Hôm nào đó, ngẫu hứng xách giỏ làm một “tour chợ” Sài Gòn, nhất định ta sẽ “no mắt”, “đầy bụng” với những thứ hay ho không phải nơi nào cũng có.
Bên cạnh những trung tâm thương mại tiện lợi sang trọng, hiện đại thì những ngôi chợ cũ ở TP.HCM vẫn là bảo chứng bền bỉ nhất cho vẻ đẹp trường tồn theo thời gian. Những ngôi chợ trên dưới trăm tuổi vẫn khiến bao nhiêu trái tim đã từng thổn thức thương yêu, nhớ về. Có những người đã rời nơi này, định cư chốn khác nhưng với họ, mùi chợ cũ, mùi phố xá thân thuộc, cảnh xe cộ dập dìu, bán buôn tấp nập vẫn hiện lên trong tâm trí như mới hôm qua.
Chợ Bến Thành - nơi lưu giữ thời gian
Chợ Bến Thành với vị trí đắc địa nằm ngay trung tâm Quận 1, bốn cửa “tứ diện đều xinh” luôn là ngôi chợ được khách du lịch tìm đến nhiều nhất trong số những ngôi chợ cũ nổi tiếng của thành phố phương Nam này.
Bức phù điêu bằng gốm gắn ở cửa Tây chợ Bến Thành. Ảnh: Shutterstock
Theo nhiều tài liệu, chợ được xây dựng từ khoảng năm 1912 và chính thức khai thị, đưa vào hoạt động ngày 28/3/1914. Biểu tượng đồng hồ lớn được gắn ở cửa Nam. Các cửa mặt Đông, Tây, Nam, Bắc đều có gắn những bức phù điêu bằng gốm nung. Mỗi bức phù điêu tượng trưng cho vật phẩm, hàng hóa mà tiểu thương buôn bán trong chợ như cá, trâu bò, chuối… 12 bức phù điêu đặc biệt này do nghệ nhân Lê Văn Mậu, giảng viên trường mỹ nghệ Biên Hòa thực hiện năm 1952, sau lần trùng tu chợ lần đầu tiên năm 1950. Nhờ những biểu tượng độc đáo này, chợ Bến Thành trở thành một nơi được rất nhiều người chọn làm bối cảnh để chụp hình lưu niệm khi đến Sài Gòn.
Một điều đặc biệt, trước khi được xây ở vị trí hiện tại như ngôi chợ mà chúng ta thấy hiện nay, chợ Bến Thành từng được xây dựng cặp sông Bến Nghé, gần thành Gia Định. Bến này dùng để đón khách vãng lai và quân nhân vào thành, nên có tên gọi là Bến Thành. Vì thế, khu chợ cũng được gọi theo là chợ Bến Thành. Nhưng nếu bạn là người rặt Sài Gòn thì hẳn nhiên bạn sẽ không gọi đó là chợ Bến Thành như… sách vở! Nó đích thị là “chợ Sài Gòn” của người Sài Gòn, như cách gọi bình dân nhất từ trăm năm nay.
Sạp hàng bán đồ lưu niệm bên trong chợ Bến Thành. Ảnh: Shutterstock
Chợ Bến Thành trong ký ức người Sài Gòn là một ngôi chợ trung tâm với các hoạt động bán buôn, giao thương và giao thông sầm uất, tấp nập. Ngôi chợ từng được xem là thủ phủ, là đầu mối đi lại của cả một khu vực dân cư rộng lớn, đông đúc, với lưu dân khắp nơi đổ về bám trụ, làm ăn sinh sống lúc bấy giờ.
Các sạp bán hàng lưu niệm được khách du lịch ưa chuộng. Ảnh: Shutterstock
Sau đợt trùng tu, cải tạo gần nhất vào tháng 1 năm 2023, chợ Bến Thành trở nên tươi sáng hơn khi được khoác tấm áo mới. Các mặt hàng kinh doanh trong chợ xoay quanh thực phẩm khô, quần áo, vải vóc… cùng các quầy ăn uống và hàng lưu niệm rất được khách du lịch ưa chuộng ghé vào để khám phá.
Một sạp bán hoa ở cửa Bắc. Ảnh: Shutterstock
Tôi từng có kỉ niệm đẹp với ngôi chợ đồ sộ này khi trải qua thời gian làm việc ở một công ty có văn phòng đặt cách cửa Bắc của ngôi chợ chỉ vài bước chân. Cửa Bắc là khu vực của dãy sạp hoa tươi liền kề nhau. Sáng sớm, mùi hương hoa đã sực nức một góc đường. Buổi trưa, tranh thủ giờ nghỉ trưa ít ỏi, tôi cho phép mình thong thả dạo chợ, nhìn ngắm thỏa thích, gọi là có cơ hội để “rửa mắt”. Và quả thật, hàng hóa trong chợ phong phú, nhất là những quầy hàng lưu niệm với ti tỉ thứ sặc sỡ, muôn màu. Vậy, biểu sao mà du khách không thích thú trầm trồ ồ à kinh ngạc khi dạo chợ. Ta còn hoa mắt, nói chi Tây!
