Dạo Chợ chuối cuối năm…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

 Đặc biệt, chợ chỉ bán chuối. Lại là những buồng chuối vẫn còn đọng sương đêm. Trên buồng chuối vẫn còn ứa lớp mủ chuối do vừa được chặt xuống ở một triền đồi nào đó. Người bán chuối đi một chiếc xe máy cũ, kê phía sau một thanh gỗ, rồi xếp trên đó khoảng bốn buồng chuối xanh, dừng xe giữa con đường tấp nập xe cộ qua lại đợi khách. Chợ chuối chẳng nghe giọng mời chào như các chợ khác, người bán chuối cứ ngồi trên xe, ngắm thiên hạ như thể họ đang tạm nghỉ ngơi trước khi đi đến một chỗ nào. Chợ chuối Suối Cát đã hình thành từ rất lâu, và chộn rộn vào những ngày cuối năm.

Dạo Chợ chuối cuối năm… - 1

 Bên cạnh người mua kẻ bán, chợ chuối Suối Cát trở thành một điểm đến đặc sắc cho du khách, muốn ngắm nhìn một cái chợ chỉ xuất hiện vài giờ mỗi ngày.

 Vì thế, cứ gần cuối năm là tôi phóng xe đi thăm chợ chuối, chen cùng người mua bán và chen cùng những người du khách tò mò muốn đi thăm chợ. Gọi là chợ chuối là tự mình đặt ra, chứ ngày xưa, khi những người bán chuối xếp dài ở dọc Quốc Lộ, đoạn nhiều xe cộ qua lại thuộc xã Suối Cát, Cam Lâm, Khánh Hòa thì phải gọi đúng ra là “con đường chuối”. Bởi chuối cứ ở trên các loại xe máy, mỗi xe dăm buồng chuối vẫn còn dấu cắt tươi rói đợi người mua, cứ thế mà họ đứng đợi khách ngay trên đường. Còn vào tháng 12 năm 2014, chợ chuối ấy đã thành “ngã ba chuối” vì anh chị em bán chuối đã di chuyển thêm một đoạn dài, chắn ngay ngã ba cầu mới đường vào thôn Tân Xương để bán chuối. Khu vực bán chuối cũ giờ chỉ còn vựa chuối và những xe tải hối hả chất  những buồng chối lên xe, lót bao bố, bọc giấy báo cẩn thận để làm cuộc hành trình ra Bắc.

Dạo Chợ chuối cuối năm… - 2

   Ngày xưa, chỉ chừng 100 hộ trồng chuối ở trên triền đồi, nay nghe nói số người trồng chuối đã tăng lên nhiều. Việc trồng chuối cũng đã mở rộng thêm cả khu vực dọc theo đường lên Hòn Bà, Suối Tiên và Suối Cát. Vì thế, chợ chuối không ngày nào không có người bán và tất nhiên cũng có người mua.

 8 giờ sáng, cơn mưa rây rây cuối năm ở Nha Trang. Các vựa chuối đã đủ chuối và đang chuẩn bị chở lên xe đi. Còn ngã ba chuối thì vẫn có người bán chuối. Tôi thắc mắc với một chị đang chở chuối trên xe máy là sao không bán chuối cho vựa cho khỏe. Chị cho biết thường thì vựa mua theo số lượng định sẵn, khi đã mua đủ để bỏ mối rồi thì không mua nữa. Thứ hai là những buồng chuối không đạt tiêu chuẩn của vựa, thì đem ra chợ chuối lưu động mà bán. Có chủ rẫy lại thích mang chuối ra chợ vì bán có giá hơn bán cho vựa. Khách mua đa dạng, là người bán buôn ở chợ, người mua về để dành ăn dần, hay một chiếc xe khách dặm đường dừng lại cho khách mua về làm quà.

Dạo Chợ chuối cuối năm… - 3

 Có thể thấy đa phần người bán chuối là nông dân trồng chuối. Chưa thấy chợ chuối nào mà người bán cười vui, cứ trùm áo mưa, ngồi trên xe, chuối cột phía sau xe, ngắm nhìn con đường Quốc Lộ 1A rộn ràng, đợi bán chuối.

 Giá cả chuối cũng tùy theo chất lượng và thời điểm. Chuối được phân loại 1, loại 2. Dao động giá từ 70- 150.000 đồng/ buồng từ 5 đến 6 nải. Đây là loại chuối mốc “sạch” vì gần như không hề có dùng hóa chất, chỉ là bón phân hữu cơ và cây sống nhờ những cơn mưa trời. Vì thế, việc buồng chuối đẹp hay xấu cũng là “ hên xui” của người chủ rẫy. Chuyện ít ai biết là thường các rẫy chuối trồng trên các triền núi, để có chuối bán vào sáng sớm, chủ rẫy phải dậy thật sớm để lên rẫy chặt chuối, rồi gánh chuối men theo con dốc mà đem xuống tận bên dưới đồi. Có những buồng chuối hòa tan trong đó những giọt mồ hôi của chủ vườn.

Dạo Chợ chuối cuối năm… - 4

  Khánh Hòa là vùng đất khá thích hợp cho việc trồng chuối mốc, đây là loại chuối ngoài việc dùng để cúng trong ngày tết, còn có thể dùng để chế biến món ăn như bánh chuối, chè chuối, kẹo chuối, chuối chiên, chuối khô….Nhưng cái thú đi chợ chuối vào những ngày cuối năm thì lại là “đặc sản” ở xã Suối Cát. Chợ tan nhanh sau 10 giờ sáng, ngã ba thôn Tân Xương lại im ắng, như không ai biết rằng có một ngã ba chợ ồn ào buổi sáng.

 Bài và ảnh: TRƯỜNG VIỆT

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT