Tour ngắm dung nham núi lửa phun trào dưới chân nóng hơn cả mùa hè

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bất chấp nguy hiểm tính mạng, tín đồ mê xê dịch vẫn không ngừng đổ xô đến chân núi lửa, sắm cho mình những bộ ảnh chất nhất.

Cuối tháng 3 vừa qua, hàng ngàn người đổ về Iceland, vượt núi đến với thung lũng Geldingadalur để tận mắt ngắm nhìn từng dòng lửa bừng bừng, chầm chậm len lỏi qua các rãnh nứt của núi lửa Fagradalsfjall, phun trào lần đầu cách đây hơn 800 năm.

Bụi tro mù khuếch tán qua các khe núi, đất đá hoá lỏng chảy qua những tảng đá đen chất chồng khổng lồ khiến không ít du khách đến đây sững sờ chết lặng, số khác không quên ghi lại cho mình những bức ảnh có một không hai, và cả không ít du khách tận dụng sức nóng rực rỡ tại đây để làm riêng cho mình bữa tiệc nướng nho nhỏ.

Tour ngắm dung nham núi lửa phun trào dưới chân nóng hơn cả mùa hè - 1

Hàng ngàn du khách đổ về núi lửa Fagradalsfjall để tận mắt ngắm dung nham ngay sau đợt phun trào vào tháng 3 năm 2021.

Nhiếp ảnh gia Chris Burkard của National Geographic kể lại về trải nghiệm “đứng hình” của ông trước tuyệt tác tự nhiên nhưng cũng không kém phần hãi hùng của mình. “Thật là hớp hồn! Tôi chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì bình thường như là đất đá mà lại khiến tôi vô cùng hứng thú đến vậy.”

Sau những cơn thịnh nộ, núi lửa lại là miếng đất hứa hẹn cho du lịch. Tại Nhật Bản, du khách còn được trải nghiệm loại hình onsen ryokans (tạm dịch là “nhà trọ mùa xuân nóng bỏng”) nghỉ dưỡng tại các ngôi làng nằm kế bên những ngọn núi lửa từ thế kỷ thứ 8.

Tour ngắm dung nham núi lửa phun trào dưới chân nóng hơn cả mùa hè - 2

Một du khách ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp bằng điện thoại thông minh tháng 3 năm 2021.

Trong khi đó ở châu Âu, phế tích của thành phố Pompeii thuộc đế chế La Mã vẫn còn được giữ nguyên vẹn do tro bụi phủ từ trận phun trào núi lửa Vesuviusthu năm 79 sau Công Nguyên. Ngày nay, địa điểm này hút vô số lượt khách đến thăm, tour du lịch danh tiếng mang tên “European Grand Tour” đã liên tục tổ chức từ những năm cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 cho tới nay.

Những cột hơi nước nóng, tiếng tí tách của lửa và đất đá từ những ngọn núi lửa đang hoạt động luôn có một sức hút riêng. “Chúng là một trong những lực nguyên sinh của tự nhiên mà chúng ta có thể quan sát thấy. Bạn có thể cảm nhận được sức mạnh của Mẹ Trái Đất qua huyết mạch của bà chảy trên hành tinh này,” ông Benjamin Hayes, trưởng nhóm hướng dẫn viên và giáo huấn tại Vườn Quốc gia các Núi lửa Hawaii (Hawaii Volcanoes National Park) trên Đảo Lớn (Big Island) nói.

Du hành đến những ngọn núi lửa luôn đặt ra những câu hỏi không chỉ về rủi ro mà cả về đạo đức. Nó có thể mang đến trải nghiệm rùng mình đáng nhớ nhưng cũng có thể là những thương vong ngoài ý muốn. Trước khi đặt mình vào nguy hiểm, sau đây là những điều bạn nên biết.

Tour ngắm dung nham núi lửa phun trào dưới chân nóng hơn cả mùa hè - 3

Bức ảnh được chụp bằng thiết bị bay không người lái từ trên cao cho thấy những dòng sa thạch nóng bỏng chảy xuống chân núi lửa Fagradalsfjall.

Hiện tượng “người theo đuổi dung nham”

Trong hàng chục năm trở lại đây, những tour du lịch đến núi lửa nở rộ nhanh chóng mà chất xúc tác là mạng xã hội, những “người theo đuổi nham thạch” luôn tìm cho mình những bức ảnh từ các địa điểm “bốc khói” như núi Vesuvius. Ở Mỹ, một số vườn quốc gia nổi bật với các núi lửa đang hoạt động phải kể đến như Núi Rainier ở bang Washington, Đỉnh Lassen ở bang California và Lòng chảo Yellowstone ở bang Wyoming.

Chỉ một ngày sau núi lửa Kilauea ở quần đảo Hawaii phun trào hôm 20/12/2020, Vườn Quốc gia các Núi lửa Hawaii đông nghẹt khách tham quan. Gần 8000 khách là dân địa phương nhưng vườn cũng ngày càng đón nhiều lượt khách đến từ bên ngoài sau khi lệnh hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 dần được dỡ bỏ.

Tuỳ vào từng nơi, người du lịch có thể đi tàu trên những dòng dung nham đỏ bừng, bắt trực thăng qua các lòng chảo miệng núi lửa, trượt dài trên sườn núi hay thậm chí là đi trên bờ vực của hồ dung nham. Tuy vậy, thử thách thú vị luôn kèm hiểm nguy. Những cơn phun trào núi lửa thường tạo ra khí độc ví dụ như lưu huỳnh dioxit dẫn đến tổn hại nghiêm trọng đến phổi.

Chỉ trong 10 năm từ 2010 đến 2020 đã có tới 1143 trường hợp tử vong do núi lửa, gần đây nhất phải kể đến Núi lửa Đảo Trắng hay gần Whakaari, New Zealand, bất ngờ phun trào vào tháng 9 năm 2019 khiến 22 du khách tử vong ngay tại chỗ, và làm thương 25 người khác.

Cho tới nay, những thống kê về tai nạn do núi lửa dường như chỉ tiếp thêm hiếu kỳ cho khách du lịch hơn là ngăn cản. Thay tránh xa, những du khách tìm kiếm cảm giác mới lại có xu hướng bị thu hút đến những nơi từng xảy ra thảm hoạ, đây có thể sẽ là một trend xê dịch sau khi đại dịch kết thúc.

Điểm mặt những trận phun trào

Những đợt phun trào núi lửa diễn ra khi áp suất gia tăng trong lòng mắc-ma, hoặc do sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo Trái Đất, có thể kèm theo động đất. Đôi khi, sự xói mòn hay sự tan chảy của lớp băng đá đỉnh núi có thể dẫn đến phun trào; sự va chạm/trượt bất ngờ của đất đá cũng có thể là tác nhân.

Hoạt động của núi lửa có thể đo đạc bằng những quan trắc khoa học từ thế giới xung quanh, vì vậy những vụ phun trào bộc phát ít khi xảy ra. Ngày nay với sự toàn cầu hoá, chúng ta có thể dễ dàng tìm và theo dõi phun trào núi lửa trực tuyến, một gợi ý là trang web theo dõi trực tuyến núi lửa hoạt động của Viện Smithsonian.

Tour ngắm dung nham núi lửa phun trào dưới chân nóng hơn cả mùa hè - 4

Một thành viên thuộc nhóm Tìm kiếm và Giải cứu Iceland (Icelandic Search and Rescue ICE-SAR) đang đo đạc lượng khí độc phát ra gần điểm phun trào núi lửa Fagradalsfjall. Họ thực hiện công tác này nhằm đảm bảo an toàn cho du khách khi mà hầu hết đều không mang theo khẩu trang chống độc.

“Với một vài kiến thức cơ bản, bạn có thể quan sát sự phun trào khá an toàn. May mắn là những đợt phun trào dung nham tuyệt đẹp ở Hawaii, Iceland và Stromboli, Ý đều không phải là những trận bùng nổ mạnh,” Rosaly M.C. Lopes, một chuyên gia về núi lửa và địa chất tại Phòng thí nghiệm Phản lực ở Pasadena, bang California, Mỹ cho biết.

Lopes đồng thời là tác giả của cuốn Cẩm nang Phiêu lưu Núi lửa (Volcano Adventure Guide) nói rằng điều quan trọng nhất là phải biết rõ loại núi lửa mà bạn muốn đến thăm thú. Những địa điểm tham quan lý tưởng, an toàn tuỳ thuộc vào đặc điểm dung nham: những dòng nhỏ chảy đều và chậm. Trong khi đó, những dòng chảy đậm đặc và lớn khiến cho hơi khí khó thoát ra, từ đó dẫn đến những vụ nổ nguy hiểm bất ngờ. Phân biệt được dung nham mà bạn gặp phải có thể cứu được mạng sống con người.

Tour ngắm dung nham núi lửa phun trào dưới chân nóng hơn cả mùa hè - 5

Phương tiện tìm kiếm và giải cứu lùng sục khu vực quanh núi lửa Fagradalsfjall để quán xuyến rủi ro tại đây.

Khi núi lửa Etna ở Ý phun trào vào năm 1987, 2 khách du lịch đã thiệt mạng. Lúc đó, Lopes chỉ ở cách đó khoảng hơn 1 km trong chuyến nghiên cứu thực nghiệm của mình. “Nếu đó là núi lửa trông giống Etna và đột nhiên có một vụ nổ, hãy lập tức nhìn lên trời và quan sát xem các mảnh vỡ đất đá sẽ rơi ở đâu. Nhưng khoan bỏ chạy, bạn hãy chủ động tránh đá rơi. Khi các mảnh vỡ đã rơi hết, hãy bắt bắt đầu chạy.”

Nhưng trong vụ phun trào núi lửa Núi lửa Đảo Trắng hay gần Whakaari, New Zealand, Lopes lại chỉ ra rằng ai chạy nhanh nhất lại có nhiều khả năng sống sót nhất: “Một số cố nán lại để chụp ảnh. Tôi nghĩ đó là những người thiệt mạng do không thể chạy thoát kịp. Nhưng vì đây là núi lửa nổi tiếng nguy hiểm, nhiều nhà nghiên cứu núi lửa đã biết trước sẽ có những vụ nổ bất ngờ.”

Cuộc sống bên chân núi lửa

Có hơn 1500 núi lửa đang động ở khắp 81 quốc gia trên thế giới. Hơn một trăm triệu người sống gần núi lửa, và núi lửa chỉ là một phần cuộc sống hàng ngày, giống như là kẹt xe, hay cơn mưa bất chợt.

Một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh mẽ nhất ở Nhật Bản là Sakurajima ở tỉnh Kagoshima đảo Kyushu, cứ 24 giờ lại phun trào 1 lần. “Người dân ở đây thậm chí còn không màng để ý xem núi lửa Sakurajima có phun trào hay không,” Alex Bradshaw, trưởng ban quản lý các vấn đề Đối Ngoại ở tỉnh Kagoshima.

Tour ngắm dung nham núi lửa phun trào dưới chân nóng hơn cả mùa hè - 6

Mặc cho cái lạnh thấu xương của mùa đông tại Iceland, hàng ngàn du khách vẫn tham gia.

Tuy vậy, nông dân địa phương nơi đây có một mối quan hệ đặc biệt đối với núi Sakurajima. Đất đai màu mỡ nhờ dung nham quanh núi giúp cho tỉnh Kagoshima phát triển nông nghiệp trồng củ cải trắng và cam komikan siêu nhỏ.

“Không có núi Sakurajima, rất có thể cũng chẳng có tỉnh Kagoshima. Đây là biểu tượng của thành phố chúng tôi, người dân ở đây xem ngọn núi lửa như vị thần bảo hộ. Chúng tôi cảm nhận Sakurajima luôn dõi theo chúng tôi qua từng cơn bão hay tai ương. Núi lửa sừng sững ngay tầm mắt là một phần của lịch sử và chúng tôi có thể thấy ngọn lửa đó vẫn tiếp tục cháy như cách mà tổ tiên chúng tôi từng nhìn thấy,” anh Naoto Maesako, chủ chuỗi nhà hàng Yogan Yaki ở thành phố Kagoshima, nổi tiếng nhờ phương pháp nấu nướng bằng dung nham lấy từ núi lửa nói.

Tour ngắm dung nham núi lửa phun trào dưới chân nóng hơn cả mùa hè - 7

Từng dòng dung nham chảy xuống núi thắp sáng cả một khoảnh trời vào buổi tối khiến không ít du khách sững sờ trước vẻ đẹp hùng vĩ của tự nhiên.

