Du lịch bụi, ấm lòng gặp người Việt ở Hà Lan

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vừa nghe người đồng hương đến thăm, chị Huyền chạy xe đến chở tôi đi ăn phở Việt Nam do Tây nấu. Tô phở to gấp 2 lần tô phở ở nhà, dành cho người dân có chiều cao trung bình 1,9 mét.

Du lịch bụi, ấm lòng gặp người Việt ở Hà Lan - 1

Phan Hùng chuyên giúp đỡ người Việt lạc đường ở Hà Lan

Luôn có người tốt xung quanh, dù là bạn đang ở đâu

Từ Brussels, tôi đáp chuyến tàu trưa đến Charleroi để thoát khỏi cảnh thủ đô du lịch ồn ào, trung tâm văn hóa và chính trị của châu Âu. Tôi thích ngồi cửa sổ ngắm kiến trúc cổ của ngôi nhà màu trắng vương nhiều cành lá phía đối diện, buổi tối lạnh cóng với những ai không thích hội hè mà lại đến từ miền nhiệt đới như tôi chỉ muốn về nhà.

Ánh sáng ấm cúng phía khung cửa đó lại mang màu vàng, như những ngôi nhà trên phố cổ Hội An. Phía dưới đường lát gạch từ bao nhiêu năm trước là tiếng hò hét của khách du lịch say, đi từng tốp chọc phá lẫn nhau.

Ga tàu Charleroi đầy những người nghiện chân thấp chân cao xin tiền người đi tàu. Lữ khách độc hành như tôi sợ nhất là cảnh bị đám nghiện vây quanh, huống chi là đám nghiện cao to. Nhưng luôn có người tốt xung quanh dù là bạn đang ở đâu. Những người tốt ấy xuất hiện trong hình dáng của cặp vợ chồng người Hồi giáo, có lẽ gốc người Nam Á đến gần và hỏi họ có thể giúp gì được tôi không.

Đưa tôi đi hết quãng đường trong ga tàu, họ còn đứng chờ tôi mua vé xe buýt từ máy bán vé đã được lắp đặt nửa thế kỷ trước. Còn trong cơn hoảng sợ, tôi chỉ lúng búng nói được câu cảm ơn mà quên bẵng hỏi thăm họ là ai, đến từ nơi đâu. Cổng ga tàu đông người, tôi chui vội vào taxi, không kịp chộp tấm ảnh nào ở nhà ga.

Ra khỏi nhà ga đó là những con đường vắng lặng, trời vẫn lạnh buốt dù nắng rực. Tôi tự hỏi người dân làm gì hai ngày cuối tuần sau những ngôi nhà đóng cửa ấy. Còn tôi thoải mái rảo bước xung quanh.

Xa xa là những nhà máy bỏ hoang phế, thỉnh thoảng lại có nét vẽ graffiti nguệch ngoạc trên tường lâu năm chỉ bị bong lớp sơn bên ngoài. Đường phố rộng rãi mà hàng quán nhỏ xíu. Người bán, có lẽ là chủ nhà hàng không nói sõi tiếng Anh, nhìn chằm chằm thực khách để cố hiểu tôi đang đặt món gì.

Chai bia Bỉ thật đắng, ngồi suốt buổi trong quán tôi chỉ uống được gần phân nửa, xung quanh cũng chẳng có ai. Chỉ có người đi sắm tụ tập đông ở siêu thị mua thức ăn cho cả tuần. Đông mà chẳng ai nói với nhau câu nào. Thành phố được mệnh danh xấu nhất thế giới này không vì thế mà xấu xí, tôi lại cảm thấy một vẻ đẹp của ngày buồn kéo dài mãi trên xứ này.

Bác tài xế xe buýt vội đóng cửa mặc khách vẫn đứng đợi vì vội vã về nhà cùng vợ con. Có lẽ bên ngoài lạnh lẽo nhưng bên trong những ngôi nhà kín cửa ấy lại ấm áp.

Du lịch bụi, ấm lòng gặp người Việt ở Hà Lan - 2

Bỉ sản xuất ra rất nhiều loại phô mai, vì phô mai tươi không để được lâu nên người dân bày bán vào mỗi hội chợ cuối tuần, không bán dài ngày ở siêu thị được. Chỉ có ở hội chợ mới thấy người dân tụ tập ăn uống cùng nhau.

Suốt ba ngày vật vờ hít thở không khí tỉnh lẻ để lấy lại năng lượng, tôi mới can đảm bước chân vào chiếc nhà ga bất ổn ấy lại, để sang Amsterdam. Tôi kéo lê vali trong dòng người vào các toa tàu cũ kỹ nhưng vững chắc. Những kẻ nghiện lại lãng vãng xung quanh mà không tụ tập đông như ngày cuối tuần. May quá, nhà ga đông người trong ngày đầu tuần.

