Hành trình chinh phục Lùng Cúng
Đỉnh Lùng Cúng cao 2.913 m, thuộc huyện Mù Cang Chải, nằm trong top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Vài năm trở lại đây, Lùng Cúng thu hút một lượng lớn những người yêu thích leo núi vì địa hình rừng núi đẹp, cung đường leo ngắn với độ khó vừa phải.
Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh Lùng Cúng được đặt theo tên một bản làng nằm sâu trong vùng núi hiểm trở tại Nậm Có, Mù Cang Chải - bản Lùng Cúng. Từ chân núi lên tới đỉnh là 20km, nếu ngang qua thung lũng Tà Cua Y thì tầm 28km. Những người yêu thích leo núi đánh giá độ đẹp cung Lùng Cúng là 9/10 và độ khó là 5/10. Cung Lùng Cúng được đánh giá là dễ nhất trong 3 cung leo núi của Yên Bái (Tà Xùa, Tà Chì Nhù và Lùng Cúng). Tuy nhiên hành trình cũng khá gian nan bởi chỉ có tiến lên, nhiều đoạn dốc thẳng đứng. Để tới được chân núi, đi từ Tú Lệ vượt qua 15km đường đá hộc đến điểm bắt đầu leo ở bản Tu San.
Rời bản Tu San là chính thức bước vào hành trình chinh phục Lùng Cúng. Những con dốc thẳng đứng có thể khiến bạn mất sức ngay từ những bước chân đầu tiên, nhưng nếu như đã chuẩn bị một thể lực tốt thì không quá khó khăn.
Càng vào sâu, rừng càng rậm và âm u hơn, những con dốc lấp ló nối tiếp. Nhưng đổi lại là một khung cảnh tuyệt đẹp như cõi tiên. Những ngọn núi cao ở Tây Bắc thường có suối nước và Lùng Cúng cũng vậy, những con suối chạy dọc theo đường lên, qua địa hình hiểm trở, thay vì những con suối nhỏ lại là thác nước tuyệt đẹp.
Cùng với đó là cả một hệ thống rừng nguyên sinh đa dạng và cực kỳ hoang sơ, đẹp vào hàng bậc nhất Việt Nam, gồm: rừng cỏ lau, rừng cây hạt dẻ cổ thụ, rừng trúc Nậm Có, rừng phong lá đỏ, rừng hoa đỗ quyên và rừng táo mèo cổ thụ. Do đó, mỗi mùa trong năm, Lùng Cúng lại sở hữu vẻ đẹp khác nhau.
Những cây rừng cổ thụ cao tít. Ảnh: Kkday.
Những thảm thực vật phong phú tạo nên những "thước phim” lãng mạn ngay trong hành trình của những chiến binh chinh phục đỉnh núi. Những rừng cây cổ thụ cao tít, dưới chân là tấm thảm hoa. Càng lên cao mây mù bắt đầu bao phủ dày đặc khắp cánh rừng. Khu lán trại được những người dẫn đường, gùi đồ chọn ở nơi bằng phẳng, nếu muốn trải nghiệm ngủ trại trong rừng thì có thể cắm trại tại đây. Song đa phần mọi người chọn ở trong những lán gỗ của người bản địa dựng sẵn, kín gió với những sập gỗ như chiếc giường lớn. Tối đến, cả đoàn quây quần bên ngọn lửa cùng những bắp ngô thơm phức, lắng nghe những người dẫn đường kể chuyện về những thuật đi rừng để không bao giờ bị lạc, hay văn hóa của người Mông nơi đây và không quên nhắc mọi người nghỉ sớm, hẹn ngày mai ngắm mây "bồng bềnh”.
Theo kinh nghiệm của những người bản địa, bình minh trên đỉnh là thứ đáng giá nhất trong mỗi chuyến đi, tuy nhiên nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố thời tiết. 5 giờ đoàn lên đường, cảm giác vẫn còn trong màn đêm tịch mịch, hơi rừng lạnh buốt. Đoàn người soi đèn pin và đi lên đỉnh núi, càng lên cao càng thấy trời sao hiện rõ, biển mây lấp ló trong đêm.
Đến gần đỉnh núi, khung cảnh trở nên quang đãng, không gian bao la. Xung quanh tứ phía đều là núi, gió phần phật. Bên dưới là những bản làng nhỏ, xa tít. Đỉnh Lùng Cúng khá bằng phẳng, rộng rãi, không gian khoáng đạt và mênh mông, chỉ toàn đồi cỏ cùng những bụi cây thấp.
Đứng ở đỉnh Lùng Cúng có thể ngắm thung lũng mây bay bên dưới, nơi có bản Lùng Cúng. Rồi nhìn sang xã Chế Cu Nha hay xa hơn là núi rừng xã Nậm Xây (huyện Văn Bàn, Lào Cai). Lúc ấy bạn sẽ chẳng còn nhớ những đoạn đường gian nan, những con dốc, những bước chân mỏi mệt, chỉ lặng yên cảm nhận hùng quan kỳ vĩ của đất trời với thiên đường mây Lùng Cúng dưới chân.