Ở Hawaii, mối liên kết của người dân bản địa với những ngọn núi lửa từ lâu đã như một phần nguồn cội của hòn đảo. Những câu hát ca tụng Pele - nữ thần của lửa và núi lửa đã tạo nên hình dáng của hòn đảo thiêng liêng. Người Hawaii đã sinh sống và phát triển tại đây hơn 1000 năm, những câu chuyện về tình yêu thương, tổ tiên và gia đình đối với ‘aina (nghĩa là vùng đất) ăn sâu bám trễ trong tiềm thức hàng thế hệ con người nơi đây.

Trở về miền đất chết chóc

Một số tour du lịch gần đây bắt đầu chuyển hướng đến những vùng từng là nơi diễn ra thảm hoạ núi lửa. Vào năm 2010, 353 người thiệt mạng và hơn 400.000 người mất nhà cửa khi núi lửa Merapi ở Indonesia phun trào. Một thời gian ngắn sau đó, một số công ty du lịch đã bắt đầu cho đặt vé tham quan “những làng mạc phủ tro bụi”. Những cuộc hành trình về vùng đất chết chóc này dường như gợi cho khách tham quan cảm giác kỳ bí và rùng rợn của Pompeii vào những ngày cuối cùng.

Năm 2018, núi lửa Kīlauea tiếp tục phun trào, phá huỷ khoảng 600 ngôi nhà, cũng như làm hư hại đường xá, chôn vùi vô số ruộng đồng ở đảo Hawaii. Trong tháng 5 cùng năm, khi lửa vẫn còn cháy thì du lịch khám phá kiểu này tiếp tục nở rộ, tăng trưởng đến 3,3%, đạt 173,9 triệu USD. Các công ty du lịch phải cẩn trọng cân bằng giữa nhu cầu của hành khách trong thời điểm nhạy cảm, tránh ảnh hưởng đến người dân nơi đây.

Ross Birch, quản lý đặc biệt của Cục Du lịch Đảo Hawaii khuyến khích du khách tò mò về núi lửa chỉ nên tham quan trong vườn quốc gia, ông nói: “Vườn quốc gia là nơi tuyệt vời để tìm hiểu về các ngọn núi lửa. Nhưng ngoài phạm vi đó, bạn có thể đang xâm nhập vào đất riêng, và rất có thể đó là sân sau của nhà một người lạ.”

Tour ngắm dung nham núi lửa phun trào dưới chân nóng hơn cả mùa hè - 8

Sau khi nguội lạnh, dung nham gần núi Fagradalsfjall sẽ khô đóng thành từng mảng đất đá cuồn cuộn có màu như hắc ín.

Trong khi Kīlauea đang phun trào, núi Mauna Loa trên Đảo Hawaii được xem là núi lửa hoạt động lớn nhất thế giới, đang dần tỉnh giấc. Địa chấn kế tại Đài quan trắc Núi lửa người Hawaii (Hawaiian Volcano Observatory) đo được ước tính 223 động đất nhỏ chỉ trong 1 tuần vào tháng 3 năm 2021.

“Cảm biến định vị vệ tinh cho chúng tôi biết rằng mặt đất đang thay đổi hình dạng do mắc-ma đang dịch chuyển vào khoang chứa lớn trong lòng đất. Trận phun trào sẽ chưa diễn ra sớm, nhưng người dân nên bắt đầu chuẩn bị,” nhà địa chất học Frank Trusdell ở Đài quan trắc Núi lửa người Hawaii cho biết.

Ông Trusdell nhớ lại lần phun trào gần nhất của núi Mauna Loa vào năm 1984 “ai cũng hào hứng đến xem trận phun trào”, chỉ trong vòng 24 giờ mà vé máy bay đến Đảo Hawaii đã hết sạch. Những nhà khoa học như ông Trusdell luôn biết rằng lý do đằng sau sự lôi cuốn của núi lửa và họ tin rằng điều này sẽ giúp cho người dân đề phòng tốt hơn và hứng thú với ngành nghiên cứu núi lửa.

“Mỗi lần bạn đi đâu đó và thấy các hoạt động kiến tạo địa chất, cho dù là hiền hoà như núi lửa tại Yellowstone, nó sẽ đánh thức trí tò mò và giúp bạn trân quý hành tinh của chúng ta hơn,” Lopes nói.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Xuân (National Geographic)

CLIP HOT