Được thiết kế lạ mắt và đặc biệt thu hút, nhà thờ Pleichuet mang kiến trúc nhà rông Tây Nguyên đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách gần xa khi đến với phố núi.
Được thiết kế lạ mắt và đặc biệt thu hút, nhà thờ Pleichuet mang kiến trúc nhà rông Tây Nguyên đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách gần xa khi đến với phố núi.
Nhà thờ Pleichuet còn được gọi là Nhà thờ nhà rông Pleiku, tọa lạc trên đường Trương Định, thuộc phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, là một điểm hẹn tôn giáo quen thuộc của người dân địa phương quanh vùng.
Nhà thờ Pleichuet thuộc Giáo hạt Pleiku, xây dựng từ năm 2005 và được các tu sĩ thuộc dòng Chúa Cứu Thế coi sóc.
Không giống với thiết kế phổ biến, khu vực chính của nhà thờ Pleichuet mang hình dáng một ngôi nhà rông truyền thống của đồng bào dân tộc Gia Rai.
Không gian chính của nhà thờ Pleichuet rất rộng, có kích thước lớn gấp 5 lần những căn nhà rông cộng đồng thông thường. Nhà thờ được xây dựng từ chất liệu gỗ chủ đạo, với phần hành lang rộng và thoáng.
Bên trong khu vực chính, du khách dễ dàng nhận ra nhà thờ không có những hàng ghế dài quen thuộc cho các tín đồ ngồi dự lễ như thường thấy, thay vào đó là một mặt sàn lát gỗ nhẵn bóng, rộng thoáng và trống trơn…
Chính giữa không gian rộng ấy là một bệ thờ với tượng Chúa, bên trên trang trí hình tượng mái nhà rông vút cao. Ở phía dưới tượng Chúa là tiểu cảnh hang đá và một vài cây nêu thu nhỏ mang họa tiết Tây Nguyên đặc trưng độc đáo.
Ngôi nhà rông không chỉ là hình ảnh quen thuộc với người Gia Rai, mà còn là một trong những biểu tượng văn hóa đặc trưng, thể hiện những giá trị cốt lõi trong đời sống văn hóa, tinh thần của họ.
Có lẽ vì vậy mà nhà thờ Pleichuet đã được thiết kế mang dáng hình ngôi nhà rông thân thuộc, như một cách để giữ gìn và phát huy những biểu trưng văn hóa độc đáo của dân tộc thiểu số bản địa.
Những thiết kế này không chỉ nằm ở phần thô bên ngoài, mà còn in dấu ở từng chi tiết hoa văn, họa tiết trang trí ở hầu hết các không gian của nhà thờ, như: rào chắn hành lang, ô cửa, trần nhà, sân vườn,...
Hình ảnh quả bầu khô - vốn là sản vật hữu dụng làm nên nét đặc sắc trong văn hóa các dân tộc Tây Nguyên - cũng được đưa vào trang trí ở hai bên bậc thang dẫn lối lên khu vực chính nhà thờ.
Ở một lối lên khác, chiếc vò nước quen thuộc cũng đóng vai trò làm vật trang trí thân thương.
Tuy không có kiến trúc quá lộng lẫy hay hấp dẫn, nhà thờ Pleichuet vẫn khiến nhiều du khách hoàn toàn bất ngờ và ấn tượng bởi thiết kế khác biệt, lại mang ý nghĩa gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.
Ngoài khu vực làm lễ chính, nhà thờ Pleichuet còn có các tiểu cảnh nhà rông, phòng trưng bày văn hóa Tây Nguyên,…
Sân nhà thờ rất rộng, được trồng nhiều cây cối, hoa cỏ hài hòa, xanh mướt.
Với nét khác biệt và đặc trưng, nhà thờ Pleichuet là một điểm đến văn hóa tôn giáo thu hút dành cho du khách khi đến với thành phố Tây Nguyên Pleiku, bên cạnh các địa danh du lịch quen thuộc như chùa Minh Thành, chùa Bửu Minh, Biển Hồ, núi lửa Chư Đăng Ya,…