Một phụ nữ người Nga nhập cư trong áo khoác đỏ chạy theo tôi nói chuyện. Cô đến Amsterdam gặp người yêu, thỉnh thoảng cô lại nheo mắt khi lấy chai rượu nhỏ từ áo khoác ra làm vài hớp. Người phụ nữ Nga ở độ tuổi trung niên nhưng thời gian vẫn giữ cho cô nhiều nét đẹp, cô cứ nhắc hoài về những người hàng xóm lâu năm khó tính, hẹn hò ở Charleroi như bia Bỉ pha nước loãng.

Ở Amsterdam, hẹn hò đượm hương vị hơn. Có lẽ cô ấy nhắc đến hương vị khen khét pha mùi gỗ mục mà thành phố tự do đấy luôn đượm mùi - đó là cỏ. Gật gù theo câu chuyện của người phụ nữ Nga, ánh mắt tôi cứ dán vào vào cửa sổ, bên đường là những hàng cây dại khô héo che khuất những tòa nhà bỏ hoang.

Người Việt mình thương nhau thật

Hơn 5 giờ chiều, vừa đặt chân xuống ga tàu trung tâm Amsterdam là tôi đã cảm thấy nhịp sống hối hả của người dân thủ đô Hà Lan. Tàu vừa dừng lại là đoàn người hối hả chạy lên tàu, có lẽ để về kịp bữa cơm chiều vì phải nửa tiếng sau mới có chuyến nữa.

Tôi như lọt thỏm trong đám đông to lớn trên chiếc thang cuốn. Có lẽ đây là các cô gái to lớn mang thân hình đồng hồ cát bó gọn trong quần jeans phấn khích chờ được đưa đến khoảnh khắc huy hoàng ở đầu cầu thang, còn người cuối cầu thang được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sự phồn thực.

Cuộc sống có vẻ bận rộn đấy, nhưng người Amsterdam không có vẻ lạnh lùng trầm lặng. Từng nhóm người cười nói ra vào ga trong lúc hối hả là thế, mà khi tôi hỏi đường ra metro thì cả nhóm bạn trẻ nhiệt tình, nhốn nháo tranh nhau chỉ đường. Tôi mỉm cười và câu nói "C'est La Vie" bật lên trong đầu.

Du lịch bụi, ấm lòng gặp người Việt ở Hà Lan - 3

Bờ kênh cạnh nhà ga trung tâm Amsterdam

Ga tàu trung tâm Amsterdam nằm trong tòa nhà khổng lồ cổ kính xây dựng từ thế kỷ 19 theo phong cách thời Phục hưng, nhưng các con tàu chạy trong các tuyến ngầm đều đã được cải tạo rất hiện đại tỏa đi khắp miền đất nước, sang tới Pháp, Bỉ, Đức. Rời nhà ga trung tâm phố cổ nên thơ cạnh dòng sông, tôi về khách sạn mãi tít tận cuối tuyến đường metro. Vừa vào khách sạn là thấy tin nhắn bay tới tấp vào điện thoại.

“Khi nào chị tới Delft ngồi nghỉ ngơi đợi em một chút nhé. Em đang trình bày với giáo sư, xong em gọi và ra đón chị ở ga Delft ạ.”

“Em đang ở ga Delft ạ, khi nào chị tới thì gọi em nhé, trên tàu và ga có wifi ạ”.

“Em vẫn đang ngồi đợi tại ga ạ.”

Mấy dòng tin nhắn là từ một người đồng hương đang chờ mình tại ga tàu ở thành phố Delft trong khi mình lại theo tàu vào thủ đô Amsterdam chỉ vì không biết đi vào Delf như thế nào. Chàng trai đồng hương, Phan Hùng, đang vật lộn với đề tài nghiên cứu tiến sĩ về việc chống xói lở ở Đồng bằng sông Cửu Long tại trường Đại học TU Delft, vừa lo trình bày với giáo sư tiến triển của đề tài, vừa lo chị đồng hương từ Việt Nam sang tập tành đi du lịch bụi mà chẳng có một chút kiến thức phượt nào trong tay.

Tôi đã vật lộn với mớ bòng bong đặt vé tàu nhanh quốc tế và chỉ dám nghĩ đi một mạch từ Charleroi, Bỉ và xuống tuyến cuối ở Amsterdam, Hà Lan. Muốn gặp người đồng hương lo chỗ ăn chỗ nghỉ cho mình ở Delft phải lên từ con tàu nào đó, canh me đến trạm Rotterdam rồi mới đi vào Delft. Tàu ở Rotterdam tỏa đi nhiều ngả, chỉ có 10 phút để đổi tàu trong một trạm ga khổng lồ có rất nhiều đường ray. Ở TPHCM, tôi chỉ nhảy lên con ngựa sắt chạy khắp phố, bí đường thì dùng xe ôm. Mà ở Charleroi thì chẳng ai nói tiếng Anh để cô gái hỏi đường. Thế là xuống ga cuối cho xong. Tới nơi mới biết đồng hương đang chờ mình tại Delf, tôi thấy mình bật khóc, sao người Việt mình thương nhau thế.

Tôi mới chỉ gặp Hùng có vài tiếng ở Đại học TU Delft. Sang Hà Lan chơi cũng chỉ nghĩ mình gặp đồng hương nói chuyện một tí, vậy mà người bạn này đã lo mình bị lạc. Dù Hùng không nói ra, tôi biết rằng Hùng lo cho mình lạc vào Utrecht, nơi có vụ xả súng vào người đi tàu điện ngầm vào thời gian trước.

Hùng kể lúc đầu mình mới qua Hà Lan cũng vậy, không dám đi đâu vì các dịch vụ vận chuyển đều được tự động hóa, hành khách cứ thế mua vé trên các trang web có đầy đủ thông tin rồi, hoặc đến ga mua vé qua quầy tự động trong khi mình thì không biết tuyến đường ở đây thế nào cả. Nhưng cộng đồng sinh viên ở đây rất gắn bó, họ là những người giúp Hùng vượt qua ngày đầu khó khăn nên anh rất có trách nhiệm với những người mới đến. Anh là đại diện của các sinh viên Việt giúp đỡ những người mới sang làm quen với cuộc sống bên đó mà chẳng vụ lợi gì.

Điều này cô gái như tôi chưa bao giờ nghĩ tới khi đi nước ngoài. Trước kia tôi chỉ nghe nói cộng đồng người Việt ra nước ngoài mang tiếng khô khan, không còn nhiều tình cảm như trong nước. Họ lại chẳng kể người Việt giúp nhau thế nào, sinh viên mang tinh thần lực lượng "tình nguyện xanh" sang xứ người thế nào. Thế mới thấy là việc tốt thì ít được người khác khen làm gương, việc xấu thì đồn năm thổi mười, thành ra chính người Việt “dìm hàng” người Việt chứ chưa đợi đến người ngoài nói.

Tôi, một kẻ "điếc không sợ súng" đã bắt tàu vào Utrecht ngày hôm sau. Vâng, Utrecht nơi đã có vụ xả súng mà những kẻ đồng phạm vẫn chưa bị bắt hết. Sau khi được Hùng trang bị rành rọt cách sử dụng phương tiện vận chuyển gồm xe buýt, tàu trạm và metro tôi đã quyết định đến thăm thành phố cổ nên thơ gần Amsterdam chỉ mất 30 phút tàu chạy.

Bên ngoài ga tàu hiện đại chỉ xây toàn bằng kính như các nhà kính trồng rau tại Hà Lan là một thành phố cổ rất duyên dáng. Vẫn còn dư âm của vụ nổ súng nên các anh cảnh sát cao trên 1,90 mét, một chiều cao bình thường ở Hà Lan, đi tuần đặc kín khu chợ ngoài ga với vẻ mặt nghiêm trọng, tuy nhiên cũng không quên dừng mắt lại ở những nữ du khách xinh đẹp đang há mồm chữ o, xuýt xoa sao nhiều cảnh sát thế.

Hẹn chị Hải Anh, một cựu đạo diễn phim tài liệu tại đài HTV ở chân nhà thờ cổ nhất thành phố Utrecht, Dom Tower, tôi ngồi chờ ở gốc cây to trước con hẻm dẫn vào nhà thờ cao nhất ở Hà Lan được xây từ những năm 1320 mà chưa được hoàn thành vì thiếu tiền. Gió thổi mạnh xung quanh khu đất rộng bên nhà thờ đang trùng tu sửa phần chóp. Người dân ở đây kể rằng đã có vụ phản đối giữa người dân thành phố và nhà thầu trùng tu di sản văn hóa từ thế kỷ thứ nhất này mà việc tu bổ mới được thi công lại. Nhìn các công trình hàng quán xung quanh, tôi tâm đắc với những căn nhà ống nhỏ cổ được tu bổ hiện đại làm cho đường phố rất hài hòa. Những quán cà phê nhỏ trang trí y như những quán trà sữa ở Sài Thành.

