'Julley, Zanskar!' - Những mảnh ghép muôn màu

Travel Blogger Vinh Gấu đã có những trải nghiệm chưa từng có ở Zanskar - vùng đất của các vị Lạt Ma, nơi được mệnh danh là “xứ sở tàn bạo diệu kỳ”.

Zanskar một vùng đất xa xôi ở miền Bắc Ấn Độ, nơi từng là lãnh thổ của vương quốc cổ Guge (Cổ Cách). Ẩn mình trong dãy Himalaya hùng vĩ, Zanskar như một thế giới tách biệt, là vùng đất của các vị Lạt Ma, thành lũy cuối cùng của nền văn hoá Phật giáo Tây Tạng.

Thời tiết ở Zanskar rất khắc nghiệt, khoảng 2/3 thời gian trong năm ngập chìm trong tuyết lạnh lẽo. Tháng 5/2023, để “trốn” cái nóng hầm hập ở phương nam, blogger Vinh Gấu đã có chuyến xuất ngoại tới Zanskar và khám phá cuộc sống “muôn màu muôn vẻ” của người dân dưới chân núi Himalaya.

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 1

“Julley, Zanskar!”

Từ TP Hồ Chí Minh, Vinh Gấu lên chuyến bay đêm để đến với sân bay Delhi (Ấn Độ). Sau khi làm các thủ tục nhập cảnh, anh tiếp tục một chặng bay khác từ Delhi đến Leh, đây cũng là sân bay gần nhất với Zanskar.

Zanskar nằm ở phía Đông của Ladakh (Lạp Đạt Khắc) và bị dãy núi Zanskar chia cách với Leh – thủ phủ của Ladakh, để đến Zanskar bạn chỉ có thể đi đường bộ. Nếu vào mùa đông, bạn có thể trekking trên mặt sông Zanskar khi bị đóng băng.

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 2

Từ Leh, bạn đi đường bộ qua đèo Pensi La để đến Zanskar, với điều kiện đường không bị chặn sau những đợt tuyết rơi dày. Lựa chọn khác là đi qua đèo Sir Sir La ở độ cao 4900m và đèo Singe La ở độ cao 5.000m, hay băng qua những con đường nhỏ, đầy đá ven sông Zanskar để đến với thị trấn Padum. Hành trình này có thể mất gần 9 tiếng đồng hồ trên xe.

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 3

Người Việt mình có câu “lời chào cao hơn mâm cỗ”, đến Zanska đi đâu bạn cũng được nghe tiếng chào “Julley”. “Julley” tựa như câu thần chú nơi “cửa miệng” của người Ladakh. Bạn muốn chào hỏi ai - Julley. Muốn cảm ơn ai đó – Julley. Và muốn tạm biệt ai đó – Julley.

“Julley là câu chào phổ biến ở Ladakh khiến ai cũng nhoẻn miệng cười. Julley, Zanskar! - cuối cùng mình cũng đã đặt chân đến vùng đất của các vị Lạt Ma, vùng đất mới nằm trong to-do-list của mình mấy năm trời…”, blogger Vinh Gấu nói.

Thị trấn nhỏ xinh Padum

Thủ phủ của Zanskar là Padum, một thị trấn nhỏ xinh với con đường chính có không tới mười cửa hàng để bán đồ cho người dân địa phương, như là trái cây, thực phẩm, chăn bông,…

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 4

“Khác hẳn với Leh, một nơi luôn nhộn nhịp du khách thập phương, Padum vắng vẻ hơn. Ra đường chỉ thấy người dân địa phương, hoặc dân lao động nhập cư, khách du lịch rất ít. Chạy trên đường, mình cũng không thấy có nhiều nhà. Cả một không gian rộng lớn đôi khi chỉ có 2 – 3 căn nhà thôi, nhờ vậy mà những ngọn núi tuyết trập trùng phía xa được hiện lên rõ hơn”, nam du khách chia sẻ.

Vị ngon cà phê ở làng Purney

Rời Padum, du khách có thể tìm đến làng Purney. Cách Padum khoảng 50km, nhưng đường đi rất hiểm trở, một bên là vực sâu núi đá, một bên là suối nước chảy, bạn phải di chuyển tầm 3 tiếng mới tới làng. Chưa kể có những đoạn núi đá lở thì hành trình có thể kéo dài thêm.

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 5

Làng Purney chỉ có khoảng 5 hộ dân, ngoài việc chăn nuôi bò Yak – một giống bò sống nhiều ở dãy Himalaya, họ còn kinh doanh homestay để khách du lịch lưu trú. Do đặc thù của thời tiết, mỗi năm người dân chỉ đón khách được từ tháng 6 đến tháng 9. Thời gian còn lại, ngôi làng ngập trong tuyết.

“Aba - dùng để gọi bố trong tiếng Ladakh, ông Stanzin Nurbu chào đón đoàn mình tại ngôi nhà nhỏ, có vài phòng còn nồng mùi sơn mới. Thời tiết ngoài trời đang âm 7 độ C, rất lạnh, nên Aba nhanh chóng dẫn mình đi theo lối nhỏ khá tối để đến căn bếp chính của nhà. Khi đã ấm hơn hẳn, cả đoàn bắt đầu làm quen với cả gia đình của Aba”, blogger Vinh Gấu chia sẻ.

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 6

Tại đây, nam du khách được “mục sở thị” nhiều điều thú vị về cuộc sống của dân bản địa. Là cụ bà 84 tuổi tay chân làm không ngơi nghỉ, căn bếp nhỏ nhưng đồ đạc được bài trí rất gọn gàng và sạch sẽ, một ngọn đèn thắp sáng mỗi ngày được làm từ bơ để cầu bình an, ly trà masala nóng hổi, thơm ngon giữa thời tiết rét run…

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 7

“Biết mình thích cà phê, cô con gái Putith trong nhà còn tự tay pha cà phê bằng cách thêm ít đường, ít nước vào trà masala và cho ra một hỗn hợp khá đặc, nhìn như vừa mới thắng đường caramel. Kiểu uống cà phê này mình trải nghiệm lần đầu, nhưng vị thơm béo của masala kết hợp với vị của cà phê, khiến cho “cà phê - trà masala” trở nên ngon hơn hẳn.

Ngược lại, mình mời cô ấy và Aba thưởng thức những bình cà phê đặc sản đến từ Điện Biên, Tanzania và Kenya mà mình mang theo nữa. Thú vui của người thích uống cà phê là được giao lưu văn hoá để hiểu hơn về phong cách thưởng thức cà phê của nhau”, anh hào hứng nói.

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 8

Tu viện trên vách núi, triền đồi

Tu viện Karsha cách trung tâm thị trấn Padum khoảng 10km. Karsha là một trong những tu viện lớn nhất và có lịch sử lâu đời nhất vùng, từ thế kỷ thứ 11. Hiện tại, tu viện này được em trai của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 quản lý.

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 9

Những căn nhà màu trắng, ô cửa màu đỏ đậm của tu viện Karsha nằm ở dọc triền đồi. Du khách có thể men theo lối cầu thang nhỏ từ dưới chân đồi, đi qua những căn nhà dân, hoặc đi đường vòng của xe cơ giới để lên tới tu viện.

Ngoài những phòng thờ tự trang nghiêm, những bức tượng cổ, tu viện còn có xá lợi của nhà sư Lobon Dhode Rinchen được lưu giữ qua nhiều thế kỷ. Nơi lưu giữ xá lợi thường được mở để người dân đến cầu khấn, dịp lễ hội Gustor vào tháng thứ 7 theo lịch Tây Tạng; và nhiều bức tranh được vẽ bằng tay tuyệt đẹp về thời đại Rinchen Zangpo.

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 10

“Julley” là câu chào phổ biến ở Ladakh khiến ai cũng nhoẻn miệng cười

Cách tu viện Karsha không xa, là tu viện nữ Karsha có từ hơn 300 năm trước. Đây là nơi các tu sĩ nữ dạy học và chăm sóc các em bé trong làng. Du khách đến đây luôn được các em nhỏ, cụ già, nữ tu sĩ chào đón “Julley” và nở những nụ cười nồng hậu.

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 11

Những em nhỏ ở trong làng thường được các tu viện dạy học và chăm sóc.

Tu viện Stongday

Tu viện Stongday nằm cách trung tâm thị trấn Padum khoảng 13km. Stongday, Stongde, Tonday hay Thonde đều là những tên gọi khác của tu viện này. Tu viện Stongday được thành lập cách đây gần 10 thế kỷ.

Từ trên tu viện, du khách tha hồ tận hưởng vẻ đẹp mà tạo hoá ban tặng cho thung lũng phía dưới. Những ngọn núi tuyết của dãy Himalaya, những mảng màu đất nâu khô cằn và xen kẽ những con đường nhựa uốn lượn… tất cả tạo nên không gian kỳ vĩ.

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 12

Zanskar như một thế giới tách biệt, là vùng đất của các vị Lạt Ma, một trong những thành lũy cuối cùng của nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng.

Điểm nhấn chính trong hành trình khám phá Zanskar là tu viện Phugtal (hay còn gọi là Phuktal) tồn tại hơn 2500 năm. Tu viện Phuktal nằm biệt lập với thế giới bên ngoài, không internet, không sóng điện thoại, không có điện lưới mà chỉ có một lượng nhỏ điện năng lượng mặt trời.

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 13

Phug có nghĩa là “hang động”, tal có nghĩa là “sự nhàn rỗi”, để nói rằng Phugtal là một hang động giúp các vị Lạt Ma hay bất kì ai muốn tìm kiếm sự nhàn rỗi, bình yên.

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 14

Với lối kiến trúc độc đáo, cả tu viện được xây dựng từ bùn và gỗ trên vách núi cheo leo hướng ra sông Lugnak. Với một bề dày lịch sử, tu viện Phuktal là một trong những biểu tượng của Zanskar. Đứng từ phía bên kia con sông, tu viện Phuktal trông như một tổ ong khổng lồ giữa thiên nhiên.

