Hẹn hò Vĩnh Thạnh

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh, cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 80 km, không chỉ là nơi hội tụ nhiều thắng cảnh, huyện miền núi Vĩnh Thạnh còn là địa bàn cư trú của đồng bào Bana với nhiều nét văn hóa độc đáo...

Những ngày này, khuôn viên sân vận động huyện Vĩnh Thạnh (thị trấn Vĩnh Thạnh) rộn ràng hẳn lên bởi nhiều người tập trung dựng trại để chuẩn bị tham gia Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XVI - năm 2022 diễn ra từ ngày 16 - 18.6 tại huyện Vĩnh Thạnh. Nếu bạn quan tâm đến văn hóa Bana Kriêm thì đây là thời điểm rất đáng có mặt ở Vĩnh Thạnh.

Hẹn hò Vĩnh Thạnh - 1

Người dân Vĩnh Thạnh tập trung dựng trại chuẩn bị Ngày hội. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Ngắm bà con dựng nhà trại theo kiểu nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số với vật liệu tranh, tre, gỗ, tôi mường tượng chỉ vài hôm nữa du khách đến đây sẽ ấn tượng với những nhà trại đẹp được dựng lên, đắm mình trong không khí rộn ràng ngày hội.

Dạo qua xã Vĩnh Hiệp, địa phương nằm kề thị trấn Vĩnh Thạnh, nơi có suối Tà Má ở thôn Hà Ri - điểm đến mới nổi gần đây với vẻ đẹp hoa trang rừng nở rộ. Đường vào con suối xinh đẹp này nay đã được đúc bê tông khang trang, ở đầu thôn còn có cây đa trăm tuổi kỳ vĩ rất đáng check-in bạn nhé. Suối Tà Má uốn lượn xuyên qua những thửa ruộng xanh biếc, cả một vùng không gian tươi đẹp trải ra trước mắt bạn.

Hẹn hò Vĩnh Thạnh - 2

Suối Tà Má mát rượi trong màu xanh ngăn ngắt. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Người Bana hiếu khách và thân thiện. Tôi ghé nhà chị Đinh Thị Hiền, ở thôn Thạnh Quang, xã Vĩnh Hiệp, để xem dệt thổ cẩm. Chị vừa dệt, vừa khoe sản phẩm thổ cẩm bà con làm ra tiêu thụ ổn định, thậm chí được nhiều du khách ở Hà Nội đặt hàng. Rồi chị vừa điêu luyện luồn chỉ dệt trên khung vừa cất lời một khúc ca Bana trong trẻo ngợi ca quê hương xinh đẹp.

Hẹn hò Vĩnh Thạnh - 3

Chị Đinh Thị Hiền, ở thôn Thạnh Quang, xã Vĩnh Hiệp (người đeo kính) đang dệt thổ cẩm. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Bạn đã lên Vĩnh Thạnh thì chớ bỏ qua hồ Định Bình ở xã Vĩnh Hảo, chỉ cách trung tâm thị trấn Vĩnh Thạnh khoảng 7 km. Tôi đã nhiều lần lên Vĩnh Thạnh-cả mùa nắng lẫn mùa mưa - và lần nào cũng lại đây để ngắm cảnh. Đứng bên hồ, phóng tầm mắt nhìn xung quanh là núi rừng xanh thẳm kéo dài về phía đường chân trời với làng mạc bao quanh, tận hưởng không khí trong lành giữa bốn bề nước chảy, cảm giác thư thả dễ chịu sau một hồi dang nắng. Ngược lên lòng hồ - nơi người dân địa phương nuôi cá lồng - cũng sẽ mang lại nhiều trải nghiệm thú vị trong chuyến du ngoạn Vĩnh Thạnh.

Đã nhắc đến Định Bình sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến vùng ôn đới Vĩnh Sơn. Đến đây, du khách có thể tham quan các thắng cảnh như thác hang Dơi, hồ thủy điện Vĩnh Sơn, những vườn rau xứ ôn đới; đặc biệt di tích thành Tà Kơn - một danh thắng tuyệt đẹp với những khối đá hình lục lăng xếp chồng lên nhau kéo dài như trường thành hùng vĩ giữa đại ngàn. Thành Tà Kơn đã đi vào sử thi Bana Kriêm, tương truyền nơi đây là căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn từ những ngày đầu khởi nghĩa.

Cuối ngày, trước khi trở về, ngang qua thị trấn Vĩnh Thạnh, bạn nên ghé vào đồi Lâm Viên để hít thở không khí trong lành giữa cảnh sắc tươi mát với những hàng thông xanh rì rào trong gió. Gần đồi Lâm Viên là hồ sinh thái Bàu Dum với khung cảnh cũng khá yên bình được tạo bởi chiếc cầu nhỏ bắt qua hồ, chính giữa có nhà vọng cảnh, quanh hồ muôn sắc cỏ cây, hoa lá bao bọc khiến cảnh quan trở nên thơ mộng.

Một ngày rong chơi ngắm cảnh, thưởng thức các món ăn chế biến từ thịt heo đen, gà thả đồi, ốc bươu bắt từ các hồ thủy lợị, nhộng tằm, nhắp thêm hương rượu Vĩnh Cửu - đặc sản nơi đây thì còn gì bằng! Bạn sẽ thấy Vĩnh Thạnh quyến rũ, đủ gọi mời bạn hẹn hò cho những lần sau.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Báo Bình Định)

CLIP HOT