thực vật phủ trên những ngọn núi đá vôi, cùng với ánh nắng chiếu sáng tạo vẻ huyền ảo, tô thêm sắc xanh quyến rũ cho Cát Bà.
Cùng với đó, trong hệ thống thành lũy nhà Mạc ở miền Đông Bắc, tòa cổ thành ở đảo Cát Bà thu hút được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu trong và ngoài nước hơn cả. Tòa cổ thành trên đảo Cát Bà nằm ở phía Đông Bắc xã Xuân Đám, liền kề sát mép biển (vịnh Cát Đồn). Nhân dân địa phương quen gọi tòa thành này là thành nhà Mạc (còn gọi là Thành Đồn). Tòa thành được chia làm 2 khu: Đồn Thượng và đồn Hạ. Đến nay, nhiều phần tường thành bị thời gian, khí hậu khắc nghiệt và con người tàn phá, hiện chỉ còn nền móng và một vài đoạn tường thấp như một phế tích.
Hang Quân Y một địa danh đã đi vào lịch sử trong thời kỳ chống Mỹ.
Thế nhưng, sau bao biến thiên lịch sử, phế tích tường thành vẫn giữ được dáng đứng thẳng tắp, mặt tường phẳng lỳ. Tòa cổ thành trổ hai cửa, một ở hướng Đông Bắc, cửa kia ở hướng Tây Nam. Nối hai cửa này là một con đường nội bộ nhỏ, đắp bằng đất, trên mặt có rải đá.
Lịch sử còn ghi, do vừa phải đối phó với nội chiến trong nước, vừa phải chuẩn bị đương đầu với nạn ngoại xâm phương Bắc nên trước đây vương triều Mạc tiến hành xây thành, đắp lũy ở khắp nơi, ở nhiều địa danh khác. Nhưng gặp dấu tích thành lũy phòng đất nước ở vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc là những niềm xúc động lạ kì.
Nằm ngay ven đường chính của Vườn quốc gia Cát Bà, hang Quân Y bạn sẽ bất ngờ vì đã từng có một bệnh viện dã chiến trong lòng núi. Lối lên cửa hang hiện nay vẫn giữ theo kiểu ngày trước thang gỗ để dễ dàng phá hủy khi có báo động địch tấn công. Ngay ở lối vào hang đầu tiên, bạn sẽ bắt gặp 1 cánh cửa sắt kiên cố với cánh cửa lại cong gồ để chống đạn, mảnh bom vì khi đạn văng vào, do đường cong của các song cửa, chúng sẽ bắn sang hai bên cửa thay vì găm thẳng vào gây tổn thất hư hại.
Quang cảnh hoang sơ, kỳ vĩ mà không kém phần lãng mạn trên đảo Long Châu.
Theo như ước tính, toàn bộ bệnh viện dã chiến rộng gần 2.000m vuông gồm 3 tầng riêng biệt gồm 17 phòng lớn nhỏ, bãi chiếu phim cùng một số phòng chức năng. Khu vực phòng chiếu phim đồng thời cũng là phòng hội trường, nơi tập luyện tác chiến của cả bệnh viện…. Mặc dù có nhiều chỗ trần rất thấp, phải nằm bò dưới nền mới có thể di chuyển được nhưng nó cũng rất hợp cho công tác huấn luyện.
Lối đi lên tầng 3 cũng rất khó nếu quá vội vàng. Đây là cách chống địch tấn công chớp nhoáng. Ngoài ra, trong hang này còn có khu vực cầu thang ngầm được thiết kế đi ngay bên dưới tầng 3. Nó dẫn ra khu thoát hiểm của cả tầng 3 và đi ra hướng cửa sau của bệnh viện. Cuối đường hầm là 2 tấm cửa sắt lớn dùng để chống địch đột kích, công phá. Đây cũng sẽ là lối thoát hiểm nếu địch tấn công từ phía cửa trước.
Có thể nói, Hang Quân Y là một địa danh lịch sử nổi tiếng do từng là bệnh viện dã chiến trong thời gian đế quốc Mỹ đem máy bay bắn phá miền Bắc Việt Nam trong những năm 1963- 1965 bằng máy bay và tàu chiến. Trong khoảng thời gian này, quân và dân ta trên đảo đã xây dựng hang dựa vào lòng núi đá vôi tự nhiên để làm nơi chữa bệnh cho thương binh, nơi trú ẩn và tránh bom đạn dân cư địa phương và dân cư sơ tán về từ đảo Bạch Long Vỹ.
Và “mắt thần” cổ xưa trên đảo Long Châu
Nơi ấy, suốt những năm dài khói lửa, chịu đựng hàng ngàn tấn bom đạn của giặc thù, ngọn hải đăng cổ xưa và lớn nhất Việt Nam vẫn được gìn giữ nguyên bản suốt 127 năm với tên gọi thân thương “mắt thần”, “mắt ngọc”… ngạo nghễ dẫn đường, khẳng định chủ quyền giữa điệp trùng sóng vỗ...
Với niềm thôi thúc ấy, sau gần hai giờ rét buốt nơi cửa ngõ Đông Bắc, cuối cùng ngọn đèn biển vời vợi mang trong nó bao nhiêu thăng trầm và kì tích cũng đã hiện ra trước mắt. Đặt chân lên đảo, chúng tôi mới biết, nơi này còn rất nhiều “không”: không điện, không nước, ngút ngàn núi đá và trùng khơi, dẫu Long Châu chỉ cách Cát Bà khoảng 9 hải lý.
Đây là một quần đảo gồm trên 30 đảo nhỏ nằm rải rác, đảo đèn lớn nhất với khoảng 2km2. Ngoài con đường được lát bê tông dẫn vào “nhà đài” và “nhà đèn” được hoàn thành năm 2009, những bao tải hoa nhỏ được đoàn thanh niên tình nguyện mang đất ra trồng từ mùa hè khiến chúng tôi ngỡ như đang ở một khu sinh thái với núi đá bao quanh vụng biển xanh ngắt.
Đá tai mèo trơ xám trơ xám tạo nên một quần đảo Long Châu khác biệt.
Đây là hòn đảo không có dân cư sinh sống bởi muôn trùng là đá. Thường trên đảo đông nhất cũng chỉ có 10 người “lính” (cà người nhà đèn hải đăng và bộ đội biên phòng) vừa canh cho ngọn hải đăng Long Châu sáng đèn, đỏ lửa vừa tuần tra, kiểm soát biên phòng đảm bảo an ninh từ tuyến tiền tiêu của Tổ quốc. Do đó, mỗi khi “nhà có khách” là “nhà đèn” và “nhà đài” lại chạy qua nhau để bếp núc rộn ràng như anh em trong một nhà.
Được biết, cả quần đảo đều được cấu tạo từ 100% đá tai mèo trơ xám. Bởi thuần núi đá nên ở đây khắc nghiệt nhất là không có nước ngọt, cây cối cũng khó sống. Họa hoằn lắm có một vài cây cỏ cựa mình len đá trồi lên. Những cây cỏ ấy sau khi gồng mình, vận hết nội lực chắt chiu sinh khí của đá mà sống đều trở thành những cây thuốc quý. Và điều trớ trêu, dẫu sống giữa mênh mông nước, nhưng nước ngọt luôn là sự khát khao, là tài sản vô giá của các chiến sĩ đảo đèn.
Chỉ có vào mùa mưa, lượng nước mới tạm đủ. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải tìm mọi cách để trữ nước. Đến mùa khô, hàng ngày mỗi người lính trên đảo phải thay nhau cuốc bộ hàng giờ đồng hồ vượt dốc xuống bến tàu mua nước của bà con dân chài. Nước quý như vậy nên mọi người phải tái sử dụng đến nhiều lần trước khi mang tưới rau xanh.
Dẫn chúng tôi đến từng ngóc ngách của ngọn hải đăng Long Châu, anh Trần Vũ Đức, Phó Trạm trưởng Trạm Hải đăng tự hào giới thiệu, ngay từ lúc được người Pháp xây dựng vào năm 1894 đến nay, 127 năm đã trôi qua, nhà đèn uy nghi vẫn được giữ nguyên bản.
Và cũng chưa một đêm nào những ngọn đèn này ngừng chiếu dù cuộc sống sinh tồn khắc nghiệt, trải qua mấy cuộc chiến tranh, cả nghìn tấn bom rơi đạn nổ, bởi bất cứ người lính đèn nào khi ra đảo nhận nhiệm vụ đều hiểu rằng hải đăng Long Châu là vô cùng quan trọng với cảng biển Bắc Bộ. Hiện ngọn hải đăng Long Châu đã gia nhập Hiệp hội Hải đăng quốc tế. Trong đêm đen, cách xa 27 hải lý, những tần số đèn phát ra, là những thủy thủ trong nước và quốc tế, những ngư dân trên biển biết mình đang cách Long Châu bao nhiêu hải lý…
Trong thời gian chiến tranh, hải đăng Long Châu cùng hải đăng Hòn Dáu đóng vai trò tối quan trọng khi dẫn tuyến cho hàng loạt chuyến tàu 0 số vận tải vũ khí và hàng hóa vào tiền tuyến miền Nam. Với vai trò huyết mạch như vậy, giặc Mỹ đã điên cuồng bắn phá và trút xuống hai địa điểm trên hàng nghìn tấn bom đạn.
Chia tay những người lính kiên cường bên ngọn hải đăng kì vĩ, đẹp đẽ và khắc nghiệt, chúng tôi nhớ mãi về những nụ cười hiền, những người lính, những chàng trai để lại vợ con nơi quê nhà, người Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh, Cát Bà… Với gia cảnh chẳng mấy khấm khá, họ gắn bó với đảo đá khắc nghiệt, với ngọn hải đăng, bởi ở đó với họ là niềm tự hào, là máu và hoa, cùng tình yêu thầm lặng và cháy bỏng với từng tấc đất, mỏm đá nơi phên dậu Tổ quốc…
Chúng tôi bịn rịn xuống tàu trước khi thủy triều lên. Có cô phóng viên trẻ đã không kìm được nước mắt. Và họ, đã luôn kiên cường như thế, chào tạm biệt chúng tôi, miệng cười mà mắt đỏ hoe và nói với cô gái: “Bọn anh ở đây không buồn đâu”… Có một nơi như thế, đẹp vô cùng, đẹp như một bức tranh choáng ngợp, nhưng những người lính ở đó, bằng sự giản dị, chân chất, trong những hy sinh thầm lặng giữa cuộc sống ồn ào hôm nay, họ đã sống tràn đầy lý tưởng và cao đẹp…
Và với những chứng tích xưa còn đó, dẫu ở giữa trùng khơi- trái tim Cát Bà vẫn luôn đập cùng nhịp với đất liền, cùng một quyết tâm xây dựng đất nước hùng cường, vững mạnh…
Hồ Tà Đùng đón đoàn khách Hà Nội bằng không khí mát lạnh sau cơn mưa cao nguyên. Mệt mỏi như tan biến, nhường chỗ cho...