Nhìn lại hành trình hơn một thế kỉ của tòa nhà Bưu điện Thành phố
Đêm 03/12, TP.HCM đã chính thức gắn bảng vàng công nhận Bưu điện TP.HCM là một trong những điểm đến thú vị của thành phố. Đây cũng là hoạt động khởi động cho việc công bố chương trình "TP.HCM - 100 điều thú vị" năm 2023.
Trong lịch sử hình thành của TP.HCM, có những điểm nhấn văn hóa luôn tạo cho du khách nước ngoài nhiều ấn tượng đẹp, được lưu giữ trong hành trang trở về quê hương của họ qua các bức ảnh ở những nơi chốn đó. Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện TP.HCM nằm ngay quận 1 là hai điểm nhấn văn hóa liền kề nhau thu hút đông đảo du khách tìm tới. Nơi đây cũng là địa điểm chụp ảnh cưới của các đôi lứa yêu nhau.
Bưu điện TP.HCM ngoài chức năng là nơi để giao dịch viễn thông, thư tín giờ còn là một điểm đến du lịch đã trải qua hơn một thế kỉ xây dựng, gần như giữ nguyên hiện trạng tạo nên sức hấp dẫn cho du khách.
Tòa nhà Bưu điện TP.HCM.
Bưu điện nằm ở những trục giao thông nhộn nhịp, tầm nhìn bên ngoài thoáng rộng. Năm 1886, người Pháp bắt đầu xây dựng tòa nhà Bưu điện với lối kiến trúc dựa trên đồ án của kiến trúc sư Villedieu và phụ tá Foulhoux. Kiến trúc hòa trộn vẻ đẹp của châu Âu và châu Á. Mãi đến năm 1891, công trình hoàn tất, đi vào hoạt động với tên gọi: "Nhà bưu điện Sài Gòn".
Thuở ban đầu, Nhà bưu điện Sài Gòn còn lợp ngói âm dương, có rào chắn dựng bằng tre chẻ nhỏ cắm trên vách đất hơi thấp. Sau đó, xây dựng tiếp đến năm 1893 mới có hình dạng như ngày nay. Từ ngày 01/7/1894, Sài Gòn bắt đầu sử dụng hệ thống điện thoại. Vào năm 1991, nhân kỉ niệm 100 năm thành lập, Bưu điện TP.HCM đã phát hành một con tem kỉ niệm vẽ mặt tiền bưu điện do họa sĩ Hoàng Thúy Liệu thiết kế, mệnh giá 10.000 đồng.
Tòa nhà Bưu điện TP.HCM thuở xưa.
Con tem kỉ niệm nhân dịp công trình tròn 100 tuổi.
Từ Nhà thờ Đức Bà phóng tầm mắt ngắm nhìn kiến trúc đã 132 năm tuổi vẫn vững bền với thời gian. Ấy là những cánh cửa hình vòng cung, hình ảnh các cặp đôi nam nữ trên những ô cửa với vòng nguyệt quế trên đầu như hân hoan chào đón từng ngày mới. Sự cầu kì vốn có của kiến trúc Pháp vào thế kỷ 19 hiện rõ trong tòa nhà với rất nhiều hoa văn.
Đặc biệt, chiếc đồng hồ cũ được lắp đặt trước bưu điện khá lớn với các đường vạch thay chữ số là điểm nhấn hoàn hảo. Đây không phải là chiếc đồng hồ lắp đặt đầu tiên, chiếc đồng hồ đầu tiên nhỏ hơn, vòng ngoài có màu trắng. Ngắm nhìn từ bên ngoài, tòa nhà với những cánh cửa sổ khép mở tạo cho bưu điện một nét đẹp lạ, dẫu kiến trúc này đã hơn một thế kỉ tồn tại. Cho đến nay, khi đưa vào khai thác du lịch, bên trong bưu điện gần như không thay đổi bao nhiêu.
Du khách "check-in" bên trong Bưu điện TP.HCM.
Hai bên trần bên trong vẫn là hai tấm bản đồ: Saigonet ses environs, 1892 và Lignes télégraphiques du Sud Vietnamet du Cambodge, 1936. Cả hai đều nằm dọc theo hai bên tường, có mặt từ khi tòa nhà được xây dựng, đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Vòm cung bên trong của tầng trệt, nơi du khách có thể vào tham quan, tạo cảm giác gần gũi. Những quầy phục vụ được bố trí hai bên, ngay cả buồng gọi điện thoại cũng làm theo kiểu cổ. Tôi ấn tượng nhất ở thùng gửi thư. Bao nhiêu năm, ở đây vẫn để một chén bột khuấy sẵn để dán thư và một tấm bọt thấm nước cho những thư có keo.
Chiếc thùng gửi thư đầy hoài niệm.
Bưu điện có những hàng ghế cho khách dừng chân. Mỗi ngày có cả nghìn lượt khách tới bưu điện, chẳng phải để gửi thư mà để tham quan một công trình văn hóa. Những du khách nước ngoài khi đến bưu điện đều tranh thủ chụp ảnh. Họ có thể mua quà lưu niệm, từ những con tem xưa, những bưu ảnh đến các vật dụng khác được bày bán tại các quầy nằm bên hông dãy hành lang. Khách luôn thích mua tem và gửi những lá thư hoặc bưu thiếp về nhà để được đóng con dấu tại bưu điện, như là một kỉ niệm cho lần chạm gặp TP.HCM.
Mỗi ngày, Bưu điện TP.HCM chào đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan.
Những cô nhân viên bưu điện trong tà áo dài Việt Nam, nói tiếng Anh lưu loát cũng để lại ấn tượng tốt nơi du khách. Còn những người sống trong lòng thành phố, thỉnh thoảng vẫn dừng lại, ghé vào bưu điện, đôi khi chỉ để ngắm nhìn hay ngồi ở những dãy ghế màu vecni để có cảm giác tìm về. Vẻ đẹp của trăm năm được gìn giữ ấy giờ đây trở thành một tài sản vô giá trong lòng thành phố sống động mang tên Bác, là một trong 100 điều thú vị của TP.HCM.