Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Huế đã chính thức được khánh thành và mở cửa phục vụ khách tham quan.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Huế đã chính thức được khánh thành và mở cửa phục vụ khách tham quan.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nằm ở số 144, đường Đặng Thái Thân, phường Thuận Hòa, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây nằm cách Đại Nội Huế không xa, thuận lợi cho du khách có cơ hội tham quan, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của vị Đại tướng này.
Lãnh đạo tỉnh tham quan bảo tàng
Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày mất Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6/7/1967 – 6/7/2022), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và gia đình tổ chức khánh thành bảo tàng, chính thức mở cửa đón người dân, du khách.
Trong không gian nhà rường Huế, bảo tàng có diện tích trưng bày khoảng 500m2, giới thiệu gần 400 hiện vật, ảnh, tư liệu, văn bản gốc được gia đình lưu giữ cẩn thận.
Súng ngắn
Đây là nơi lưu giữ những tư liệu, hiện vật phác họa về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Qua đó, giúp thế hệ sau hiểu về tinh thần đấu tranh bất khuất, đạo đức cách mạng và những trải nghiệm của Đại tướng, gắn liền với một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.
Hũ gạo tiết kiệm
Một số hiện vật Đại tướng từng sử dụng
Nội dung trưng bày giới thiệu tổng thể về cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, những đóng góp quan trọng của Đại tướng với Cách mạng Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược.
Không gian trưng bày trong nhà có 15 chủ đề chính. Thông tin được truyền tải thông qua hệ thống pano trưng bày, các hiện vật và loạt phim tài liệu gắn liền với những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng.
Theo ông Phạm Văn Phi, Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, hình thức trình bày được làm mới, trang trọng, có nhiều ứng dụng công nghệ nghe, nhìn tương tác thông qua màn hình cảm ứng và các phim tư liệu có giá trị lịch sử cao. Trong đó, có nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật lần đầu được trưng bày, giới thiệu tới công chúng như các bài viết, bài nói của Đại tướng về xây dựng quân đội, chống chủ nghĩa cá nhân, về nông nghiệp, nông thôn, các phong trào thi đua trong sản xuất, về chiến lược đánh Mỹ và thắng Mỹ...
Ngoài hệ thống pano trưng bày, bảo tàng còn có 20 bức tượng, mỗi bức tượng khắc họa chân dung Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong từng thời kỳ lịch sử. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tuyên bố chung tại hội nghị các ĐCS và phong trào công nhân thế giới (1960) – hai bên là các đồng chí Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh.
Bảo tàng còn có thư viện phục vụ bạn đọc nghiên cứu, tìm hiểu, học tập thông qua hàng trăm cuốn sách do Đại tướng viết và các tác giả viết về Đại tướng.
Bảo tàng sẽ mở cửa đón khách tham quan từ thứ 3 đến Chủ nhật hằng tuần.
Trước đó, nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với quê hương và đất nước, đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển hệ thống các bảo tàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định về việc cho phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập - Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Nhiều tư liệu, hiện vật về Đại tướng được gia đình lưu giữ
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, việc khánh thành Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng hệ thống di tích lưu niệm liên quan đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế sẽ trở thành những địa chỉ để tham quan, du lịch hấp dẫn, là nơi giáo dục truyền thống, nâng cao lòng yêu nước và tinh thần cách mạng cho mọi thế hệ.
Đồng thời, cụ thể hóa quan điểm xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh theo nội dung của Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914, ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vào tháng 7/1937, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam trong những nhà tù khắc nghiệt, bị tra tấn dã man. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí vẫn giữ khí tiết người cộng sản dũng cảm, kiên trung, tìm cách vượt ngục về gây dựng phong trào cách mạng. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của 3 tỉnh Bình Trị Thiên.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi phương án tác chiến (5/7/1967)
Hơn 30 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, đồng chí đã được Đảng giao nhiều chức vụ, trọng trách quan trọng. Ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn kiên quyết, năng động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng thời, có những quyết sách đúng đắn trong những thời điểm khó khăn nhất của cách mạng.
Năm 1965, khi nghe báo cáo kinh nghiệm đánh Mỹ - ngụy ngay trên chiến hào chưa tan khói súng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định “Nắm thắt lưng địch mà đánh” và ngay lập tức đã trở thành phương châm khi giao chiến với quân Mỹ. Đó là sự ra đời của một trong những chiến thuật vĩ đại trong lịch sử chiến tranh nhân dân Việt Nam. Một chiến thuật được tổng kết từ thực tiễn, đây không còn là cách đánh của một trung đoàn, một quân khu, nó đã trở thành cách đánh của toàn miền, toàn quân, toàn dân.