KHÁM PHÁ HÒN ĐẢO “GIÀU CÓ”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đảo Phú Quý có lẽ là cái tên còn khá xa lạ trong danh sách những điểm du lịch nổi bật cho mùa hè. Nếu có dịp ghé qua hòn đảo này, bạn sẽ bị thu hút bởi cảnh vật hoang sơ, đẹp đến nao lòng và tìm thấy sự “giàu có” trong chính tâm hồn mình đấy.

KHÁM PHÁ HÒN ĐẢO “GIÀU CÓ” - 1

          Là huyện đảo xa nhất của tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 120 km, đảo Phú Quý có khung cảnh tuyệt đẹp nhưng du lịch lại chưa mấy phát triển. Để ra đến đảo, bạn chỉ có một cách duy nhất là bắt tàu từ cảng Phan Thiết. Theo đánh giá của những lái tàu giàu kinh nghiệm, cung đường biển Phan Thiết – Phú Quý thuộc dạng khó đi nhất nhì cả nước. Đoạn đường có sóng ngang và nhiều xoáy, khiến tàu thuyền không thể xuôi dòng mà phải vượt sóng để đi. Do đó, tàu thường rung lắc khiến cả những người khỏe mạnh cũng dễ say sóng, đặc biệt là trong những ngày biển động.

Thời điểm tốt nhất để du lịch đảo Phú Quý

          Theo kinh nghiệm du lịch hòn đảo này của tôi thì thời điểm giữa tháng 12 đến hết tháng 5 là lúc thuận lợi nhất cho du khách đón tàu ra đảo. Lúc này biển êm và trong xanh, trời lại ít mưa nên thích hợp cho việc di chuyển và thăm thú trên đảo.

          Nếu bạn không thể thu xếp thời gian trong các tháng nói trên thì không có nghĩa là bạn không thể đến được đây. Chỉ cần cẩn thận theo dõi tình hình thời tiết để lập cho mình một thời gian biểu du lịch phù hợp là được.

Thân thiện dịch vụ lưu trú trên đảo

          Trên đảo không hề “tồn tại” khách sạn đẳng cấp hay resort hiện đại, sang trọng, thay vào đó là các dịch vụ homestay bình dân, lại cực kì sạch sẽ và tiện nghi. Chủ quan mà nói, khi du lịch đến những nơi còn hoang sơ thì việc ở homestay là lựa chọn chính xác nhất bởi bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu kĩ về đời sống người dân nơi đây và trò chuyện cùng họ.

KHÁM PHÁ HÒN ĐẢO “GIÀU CÓ” - 2

          Bạn có thể tham khảo một số địa chỉ homestay ở đảo trên internet. Hai trong số đó là homestay Cô Sanghomestay Khôi May được nhiều người yêu thích bởi phòng ốc đáp ứng tốt nhu cầu nghỉ ngơi, không gian yên tĩnh, chủ nhà thân thiện và nhiệt tình.

Cuộc hành trình 48 giờ thú vị

          Chuyến hành trình khám phá đảo Phú Quý của tôi kéo dài vỏn vẹn trong 48 tiếng. Từ cảng Phan Thiết, tôi bắt tàu cao tốc để ra đảo. Ngồi tàu tầm ba giờ đồng hồ, mãi đến lúc gần trưa tôi mới nhìn thấy bóng dáng hòn đảo Phú Quý hoang sơ xinh đẹp. Từ bến tàu, tôi liên hệ với chủ homestay mà mình đã đặt phòng trước đó để được xe đón về tận nhà. Tuy hòn đảo này còn khá vắng bóng khách du lịch nhưng phải công nhận rằng các dịch vụ homestay “chớm nở” ở đây đang bắt dần phong thái làm du lịch trong đất liền, tức có nghĩa họ khá chu đáo và luôn mở lòng chào đón du khách gần xa đến thăm.

KHÁM PHÁ HÒN ĐẢO “GIÀU CÓ” - 3

          Sau khi dùng bữa trưa, tôi thuê một chiếc xe máy từ chính homestay mà mình nghỉ lại với mức giá chỉ 100.000 đồng/ngày. Có lẽ do may mắn mà xe tôi thuê chạy rất trơn tru, mặc dù thoáng nhìn qua vẻ bề ngoài của nó sẽ thấy không có gì là đảm bảo chắc chắn cả! Thế nên, lời khuyên của tôi dành cho độc giả là hãy cẩn thận kiểm tra thật kĩ chiếc xe mà mình thuê, nhất là bộ phận tay ga, thắng xe và lốp xe. Nếu chẳng may gặp sự cố, hãy liên hệ ngay với người chủ cho thuê xe để được hỗ trợ xử lí.

