Rừng chè cổ thụ - kho báu của người dân Tủa Chùa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Toàn huyện Tủa Chùa (Điện Biên) hiện có gần 600ha chè của 1.180 hộ (trong đó chè cây cao cổ thụ gần 8.000 cây thuộc 286 hộ); sản lượng chè búp tươi thu hái năm 2021 đạt trên 75 tấn, tương ứng chè chế biến thành phẩm là khoảng 12 tấn.

Nằm ở độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên là vùng cao nguyên với thời tiết mát mẻ quanh năm. Chính điều kiện khí hậu đặc biệt, cùng thổ nhưỡng thích hợp đã giúp cây chè Shan tuyết sinh trưởng và gắn bó với mảnh đất Sín Chải tự bao đời nay. Việc quần thể 100 cây chè Shan tuyết tại Tủa Chùa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam đã tạo động lực rất lớn về phát triển kinh tế cho địa phương.

Rừng chè cổ thụ của gia đình ông Hạng A Chư ở thôn Hấu Chua, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa được xem là có nhiều chè cây cao, với tuổi thọ cao nhất trong toàn huyện. Những cây chè hàng trăm năm tuổi, cao cả chục mét, cây lớn nhất có đường kính 2,5m mọc san sát nhau như rừng cây cổ thụ. Để hái chè, người dân phải dùng thang leo lên.

Rừng chè cổ thụ - kho báu của người dân Tủa Chùa - 1

Rừng chè cổ thụ của gia đình ông Hạng A Chư ở thôn Hấu Chua, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa.

Ông Hạng A Chư cho biết, bao đời nay, người dân Sín Chải luôn coi cây chè như vật gia bảo, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, cứ thế, nghe lời dặn dò của cha ông để lại chăm sóc rừng chè thật xanh tốt. "Ông cha tôi nói, sinh ra đã thấy cây chè, không biết trồng từ khi nào... Rồi đời này, qua đời khác đến tôi là đời thứ 9, có thể cây chè cây to nhất phải sống đến 300 năm" - ông Chư chia sẻ.

Xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa có gần 4.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ và là xã có nhiều cây chè cổ thụ nhất huyện, tập trung chủ yếu ở hai thôn: Hấu Chua và Sín Chải. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Sín Chải cũng luôn xác định chè là cây mũi nhọn để phát triển kinh tế của địa phương.

Vào ngày 30/3 vừa qua, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng đã công nhận Quần thể 100 cây chè Shan tuyết tại thôn Hấu Chua và Sín Chải là Cây Di sản Việt Nam. Đây là niềm vui lớn không chỉ của người dân Sín Chải mà còn là của chính quyền địa phương. Bởi từ đây sẽ tạo thêm nhiều điều kiện để người dân xóa đói giảm nghèo.

Rừng chè cổ thụ - kho báu của người dân Tủa Chùa - 2

Xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa có gần 4.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ

Ông Đặng Tiến Công, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên cho biết: "Sau khi cây chè Shan tuyết được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, các sản phẩm của cây chè được người dân các tỉnh thành trong cả nước cũng như trên thế giới biết đến. Qua đó góp phần tăng giá trị sản phẩm giúp cho người dân thu nhập cao hơn cũng như phát triển tốt về công tác du lịch cộng đồng gắn với thu hoạch và chăm sóc cây chè rất được ưa chuộng".

Ông Thào A Nhè, Bí thư Đảng ủy xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, Điện Biên cũng bày tỏ: "Hàng năm, xã cũng có kế hoạch quy hoạch bảo vệ cây chè Shan tuyết Sín Chải, đưa vào quy hoạch bảo vệ cho bà con nhân dân có thu hoạch, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn".

Toàn huyện Tủa Chùa hiện có gần 600ha chè của 1.180 hộ (trong đó chè cây cao cổ thụ gần 8.000 cây thuộc 286 hộ); sản lượng chè búp tươi thu hái năm 2021 đạt trên 75 tấn, tương ứng chè chế biến thành phẩm là khoảng 12 tấn.

Rừng chè cổ thụ - kho báu của người dân Tủa Chùa - 3

Để hái chè người dân phải bắc thang trèo lên cây.

Bà Đỗ Ngọc Ánh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, Điện Biên cho biết: Để từng bước đưa cây chè trở thành cây công nghiệp chủ lực, huyện đã chú trọng phát triển, chuẩn hóa sản phẩm chè với mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi. Bên cạnh đó, huyện cũng đã hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm chè an toàn, các sản phẩm chè đã được chứng nhận theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn.

"Chúng tôi tập trung bảo tồn 7.900 cây chè cổ thụ, yêu cầu nghiêm túc người dân không chặt phá, cũng như thực hiện các biện pháp chăm sóc phù hợp. Đẩy mạnh việc phát triển du lịch dịch vụ gắn với phát triển cây chè cổ thụ ở địa phương, các du lịch giai đoạn này chú trọng gắn với phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của địa phương", bà Ánh nói.

Huyện Tủa Chùa xác định sẽ tiếp tục mở rộng liên doanh, liên kết với các công ty xây dựng thương hiệu, chế biến sản phẩm theo cơ chế sạch và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân quan tâm chăm sóc, thu hái và sản xuất chè theo đúng quy trình kỹ thuật để chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung vào việc giới thiệu, quảng bá để các sản phẩm từ chè Shan tuyết của Tủa Chùa đến với thị trường trong nước và quốc tế.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc (Báo VOV)

CLIP HOT