Mùa nước nổi: Cá, tôm, chuột, rắn… đua nhau chạy vào!
Người dân miền Tây không nói “săn” lộc trời, mà lại nói rất hiền như một điều hiển nhiên “mùa nước nổi cá tôm mặc sức mà ăn”. Chỉ cần đem lưới, dớn, lọp, lờ… ra đặt thì chúng đua nhau chạy vào.
Khi nước vào ngập đồng, cũng là lúc sản vật mùa nước nổi với nhiều loại cá, tôm theo con nước vào đồng ruộng, góp phần tạo sinh kế cho bà con nông dân. Ảnh: Hoài Anh.
Thời điểm này, mùa nước nổi về, vùng nông thôn nhộn nhịp với các hoạt động đánh bắt như kéo lưới, kéo vó, kéo dớn, chài cá... Những cánh đồng ngập nước khiến lũ chuột đồng không nơi ẩn náu phải kéo lên các gò đất cao. Thế là nhiều người đặt bẫy dụ chuột vào, hiện nay giá khoảng 50 nghìn đồng/kg, còn chuột sơ chế rồi có giá 80 nghìn đồng/kg.
Cua đồng, ếch đồng cũng xuất hiện nhiều nên người dân đi đặt lợp hay giăng câu kiếm tiền cũng khá vì giá bán cao. Thật ra từ tháng 9 người dân đã bắt đầu đánh bắt cá lai rai, nhưng từ tháng 10 đến tháng 11 mới là cao điểm của mùa khai thác thủy sản, vì khi đó cá lớn kéo nhau ra sông nên dân trong nghề gọi là “mùa cá chạy” hay “mùa cá ra”.
Với người miền Tây thì mùa nước nổi là lúc nước dâng lên, mang sản vật trời cho đến cho người dân. Con nước còn mang theo phù sa về bồi đắp cho những cánh đồng, hứa hẹn vụ mùa tiếp theo lúa, rẫy tốt tươi.
Những năm gần đây, một số địa phương đã có chủ trương luân phiên ngưng sản xuất trong vụ 3, đón lũ để rửa sạch đồng ruộng, sắp xếp lại lịch thời vụ. Đó cũng là lúc dân mưu sinh theo mùa nước nổi nhộn nhịp mùa làm ăn. Ở các con kênh lớn, nước lên xóa nhòa ranh giới những cánh đồng xung quanh.
Cá mắc vào lưới của người dân.
Nguồn sản vật dồi dào trong mùa nước nổi giúp cho người dân có thêm thu nhập từ thiên nhiên. Nhưng không phải năm nào cũng hồ hởi niềm vui. Tài nguyên dần cạn kiệt, mỗi người lại có những cung bậc cảm xúc thăng trầm quanh chuyện kiếm chén cơm trong mùa lũ. Những người không có việc làm ổn định, họ nương theo mấy tháng mùa nước nổi để kiếm tiền.
Ngoài cá, tôm…, thì chuột đồng, ếch đồng, cua… cũng là “mồi” được săn rất nhiều trong mùa nước nổi. Ngoài chuyện mưu sinh, nhiều người cũng thích thú tham gia tìm bắt sản vật như một thú vui giải trí.
Mỗi năm, mùa nước nổi kéo dài hơn 3 tháng, khi con nước bắt đầu lên và đến khi nước giựt (nước xuống dần và kết thúc mùa nước nổi). Và cứ thế, mỗi năm, người dân đầu nguồn cũng quen cách tính tuổi nghề của mình theo những mùa nước nổi đã qua.
Thời gian này, các chợ miền Tây bán khá nhiều sản vật mùa nước nổi như cá sơn, cá sát, cá lăng, cá lòng tong, cá linh non... Cá sơn chiên ăn rất ngon, năm nay xuất hiện nhiều và luôn được bán hết sớm.
Nước về là có cá, dọc theo các kênh, mương có nhiều bãi lau sậy, giề lục bình, cho nên cá chui vào đó ẩn náu tránh sóng gió, chịu khó đi từ khoảng 2 giờ sáng là xúc được nhiều cá. Cá tự nhiên có giá cao, chịu cực là có tiền xài. Hiện, cá lăng có giá từ 60 nghìn đến 90 nghìn đồng/kg, cá sát từ 60 nghìn đồng/kg trở lên...
Nhiều địa phương cho xả lũ đón phù sa. Khi các cánh đồng nghỉ ngơi lại là lúc ốc bươu vàng sinh sôi. Đây cũng là nguồn thu nhập cho nhiều người bắt ốc bán, đồng thời hạn chế được loài ốc này sinh sản phá hoại mùa màng.
Đỉnh lũ năm nay khá thấp, nước lên đồng chỉ xăm xắp mặt ruộng, vì thế, các chợ cá đồng ở thượng nguồn kém sôi động hẳn. Mùa nước nổi từng vốn là mùa làm ăn sôi động nhất, thủy sản theo nước về đồng “lên chợ nườm nượp” những mùa trước, giờ đây dường như không còn nữa.
Những người có kinh nghiệm cho biết, ban ngày trời nóng nên ốc trốn hết, đến chiều tối, trời mát chúng lại nổi lên mặt nước kiếm ăn, đẻ trứng cho đến sáng. Một đêm đi kéo có thể bắt hàng trăm cân ốc đem bán cho thương lái với giá 2 nghìn đồng/kg, có thêm thu nhập.
Lúc này cũng là mùa cá linh. Cá linh như món quà mùa nước nổi được thiên nhiên ưu ái tặng cho vùng đất miền Tây với chất thịt ngọt, mềm. Vì vậy, những món ngon từ cá linh đậm đà, béo ngậy sẽ khiến bất kỳ ai cũng phải xuýt xoa...
Cá linh - Sản vật mùa nước nổi được người dân chế biến thành nhiều món ăn ngon khó cưỡng.