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 15

Để đến Tu viện Phuktal, du khách chỉ có cách đi bộ. Quãng đường từ Purney đến tu viện Phuktal khoảng 4km, dọc theo con sông Tsarap và thời gian đi trekking khoảng 2 tiếng đồng hồ. Con đường này đưa du khách ngắm hết cảnh đẹp này đến cảnh đẹp khác, từ núi tuyết đến con sông Tsarap xanh rì đẹp mắt.

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 16

“Ngay phía đầu cổng tu viện là căn nhà nghỉ nhỏ dành cho khách du lịch, đi sâu vào trong là căn nhà nhỏ 2 tầng đơn sơ dùng làm lớp học cho các tiểu cư sĩ và cả trẻ em của ngôi làng gần đó. Từ xa mình đã nghe tiếng các tiểu cư sĩ chào “Julley””, nam blogger chia sẻ.

Ngôi mộ tháp (stupa) của tu viện là nơi cất giữ thi thể của người đầu tiên xây dựng nên tu viện này. Kế bên là nơi thờ tự chính, có những bức vẽ tường Thangka tồn tại hàng ngàn năm và nhiều bức tượng Phật khác nhau nữa.

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 17

Vị Lạt Ma trẻ tuổi thổi một vỏ sò, tạo ra âm thanh vang vọng vào lúc 12h trưa, báo hiệu tới giờ cơm. Blogger Vinh Gấu cho biết: “Lúc này, các vị Lạt Ma và tiểu cư sĩ từ tốn tập trung tại khu vực sân ở giữa tu viện, ngồi một cách ngay ngắn để các vị Lạt Ma khác đem cơm, đồ ăn và trái cây đến cho từng người. Họ thọ thực trong yên lặng cho đến khi ăn hết phần cơm và đọc những lời kinh trước khi đứng dậy”.

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 18

“Khi mình định rời đi, thì được một vị Lạt Ma mời ở lại ăn cơm. Phần ăn ngoài cơm sẽ có món ăn kèm là cà ri khoai tây. Tu viện Phuktal nằm tách biệt với thế giới bên ngoài, việc vận chuyển lương thực cũng trở nên khó khăn. Chưa kể, thời tiết ở vùng này quá khắc nghiệt, ngoài 4-5 tháng của mùa hạ – thu, còn lại gần như ngập trong tuyết”, nam du khách cho hay.

'julley, zanskar!' - nhung manh ghep muon mau - 19

“Chia tay những vị Lạt Ma ở tu viện Phuktal, mình lại trekking ngược về Purney và lên xe rời Zanskar để tiếp tục hành trình khám phá Ladakh. Có trải nghiệm qua nhiều nơi khác ở Ladakh, mình mới nhận ra rằng, Zanskar xứng đáng là một “viên ngọc thô” của Ladakh”, blogger Vinh Gấu chia sẻ cảm nhận.

Người dân Zanskar có câu nói về vùng đất của mình: “Nơi này cằn cỗi và quá cao, tới nỗi chỉ có những kẻ thù hung dữ nhất hoặc những người bạn tốt nhất mới muốn đến thăm chúng tôi”. Câu nói ám chỉ sự khắc nghiệt của vùng đất ẩn mình trong dãy Himalaya.

Tips: 7 Điều lưu ý trước khi bay đến Ladakh (Ấn Độ)

- Bạn cần có Visa nhập cảnh Ấn Độ

- Vé máy bay: Từ Việt Nam, bạn có thể đến Ladakh bằng cách bay đến sân bay Delhi (Ấn Độ), nhập cảnh xong, bạn chuyển qua Terminal nội địa để bay đến sân bay Leh.

- SIM: không nên mua Sim/eSim ở Việt Nam nếu đến Ladakh vì các sim này đều không hoạt động tốt ở Ladakh, kể cả ở Leh. Nên khi đến khu chợ Leh rồi, bạn hãy tìm và mua sim của Airtels.

- Bạn nên có bảo hiểm du lịch

- Đồ ăn ở Ladakh có thể không hợp với khẩu vị của bạn, quán xá cũng không có nhiều để bạn lựa chọn. Bạn có thể mang theo đồ hộp, đồ khô, mì gói từ Việt Nam qua.

- Leh có độ cao cao hơn 3000m so với mực nước biển khiến cho không khí loãng hơn nên bạn có thể gặp tình trạng “say độ cao” (Acute Mountain Sickness; AMS) với triệu chứng như là hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, nôn mửa và khiến toàn thân rã rời. Việc này có thể khiến cho trải nghiệm của bạn ở Ladakh không thoải mái lắm.

- Ở Ladakh có nhiều người nói tiếng Anh, bạn có thể trao đổi mua bán dễ dàng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lê Thoa - Ảnh: Travel blogger Vinh Gấu

CLIP HOT