          Đảo Phú Quý có diện tích chỉ 16 km vuông nên mất tầm 30 phút chạy xe máy là bạn có thể đi hết đảo rồi. Tuy bé nhỏ là vậy nhưng đừng nghĩ nó không có “võ” nhé! Đường sá trên đảo khá khang trang, có một trục đường chính nên rất dễ đi. Bạn cũng có thể bắt chuyện với người địa phương để hỏi đường nếu “thấy bế tắc”. Có câu “Đường đi nằm trong miệng mình”, nên những lúc cần, bạn cứ hỏi đường người dân ở đây, họ rất thân thiện và dễ gần.

KHÁM PHÁ HÒN ĐẢO “GIÀU CÓ” - 4

          Rong ruổi trên con đường ven biển lộng gió và đầy nắng, tôi chọn khu vực vịnh Triều Dương, Bãi Nhỏ, Cột Cờ chủ quyền làm những điểm tham quan đầu tiên trên cuộc hành trình của mình. Đặt chân đến đây, tôi thực sự bị choáng ngợp bởi màu nước biển đẹp như Maldives, lại trong ngần để lộ từng chú ốc biển đang loay hoay ẩn mình dưới những đụn cát thô. Một bên là trời biển trong xanh và một bên là vách đá cheo leo. Đứng ở đây, bạn có thể phóng tầm mắt nhìn cả một vùng non nước hữu tình. Tít ngoài khơi xa là những đoàn thuyền đánh cá đang nối đuôi nhau.

KHÁM PHÁ HÒN ĐẢO “GIÀU CÓ” - 5

          Trên con đường uốn lượn nối vịnh Triều Dương và Bãi Nhỏ, bạn sẽ bắt gặp những mỏm đá nhấp nhô, được bao phủ bởi thảm cỏ xanh ngát vô cùng thi vị. Chạy xe thêm khoảng năm phút từ Bãi Nhỏ trên chính con đường này, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh Cột cờ chủ quyền đảo Phú Quý tại mỏm Đông đồi Chuối. “Đi Phú Quý nhớ check-in Cột cờ chủ quyền nhé!” là câu nói cửa miệng kháo nhau quen thuộc của du khách khi đến với huyện đảo của tỉnh Bình Thuận này.

KHÁM PHÁ HÒN ĐẢO “GIÀU CÓ” - 6

          Bóng chiều trên đảo lướt nhanh hơn phi mã. Trời bắt đầu nhá nhem tối, tôi quyết định quay đầu xe trở về homestay nghỉ ngơi và dùng bữa tối, với những món ăn dân dã miền biển đảo đã được chủ homestay chu đáo chuẩn bị sẵn.

          Đảo Phú Quý ngày nay đã có hệ thống đèn đường, tuy vậy lại không phủ khắp hòn đảo mà chỉ được lắp trên trục đường chính. Buổi tối nếu có thời gian, bạn có thể lân la đến các quán hải sản bình dân để thưởng thức hương vị mùi ốc nướng, tôm hấp, mực sữa chiên nước mắm… thơm lừng quyện vào gió mát mặn mùi muối tạo cảm giác thèm thuồng khó cưỡng.

KHÁM PHÁ HÒN ĐẢO “GIÀU CÓ” - 7

          Ngày đầu tiên tại đây của tôi đã kết thúc như thế…

          Sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm để “đi săn” mặt trời. Cái thú của những lần du lịch miền biển là được ngắm mặt trời mọc. Lúc này, bạn sẽ có hai sự lựa chọn. Một là, hãy quay lại con đường biển đoạn giữa Bãi Nhỏ và Cột cờ để ngắm mặt trời; hai là, đánh xe về phía cảng cá ở mạn Đông Bắc của hòn đảo. Có thể nói, khoảnh khắc đẹp nhất của chuyến đi chính là lúc chơi vơi giữa thiên nhiên hùng vĩ, chứng kiến sắc trời chuyển dần từ tím sang đỏ cam và bừng lên những tia nắng đầu ngày.

