Độc đáo sản phẩm làng nghề Bình Định

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đến Bình Định, du khách không chỉ được đắm mình vào khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp, khám phá nét đẹp văn hoá ngàn năm của các di tích Chămpa, nghệ thuật Tuồng, bài Chòi, thưởng thức những tiết mục võ cổ truyền độc đáo, mà còn có dịp ghé thăm và trải nghiệm một cuộc sống dân dã, bình dị của những làng nghề nổi tiếng trên vùng đất kinh đô xưa.

Độc đáo sản phẩm làng nghề Bình Định - 1

Tuy không nổi tiếng như 36 phố phường của Thành Thăng Long, nhưng Bình Định, vùng đất từng là kinh đô của Vương triều Chămpa, của chính quyền Trung ương Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc cũng là nơi nổi tiếng nhiều làng nghề truyền thống lâu đời với vô số sản phẩm độc đáo, giàu hàm lượng văn hoá của miền đất Võ.

Cách Thành phố Quy Nhơn khoảng 30km về hướng Tây Bắc, du khách theo quốc lộ 1A đến xóm Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn là đến làngRượu Bàu Đá, một trong những đặc sản của tỉnh Bình Định được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận nằm trong TOP 10 đặc sản rượu nổi tiếng Việt Nam. Ngoài yếu tố gia truyền trong việc chưng cất thì bàu nước trong vùng, nơi hội tụ những mạch nước ngầm chảy ra từ các ngọn núi xung quanh cũng là yếu tố đã làm nên danh tiếng, mùi vị riêng của rượu Bàu Đá. Không chỉ vậy, sự nổi tiếng của rượu Bàu Đá còn nằm ở phương pháp nấu rất thủ công, ở cái nậm sành cổ đặc trưng cho văn hóa người Việt, ở chỗ say nhưng không bị nhức đầu. Ngày nay, tiếng tăm của Rượu Bầu Đá đã lan rộng cả nước, trở thành một món quà không thể thiếu đối với mỗi du khách khi đến thăm Bình Định.

Đến Nhạn Tháp, mới đầu làng đã cảm nhận được sự rộn ràng khi nghe tiếng cắc cụp của những nhát đục, nhát chạm và âm thanh xè xè của tiếng cưa gỗ vọng đều. Làng nghề Tiện gỗ mỹ nghệ ở đây từ lâu nổi tiếng với những sản phẩm chất lượng, tinh xảo và mang đậm đặc trưng văn hóa Bình Định. Sản phẩm làm ra không chỉ tiêu thụ trong vùng, trong nước mà còn xuất khẩu đến các nước: Trung Quốc, Nhật Bản… Đến với làng tiện mỹ nghệ Nhơn Hậu, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những món đồ mỹ nghệ tinh xảo làm từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân lành nghề mà còn được trực tiếp hòa mình vào các hoạt động nơi đây và có thể mua cho mình một vài sản phẩm để làm quà cho bạn bè, người thân.

Độc đáo sản phẩm làng nghề Bình Định - 2

Về thôn Bằng Châu, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, du khách nhớ dừng chân tham quan và chiêm ngưỡng những tác phẩm công phu, mang tính mỹ thuật cao của những người thợ Làng đúc đồng Bằng Châu với nhiều sản phẩm đa dạng như các loại đèn thờ, nồi, bung, mâm, hộp đựng trầu, khay, chiêng, cồng… và các loại vật dụng trang trí. Đây là một trong các làng nghề truyền thống lâu đời có cách đây hơn 200 năm. Thời Gia Long, đã tuyển một số thợ có tay nghề cao ở đây ra Huế vừa phục vụ trong triều đình vừa tham gia đúc đồng trong các tượng cuộc. Sau khi mãn hạn lính kinh thì họ về quê tiếp tục mở lò đúc đồng và cha truyền con nối cho đến ngày nay. Hằng năm, cứ đến ngày 17-3 âm lịch, nhân dân tổ chức lễ hội tưởng nhớ những người có công phát triển làng nghề.

Độc đáo sản phẩm làng nghề Bình Định - 3

Chuyến đi sẽ thật thiếu sót nếu bạn quên dừng chân ghé thăm làng mai Háo Đức, nơi được xem là thủ phủ của nghề trồng mai vàng thương phẩm ở Bình Định. Từ lâu cái tên mai Háo Đức đã trở thành một thương hiệu có mặt ở khắp các vùng miền trong cả nước từ Nam ra Bắc, nơi được xem là xuất xứ làng mai chậu, mai thế nổi tiếng Việt Nam. Làng Háo Đức được thiên nhiên ưu đãi ban tặng khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nên cây Mai ở đây có điều kiện phát triển và thăng hoa. Trung bình mỗi nhà ở đây có đến gần 1000 chậu mai được chăm sóc, cắt tỉa, tạo các thế, dáng độc đáo. Cứ mỗi dịp xuân về làng mai lại nhộn nhịp người xe và một rừng hoa đua nhau khoe sắc vàng rực rỡ đầy kiêu ngạo trước sự trầm trồ, khen ngợi của du khách gần xa.

Độc đáo sản phẩm làng nghề Bình Định - 4

Đến thăm xã Cát Tường, huyện Phù Cát chắc chắn bạn sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị về những nét đặc trưng rất riêng của làng nón Phú Gia. Không quá mềm mại như chiếc nón Huế, cũng không quá “điệu đà” như chiếc nón quai thao nhưng nón Phú Gia chắc chắn, đủ bền để cùng người miền Trung đi qua bao mùa nắng gió. Đặc biệt, nơi đây nổi tiếng trong và ngoài nước với sản phẩm nón Ngựa độc đáo, không chỉ đẹp, cầu kỳ trong thi công mà còn bởi giai thoại về sự ra đời và tên gọi của nó. Hiện nay, trong một từ đường họ Nguyễn thuộc thôn Phụng Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy phước, tỉnh Bình Định) còn lưu giữ chiếc nón Ngựa trên 180 năm tuổi, chiếc nón là biểu tượng cho niềm tự hào về một thời lừng lẫy của dòng tộc, là ý thức gìn giữ những giá trị nhân văn tốt đẹp, nó như một báu vật quý giá mà ông cha đã để lại cho họ. Về làng nón Phú Gia, du khách sẽ không khỏi ngưỡng mộ trước sự khéo léo, tinh tế của các cô thôn nữ, các chị, các mẹ cắm cúi bên khung lợp, cảm nhận sự thanh bình, duyên dáng mà có lẽ không làng nón nào trên đất nước này có được. Đây chắc chắn sẽ là món quà rất ý nghĩa mỗi khi du khách đến Bình Định.

Hàng trăm năm đã đi qua, nhưng cái giản dị, hồn hậu của những làng nghề trên đất Bình Định cứ thầm lặng đan vào cuộc sống, lặng lẽ, hiền lành và cần mẫn như chính những con người nơi đây. Những ngày đầu năm, trời hanh hao, nắng không đủ vàng nhưng đủ lấp lánh những bờ tre, lối cỏ… hãy cùng tôi về Bình Định thăm những làng nghề hàng trăm năm tuổi, hoà mình vào cuộc sống lao động nơi đây và chiêm ngưỡng các sản phẩm độc đáo từ những người thợ tài hoa, khéo léo…

                                                                         Thu Trinh – (TTTTXT Du lịch Bình Định)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT