Hang đá hàng trăm triệu năm ở Đà Nẵng giống 'Công viên Kỷ Jura'
Danh thắng Hang Dơi được các nhà địa chất học đánh giá cao về giá trị tự nhiên, văn hóa và lịch sử, được ví như Công viên kỷ Jura với những trận đồ hóa thạch.
Hang Dơi - hang đá được kiến tạo hàng trăm triệu năm - Ảnh: UBND xã Thạnh Bình.
Danh thắng Hang Dơi (xã Tiên An, huyện Tiên Phước cũ), nay thuộc xã Thạnh Bình (thành phố Đà Nẵng) vừa được xếp hạng di tích cấp tỉnh, đánh dấu mốc quan trọng trong việc bảo vệ di tích này.
Hang Dơi được kiến tạo từ hàng trăm triệu năm trước, một trong những hệ tầng đá cổ nhất ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng. Các đá thuộc hệ tầng Khâm Đức và Núi Vú là đá biến chất lộ trên diện rộng ở danh thắng Hang Dơi, thể hiện rõ qua màu sắc, cấu tạo phân phiến, vi uốn nếp… Đây là vết lộ hiếm có ở xứ nhiệt đới vì lộ toàn đá gốc, trong khi phần lớn các nơi khác (Yên Bái, Nghệ An và Tây Nguyên) đá gốc đều bị phong hóa mạnh.
Danh thắng Hang Dơi được các nhà địa chất học đánh giá cao về giá trị tự nhiên, văn hóa và lịch sử, được ví như công viên Kỷ Jura với những trận đồ hóa thạch.
Các điểm lộ đá gốc Hang Dơi như một bảo tàng tự nhiên về hoạt động địa chất, góp phần làm sáng tỏ lịch sử của một giai đoạn phát triển địa chất quan trọng của trái đất.
Hang Dơi không chỉ là chứng tích của thiên nhiên, phản ánh các quá trình phong hoá, kiến tạo địa chất; là địa chỉ lý tưởng để học tập, nghiên cứu về địa chất, môi trường và lịch sử tự nhiên.
Bên cạnh đó, Hang Dơi còn gắn bó mật thiết với lịch sử cách mạng oanh liệt của vùng đất Tiên Phước - nơi từng là căn cứ bí mật, cơ sở hậu cần, điểm đứng chân của các đơn vị vũ trang, công binh, lực lượng chính trị trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Những vách đá, hang sâu nơi đây từng là nơi trú ẩn, bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
Hiện nay xã Thạnh Bình đang kiện toàn bộ phận quản lý di tích, danh thắng theo đúng quy định pháp luật; tăng cường năng lực và phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quản lý, bảo vệ hiệu quả di tích. Tổ chức cắm mốc, lập hồ sơ địa chính và hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các khu vực di tích nhằm bảo đảm hành lang bảo vệ, tránh lấn chiếm, xâm hại.
Chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục di sản trong cộng đồng, nhất là đối với thế hệ trẻ để Hang Dơi không chỉ là một thắng cảnh mà còn là “bài học sống” về địa chất, lịch sử và truyền thống cách mạng; nghiên cứu xây dựng tuyến du lịch - học tập - trải nghiệm gắn kết Hang Dơi với các điểm danh thắng, di tích lân cận. Khuyến khích xã hội hóa, huy động nguồn lực hợp pháp cho công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy di tích.
Danh thắng Hang Dơi đã được quy hoạch điểm đến và là một trong những địa điểm nổi trội có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của địa phương. Đường vào danh thắng Hang Dơi đã được mở rộng, rất thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ.