HƯỚNG DẪN VIÊN KHÔNG CÓ TUỔI!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

HƯỚNG DẪN VIÊN KHÔNG CÓ TUỔI! - 1

Cứ tưởng mình đã gần 60 mà vẫn đủ sức chiến chinh khắp các tuyến điểm trong và ngoài nước là chuyện hiếm. Vậy mà còn nhiều Hướng dẫn viên (HDV) cao thủ. Mới hay “Ra đường chán vạn kể dòn hơn ta”. HDV là nghề khó, rất khó, hơn cả nghề dạy học vì phải biết đủ thứ, nói cho đủ hạng người nghe. Lại phải có sức khỏe để đi xe đường dài và phục vụ, biết tâm lý, chiều khách…nên tuổi nghề không cao. Nhưng có những HDV không… có tuổi.

Ở Thái Lan, có HDV Somchai, đã ngoài 65. Tóc buộc đuôi gà, ria mép kiểu Napoleon, cả râu tóc đều bạc trắng, nhìn rất phong độ nhưng lại bị tật chân nên đi khập khiễng. Mới gặp, ai cũng ái ngại vì tuổi tác và lo cho việc đi lại của HDV. Bù lại, Somchai làm việc chuyên nghiệp, kiến thức rộng, kể chuyện dí dỏm, nói và viết tiếng Việt cực chuẩn. Các Thầy, Cô ở khoa Ngữ Văn Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng giật mình vì cách dùng từ chính xác của HDV người Thái này. Do sải chân ngắn nên Somchai phải đi nhanh hơn để giữ nhịp cho Đoàn. Càng ngạc nhiên khi biết Somchai là dân cưỡi Harley làm HDV các tour caravan xuyên Đông Dương. Somchai kể: “Lần đầu đến Huế, mình ngồi trên xe, hơi bị đẹp trai và phong độ nên nhiều em chân dài đến làm quen và trò chuyện. Bạn bè đã dặn “Gặp con gái không được xuống xe” nhưng lần đó ách bụng, quên mất. Thấy mình “chấm, phẩy” đi vệ sinh, các nàng đều… lãng ra”.

Lên Bà Nà, Đà Nẵng, du khách khó tính thường phải mời bằng  được HDV lão thành Hoàng Xuân Tỵ. Dù đã ngoài 73, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Là thổ địa Bà Nà nên ông thông thạo từ cành cây ngọn cỏ, cho đến từng tuyến điểm và cả đặc thù từng loại khách. Những kiến thức từ hồi làm y tế, kiểm lâm càng giúp ông bổ sung nghiệp vụ HDV một cách hoàn hảo. Về hưu bên Kiểm lâm, ông xin chuyển sang làm cộng tác viên, tự học rồi được đặc cách cấp Thẻ HDV. Có lẽ ông là HDV có thẻ lớn tuổi nhất Việt Nam hiện nay. Ông sáng tác nhiều bài thơ, dạng hò vè để giới thiệu về Bà Nà, về Đà Nẵng. Giọng nói ông hình như có lửa và đầy ắp niềm tự hào về quê hương mình. Nhiều khách trở lại Bà Nà chưa hẳn vì cảnh đẹp mà muốn được nghe ông già Tỵ lạc quan kể chuyện.

Vào Đền Đô, ai cũng thích được HDV tuyến điểm kỳ cựu Nguyễn Đức Thìn. Dù tuổi đã 74, lại bị di chứng bệnh phong trước đây nhưng ông là pho sử sống của Đền Đô. Xuất thân là Giáo viên Tiểu học, làm Tổng phụ trách Đội, được phong Anh Hùng Lao Động, ông hiện là Ủy viên Tuyên truyền của Ban Quản lý, phụ trách mảng biên soạn lịch sử và các tư liệu, đào tạo và bồi dưỡng HDV tại Đền Đô, cũng là quê hương ông. Là người soạn thảo, đánh máy các văn bản, tham gia vận động trùng tu lại Đền Đô từ 1989, gắn bó với nghề HDV ở Đền Đô suốt 25 năm nay. Ông còn là tay máy nghiệp dư nhưng chộp được nhiều ảnh độc về Đền Đô, về Bát Đế Tiên vương. Đội ngũ HDV Đền Đô là một trong những lực lượng chuyên nghiệp, nhiệt tình và đáng yêu nhất của Ngành du lịch Việt Nam, một phần nhờ tấm gương nghị lực, tâm huyết với đời và với nghề của ông.

HƯỚNG DẪN VIÊN KHÔNG CÓ TUỔI! - 2

Nhà giáo Trần Tố Nga, Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh (Tổng thống Pháp tặng), dù đã ngoài 70, vẫn là HDV lịch lãm, uyên bác và tinh tế cho các Đoàn khách Việt đặc biệt. Ba chị em Trần Tố Nga (cựu Hiệu trường PTTH Marie Curie), Trần Tuyết Nga (Giám đốc, cũng là HDV số 1 của Khu Du lịch Một thoáng Việt Nam, Củ Chi), Trần Quế Nga (Biệt động Sài Gòn, cựu Hiệu trưởng trường PTTH Trần Phú, Tân Bình) đều là em của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thượng Tuấn, cựu Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ. Mang 2 quốc tịch, bà đi về như con thoi, là cầu nối cho các hoạt động nhân đạo, du lịch…của Việt - Pháp; là Cô giáo nghiệp vụ của nhiều HDV kỳ cựu, trong đó có tôi.

Đến Tam Cốc, Ninh Bình, khách thường truyền tai, rủ nhau, tìm cách đi thuyền ông Đoàn Văn Tếnh. Dù đã 84 tuổi, ông vẫn khỏe mạnh, chèo thuyền dẻo dai, cả 2 tay và 2 chân, cánh thanh niên lắm người theo không kịp. Ông tự chèo thuyền trên sông Ngô Đồng lúc lên 10 tuổi và phục vụ du khách từ khi Việt Nam đổi mới, Tam Cốc mở cửa đón khách. Đặc biệt, ông chỉ thuyết minh bằng chính thơ của ông. Hơn cả một Nhà “Tam Cốc học”, ông am tường đến mức có thể nhắm mắt, vẫn chèo thuyền đưa khách tham quan. Ông còn kể chuyện đời, chuyện đạo đức công dân bằng giọng thơ ấm áp, sâu nặng nghĩa tình. Hỏi ông chừng nào nghỉ hưu, ông bảo “Khi nào nhắm mắt xuôi tay”. Bởi công việc này là niềm vui, là lẽ sống để ông vượt qua gánh nặng thời gian. Ngồi thuyền ông, khách như được truyền thêm tinh thần lạc quan, phấn phấn dù cuộc sống còn lắm chuyện nhiễu nhương. Xin chép tặng bạn đọc bài thơ Con Cò của ông viết cách đây mấy năm, dân mạng sử dụng hà rầm mà không rõ tác giả. Thơ ông đủ sức in thành sách Huấn Ca để phổ biến rộng rãi.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT