Nắng chiều đổ vàng rực ở rừng cổ thụ Ao Bà Om
Ao Bà Om ở Trà Vinh gắn liền với những câu chuyện thuộc lòng, kể mãi không hết. Cạnh ao có hàng cổ thụ soi bóng và những ngôi chùa ngàn năm tuổi.
Cách thành phố Trà Vinh khoảng 5 km có Ao Bà Om, hay còn được gọi với tên khác là Ao Vuông. Gọi là “ao” nhưng Ao Bà Om không rộng bằng các hồ lớn khác như Hồ Lắc, Hồ Ba Bể… mà đó chỉ là một cái hồ nhân tạo do sức người đào.
Ao Bà Om.
Khi một địa danh gắn với tên một người, nơi đó kèm theo câu chuyện kể mãi thuộc lòng, những người ghé thăm cũng đến từ những điều đọc được trên các trang mạng. Đó là câu chuyện bà Om chiến thắng trong cuộc thi tài đào ao, những câu chuyện dường như để thêu dệt lên cho một điểm đến. Tôi tìm đến Ao Bà Om như lẽ thường của một người hay đi đây đi đó, đã đến một nơi nào thì phải tìm một chốn đã lưu danh.
Ao Bà Om nằm cạnh Quốc lộ 53, thuộc phường 8, thành phố Trà Vinh. Một cô bạn ở Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh hướng dẫn đường đi, cô dừng xe ngay bên đường, chỉ vào rừng cây và nói: “Dạ, tới rồi ạ.”
Hàng cổ thụ ở Ao Bà Om.
Là một thắng cảnh, nhưng nếu đến Ao Bà Om bạn sẽ bất ngờ vì những điều sau đây: Đường vào rất tự nhiên theo dấu bánh xe phương tiện, xe của mình để đâu cũng được, không có bán vé vào cửa vì đây là không gian tự nhiên. Bên kia đường có một số hàng quán được dựng lên, che chắn tạm bợ, ghế nhựa để trên bãi cỏ, dưới bóng cây mát mẻ. Du khách đến đây thì ít, chủ yếu người địa phương tìm đến để tận hưởng thiên nhiên.
Gọi là ao nhưng Ao Bà Om lại lớn như hồ, bao nhiêu năm vẫn giữ được hình dạng chữ nhật độc đáo. Trên mặt hồ có trồng hoa súng rải rác, bao quanh hồ có đường đi, viền cỏ xanh và hàng cổ thụ. Khi đi vào trong theo hàng cổ thụ, du khách sẽ gặp Chùa Âng, một ngôi chùa cổ Khmer lớn nhất Trà Vinh.
Cổ thụ trong nắng chiều vàng.
Trà Vinh đã là một thành phố đẹp, yên tĩnh với những con đường cổ thụ thẳng tắp tuyệt đẹp. Đến Ao Bà Om, tôi nhận ra “đặc sản” của địa phương này chính là cổ thụ. Không biết khi ao được đào, những thân cây có cao lớn như khi chúng tôi đến chưa, nếu đã bạt ngàn cổ thụ như vậy thì việc đào ao phải là một kỳ tích.
Chuyện kể Trà Vinh cách đây ngàn năm đã có những cánh rừng cây sao, cây dầu, và một trong những cánh rừng còn tồn tại chính là ở Ao Bà Om. Có thể bạn đã từng đến Đắk Lắk và gặp Biển Hồ bao bọc bởi rừng thông, hay đến Hồ Tuyền Lâm ở Đà Lạt cũng gặp trập trùng thông rừng. Nhưng với rừng cổ thụ ở Ao Bà Om là một cảm giác khác, cây mọc thành lối đi do có người trồng dọc theo bờ ao, cây cao thành rừng hứng nắng chiều đang đổ xuống.
Một góc Ao Bà Om.
Cố ngoái đầu nhìn thấy cây cao đến 40, 50 mét, cao lắm. Bên dưới đất là lá vàng rụng, nơi nào cũng có lá rụng. Cây sống ngàn năm, bao cuộc bể dâu khiến cho rể cây sần sùi như cố bám giữ, để cùng nghiêng soi bóng mình xuống ao. Tất nhiên ở nơi này không hiếm những cô cậu học sinh, các bạn trẻ sau giờ học tập, làm việc, tìm đến ngồi dưới góc cây tận hưởng, ngắm cảnh và thư giãn.
Hàng cổ thụ ngàn năm tuổi.
Đi qua hàng cổ thụ, chúng tôi tìm tới Chùa Âng, ngôi chùa cổ nhất trong 141 ngôi chùa ở Trà Vinh và được xây dựng từ năm 999. Trong nắng lóa buổi chiều, một chiếc xe 50 chỗ ngồi dừng lại, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các nhà sư bước vào cổng chùa, một hình ảnh rất đẹp.
Các sư thầy di chuyển vào Chùa Âng dưới nắng chiều vàng rực rỡ.
Chùa thờ Phật Thích Ca với tượng Phật chính và khoảng 50 tượng Phật lớn nhỏ ở xung quanh. Các bức tượng đặt xung quanh và bức tranh vẽ trần chính điện kể về bốn giai đoạn trong cuộc đời Đức Phật: Đản sanh, xuất gia, đắc đạo và nhập niết bàn.
Tượng Phật bên trong Chùa Âng.
Trong chùa vẫn có những cổ thụ ngàn năm mọc đan xen những tượng thần bốn mặt trên các trụ. Những chiếc lá khô nằm im trên lối đi, chúng tôi trở về, nắng chiều đang nhuộm vàng những hàng cổ thụ ngàn năm.
Nằm bên dòng sông Hậu, ẩn mình trong những ngôi làng Chăm, những tòa thánh đường Hồi giáo ở An Giang vẫn toát lên vẻ...