KHÁM PHÁ HÒN ĐẢO “GIÀU CÓ” - 8

          Một ngày mới lại bắt đầu…

          Sau khi check-in đến chán chê cảnh mặt trời ló dạng, tôi tiếp tục hướng về phía cảng cá. Sau một buổi tối miệt mài chài lưới, giờ là lúc người ngư dân quay về cập cảng, mang theo những sản vật trù phú của biển Bình Thuận. Tại đây, bạn có thể tranh thủ thưởng thức bữa sáng và ghi nhận lại hình ảnh các loài hải sản tươi rói vừa được mang ra từ lưới chài. Hãy bắt chuyện với một vài ngư dân để được nghe họ kể về những lần vất vả vật lộn với những con sóng dữ, và cũng để cho mình một lần được hiểu rõ hơn về cái nghề làm ngư phủ lắm cơ cực này.

          Rời cảng cá, tôi tiếp tục hướng đến chùa Linh Sơn và đỉnh núi Cao Cát – “Nóc nhà của Phú Quý”. Ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng khắp đảo với tượng Phật Bà uy nghi, đặt trên đỉnh Cao Cát, hướng mặt về phía biển dõi theo sự an nguy của từng ngư dân trong vùng. Trong cơn gió lộng mát thổi qua, mang theo tiếng kinh nguyện cầu vang văng vẳng bên tai, phóng tầm mắt nhìn vào không trung rộng lớn, phút chốc cảm thấy bình yên đến lạ kì…

KHÁM PHÁ HÒN ĐẢO “GIÀU CÓ” - 9

          Tôi nói lời chào với Cao Cát và tiếp tục chạy về phía Cánh đồng quạt gió. Đời sống của người dân trên đảo Phú Quý đôi khi khiến tôi thấy ngạc nhiên. Bởi tuy mọi thứ còn khá “lạc hậu” với phần còn lại của đất nước nhưng nơi này đã dần áp dụng những biện pháp sản xuất năng lượng sạch như điện mặt trời hay phong điện để phục vụ cho sinh hoạt đời sống. Nhìn những cánh quạt gió khổng lồ đơn giản vậy thôi nhưng lên hình lại đẹp không thua kém gì cánh đồng quạt gió ở Bạc Liêu đâu đấy! Cả đảo có tất cả ba cây quạt gió khổng lồ, mỗi cây có chiều cao là 60 m, và chiều dài của cánh quạt là 37 m.

          Đến trưa, tôi quyết định sẽ thưởng thức hải sản trên bè của ngư dân. Theo tìm hiểu trước đó, tôi liên hệ với chủ bè Anh Sáng để được anh cho thuyền máy đến đón. Tại bè, bạn có thể thỏa sức chọn cho mình những thức hải sản tươi nguyên, được vớt trực tiếp từ bè và nhờ người chủ chế biến giúp mình theo cái cách mà mình muốn ăn. Sau khi dùng bữa, tôi lại từ bè quay về và tiếp tục đánh xe đến tham quan Mộ Thầy hay còn gọi là Đền thờ thầy Sài Nại. Đây là một công trình bày tỏ tấm lòng biết ơn của người dân đối với vị thầy thuốc tài hoa trong truyền thuyết thuở khai sinh hòn đảo đã có công cứu mạng bách tính, và là chỗ dựa tinh thần cho các ngư dân trước mỗi chuyến ra khơi. Phía ngoài công trình này là cả một cảnh quan thiên nhiên đậm chất thơ. Trên những cột đá xám được phủ đầy cỏ xanh, bạn có thể phóng tầm mắt quan sát cả một vùng biển rộng.

KHÁM PHÁ HÒN ĐẢO “GIÀU CÓ” - 10

Buổi chiều hôm đó, tôi quyết định thả mình vào những con sóng tung bọt trắng xóa tại vịnh Triều Dương để được thỏa sức thư giãn các giác quan của mình và trút bỏ tâm sự với đại dương mênh mông trước khi lại quay về homestay dùng bữa tối và nghỉ ngơi sau một ngày dài nhiều trải nghiệm thú vị.

Hai giờ sáng ngày hôm sau, tôi lặng lẽ rời đảo trên con tàu cao tốc, bỏ lại phía sau một Phú Quý bình yên vẫn còn say ngủ.

Nguyễn Bảo

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tạp Chí Du Lịch

CLIP HOT