Họa màu trên mành trúc

Nhắc đến xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM), người dân thành phố sẽ nghĩ ngay đến những chiếc mành trúc rực rỡ đung đưa trong gió. Nhưng trước sự thay đổi của thời đại, làng nghề tiểu thủ công truyền thống lâu đời của vùng "đất thép thành đồng" cũng đang dần mai một.

Bước chân vào một xưởng sản xuất mành trúc tại xã Tân Thông Hội, bạn sẽ nhìn thấy một thế giới màu sắc tuyệt đẹp trên các bức mành trúc vừa được vẽ xong. Chủ đề trên mành trúc rất đa dạng: phong cảnh sông nước Việt Nam, cảnh đẹp thế giới hay chân dung của các nhân vật nổi tiếng theo yêu cầu của khách hàng.

hoa mau tren manh truc - 1

Bên trong xưởng sản xuất mành trúc Tân Thông Hội.

Một bức mành trúc thành phẩm phải trải qua hàng chục công đoạn phức tạp và hoàn toàn làm thủ công bằng đôi tay tài hoa của người thợ.

Đầu tiên, những nhánh trúc thẳng và tròn đều được cắt thành đoạn nhỏ dài cỡ 6cm, sau đó đưa vào lò quay với cát để bỏ hết lớp lụa bên ngoài rồi đem ngâm trong nước hồ chống mối mọt và phơi nắng hoặc sấy.

Sau khi khô, các nhánh trúc sẽ được xâu lại với nhau thành từng dây bằng những sợi kẽm rồi khâu thành mành. Ðây là công đoạn rất quan trọng, đòi hỏi người thợ phải quan sát thật kỹ để dây mành được khâu đều và khít.

Tiếp theo, mành được người thợ lồng vào trục rồi dùng kìm xoay các sợi kẽm cho thật chắc. Phải là người có kinh nghiệm mới làm được, bởi nếu siết quá chặt thì dây sẽ bị cứng, còn nếu lỏng quá thì mành sẽ bị xệ.

hoa mau tren manh truc - 2

Công đoạn xỏ mành, khâu mành đều được thực hiện bởi đôi tay khéo léo của những người thợ lành nghề.

Bước cuối là tô vẽ lên mành. Từ sơn nguyên chất, người thợ sẽ phối màu để có những gam màu phù hợp. Việc pha màu sơn không có tỷ lệ hay công thức cố định mà phụ thuộc hoàn toàn vào sự quen tay của người thợ.

Sơn mành trúc không cần dùng cọ hay bút màu vẽ, người thợ chỉ dùng một miếng xốp thấm sơn và biểu thị chi tiết trang trí lên mành trúc. Việc tô vẽ nhìn có vẻ đơn giản nhưng kỳ tích lại xảy ra ở cả hai mặt mành trúc.

Những người thợ lâu năm cho biết, họ không học qua trường lớp mà quan sát, học hỏi từ những người đi trước rồi biến tấu thêm. Sự sáng tạo không giới hạn của những người thợ đã thổi hồn vào các tấm mành trúc, biến chúng thành những bức tranh phong thủy sống động, tinh tế đến không ngờ.

hoa mau tren manh truc - 3

Việc sơn mành không có công thức cố định.

hoa mau tren manh truc - 4

Những người thợ sơn chủ yếu học hỏi kinh nghiệm từ lớp người đi trước.

hoa mau tren manh truc - 5

Nhờ có đôi tay khéo léo và khối óc sáng tạo của các nghệ nhân, những tấm mành trúc Tân Thông Hội có vẻ ngoài vô cùng đẹp mắt và ấn tượng.

Thời kỳ hoàng kim của mành trúc Tân Thông Hội vào những năm 90 của thế kỷ 20. Khi ấy, mành trúc nơi đây vang danh khắp Nam Kỳ lục tỉnh, nhiều sản phẩm tinh xảo được xuất khẩu sang nước ngoài.

Thời ấy, các gia đình mở xưởng sản xuất đều có "của ăn của để", thu nhập lý tưởng. Nhưng thời đại thay đổi, vẻ mộc mạc, đơn sơ của mành trúc đã bị người tiêu dùng dần lãng quên.

Sau quy hoạch, trên địa bàn huyện Củ Chi cũng vắng dần những hàng trúc xanh ươm. Nguyên liệu sản xuất mành phải nhập từ các tỉnh thành lân cận với chi phí vận chuyển cao. Việc thưa dần đơn đặt hàng cũng khiến người thợ không còn tâm huyết với nghề. Thêm vào đó, người trẻ cũng dễ dàng tìm kiếm các công việc mang lại thu nhập cao mà bỏ lại màu sơn lấm lem cùng sự đau đáu giữ nghề của ông cha.

hoa mau tren manh truc - 6

Nghề làm mành trúc tại xã Tân Thông Hội đối mặt với nguy cơ bị mai một. Dù vậy, nhiều hộ sản xuất vẫn quyết tâm duy trì "lửa nghề". 

Hiện làng nghề mành trúc Tân Thông Hội chỉ còn duy nhất cơ sở sản xuất, kinh doanh mành trúc với 110 hộ gia công. Tổng số lao động tham gia sản xuất thường xuyên trên 440 lao động, chủ yếu là lao động nữ lớn tuổi nhàn rỗi, kết hợp công việc nội trợ với việc xỏ trúc.

Để thích ứng với thị trường, những người thợ của làng nghề mành trúc Tân Thông Hội đã biến tấu từ cách pha màu sơn, hình ảnh cho đến việc khảm thêm xà cừ, trai, ốc… tạo nét mới lạ, bắt mắt, nâng cao chất lượng sản phẩm đẹp, bền và nhẹ hơn với sản phẩm công nghiệp.

hoa mau tren manh truc - 7

Để thích ứng với thời đại, làng nghề mành trúc Tân Thông Hội không ngừng sáng tạo nên các sản phẩm mành chất lượng cao.

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP.HCM nhận định, do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh trên địa bàn Thành phố, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn tồn tại nhiều khó khăn, trong đó có hỗ trợ vốn, đặc biệt là với mặt hàng thủ công nghiệp…

Chính những khó khăn trên dẫn đến việc TP.HCM không bảo đảm được các tiêu chí về công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống theo quy định của Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Trong giai đoạn 2022-2025, TP.HCM triển khai kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, đồng thời bảo tồn làng nghề, ngành nghề, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống vùng nông thôn Thành phố.

Đáng chú ý, Thành phố sẽ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất phục vụ phát triển sản xuất; hỗ trợ vốn, tín dụng phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; hỗ trợ đào tạo nhân lực; hỗ trợ tham gia chương trình OCOP; hỗ trợ bảo vệ môi trường; hỗ trợ sản xuất gắn với hoạt động du lịch; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ khuyến công…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài: Phương Hà - Ảnh: Hải Triều, Văn Trung

CLIP HOT