Cù lao Giêng An Giang: dấu tích xưa còn đó
Trong chuyến độc hành miền Tây bằng xe máy, tôi dành nửa ngày ở An Giang để khám phá cù lao Giêng – vùng đất thanh bình nằm giữa sông Tiền, nơi lưu giữ nhiều công trình kiến trúc xưa cũ, mang đậm dấu ấn thời gian.
Bắt chuyến phà An Hòa từ thành phố Long Xuyên để đi sang huyện Chợ Mới, đón ánh nắng đầu ngày, hưởng gió thổi mát rượi từ mặt sông, trong lòng tôi cảm thấy khoan khoái, vui vẻ, vì được được mải mê ngắm cảnh và thầm quan sát người dân địa phương đi chung chuyến phà. Phà cập bến là đến địa phận của huyện Chợ Mới, bao gồm thị trấn Mỹ Luông làm trung tâm, cùng các xã xung quanh, mà cù lao Giêng là một trong số đó.
Một ngôi nhà trăm tuổi trên cù lao Giêng
Cù lao Giêng xưa kia còn được gọi là cù lao Diên, cù lao Riêng, cù lao Den, cù lao Ven, cù lao Đầu Nước, hay Dinh Châu, Koh Teng (trong tiếng Khmer). Tên gọi "Giêng" ngày nay được nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam diễn giải là do chữ "Doanh" (hay "Dinh" - nơi đóng quân) đọc trại mà ra. Cũng có tài liệu cho rằng cù lao được đặt theo tên của nữ tu sĩ đầu tiên tại đây là sœur Phanxica Vo Thi Gieng (1860-1947).
Cù lao Giêng hiện tại là tên gọi chung gồm 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, thuộc huyện Chợ Mới của tỉnh An Giang. Cù lao Giêng nằm giữa sông Tiền với lịch sử khai phá hơn 300 năm, là nơi được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu thuận lợi, người dân hiền hòa, là vùng đất "địa linh nhân kiệt" mang đậm bản sắc văn hóa miệt vườn và văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người dân vùng sông nước miền Tây Nam bộ.
Cù lao Giêng nằm giữa sông Tiền với lịch sử khai phá hơn 300 năm
Từ trung tâm thị trấn Mỹ Luông, qua cầu Mỹ Luông – Tấn Mỹ, du khách đã thấy tấm bảng lớn chỉ dẫn các địa danh du lịch phổ biến ở cù lao Giêng, cho thấy cù lao được quy hoạch và tổ chức du lịch khá tốt. Trước tiên là nhà thờ Cù Lao Giêng (còn gọi là thánh đường Cù Lao Giêng, thánh đường Đầu Nước) thuộc Giáo phận Long Xuyên được hoàn thành vào năm 1889. Nhà thờ có thiết kế theo kiến trúc Roman trang nhã này là ngôi thánh đường đầu tiên của xứ Nam Kỳ, và cũng là trạm trung chuyển các vật dụng cần thiết cho việc sinh hoạt và truyền đạo bằng ghe đò lên Cao Miên.
Nhà thờ Cù Lao Giêng được thiết kế theo kiến trúc Roman trang nhã
Tôi ghé tu viện Phanxico cách nhà thờ Cù Lao Giêng không xa. Được biết đây là tu viện có tuổi đời đâu đó 150 năm được xây dựng theo kiểu kiến trúc Gothic uy nghiêm mà lãng mạn. Nhìn vết tích rêu phong bám chặt trên các vách tường bên ngoài tu viện, tôi không thể không trầm trồ và thán phục cho một công trình cổ xưa vẫn đang “thi gan cùng tuế nguyệt”.
Tu viện Phanxico cổ kính
Tạm bỏ qua các công trình mang dấu ấn của đạo Thiên Chúa, theo trục đường chính, tôi lần về hai đầu của cù lao để đến thăm những công trình tôn thờ Phật giáo và văn hóa tín ngưỡng tâm linh khác, như Thành Hoa Tự (chùa Ông Đạo Nằm) có tuổi đời chừng 70 năm, chùa Phước Thành (còn gọi là chùa Chim) gốc khai sơn tạo lập vào năm 1872, đình thần Tấn Mỹ đã được sắc phong thần Thành hoàng Bổn cảnh vào năm 1852.
Thành Hoa Tự còn được gọi là chùa Ông Đạo Nằm
Các công trình tôn giáo và tâm linh thực sự rất xuất sắc và in đậm vết tích của thời gian, của lịch sử hào hùng, nhưng điều khiến tôi ấn tượng ở cù lao Giêng lại là những ngôi nhà dân dọc theo trục đường chính, bên dòng kênh xanh mát. Có rất nhiều những ngôi nhà nhỏ bé, xưa cũ, cửa nẻo xộc xệch, mái ngói rêu phong, tường vôi bạc thếch. Nhưng chúng chính là chứng nhân lịch sử, bên cạnh các công trình cổ kính trăm năm kia, đã cùng với người dân địa phương ngày ngày trải qua bao mưa nắng, bao biến cố lịch sử và thăng trầm của cuộc đời.
Nhà dân trên trục đường chính của cù lao Giêng
Về đây cù lao Giêng, thấy quá khứ như thấp thoáng trong từng giây phút!