Đô thị Du lịch Quốc gia Phan Thiết - Bình Thuận, chào năm mới!
Sau gần 20 năm hình thành và tăng trưởng nhanh, thương hiệu du lịch biển Bình Thuận ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường cả trong nước và quốc tế. Bước vào năm 2013, ngành du lịch Bình Thuận tiếp tục khởi sắc với nhiều đột phá mới để đảm bảo sự phát triển bền vững của một trung tâm du lịch quốc gia
So với các trung tâm du lịch lớn của cả nước, du lịch Phan Thiết - Bình Thuận còn khá non trẻ. Nhưng với tiềm năng, các chính sách phù hợp và sự quan tâm của địa phương ngành du lịch liên tục tăng trưởng và đang dần trở thành một đô thị du lịch quốc gia. Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bình Thuận có nội dung xây dựng thành phố Phan Thiết trở thành đô thị du lịch trọng điểm với thương hiệu Khu Du lịch Quốc gia Mũi Né và những sản phẩm du lịch đặc trưng. Bên cạnh nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia nổi tiếng như: tháp Chăm Pôdam, tháp Pô Sah Inư, Chùa núi Tà Cú, Truờng Dục Thanh, dinh Thầy Thím…địa phương còn sở hữu nhiều lễ hội truyền thống như Nghinh Ông, Cầu Ngư, Trung Thu, Ka Tê, Dinh Thầy Thím và nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn được tổ chức hàng năm. Trở thành một trung tâm du lịch quốc gia trong tương lai gần, Bình Thuận còn phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển cảnh quan du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Thời gian đến sẽ có các công trình văn hóa, thể thao và du lịch cấp quốc gia, sẵn sàng tổ chức thành công các sự kiện quy mô thế giới, chắc chắn hình ảnh du lịch nghỉ dưỡng biển sẽ còn bay cao và bay xa hơn nữa.
Tiếp tục khẳng định vị thế của một đô thị du lịch quốc gia, Ngành Du lịch Bình Thuận còn tạo nên những bước đột phá mới. Đó là đột phá trong tăng trưởng doanh thu, bình quân hàng năm lượng khách đến tăng từ 12-20%, doanh thu tăng khoảng 30%, trong đó năm 2012 đạt 3,2 triệu lượt du khách đến, doanh thu 2012 đạt hơn 4.300 tỷ đồng. Không phải ngẫu nhiên mà Mũi Né – Phan Thiết hiện đang là “Thiên đường nghỉ dưỡng” của du khách quốc tế, một “Làng Nga” của Việt Nam với hơn 30% lượng du khách Nga trong tổng số lượng khách quốc tế đến hàng năm. Chiến lược phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2020 cũng đã nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2015 Bình Thuận sẽ thu hút 4,5 triệu lượt khách (khách quốc tế 500.000 lượt) và doanh thu đạt trên 7.500 tỷ đồng; tăng mức chi tiêu của du khách và hấp dẫn du khách quay lại nhiều lần hơn, lưu trú lâu hơn.
Kêu gọi những dự án đầu tư du lịch lớn cũng là một bước đột phá mới để luôn là điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế. Bình Thuận tạo điều kiện ưu đãi và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng Mũi Né trở thành Trung tâm Thể thao biển Quốc tế dựa trên những tiềm năng vốn có, tập trung nâng chất lượng toàn diện Khu Du lịch Hàm Tiến – Mũi Né. Nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2015 của Tỉnh ủy Bình Thuận nêu rõ: Tiếp tục kêu gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án, những tổ hợp du lịch – dịch vụ vui chơi, giải trí quy mô lớn, chất lượng cao. Chỉ tính riêng dải bờ biển thành phố Phan Thiết đã có hàng loạt dự án quy mô cả diện tích và vốn đầu tư đã và đang khẩn trương xây dựng và đưa vào hoạt động kinh doanh.
Một trong những đột phá của Ngành Du lịch Bình Thuận là phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm du khách quốc tế yêu thích như nghỉ dưỡng biển, thể thao biển, ẩm thực, văn hóa, mua sắm và giải trí cao cấp. Bình Thuận đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ để phát triển đa dạng về loại hình, sản phẩm du lịch, chú trọng khai thác tài nguyên du lịch độc đáo, hấp dẫn, nổi trội của địa phương để tạo ra sản phẩm du lịch chuyên biệt với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; thể thao biển, lễ hội truyền thống. Có thể kể ra một số giải thi đấu, Lễ hội, festval quy mô quốc tế lần lượt tổ chức tại Bình Thuận những năm gần đây như: giải lướt ván buồm cúp thế giới, giải lướt ván diều vòng châu Á tổ chức hàng năm, Festival thuyền buồm quốc tế, Lễ hội khinh khí cầu quốc tế, giải bán maratong quốc tế và sắp tới là một trong 3 thành phố của Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thể dục Thể thao Biển châu Á năm 2016…
Đô thị du lịch trọng điểm quốc gia Phan Thiết – Bình Thuận hôm nay còn hướng đến đô thị du lịch xanh bền vững. Một trong những giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển du lịch là bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Ngoài ưu tiên các dự án du lịch có giải pháp cụ thể trong vấn đề giảm thiểu và giải quyết ô nhiễm để luôn giữ môi trường trong sạch, Bình Thuận còn khuyến khích doanh nghiệp du lịch quan tâm đến các biện pháp tiết kiệm năng lượng, xây dựng môi trường du lịch thân thiện. Đã có nhiều thương hiệu du lịch đẳng cấp ở Phan Thiết giành những giải thưởng về môi trường nổi tiếng như: Tòa nhà hiệu quả năng lượng ASEAN, Toàn cầu xanh của tổ chức Green Globe, Giải thưởng The Guide Awards Sen Xanh, Thương Hiệu Xanh và Khách sạn xanh ASEAN...
Quy hoạch chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 của Bộ VHTTDL, Mũi Né – Bình Thuận đã được xác định là một trung tâm du lịch quốc gia để tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng, quy hoạch chiến lược phát triển và xúc tiến quảng bá thương hiệu. Tăng cường hợp tác du lịch với TP.Hồ Chí Minh và Lâm Đồng xây dựng các tour, điểm đến với những thế mạnh đặc thù của từng địa phương nhằm thu hút du khách. Bình Thuận cũng đã và đang có các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh như Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, Khánh Hòa, hay xa hơn là với các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ và Tây nguyên để từng bước đưa Bình Thuận xứng đáng là một trung tâm du lịch quốc gia. Trong các chuyến thăm và làm việc tại Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh luôn đánh giá cao tiềm năng, cơ hội và khẳng định: với những lợi thế rất riêng chắc chắn điểm đến Mũi Né – Bình Thuận sẽ sớm trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển nổi tiếng của Việt Nam cũng như khu vực.
Cùng với hương xuân đang ngấp nghé trên khắp nẻo đường đất nước, du lịch Phan Thiết - Bình Thuận bước vào năm 2013 sẽ tiếp tục khẳng định sức trẻ để vươn đến những tầm cao mới, xứng đáng là một đô thị du lịch trọng điểm quốc gia!
Xuân 2013
Nguyên Vũ