Chợ Bình Tây - ngôi chợ đẹp nhất Sài Gòn
Với tuổi đời “non” hơn so với chợ Bến Thành (xây dựng năm 1928) nhưng chợ Bình Tây (Quận 6) lại có diện tích lớn hơn (25.000m2) và lượng hàng hóa khổng lồ, mặt hàng đa dạng, phong phú. Đây được xem là chợ đầu mối sỉ của cả khu vực Chợ Lớn. Hàng sỉ còn được phân bổ từ chợ này sang các quận lân cận và đi khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Chợ Bình Tây. Ảnh: Shutterstock
Chợ Bình Tây gắn liền với tên tuổi của vị thương nhân người Hoa là ông Quách Đàm. Giai thoại về Quách Đàm và ngôi chợ độc đáo này được đại bộ phận người Hoa khu vực Chợ Lớn ghi nhớ và kính nể. Tượng của vị thương nhân này được đặt trang trọng trong chợ để ghi nhớ công đức tạo lập chợ, tạo lập công ăn việc làm cho cộng đồng người Hoa của ông. Đây là ngôi chợ với lối kiến trúc đậm chất Á Đông nhưng lại được xây dựng theo kỹ thuật hiện đại của phương Tây. Vì vậy, chợ Bình Tây được xem là ngôi chợ đẹp nhất Sài Gòn, được Hội đồng xét duyệt di tích TP.HCM công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2015.
Một sạp hàng ở chợ Bình Tây. Ảnh: Shutterstock
Người Sài Gòn có cách ví von lạ lùng, xem chợ Bình Tây như “cái nồi của Thạch Sanh”, thứ gì cũng có, vơi rồi lại đầy. Nếu lâu lâu đi chợ Bình Tây thì trong túi nhất định phải rủng rỉnh tiền. Bởi nhìn qua thứ nào ta cũng mắc ham, mắc mua: vải vóc lụa là, đồ sành sứ, tráng men xa xỉ, đồ gia vị nức tiếng của người Hoa, khô cá… Đi chợ Bình Tây cũng là đi để hiểu thêm văn hóa giao thương mua bán của người Hoa, một nét văn hóa có chiều sâu mà mãi ta vẫn không thể nào học hết.
Cơm thố Sài Gòn bên lề chợ Cũ
Một ngôi chợ chỉ khoảng 200 sạp hàng tự phát xung quanh một con đường, buôn bán hàng hóa từ thượng vàng hạ cám, không nhà lồng, không bảng hiệu nhưng mỗi khi nhắc đến là người Sài Gòn sẽ bất giác bùi ngùi. Đó cũng là ngôi chợ có diễm phúc được chứng kiến sự chuyển mình của khu trung tâm ở thành phố sôi động bậc nhất cả nước. Hơn trăm năm tồn tại “không danh phận”, nó chỉ được lưu dấu trong tim óc, trong ký ức, trong tình thương còn lại của những cộng đồng những người Việt, lưu dân Hoa kiều, người Ấn.
Chợ cũ Tôn Thất Đạm trước khi bị giải tỏa
Có mặt trước cả chợ Bến Thành, chợ Cũ - hay còn gọi là “chợ nhà giàu” nằm trên đường Tôn Thất Đạm vốn từng là một đoạn đường giao thương bán buôn tấp nập. Khoan bàn đến những loại “hàng nhập” xa xỉ từ nước ngoài đổ về, chợ Cũ khiến người ta nhớ về nhiều nhất lại là những tiệm ăn trứ danh của những gia chủ người Hoa. Trong đó, tiệm cơm thố gia truyền Chuyên Ký là tiệm cơm gia đình lâu đời hiếm hoi còn sót lại, vẫn ngày ngày đỏ lửa phục vụ từng thố cơm độc đáo đến thực khách.
Quán cơm Chuyên Ký bên lề chợ Cũ, ảnh chụp năm 2017. Ảnh: Alamy
Khai trương từ năm 1948, quán cơm Chuyên Ký đã trải qua nhiều biến chuyển trong suốt 7 thập niên hiện diện trên đất Sài Gòn, cùng 3 thế hệ nối tiếp và kế thừa. Chuyên Ký không phải quán cơm thố có mặt sớm nhất ở Sài Gòn. Nhưng nó là quán cơm “cứng cựa” nhất khi vững vàng đi qua thăng trầm, vẫn lặng lẽ lan tỏa “hương xưa” trong cơn biến động dữ dội của thị trường ẩm thực.
Tiệm cơm Chuyên Ký
Điều đặc biệt nhất ở quán có lẽ là những thố cơm sành với số tuổi cũng tương đương tuổi đời của quán. Những chiếc thố màu trắng ngà nhỏ gọn, cầm chắc tay, lớp sành dày, giúp vốc gạo bên trong ủ đầy hơi, giữ trọn vẹn hương vị và độ nóng của thố cơm.
Có một chút băn khoăn khi nhìn món cơm thố mang màu hoài niệm ở nơi này: nếu Chuyên Ký không tồn tại đến hôm nay, mấy ai còn biết đến cơm thố vang danh một thời? Mấy ai biết đến món “hầm vỹ” (cá khô) chưng hột vịt độc đáo của loại hình cơm thố?
Tôi ghé quán trong một lần đi thực tế viết bài cách đây hơn năm. Ngồi ăn cơm thố trong tiếng nói chuyện lao xao, tiếng bán buôn bên kia đường vọng lại, cứ ngỡ là âm hưởng của thị thành vàng son một thuở.
Và nghe - mùi chợ cũ lưu luyến bên mình.
Bây giờ, ngồi trong quán cơm này có lẽ sẽ rưng rưng nhớ tiếc một khu chợ. Chợ Cũ - đã như một cụ già tóc trắng theo mây về trời…