Thăm quê “ Chú voi con ở Bản Đôn”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đã đến Đắk Lắk nhiều lần, nhưng toàn lỗi hẹn với địa danh huyền thoại với bài hát “Chú Voi con ở Bản Đôn”. Lần này, nhân dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 dài ngày, chúng tôi háo hức và quyết tâm làm một chuyến hành trình về thăm “quê hương chú voi con”.

Thăm quê “ Chú voi con ở Bản Đôn” - 1

Từ thị trấn huyện Krông Bông đi về Bản Đôn phải qua thành phố Buôn Ma Thuột, đường đi khá dốc, quanh co, đồi núi chập trùng, có những đoạn tưởng chừng như xe đang chạy vào chân núi, ngõ cụt. Khi qua tầm mắt mới thấy con đường mở ra hướng khác, ngọn núi trước mặt lùi lại phía sau. Tháng Tư Tây Nguyên nắng vàng như dải lụa vàng óng. Suốt đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều cánh rừng Cao su, cây Điều, và cả những cánh đồng cỏ xơ xác. Những đàn bò, đàn dê cặm cụi gặm cỏ. Cả những cây Phượng vĩ đỏ rực hoa, như góp thêm gam màu sặc sỡ cho bức tranh Tây Nguyên mùa hạ. Qua đến Thành phố Buôn Ma Thuột, đoàn chúng tôi nghỉ chân uống nước. Đường phố tấp nập, xe cộ đông đúc, nhưng đi lại rất trật tự và từ tốn. Không thấy cảnh tượng vội vã, chen lấn, còi xe inh ỏi như ở nhiều thành phố lớn khác. Sau khi tranh thủ mua đặc sản phố núi, đoàn tiếp tục hành trình với bao háo hức, mường tượng về Bản Đôn, với voi, rừng… Anh tài xế – người đã gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên này trên 30 năm, đã chu du khắp các địa danh nổi tiếng trong vùng, cho biết: Du khách thập phương đều cho rằng đến Đắk Lắk mà chưa đến Bản Đôn thì coi như chưa đến Đắk Lắk.

Thăm quê “ Chú voi con ở Bản Đôn” - 2

Từ xa xưa, Bản Đôn (Thuộc xã Krông Na, Huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã nổi danh khắp nơi là xứ sở voi Việt Nam, được nhiều du khách quốc tế biết đến như là một nơi có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của các ông vua voi. Bản Đôn là tên gọi cũ theo tiếng Lào ngày xưa (Hiện nay tộc người Lào còn khá đông ở Bản Đôn). Buôn Đôn là tên huyện mới, được tách ra từ huyện Ea Súp và một phần từ thành phố Buôn Ma Thuột trên cơ sở địa danh Bản Đôn trước đây. Nơi đây vốn nổi tiếng với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, với huyền thoại về Vua Voi Ythu K`nul, người đã bắt được và thuần dưỡng hơn 170 con voi rừng, trong đó có một con voi bạch tượng tặng vua Xiêm La vì vậy ông được vua Xiêm La rất quý trọng. Đời hậu duệ còn nổi danh với Ama Kông vua bắt voi và thầy thuốc gia truyền về sức khỏe (đặc biệt là nam giới), mộ của ông ở ngay bên đường vào khu du lịch. Hiện tại, Bản Đôn chính là cách gọi chung để chỉ hệ thống cụm du lịch của huyện Buôn Đôn, gồm các khu du lịch: Thác Bảy Nhánh, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Khu Du lịch Cầu treo, Hồ Đăk Min, Vườn cảnh Trohbư… Khu Du lịch Cầu treo Buôn Đôn, ngoài những dịch vụ vui chơi, giải trí còn có dịch vụ lưu trú với những ngôi nhà sàn có công trình phụ khép kín, vệ sinh, an ninh, và rất gần gũi thiên nhiên. Năm 1983, trong chuyến đi thực tế tại Đăk Lăk, trước tình cảm yêu mến với đàn voi con của Bản Đôn, Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác bài hát "Chú voi con ở Bản Đôn", được rất nhiều thế hệ thiếu nhiêu yêu thích.

Thăm quê “ Chú voi con ở Bản Đôn” - 3

Đến Khu Du lịch Cầu treo Buôn Đôn, cảm giác đầu tiên chúng tôi được chào đón là những nhịp cầu treo chênh vênh, lắc lư còn hơn cầu khỉ miền Tây. Người nào yếu bóng vía, mới bước vài bước ra đến giữa cầu, thấy cầu chao nghiêng, bên dưới là đá lởm chởm như voi nằm, nước chảy siết thì sợ lắm, 2 tay níu chặt thành cầu, và phải đợi anh bạn đi cùng hộ tống cho đỡ sợ. Nhưng qua 2 nhịp cầu, cảm nhận được cảm giác thú vị của cầu treo thì lại băng băng đi trước, còn tranh thủ đoạn nào ít người đi qua để chụp ảnh, đem về đồng bằng khoe với bạn bè.

Thăm quê “ Chú voi con ở Bản Đôn” - 4

Những chiếc cầu được làm bằng vật liệu tre, nứa, song, mâycủa núi rừng, được gia cố thêm cáp sắt rất chắc chắn. Cầu được bắc trên những cây gừa cổ thụ khổng lồ hàng trăm năm tuổi, mọc ven bờ sông Serepôk, đoạn chảy qua Bản Đôn và trùm qua một đảo nhỏ giữa dòng Serepôk. Tán cây bao trùm một diện tích tới trên một hécta đất, với nhiều gốc do các đoạn rễ phụ tạo thành, trông rất lạ mắt,như những bàn tay đỡ lấy cây cầu. Hệ thống cầu treo gồm nhiều phân đoạn gắn kết hài hòa với một hệ thống sàn nghỉ, nhà hàng gia công bằng gỗ cũng hoàn toàn nằm trên cây. Tôi nhớ là có đến vài chục nhịp cầu treo, được chia ra nhiều hướng, cùng dẫn đến khu trung tâm. Những chiếc cầu treo dài gần trăm mét, xuyên qua những đoạn thân cây, rễ cây, băng qua những con suối. Có nhiều đoạn thân cây, rễ cây vắt ngang qua cầu, làm tôi tưởng mình đang ở phim trường của bộ phim Tazan - Cậu bé rừng xanh. Cảm giác mình có thể bám và đoạn rễ cây bên này đu sang chiếc cầu bên kia. Giữa những chiếc cầu treo, có những khoảng sân được xây lát khá sạch sẽ, để du khách nghỉ chân trước khi tiếp tục cảm giác chao nghiêng ở những nhịp cầu tiếp theo. Những chiếc cầu treo không quá cũ, nhưng mang đậm dấu vết thời gian, cùng những dấu tích mà du khách để lại. Chỗ vịn tay dường như mòn, nhẵn, mặt sàn cũng nhẵn nên có thể đi chân không mà không sợ tre nứa cứa chân.