Bạn đường với tôi nơi gốc cây là một người nghệ sĩ đường phố đang chơi đàn guitar, hát lại các bài rock’n’roll thập niên 70-80. Giọng người nghệ sĩ luống tuổi vẫn khỏe khoắn nhấn nhá các đoạn lên giọng kéo dài bình tĩnh. Đến cuối bài, giọng ông trầm lại và hỏi thăm cô gái đến từ đâu. Sau một hồi trò chuyện rôm rả, cô gái đánh bạo hỏi ông đã hát ở đây bao lâu rồi. Ông cười nháy mắt hỏi lại “Cô muốn hỏi tôi đã hát bao lâu rồi hay ra đường phố bao lâu?”. Ông kể mình ra hát ở đây rất lâu rồi, kể từ khi ông biết chơi guitar. Không biết trả lời sao, cô gái mừng húm khi thấy chị Hải Anh.

Vội vàng cám ơn người nghệ sĩ đường phố già, tôi theo người đồng hương ra khu chợ phiên cạnh ga tàu thử món cá sống herring. Đất nước cảng này luôn có hải sản sống, cá herring sống của họ rất tươi, được lọc sạch xương giữa nhưng vẫn giữ đủ hình thù của em cá rồi ướp muối tiêu, ăn cùng với dưa leo chua và chanh. Cách ăn cá này không sang như ăn gỏi cá mai sống ở Việt Nam, mà chỉ đơn giản là cầm đuôi cá dốc ngược lên và bỏ vào miệng.

Rồi chị Hải Anh kéo tôi về khu vườn hoa đầy màu sắc. Ở nhà, vẻ ngoài phong trần của người cựu đạo diễn bay đi đâu mất, chỉ thấy người phụ nữ Việt tươi cười chăm sóc những đóa hồng cạnh bờ rào và có khả năng kể về những đóa hoa mùa trước tới tận 2 tiếng đồng hồ. Chị kể nào là người Hà Lan hiền hòa lắm, thấy chị làm vườn buổi sáng là hay chạy sang bắt chuyện hỏi han rồi mới đi làm. Rồi là chị không giỏi tiếng Hà Lan, tiếng Anh thì tự học nhưng người Hà Lan chẳng làm chị tự ti tí nào.

Du lịch bụi, ấm lòng gặp người Việt ở Hà Lan - 4

Cánh đồng hoa tulip đầu mùa Keukenhof, Lisse, Nam Hà Lan

Tôi lang thang trên đường phố Amsterdam tuyệt đẹp, mùa này hoa tulip chỉ mới chớm nở. Thành phố được mở rộng ra từ thị trấn cổ từ những năm 1500 vẫn dày đặc những ngôi nhà cổ nhỏ. Cửa hiệu mọc ra bên dưới quanh kênh đào của thành phố. Bên góc đường, có tờ poster quảng cáo “Tình bạn chỉ tốn 15 EURO dẫn đến các ngõ đi vào phố đèn đủ món ăn chơi". Các cô gái xinh đẹp đứng sau khung cửa kính xen lẫn những phụ nữ da đen lớn tuổi trong chiếc đầm ngủ xinh xắn, cười vui vẻ với người qua đường. 

Ở Amsterdam, tôi không còn bắt gặp nét chân chất điềm đạm của người Việt ở xứ Hà Lan nữa mà toát lên nét hiện đại năng động. Sáng thứ Sáu, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền lái xe vào khu trung tâm đón tôi.

Nhập cư vào Hà Lan đầu những năm 2000 nay chị nằm trong danh sách một trong số người Việt thành công ở Hà Lan. Chị Huyền đang là Trưởng phòng mua hàng của công ty Hà Lan Beagley Copperinan, là người chuyên mang nước mắm, bún khô, cà phê trong nước sang Hà Lan xuất khẩu kể từ khi các siêu thị nước này vẫn còn vắng bóng hàng Việt Nam.

Vừa nghe người đồng hương đến thăm Amsterdam là chị Huyền chạy xe đến chở tôi đến thăm công ty, đưa đi ăn phở Việt Nam do Tây nấu cho biết. Tô phở ở Hà Lan to gấp 2 lần tô phở ở nhà dành cho người dân có chiều cao trung bình 1,9 mét. Húp hương vị phở xa lạ, tôi lại ấm lòng vì người đồng hương không quản đường xa đến gặp. Có lẽ chuyến đi đến Hà Lan không đẹp và ấm như vậy nếu không được gặp người Việt xa xứ luôn đón chào đồng hương đến thăm xứ sở ngàn hoa.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài và ảnh: Mỹ Huyền

CLIP HOT