Thăm quê “ Chú voi con ở Bản Đôn” - 5

Qua đến khu trung tâm, thật nhộn nhịp, tấp nập. Ngay lối vào là những quầy bán đồ lưu niệm, đậm chất Tây Nguyên từ chất liệu, màu sắc, kiểu dáng sản phẩm đến cả những cô gái bán hàng lúc nào cũng tươi cười, dù rất đông khách. Ngay chính giữa khu trung tâm, có một sân khấu biểu diễn nghệ thuật, du khách đứng chật kín. Những cô gái chàng trai bản địa biểu diễn Cồng chiêng và những bài hát về núi rừng Tây Nguyên cứ níu chân du khách, dù đôi mắt còn háo hức khám phá nhiều điều thú vị khác. Ngay bên cạnh sân khấu ấy là khu cưỡi voi. Đây là điều mà cả đoàn mong đợi nhất. Được cưỡi voi. Thú thực là tôi đã từng cưỡi voi ở những khu du lịch nổi tiếng ở TPHCM, nhưng rất háo hức được cảm nhận cảm giác ngồi trên lưng voi, lội qua những con suối trong veo, giữa mênh mông nắng gió đất trời đại ngàn. Một cảm giác không đâu có được. Mỗi chú voi chở 3 người. Chúng tôi sắp xếp từng đội 3 người rồi tất cả mua vé và hăm hở leo lên lưng voi. Anh nài voi (Quản tượng) người bản địa, giúp chúng tôi leo lên lưng voi và ổn định vị trí, rồi điều khiển chú voi thực hiện chuyến hành trình du ngoạn độc đáo. Những bước chân voi lội qua làn nước trong veo nghe rào rạt. Từng làn gió thoang thoảng mùi cây rừng, mang theo hơi nước bốc lên từ làn suối làm dịu đi cái nắng bắt đầu gay gắt. Những chú voi được thuần dưỡng hiền lành, ngoan ngoãn nghe theo hiệu lệnh của Nài voi. Ngồi trên chiếc yên được đóng kiên cố trên lưng voi, cảm giác nghiêng bên này, bên kia theo bước chân voi thật thích thú. Anh Nài voi người Raglai kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi rừng. Những câu chuyện tưởng như trong huyền thoại, truyền thuyết… Chúng tôi phóng tầm mắt ra xa, ngắm cho thỏa, hít cho căng lồng ngực cái không khí trong lành, se sắt nắng gió. Xung quanh là các chú voi khác cũng đang cần mẫn chở du khách, với những gương mặt hớn hở, thích thú.

Thăm quê “ Chú voi con ở Bản Đôn” - 6

… Sau hơn 30 phút dập dềnh trên lưng voi với những ấn tượng khó quên, trở lại khu ăn uống nghi ngút khói, mùi thịt rừng nướng, tiếng chén đũa khua làm cả đoàn cảm thấy đói bụng. Các khu nhà chòi đã hết chỗ, vừa may có đoàn nọ dời đi, chúng tôi thuê được 1 căn, với 2 cái chiếu trải. Cả hội cùng nhau bày ra những đặc sản Tây Nguyên: Cơm lam ống tre, gà nướng, rau rừng, heo đồng bào nướng muối ớt… Bánh tráng cuốn thịt rừng, rau rừng, chấm nước sốt chua ngọt làm chúng tôi ăn không biết no, và cũng quên đi cái nóng bắt đầu thả vào không gian sôi động của khu du lịch. Một bên là những bản nhạc cồng chiêng, những bài hát, những vũ điệu về núi rừng Tây Nguyên… cùng những tràng pháo tay tán tưởng, bên kia là những tiếng reo hò thích thú của những du khách trên lưng voi giữa dòng suối trong veo.

Trưởng đoàn thông báo đã đến giờ di chuyển sang địa danh khác. Chúng tôi không khỏi lưu luyến, còn muốn leo lên lưng voi lần nữa, muốn nán lại thưởng thức những bản nhạc cồng chiêng… Trước đó, chúng tôi đã kịp tham quan, mua cho người thân bạn bè ít quà Tây Nguyên. Mấy em bé ở thành phố mặc những bộ đồ truyền thống Tây Nguyên bằng thổ cẩm thì trông khác lắm. Các mẹ, các chị em thì sẽ cười tít với những chiếc vòng tay làm bằng vỏ cây, hoặc lông voi… các em trai thì sẽ mê mẩn với những chú rắn, cá sấu giả…

Quay trở ra qua những chiếc cầu treo, lại thấy những du khách mặt tái mét vì lần đầu bước chân lên chiếc cầu cheo leo, dập dềnh. Chia tay Buôn Đôn, chia tay những chiếc cầu treo dập dềnh, chao đảo, âm thanh tiếng cồng chiêng rộn rã, chúng tôi tiếp tục lên đường khám phá những điều thú vị khác. Và sự lưu luyến đã như một lời hẹn, Buôn Đôn (Bản Đôn –Đắk lắk), hẹn ngày tái ngộ.

Thu Hương

Ảnh: PHƯƠNG TRANG

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT